Bệnh ho gà là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh ho gà là một dạng bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh là sốt nhẹ hoặc không sốt, cơ thể mệt mỏi, có viêm long đường hô hấp trên, chán ăn và ho. Nếu không sớm phát hiện và áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp, cơn ho sẽ ngày càng nghiêm trọng trở thành cơn ho kịch phát và kéo dài. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh ho gà, triệu chứng và cách điều trị.

Bệnh ho gà là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Tìm hiểu Bệnh ho gà là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa

Tìm hiểu bệnh ho gà là gì?

Bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra ở đường hô hấp. Bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác thông qua vùng mũi và miệng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh là sốt nhẹ hoặc không sốt, cơ thể mệt mỏi, có viêm long đường hô hấp trên, chán ăn và ho.

Nếu không có biện pháp can thiệp, cơn ho sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời trở thành cơn ho kịch phát trong vòng 1 – 2 tuần và kéo dài trong khoảng từ 1 – 2 tháng hoặc có thể lâu hơn. Cuối mỗi cơn ho, vùng niêm mạc họng thường chảy ra nhiều đờm dải trong suốt. Sau đó người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn mửa.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ho gà

Bệnh ho gà hình thành và phát triển khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn ho gà. Loại vi khuẩn này có tên khoa học là Bordetella pertussis.

Nguồn truyền nhiễm

  • Ổ chứa: Vật chủ duy nhất là người. Chính vì thế, bệnh nhân là nguồn truyền bệnh. Không có nguồn lây truyền ở người bệnh trong thời kỳ lại sức và ở người lành mang trùng.
  • Thời gian ủ bệnh: Thông thường, thời gian ủ bệnh ở một bệnh nhân là từ 7 – 20 ngày.
  • Thời kỳ lây truyền: Thời kỳ đầu viêm long là thời kỳ mà bệnh ho gà lây truyền mạnh mẽ nhất. Lâu ngày tính lây truyền sẽ giảm dần. Sau 3 tuần mắc bệnh, tính lây truyền sẽ mất đi. Tuy nhiên trong thời gian này, cơn ho vẫn còn xuất hiện rất dai dẳng. Trong trường hợp điều trị kháng sinh có hiệu lực, bệnh thuyên giảm, thời gian lây truyền bệnh sẽ được rút ngắn. Thông thường thời gian lây truyền của bệnh sẽ rút ngắn trong khoảng 5 ngày.

Phương thức lây truyền

Bệnh ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp thông qua miệng, mũi (đường hô hấp). Đặc biệt là khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, những dịch tiết từ niêm mạc mũi họng sẽ thoát ra ngoài và bám trên cơ thể của người khỏe mạnh. Ngay sau khi bị phơi nhiễm với dịch tiết ra từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân (nước miếng), tính lây truyền sẽ rất cao. Đặc biệt là đối với những người khỏe mạnh sinh hoạt với người bệnh ở cùng một không gian khép kín trong một thời gian dài. Cụ thể như trường học và hộ gia đình. Trong cùng một gia đình, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sẽ có tỉ lệ mắc bệnh từ 90 – 100%.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ho gà

Bệnh ho gà xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên theo thống kê có hơn 90% số trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 1 tuổi chưa áp dụng biện pháp tiêm phòng hoặc trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi phòng bệnh cơ bản. Nếu xuất hiện ở trẻ có độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng và nguy cơ xuất hiện biến chứng càng cao.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ho gà
Bệnh ho gà hình thành và phát triển khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn ho gà – Bordetella pertussis

Biểu hiện của bệnh ho gà

Bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn ứng với từng biểu hiện như sau:

Thời kỳ ủ bệnh

Từ 6 – 20 ngày là thời kỳ ủ bệnh (trung bình khoảng từ 9 – 10 ngày): Ở thời kỳ này cơ thể của bệnh nhân không có triệu chứng.

Giai đoạn viêm long đường hô hấp

Giai đoạn viêm long đường hô hấp xuất hiện và kéo dài khoảng từ 1 – 2 tuần. Ở giai đoạn này những triệu chứng của bệnh xuất hiện tương tự như triệu chứng của các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên. Bao gồm: Chảy nước mũi, sốt nhẹ, hắt hơi, ho húng hắng. Ở cuối giai đoạn triệu chứng ho sẽ xuất hiện thành từng cơn và trở nên nặng hơn.

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát xuất hiện và kéo dài từ 1 – 6 tuần. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt khác, bệnh có thể xuất hiện và kéo dài dai dẳng lên đến 10 tuần hoặc hơn. Khi đó bệnh sẽ xuất hiện với cơn ho điển hình như:

  • Ho: Ho thành từng cơn, ho rũ rượi, mỗi cơn ho xuất hiện sẽ kéo dài liên tiếp từ 15 đến 20 tiếng, càng về lâu càng giảm dần và càng yếu. Khi cơn ho xuất hiện dai dẳng, cơ thể của người bệnh sẽ trở nên yếu dần, đặc biệt là trẻ em. Cụ thể như mặt tím tái, ngưng thở do thiếu oxy, mặt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, tĩnh mạch cổ nổi.
  • Thở rít vào: Xen kẽ sau mỗi tiếng ho hoặc cuối mỗi cơn ho, tình trạng thở rít sẽ xuất hiện. Tiếng thở rít xuất hiện nghe như tiếng gà. Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, trong cơn ho có thể sẽ không thấy tiếng thở rít.
  • Người bệnh sẽ kết thúc cơn ho bằng việc khạc ra lượng đờm trắng, màu trong và dính. Đây cũng là một trong những nguồn lây bệnh vì bên trong đờm tồn tại vi khuẩn ho gà.
  • Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn khởi phát, tần xuất xuất hiện cơn ho là khoảng 15 lần/ngày. Sau đó tần suất xuất hiện các cơn ho sẽ giảm dần. Nếu như không được điều trị, cơn ho có thể sẽ kéo dài trên 3 tuần.
  • Sau mỗi cơn ho, bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn nôn, sau đó là nôn ói, thở nhanh, cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra cơ thể của người bệnh có thể xuất hiện kèm theo một số triệu chứng khó chịu khác. Gồm: Có cảm giác vùng mặt và vùng mí rất nặng, sốt nhẹ.

Giai đoạn phục hồi

Cơn ho vẫn xuất hiện nhưng ngày càng ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên cơn ho có thể tái phát sau nhiều tháng dẫn đến viêm phổi.

Biểu hiện của bệnh ho gà nêu trên là biểu hiện nặng và thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện của bệnh ho gà ở trẻ vị thành niên và người lớn thường nhẹ, không có triệu chứng hoặc rất ít khi gặp cơn ho điển hình. Bên cạnh đó, bệnh thường khỏi sau 7 ngày.

Biểu hiện của bệnh ho gà
Biểu hiện của bệnh ho gà

Biến chứng của bệnh ho gà

Biến chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện ở trẻ em. Những biến chứng này khá nặng nề và nguy hiểm.

Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng sau:

  • Ngưng thở và ho kéo dài là biến chứng xuất hiện phổ biến nhất ở bệnh nhân bị ho gà. Biến chứng này có khả năng gây tử vong. đặc biệt là ở trẻ em dưới 1 tuổi.
  • Tình trạng bội nhiễm dẫn đến viêm phế quản phổi và viêm phế quản.
  • Tình trạng ho nhiều và ho dai dẳng có thể khiến người bệnh bị thoát vị ruột, lồng ruột, sa trực tràng.
  • Đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với tình trạng vỡ phế nang, tràn khí màng phổi hoặc tràn khí trung thất.
  • Bệnh nhân mắc bệnh ho gà có khả năng đối mặt với biến chứng viêm não. Đây là một trong những biến chứng nặng nhất và nguy hiểm nhất của bệnh. Bởi biến chứng này có khả năng để lại di chứng hoặc làm tăng nguy cơ tử vong lên mức cao. Tuy nhiên biến chứng viêm não chỉ chiếm tỉ lệ 0,1%.

Cách điều trị bệnh ho gà

Phương pháp điều trị bệnh ho gà bao gồm:

Điều trị nguyên nhân

Để khắc phục bênh ho gà, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân gây bệnh. Trước khi cơn ho xuất hiện, bác sĩ sẽ kê cho bạn một đơn thuốc chứa những loại thuốc kháng sinh. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, việc phát hiện sớm bệnh lý và điều trị ngay khi dấu hiệu dầu tiên xuất hiện là điều vô cùng quan trọng.

Điều trị triệu chứng

Ở một số trường hợp nặng, trẻ em bị ho gà có khả năng đối mặt với tình trạng co giật. Để phòng ngừa cũng như khắc phục tình trạng này, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê cho bệnh nhân một đơn thuốc có chứa những loại thuốc chống co giật. Cụ thể như: Seduxen, Phenobarbital…

Cách điều trị bệnh ho gà
Điều trị triệu chứng là một trong những cách chữa bệnh ho gà cần sớm áp dụng

Kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

Bên cạnh những phương pháp điều trị bệnh do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn, để cải thiện tốt bệnh lý, rút ngắn thời gian chữa bệnh, người bệnh cần kết hợp một chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt là đối với trẻ em.

Khi ho nhiều trẻ có thể sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn ói. Sau khi trẻ nôn, ba mẹ có thể cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh. Đồng thời phòng ngừa sự xuất hiện của những biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng tránh bệnh ho gà

Để phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh ho gà, bệnh nhân và người khỏe mạnh cần áp dụng một số biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

  • Bệnh nhân bị ho gà cần được sớm chẩn đoán và điều trị đúng cách để tránh lây lan sang cộng đồng. Đặc biệt là lây bệnh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Một trong những phương pháp phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin đầy đủ dựa trên lịch tiêm chủng. Phương pháp này có thể giúp người khỏe mạnh phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh lên đến 90%.
  • Khi nhận thấy người nhà có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em, ba mẹ và người thân trong gia đình cần chủ động cách ly. Ba mẹ tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc, chơi với những trẻ khác. Nhất là những trẻ chưa áp dụng biện pháp tiêm phòng.
  • Nếu trong gia đình có thành viên bị ho gà, bệnh nhân cần được cách ly và nhanh chóng áp dụng phương pháp điều trị thích hợp. Điều này sẽ giúp những thành viên khác tránh bị lây nhiễm.
  • Nếu buộc phải tiếp xúc với người bệnh, người khỏe mạnh cần mang khẩu trang y tế, vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng như tiếp xúc với chất tiết và những dụng cụ cá nhân của người bệnh.
  • Cần khám bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để quá trình phòng bệnh hoặc điều trị bệnh đạt hiệu quả nhất.
Cách phòng tránh bệnh ho gà
Một trong những phương pháp phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin đầy đủ dựa trên lịch tiêm chủng

Tóm lại bệnh ho gà là một bệnh lý tương đối nguy hiểm. Bởi bệnh mang những triệu chứng nặng nề và có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Chính vì thế, những người khỏe mạnh, đặc biệt là bậc cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức quan trọng và cần thiết nêu trên. Điều này sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện bệnh, áp dụng những phương pháp chăm sóc và điều trị thích hợp. Từ đó tránh khỏi những hậu quả không đáng có.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *