Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Ho gà ở trẻ sơ sinh là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ có thể sớm nhận biết ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh và các phương pháp điều trị hiệu quả giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Ho gà là căn bệnh rất dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Ho gà là căn bệnh rất dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh và dấu hiệu nhận biết

Ho gà ở trẻ sơ sinh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Đây là căn bệnh rất dễ lây nhiễm sang người khác khi có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc không khí có chứa vi khuẩn gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên theo thống kê thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hai đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

Ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm sưng phổi và tấn công vào các cơ quan khác nằm trong hệ hô hấp gây ra các triệu chứng sau đây:

  • Khi bệnh mới phát triển sẽ có các dấu hiệu khá giống với những bệnh cảm cúm thông thường khiến mẹ khó nhận biết ra bệnh như chảy nước mũi, ho, sốt nhẹ và khó thở. 
  • Sau 2 tuần, các triệu chứng bắt đầu chuyển biến nặng hơn, bé hít thở sâu nghe như tiếng gà gáy, môi và móng có màu xanh do thiếu oxy, tình trạng ho diễn ra thường xuyên, nôn mửa và mệt mỏi sau khi ho. 
  • Cơn ho gà thường xuất hiện một cách liên tục và có tốc độ ngày càng nhanh, tình trạng này diễn ra khá phổ biến vào ban đêm.

Ho gà ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Ho gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh
Ho gà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh

Ho gà là một căn bệnh rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phế quản, viêm phổi, xẹp phổi
  • Thiếu oxy lên não
  • Thoát vị ruột, sa trực tràng
  • Viêm não có nguy cơ tử vong cao

Theo thống kê y khoa, có đến 50% trẻ em sơ sinh dưới 1 tuổi bị mắc bệnh ho gà phải nằm viện để tiến hành điều trị. Trong đó, có khoảng 25% trường hợp bệnh chuyển biến nặng và chuyển biến sang viêm phổi, cứ 100 trẻ lại có 1 trẻ bị tử vong do ho gà.

Vì vậy, ngay khi phát hiện trẻ bị ho gà mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và điều trị. Tránh trường hợp để lâu gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Ho gà là căn bệnh có khả năng lây lan rất cao, vì vậy khi phát hiện trẻ bị bệnh mẹ nên cách ly trẻ, không cho trẻ tiếp xúc với quá nhiều người, hạn chế tình trạng bệnh lây lan sang người khác. Đồng thời, mẹ cũng tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tốt nhất, khi trẻ bị ho gà mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và điều trị phù hợp. Thông thường, nếu phát hiện trẻ bị ho gà bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn kháng sinh để điều trị cho bé nhằm loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh:

  • Erythromycine 30 – 50 mg/kg/24 giờ chia 4 lần uống
  • Prednisolone 1 – 2 mg/kg/ngày
  • Salbutamol 0,2 mg/kg/ngày
Điều trị ho gà ở trẻ bằng thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh
Điều trị ho gà ở trẻ bằng thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh sẽ có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh ho gà, loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh và rút ngắn thời gian điều trị, ngăn ngừa bệnh lây nhiễm sang người khác. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kê đơn kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị triệu chứng co giật của bệnh ho gà như:

  • Phenobarbital
  • Seduxen

Biện pháp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ 

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì khi chăm sóc trẻ mẹ cũng cần phải lưu ý một số điều dưới đây nhằm đẩy nhanh tốc độ lành bệnh ở trẻ:

  • Có các biện pháp giữ ấm cho cơ thể của trẻ, hạn chế để trẻ bị lạnh đột ngột.
  • Mẹ nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh ho gà.
  • Phòng của trẻ phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng khí tránh tình trạng khói bụi tích tụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc là và khói bếp sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Cho bé uống đủ nước mỗi ngày, mẹ cũng nên cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn nhằm tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cho quá trình phục hồi bệnh.
  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và vệ sinh răng miệng, mũi họng trước khi chăm trẻ, cho trẻ bú hoặc là nấu ăn cho trẻ để tránh tình trạng vi khuẩn lây nhiễm và gây bệnh.
  • Xây dựng cho bé chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường sức để kháng của trẻ. Nên cho trẻ ăn những món ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp,…
  • Thực hiện tiêm chủng vacxin phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ một cách đầy đủ và theo đúng độ tuổi quy định nhằm phòng bệnh ho gà một cách tốt nhất.
Tiêm chủng vacxin phòng ngừa ho gà cho trẻ
Tiêm chủng vacxin phòng ngừa ho gà cho trẻ

Trên đây là một số thông tin về bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh mẹ có thể tham khảo để bổ sung thêm kiến thức trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Hy vọng, chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc sớm nhận biết ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để lâu gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 03/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *