Bệnh Nấm Móng Tay, Chân: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Dứt Điểm

Bệnh nấm móng tay, móng chân là tình trạng nhiễm trùng móng do nấm men (chủ yếu là nấm sợi tơ và nấm hạt men). Triệu chứng cơ bản của bệnh là hiện tượng móng dày sừng, đổi màu, ngứa ngáy, viêm đỏ và đau rát. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe tổng thể nhưng nấm móng thường có tiến triển dai dẳng, khó điều trị và dễ tái phát.

bệnh nấm móng tay chân
Bệnh nấm móng tay, móng chân là gì?

Bệnh nấm móng tay, móng chân là gì?

Nấm móng (Onychomycosis) là một dạng nhiễm trùng móng do nấm men. Vi nấm thường xâm nhập ở bờ bên hoặc bờ tự do, sau đó di chuyển và gây hư hại mầm móng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cả móng tay và móng chân. Theo thống kê, nấm móng chiếm khoảng 30% trường hợp nhiễm nấm nông.

Bệnh thường xuất hiện ở những người làm công việc phải tiếp xúc với nước thường xuyên như nhân viên pha chế, nội trợ, đầu bếp, tạp vụ, nông dân, thợ cắt tóc, nhân viên làm nails,… Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng bệnh lý này tác động không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.

Trong các dạng nhiễm trùng do nấm, nấm móng được xem là loại khó điều trị, dai dẳng và dễ tái nhiễm nhất. Đối với những trường hợp tái phát quá nhiều lần, nên cân nhắc thay đổi công việc nếu có thể.

Nguyên nhân gây nấm móng

Nấm móng xảy ra do sự xâm nhập và phát triển quá mức của nấm men. Tuy nhiên vi nấm chỉ bùng phát khi có một số một số điều kiện thuận lợi.

1. Nguyên nhân trực tiếp

Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh nấm móng tay và móng chân là do nấm men. Hiện nay, bệnh chủ yếu khởi phát do 3 nhóm nấm chính, bao gồm:

  • Nấm sợi tơ (Dermatophytes): Nấm sợi tơ là nhóm nấm phổ biến nhất gây ra bệnh nấm móng và các dạng nhiễm trùng do nấm khác như nấm bẹn, nấm âm đạo,… Các loại nấm sợi tơ thường gây nhiễm trùng móng bao gồm Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton.
  • Nấm mốc: Thường là Hendersonula, Seopulariopsis,…
  • Nấm hạt men: Chủ yếu là nấm Candida.

2. Yếu tố thuận lợi

Các loại vi nấm chỉ phát triển mạnh và gây tổn thương móng khi có các điều kiện thuận lợi như:

hình ảnh nấm móng tay
Tiếp xúc với nước thường xuyên là yếu tố thuận lợi khiến vi nấm phát triển mạnh và gây tổn thương da
  • Tiếp xúc thường xuyên với nước
  • Thói quen mang giày bít khiến vùng da ẩm ướt và bốc mùi khó chịu
  • Vệ sinh cơ thể kém
  • Giũa móng không đúng cách khiến đầu móng tưa, tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập và gây nhiễm trùng
  • Gắn móng giả trong thời gian dài khiến móng bị thoái hóa, hư tổn và giảm khả năng đề kháng
  • Cắt móng tay quá sâu
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân (đồ cắt móng tay, dũa mài, tất, khăn tắm,…) với người bị nấm móng

Triệu chứng của bệnh nấm móng tay và móng chân

Bệnh nấm móng tay và nấm chân thường ảnh hưởng cùng lúc nhiều móng. Các triệu chứng cơ bản của bệnh, bao gồm:

  • Bề mặt móng xuất hiện lằn dọc/ ngang, phủ lớp vảy mịn như cám, móng sần sùi và lốm đốm.
  • Sau một thời gian, móng chuyển sang màu trắng đục, hơi ngả vàng hoặc chuyển sang màu nâu đen.
  • Niêm mạc dưới móng bị tổn thương, dày sừng khiến móng bị bong tróc
  • Một số móng bốc mùi hôi khó chịu
  • Vùng móng tay, móng chân bị sưng đỏ, đau, ngứa và đôi khi có hiện tượng ứ mủ.
  • Triệu chứng của bệnh có thể lan rộng khi gặp điều kiện thuận lợi như vùng da tay, da chân thường xuyên ẩm ướt, vệ sinh kém,…

Tổn thương móng do nấm men chủ yếu có 3 hình thái chính:

biểu hiện nấm móng tay
Móng dày sừng là một trong ba biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của bệnh nấm móng tay/ chân
  • Móng dày sừng: Niêm mạc dưới da dày sừng, mủn khiến móng dày lên trông thấy và thường có trắng ngả vàng
  • Móng teo: Móng bị ăn mòn, mủn và để lộ lớp da, niêm mạc bên dưới
  • Móng bình thường: Các móng không nhiễm nấm thường có màu trắng hoặc màu vàng

Ngoài ra, tổn thương lâm sàng còn có sự khác biệt do chủng nấm men gây bệnh.

  • Nấm móng do nấm sợi tơ (dermatophyte) thường gây triệu chứng ở phần trên và phần dưới cùng của móng. Nấm sợi tơ thường gây loạn dưỡng móng (móng bị tách làm đôi hoặc làm 3, 4, bề mặt sần sùi,…)
  • Nấm Candida chủ yếu gây nhiễm trùng ở móng tay, hiếm khi xảy ra ở móng chân. Loại nấm này thường gây viêm ở vùng quanh móng hoặc phần gốc dưới móng.

Hình ảnh của bệnh nấm móng tay, móng chân

hình ảnh của bệnh nấm móng tay
Khi mới hình thành, vi nấm thường gây đổi màu móng (chuyển sang màu vàng nhạt hoặc nâu đen)
hình ảnh bệnh nấm móng tay
Sau một thời gian, vi nấm có thể gây viêm và tổn thương ở những vùng da xung quanh móng
hình ảnh bị nấm móng chân
Cuối cùng, vi nấm ăn mòn keratin trong cấu trúc móng khiến móng tổn thương và hư hại nghiêm trọng

Nấm móng có lây không? Nguy hiểm không?

Nấm móng là bệnh lý có nguy cơ lây nhiễm cao. Loại nấm men gây bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với da, móng của người nhiễm bệnh hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng như dụng cụ cắt móng tay, vớ, giày, khăn tắm, đắp chung chăn,… Ngoài nguy cơ lây nhiễm cho người khác, nấm men gây nhiễm trùng móng có thể cư trú ở các vật dụng cá nhân và tái nhiễm sau khi điều trị.

Mặc dù gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống nhưng nấm móng hiếm khi đe dọa đến sức khỏe tổng thể. Nếu tích cực chăm sóc và điều trị tốt, bệnh có thể thuyên giảm sau 3 – 6 tháng. Tuy nhiên với những trường hợp đáp ứng kém, thời gian điều trị có thể kéo dài đến hơn 12 tháng.

bệnh nấm móng tay có lây không
Bệnh nấm móng tay, chân có lây không?

Dù không phát sinh các biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh lý này có thể gây ra các ảnh hưởng như:

  • Gây ngứa ngáy kéo dài, làm giảm hiệu suất làm việc, học tập và chất lượng giấc ngủ
  • Móng hư hại, đổi màu và có mùi hôi, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình
  • Triệu chứng dai dẳng tác động xấu đến tâm lý và chất lượng cuộc sống
  • Nấm móng tiến triển nặng có thể gây mất móng và tăng nguy cơ nhiễm trùng

Chẩn đoán bệnh nấm móng

Bệnh nấm móng có triệu chứng tương tự như vảy nến móng tay và bệnh chàm móng. Vì vậy trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán như:

  • Thăm khám triệu chứng lâm sàng
  • Soi trực tiếp móng để tìm sự hiện diện của vi nấm
  • Sinh thiết da, móng và nuôi cấy bệnh phẩm trong môi trường đặc biệt

Các phương pháp điều trị nấm móng tay và móng chân

Nấm móng là một trong những dạng nhiễm trùng nấm dai dẳng, khó điều trị và dễ tái nhiễm. Vì vậy sau khi chẩn đoán, cần điều trị sớm và tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

1. Sử dụng thuốc bôi

Thuốc bôi được là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh nấm móng. Các loại thuốc được sử dụng thường có tác dụng kháng nấm, giảm dày sừng và sát trùng.

hình ảnh bị nấm móng chân
Thuốc bôi dùng trong điều trị nấm móng thường có tác dụng giảm dày sừng, ngứa ngáy và ức chế vi nấm

Một số loại thuốc bôi được chỉ định trong điều trị nấm móng tay và móng chân, bao gồm:

  • Dung dịch sát trùng: Dung dịch sát trùng như Castellani thường được sử dụng để giảm viêm, ngứa ngáy, khử trùng ở móng và vùng da xung quanh. Sử dụng thuốc còn giúp hạn chế và phòng ngừa lây nhiễm nấm sang các móng lân cận.
  • Salicylic acid 5%: Thuốc có tác dụng bạt sừng, làm giảm tình trạng dày sừng ở móng và niêm mạc. Loại thuốc này được sử dụng nhằm hỗ trợ giảm số lượng nấm và tăng tác dụng của thuốc kháng nấm dạng bôi.
  • Thuốc kháng nấm: Thuốc kháng nấm có tác dụng kìm hãm và ức chế sự phát triển của nấm men. Các nhóm thuốc thường được sử dụng, bao gồm nhóm azole, nhóm polyenes, nhóm allylamine,… Trước khi dùng thuốc, cần cạo sạch tổn thương ở móng, hong khô, sau đó thoa thuốc lên móng và vùng da xung quanh từ 2 – 3 lần trong ít nhất 90 ngày.

2. Dùng thuốc uống khi cần thiết

Trên thực tế, các loại thuốc bôi hầu như không đem lại hiệu quả rõ rệt đối với bệnh nấm móng. Vì vậy hiện nay, điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc đường uống. Tuy nhiên, thuốc kháng nấm đường uống không được dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, người bị viêm gan cấp, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm dựa trên 3 tiêu chuẩn chính: Tác dụng lâm sàng, dược động lực của thuốc và phổ kháng nấm. Các loại thuốc kháng nấm thường được sử dụng hiện nay, bao gồm:

hình ảnh bị nấm móng chân
Hiện nay, điều trị nấm móng tay, móng chân chủ yếu là sử dụng thuốc kháng nấm dạng uống
  • Griseofulvine: Loại thuốc này chỉ có tác dụng đối với nấm sợi tơ và thường được chỉ định từ 6 – 12 tháng. Liều dùng khoảng 0.5 – 1g/ ngày.
  • Fluconazole: Fluconazole và các loại kháng sinh chống nấm nhóm azol như Clotrimazole, Ketoconazole, Itraconazole,… đều có hiệu lực đối với 2 nhóm nấm (nấm sợi tơ và nấm hạt men). Thuốc Fluconazole được dùng trong 6 – 12 tháng với liều 150 – 400mg/ ngày.
  • Terbinafine: Chỉ định sử dụng trong 6 – 12 tuần với liều 250mg/ ngày.
  • Itraconazole: Thuốc Itraconazole được sử dụng liên tục trong 6 – 12 tuần với liều 200mg/ ngày. Tuy nhiên nếu dùng từng đợt (2 – 3 tháng), liều dùng thường là 400mg/ ngày trong tuần đầu của mỗi tháng.

Nếu nấm da gây ngứa nhiều, viêm sưng và có nhiễm trùng thứ phát, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng viêm: Nhóm thuốc kháng viêm thường được sử dụng chủ yếu là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID có tác dụng chống viêm và giảm cơn đau nhức. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng NSAID cho người có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày tiến triển, rối loạn chảy máu,…
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được sử dụng để giảm ngứa ngáy do nấm móng gây ra. Nhóm thuốc này tương đối an toàn nhưng có thể gây buồn ngủ và thiếu tập trung trong thời gian sử dụng.
  • Kháng sinh: Kháng sinh được dùng khi xuất hiện nhiễm khuẩn thứ phát. Biến chứng này thường xảy ra khi móng bị ăn mòn hoàn toàn khiến niêm mạc và vùng da bên dưới lộ hẳn ra bên ngoài.

Sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành soi tươi móng kết hợp với nuôi cấy bệnh phẩm để xác định còn sự hiện diện của nấm hay không kết hợp với đánh giá lâm sàng (móng mọc lại hoàn toàn chưa, tình trạng viêm, loạn dưỡng móng, ngứa ngáy,…). Nếu vẫn còn sự hiện diện của nấm, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ dự phòng.

3. Can thiệp thủ thuật xâm lấn

Trong trường hợp điều trị chậm trễ, nấm móng có thể tiến triển và gây tổn thương móng nặng nề. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định các thủ thuật xâm lấn như:

  • Loại bỏ móng tay kết hợp với điều trị bằng thuốc để ức chế hoàn toàn vi nấm. Sau khoảng 1 – 2 năm, móng tay mới sẽ phát triển và mọc lại như bình thường.
  • Điều trị bằng quang động hoặc laser
  • Đối với những trường hợp mọc móng mới nhưng có hiện tượng xù xì, lỗ chỗ, có thể sử dụng axit để cải thiện bề mặt móng

Chăm sóc và phòng ngừa nấm móng tái phát

Các loại vi nấm gây nhiễm trùng móng có thể phát triển mạnh và làm phát sinh tình trạng tái phát. Vì vậy bên cạnh phương pháp y tế, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh như:

hình ảnh của bệnh nấm móng tay
Vệ sinh tay và chân thường xuyên giúp hạn chế hoạt động vi nấm và ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm
  • Thường xuyên vệ sinh bàn tay và bàn chân với xà phòng diệt khuẩn, sau đó lau khô bằng khăn sạch và tránh tiếp xúc với nước.
  • Đeo găng tay cao su trước khi tiếp xúc với nước, hóa chất, nước rửa chén,…
  • Hạn chế tiếp xúc với nước trong thời gian dài
  • Không sử dụng chung khăn tắm, vớ và giày với người khác.
  • Vô trùng dụng cụ cắt tỉa móng với cồn trước khi sử dụng.
  • Ưu tiên các loại giày và vớ có chất liệu mềm, mỏng và thấm hút. Đồng thời cần giặt vớ và giày thường xuyên để hạn chế nấm men trú ngụ và phát triển mạnh.
  • Giữ móng tay, móng chân sạch sẽ và hạn chế để móng quá dài. Tránh sơn móng và sử dụng móng giả trong thời gian điều trị.
  • Với những người có tuyến mồ hôi chân hoạt động quá mức, nên sử dụng bột talc để hút ẩm và giảm sự sinh sôi của nấm men.
  • Sau khi điều trị, nên giặt giũ mền, drap giường, khăn tắm giày, vớ, sau đó đem phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt nấm men và hạn chế nguy cơ tái nhiễm.

Mặc dù nấm móng tay và móng chân không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu không chủ động điều trị, bệnh có thể phát triển theo chiều hướng xấu, gây đau đớn, ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và tâm lý. Vì vậy ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm: Cách chữa nấm móng bằng tỏi hiệu quả dễ thực hiện tại nhà

Ngày Cập nhật 14/09/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *