Bệnh ngứa ngoài da: Nguyên nhân, và cách điều trị dứt điểm

Bệnh ngứa ngoài da có thể được gây bởi yếu nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm da khô do thời tiết thay đổi, bệnh vẩy nến hoặc chàm,… Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa mà người bệnh có thể lựa chọn tự chăm sóc tại nhà hoặc điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh ngứa ngoài da
Bệnh ngứa ngoài da có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác, nam hay nữ

Nguyên nhân gây bệnh ngứa ngoài da

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa, bao gồm cả bệnh lý và yếu tố sinh học. Bệnh xuất hiện có thể là do thời tiết thay đổi khiến da khô gây ngứa hoặc côn trùng cắn. Bên cạnh đó, ngứa ngoài da cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc suy thận gây nên. 

Dưới đây là nguyên nhân gây ngứa ngoài da cùng với triệu chứng nhận biết kèm theo, người bệnh có thể tham khảo:

  • Bệnh chàm: Là một trong những bệnh lý viêm da cơ địa do mẫm cảm với các yếu tố kích ứng da. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện nổi hồng ban, mụn nước trên da. Ngoài các triệu chứng này ra, bệnh còn gây ngứa rát và khó chịu ngay tại vị trí da bị tổn thương khiến trẻ quấy khóc.
  • Bệnh viêm da: Bệnh thường xuất hiện với biểu hiện tổn thương da như nổi mẩn đỏ, bong tróc hoặc đau nhức. Bên cạnh các triệu chứng này, viêm da còn gây ngứa ngáy trên da. Đặc biệt, tình trạng ngứa thường xảy ra về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ thường xuyên, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Bệnh vẩy nến: Bệnh tự miễn mãn tính, rất dễ tái phát với triệu chứng nhận biết điển hình như đỏ da, xuất hiện các mảng bám, bong tróc da kèm theo tình trạng ngứa ngáy
  • Viêm da tiếp xúc: Triệu chứng bệnh thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Một số biểu hiện nhận biết đặc trưng của bệnh như ngứa ngoài da, nổi sần, nổi phát ban, đóng vảy trên da
  • Bệnh thủy đậu: Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Là bệnh lây nhiễm nên thủy đậu cần điều trị ngay lập tức sau khi phát hiện triệu chứng bệnh. Một số biểu hiện nhận biết bệnh thủy đậu như ngứa, đau nhức cơ thể, nổi mụn nước,…
Bệnh ngứa ngoài da
Nguyên nhân gây ngứa ngoài da có thể là do bệnh thủy đậu
  • Bệnh gan: Theo các chuyên gia, gan hoạt động giúp thanh lọc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi chức năng gan có dấu hiệu suy giảm, khả năng loại bỏ và giải độc kém dần dẫn đến hiện tượng chất độc tích tụ trên da gây ra các triệu chứng như ngứa ngoài da, chướng bụng, giảm cân, chảy máu hoặc da dễ bầm tím,…
  • Bệnh thận: Tương tư như gan, thận cũng là cơ quan nội tạng có chức năng thanh lọc và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Thế nhưng, một khi chức năng thận suy giảm sẽ gây nên hiện tượng ngứa ngoài da kèm theo một vài biểu hiện đặc trưng khác.
  • Do dị ứng: Ngứa ngoài da xảy ra cũng có thể là do người bệnh dị ứng với chất kích thích như xà phòng, hóa chất, thuốc nhuộm. Ngoài ra, ngứa xuất hiện cũng có thể là do dị ứng thực phẩm hoặc phấn hóa gây nên
  • Rối loạn nội bộ: Một số bệnh nội bộ như bệnh bạch cầu, tắc nghẽn ống mật, bệnh tuyến giáp hoặc ung thư hạch,… cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa ngoài da
  • Rối loạn thần kinh: Một số bệnh gây ảnh hưởng đến thần kinh có thể gây ngứa ngoài da như bệnh tiểu đường hoặc bệnh xơ cứng,…
  • Thuốc: Ngứa xảy ra cũng có thể là do sử dụng thuốc. Một số loại thuốc gây phát ban và ngứa ngoài da như thuốc chống co giật, thuốc chống nấm, thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau gây nghiện,…

Ngoài các nguyên nhân này ra, ngứa ngoài da có thể là do:

  • Mắc bệnh sởi
  • Nhiễm ký sinh trùng như giun kim, giun sán,…
  • Thai kỳ
  • Hội chứng chân không yên
  • Thiếu máu
  • Stress, tâm thần phân liệt
  • Bệnh giời leo
  • Bị ghẻ hoặc chấy rận
Bệnh ngứa ngoài da
Ngứa ngoài da cũng có thể là do ghẻ hoặc ve, rận gây nên

Triệu chứng bệnh ngứa ngoài da

Ngứa ngoài da có thể xuất hiện ở vùng nhỏ nhất định như cánh tay, chân nhưng cũng có thể xảy ra trên toàn cơ thể. Ngứa đơn thuần có thể xảy ra không kèm bất kỳ triệu chứng nào nhưng đôi khi chúng xuất hiện chung với các biểu hiện sau:

  • Da khô kèm theo sự xuất hiện của các đốm hoặc mụn nước
  • Da sần sùi, bong tróc vảy

Khi nào bệnh nhân cần thăm khám

Người bệnh nên nhanh chóng gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ nội khoa để kiểm tra nếu triệu chứng ngứa kèm theo các điều kiện sau:

  • Triệu chứng bệnh kéo dài hơn hai tuần và không có biểu hiện thuyên giảm mặc dù bệnh nhân đã áp dụng các biện pháp tự chắm sóc tại nhà
  • Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, gây mất tập trung hoặc mất ngủ
  • Ngứa xuất hiện đột ngột, không rõ nguyên nhân
  • Triệu chứng bệnh tác động và diễn ra toàn cơ thể
  • Ngứa đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, đỏ da, sụt cân, thay đổi thói quen đại tiện hoặc cơ thể cảm thấy mệt mỏi cực độ,…

Chẩn đoán bệnh ngứa ngoài da

Để có được kết quả chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ngứa, ngoài kiểm tra da và đặt một vài câu hỏi, nhân viên y tế sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các thủ thuật sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc kiểm tra máu sẽ giúp xác định nguyên nhân gây ngứa là do yếu tố bên trong cơ thể như thiếu sắt hoặc tiểu đường,…
  • Chụp X – quang ngực: Giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ngứa da là do hạch bạch huyết mở rộng  
  • Xét nghiệm chức năng gan, thận và tuyến giáp: Rối loạn gan, thận hoặc có bất thường về tuyến giáp như cường giáp có thể gây ngứa da
Bệnh ngứa ngoài da
Chẩn đoán ngứa ngoài da bằng xét nghiệm máu

Điều trị bệnh ngứa ngoài da

Khi bị ngứa ngoài da, điều đầu tiên người bệnh cần làm là xác định chính xác tác nhân gây bệnh. Nếu ngứa đơn thuần là do dị ứng lông động vật, khói bụi,… bệnh nhân chỉ cần tránh xa chúng và áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm ngứa. Tuy nhiên, trong trường hợp ngứa do bệnh lý, người bệnh nên thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Chữa ngứa ngoài da bằng thuốc

Thông thường, để kiểm soát triệu chứng ngứa ở bệnh nhân, bác sĩ thường kê các đơn thuốc sau đây:

  • Kem corticosteroid: Thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng sưng và ngứa ở da. Đồng thời giúp giảm viêm và cung cấp độ ẩm, làm mát da. Để thuốc hấp thụ tốt qua da, trước khi thoa bệnh nhân nên vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ và sau khi thoa nên che lại bằng vải cotton. Kem corticosteroid có tác dụng giảm ngứa và giảm viêm nhưng thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ đối với sức khỏe nếu sử dụng quá liều. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Thuốc mỡ hoặc thuốc gây tê tại chỗ: Bao gồm thuốc tacrolimus (Protopic), calcineurin, pimecrolimus (Elidel) hoặc capsaicin và doxepin. Các loại thuốc này có tác dụng giảm viêm và cải thiện triệu chứng ngứa ở da
  • Thuốc kháng histamine: Trong một số trường hợp dị ứng, nhân viên y tế sẽ kê đơn thuốc kháng histamin cho bệnh nhân sử dụng nhằm giảm phản ứng kích thích gây ngứa trên da. Tuy nhiên, thuốc gây tác dụng phụ buồn ngủ. Vì vậy, bệnh nhân không nên sử dụng khi đang lái hoặc thực hiện các hoạt động cần sự tập trung.
  • Thuốc chống trầm cảm: Theo một số nguồn tin y tế, thuốc chống trầm cảm như và sertraline (Zoloft) và fluoxetine (Prozac) có tác dụng giảm ngứa. Bởi chúng giúp giải phóng serotonin giúp làm thư giãn các thụ thể trong cơ thể, từ đó giảm cảm giác ngứa. Thông thường, các loại thuốc chống trầm cảm này thường sử dụng trong trường hợp ngứa mãn tính.
  • Sử dụng quang trị liệu: Liệu pháp ánh sáng thường được chỉ định trong trường hợp ngứa nghiêm trọng do các bệnh lý da liễu gây nên. Tùy thuộc vào mức độ cũng như bệnh lý gây ngứa, nhân viên y tế sẽ chỉ định bước sóng ánh sáng và liều lượng điều trị phù hợp ở mỗi người
Bệnh ngứa ngoài da
Giảm ngứa ngoài da bằng thuốc mỡ

Trị ngứa ngoài da bằng liệu pháp tại nhà

Trong quá trình sử dụng thuốc để điều trị bệnh, người bệnh có thể kết hợp thêm các biện pháp chữa trị tại nhà sau đây để kiểm soát cơn ngứa.

  • Tắm nước ấm: Nhiệt độ ấm sẽ giúp kích thích mạch máu lưu thông, giảm giảm cảm giác ngứa ngáy râm ran ở da. Bên cạnh đó, hơi nước ấm còn giúp cung cấp độ ẩm cho da, cải thiện tình trạng khô da. Từ đó hạn chế tình trạng bị kích ứng và gây ngứa. Tuy nhiên, trong quá trình tắm, bệnh nhân không nên tắm quá lâu. Thời gian tắm với nước ấm tối thiểu từ 5 – 10 phút. Đặc biệt, trong quá trình tắm không nên chà xát mạnh.
  • Chườm lạnh: Để giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da, người bệnh có thể dùng một chiếc khăn bông mềm nhúng nước lạnh, vắt hơi ráo và đắp lên da. 
  • Thoa kem dưỡng ẩm: Người bệnh cũng có thể thoa kem dưỡng ẩm trước khi đi ngủ để giảm ngứa da. Bên cạnh đó, việc sử dụng kem dưỡng ẩm còn giúp cân bằng độ pH trên da, cải thiện tình trạng da bị khô và bong tróc. Lưu ý, khi dùng kem dưỡng ẩm nên lựa chọn loại không chứa cồn hoặc hóa chất bảo quản nhằm giảm kích ứng da.
  • Dùng bột yến mạch: Nhờ đặc tính kháng viêm và giúp cung cấp độ ẩm, làm mềm và mịn da, bột yến mạch thường được sử dụng trong các liệu pháp điều trị ngứa tại nhà. Thông thường, để kiểm soát triệu chứng ngứa, bệnh nhân dùng 2 – 3 muỗng bột yến mạch hòa tan với nước ấm tạo thành hỗn hợp keo sền sệt. Dùng hỗn hợp này thoa đều lên vùng da bị ngứa và massage nhẹ nhàng và rửa lại bằng nước ấm sau 15 phút. Thực hiện đều đặn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng ngứa khỏi hẳn. Ngoài cách này ra, người bệnh cũng có thể cho bột yến mạch vào bồm tắm và ngâm mình.
  • Baking soda: Bột baking soda được xem là lựa chọn tuyệt vời giúp kiểm soát triệu chứng ngứa ngoài da hiệu quả ngay tại nhà. Không chỉ giúp giảm viêm bằng cách trung hòa acid trên bề mặt da, nguyên liệu này còn giúp khử trùng tự nhiên bằng cách tiêu diệt vi khuẩn trên da. Do đó, thường xuyên sử dụng 2 – 3 lần bột baking soda trong tuần giúp giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng da do vi khuẩn hoặc nấm tấn công.
điều trị bệnh ngứa ngoài da
Sử dụng bột baking soda điều trị ngứa ngoài da tại nhà

Biện pháp kiểm soát và phòng ngừa bệnh ngứa ngoài da

Để kiểm soát và phòng ngừa ngứa ngoài da, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc sau:

  • Giữ ẩm hàng ngày: Việc thoa kem dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện tình trạng khô da, giảm thiểu nguy cơ ngứa ngoài da. Một số loại kem dưỡng ẩm không mùi không gây dị ứng thường được khuyến cáo sử dụng như Cerave, Eucerin hoặc Cetaphil,…
  • Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Nếu ngứa do dị ứng thực phẩm, phấn hoa hoặc lông động vật,…. bệnh nhân cần tránh xa những tác nhân này
  • Tránh gãi ngứa: Theo các chuyên gia, gãi ngứa đôi khi không giúp làm giảm cảm giác khó chịu trên da mà còn khiến cơn ngứa tăng lên dữ dội. Chưa kể đến, gãi có thể gây tổn thương da làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, để tránh gãi ngứa bất cứ khi nào có thể, bệnh nhân nên che vùng da bị ngứa lại, đồng thời nên cắt ngắn móng tay.
  • Mặc quần áo rộng với chất liệu mềm: Quần áo rộng sẽ giúp hạn chế cọ xát gây tổn thương da, đồng thời giúp giữ da thoáng mát và tránh ẩm ướt. Vì vậy, giúp cải thiện tình trạng ngứa và khó chịu trên da.
  • Dùng máy tạo ẩm: Máy làm ẩm có thể giúp cung cấp độ ẩm cho nhà, làm giảm khô da và giúp giảm cảm giác ngứa
  • Giữ tinh thần thoải mái và vui vẻ: Căng thẳng có thể khiến tình trạng ngứa thêm trầm trọng. Do đó, để giảm cảm giác nóng rát và ngứa trên da, bệnh nhân nên cần dành nhiều thời gian thư giãn, giữ tinh thần thoải mái bằng cách thiền định, châm cứu hoặc tập yoga,…

Mặc dù bệnh ngứa ngoài da không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng ngứa đôi khi là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân cần tiến hành kiểm tra sớm sau khi phát hiện triệu chứng ngứa kéo dài hoặc kèm theo các biểu hiện bất thường khác.

→ Có thể bạn quan tâm:

Tin nên đọc

Ngày Cập nhật 06/03/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *