Bệnh sỏi đường mật trong gan và cách điều trị hiệu quả

Sỏi đường mật trong gan được xem là một trong những bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, phần lớn mọi người thường chỉ quan tâm đến sỏi mật, sỏi thận mà bỏ qua căn bệnh này. Sỏi gan rất dễ gây biến chứng và khó điều trị dứt điểm nếu chuyển qua giai đoạn nặng. Vì thế, mọi người cần nhận biết sớm triệu chứng, nguyên nhân và lựa chọn cách điều trị phù hợp.

Bệnh sỏi đường mật trong gan là gì?

Gan là bộ phận nội tạng lớn nhất của con người, giữ nhiều chức năng quan trọng như:  Giải độc, sản xuất dịch mật, tổng hợp Protein, chuyển hóa chất béo, hấp thu và chuyển hóa Bilirubin… Do cùng lúc thực hiện nhiều chức năng, nên gan dễ bị tổn thương.

Sỏi đường mật trong gan (hay còn gọi là bệnh sỏi gan) là hiện tượng sỏi nằm trong đường dẫn mật ở nhu mô gan, ống gan phải hoặc trái, vi quản tiểu mật. Các viên sỏi có thể ở dạng cứng hoặc bùn. Về bản chất, sỏi gan cũng giống như sỏi mật.

Theo thống kê của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỉ lệ người Việt mắc bệnh sỏi gan mật rất cao. Mỗi năm, khoa phẫu thuật gan mật của bệnh viện này khám cho khoảng 3.000 người mắc bệnh liên quan đến gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật.

Sỏi đường mật trong gan là một trong những bệnh lý nguy hiểm
Sỏi đường mật trong gan là một trong những bệnh lý nguy hiểm

Có 2 loại sỏi chính gồm: Sỏi Cholesterol – phổ biến ở Châu Âu và và sỏi Bilirubin (sỏi sắc tố) – thường gặp ở các nước Châu Á.

Theo các chuyên gia tiêu hóa, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sỏi đường mật trong gan là do ký sinh trùng đường ruột đi vào đường mật, mang theo vi khuẩn làm ảnh hưởng đến khả năng hòa tan của Bilirubin, kết hợp với trứng và xác giun tạo thành sỏi.

Ngoài ra, bệnh còn do một số nguyên nhân khác như:

  • Chức năng gan kém
  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
  • Viêm gan, xơ gan…
  • Nhiễm trùng dịch mật
  • Ứ trệ dịch mật lâu ngày
  • Viêm đường mật
  • Mắc các bệnh như: bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu máu huyết tán…

Khi bị sỏi trong gan, ở giai đoạn đầu người bệnh thường gặp các dấu hiệu như chướng bụng, khó tiêu. Nếu chuyển sang giai đoạn nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình sau:

  • Đau quặn ở sườn phải, thường thấy sau khi ăn no và về đêm. Cơn đau đột ngột và dữ dội, đau lan lên vai phải, bụng và lưng, có tính chu kỳ, kéo dài vài giờ đến vài ngày. Khi đau kèm theo buồn nôn, không dám di chuyển hoặc thở mạnh.
  • Sốt cao 39 – 40 độ C kèm theo rét run, có thể xảy ra trước, cùng hoặc sau cơn đau. Cơn sốt kéo dài vài giờ, vài ngày, có khi vài tuần hoặc cả tháng.
  • Vàng da, vàng mắt: Do dịch mật ứ đọng khiến Bilirubin ảnh hưởng đến máu, từ đó gây vàng da và mắt. Hiện tượng này xảy ra sau khi đau và sốt 1 – 2 ngày.
  • Triệu chứng khác: Nước tiểu vàng, phân bạc màu, mệt mỏi, chán ăn…

Sỏi đường mật trong gan có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, sỏi đường mật trong gan là bệnh lý nguy hiểm, so với sỏi ở các vị trí khác, sỏi gan ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và dễ gây biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm gan: Do dịch mật ứ trệ lâu ngày khiến vi khuẩn tấn công gan, gây viêm nhiễm. Nếu tình trạng viêm nhiễm lâu ngày sẽ hình thành các ổ mủ, áp xe gan.
  • Xơ gan: Gan bị viêm nhiễm, sỏi nhu mô gan kéo dài dẫn đến suy gan và xơ gan.
  • Ung thư gan, ung thư đường mật trong gan
  • Nhiễm trùng máu
Nếu không được chữa trị, bệnh sỏi gan có thể gây xơ gan, nặng hơn là ung thư gan
Nếu không được chữa trị, bệnh sỏi gan có thể gây xơ gan, nặng hơn là ung thư gan

Phân biệt u ác của gan, u đường mật và sỏi đường mật trong gan

U ác của gan, u đường mật và sỏi đường mật trong gan là 3 bệnh lý khác nhau nhưng có triệu chứng tương đồng, do đó nhiều người dễ nhầm lẫn. Dưới đây là một số thông tin phân biệt 3 căn bệnh này.

  • U ác của gan: Còn được gọi là ung thư gan nguyên phát, có tính chất cực kì nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của con người. Nguyên nhân gây bệnh là do viêm gan B, C, xơ gan hoặc bẩm sinh… Khi bị u gan ác tính, người bệnh có các dấu hiệu như đau vùng gan (hạ sườn phải), vàng da, vàng mắt, chán ăn, mệt mỏi… Một số trường hợp khối u lớn sẽ dễ nhận biết ở sườn phải. Để chẩn đoán, người bệnh cần làm một số xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm máu, xét nghiệm Alpha Fetoprotein trong máu, siêu âm, chụp CT…
  • U đường mật trong gan (hay ung thư đường mật) hình thành trong các ống dẫn mật từ gan xuống ruột non. Nguyên nhân là do viêm xơ đường mật, tuổi tác, béo phì, nhiễm kí sinh trùng, di truyền… Khi bị u đường mật, người bệnh thường có các triệu chứng như đau vùng gan, vàng da, ngứa da, sụt cân, nước tiểu đậm, nôn mửa, phân bạc màu… Để chẩn đoán, bệnh nhân cần làm xét nghiệm hóa học máu, Xét nghiệm CEA và CA19-9, sinh thiết, siêu âm, chụp CT, chụp MRI, nội soi ổ bụng…
  • Sỏi đường mật trong gan: So với u ác của gan và u đường mật, sỏi gan có mức độ nguy hiểm thấp hơn. Như đã nêu ở trên, người bệnh bị sỏi trong gan giai đoạn nặng có một số biểu hiện giống với 2 bệnh còn lại. Do đó, để xác định chính xác loại bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm. Thông thường, để chẩn đoán sỏi trong gan, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT; chụp X-quang ổ bụng và đường mật; chụp cộng hưởng từ MRI; nội soi mật tụy; xét nghiệm máu để xác định men gan, Bilirubin, bạch cầu đa nhân; xét nghiệm nước tiểu…

Sỏi gan nên ăn gì kiêng gì?

Để nhanh chóng hết bệnh, người bệnh cần có chế độ ăn uống, kiêng khem hợp lý. Dưới đây là một số loại thực phẩm nên ăn và nên kiêng người bệnh sỏi gan cần lưu ý:

Nên ăn gì?

  • Bổ sung nhiều nước: Mỗi ngày nên uống 1,5 – 2 lít nước, giúp loại bỏ độc tố và thành phần có hại, hạn chế tình trạng tích tụ sỏi.
  • Ăn nhiều chất xơ như: Rau củ, các loại rau màu xanh đậm, rong biển…có tác dụng tăng cường đào thải độc tố cho cơ thể.
Người bệnh nên ăn nhiều rau màu xanh đậm, có tác dụng đào thải độc tố
Người bệnh nên ăn nhiều rau màu xanh đậm, có tác dụng đào thải độc tố
  • Trái cây tươi: Dâu tây, việt quất… chứa nhiều chất oxy hóa, chất anthocyanin và polyphenol, giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư gan.
  • Nên ăn ngũ cốc: lúa mì, yến mạch, gạo nâu… chứa nhiều chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thụ chất béo và đường.
  • Chất béo thực vật: Oliu, dừa, bơ… có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho dạ dày, tăng vận động đường mật và tăng tiết dịch mật.
  • Các loại đậu: Đậu nành, đậu xanh… chứa nhiều protein.
  • Nên ăn thịt lợn nạc, thịt gà hoặc vịt bỏ da, cá…

 Nên kiêng gì?

  • Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều đạm động vật: Thịt đỏ, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa…
  • Không nên ăn các loại nội tạng động vật vì chứa lượng cholesterol cao.
  • Thực phẩm nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
  • Nên kiêng các thực phẩm nhiều muối vì có lượng natri cao, khiến gan không thể xử lý hết hoàn toàn.
  • Không ăn đồ chiên, xào, nhiều dầu mỡ
  • Kiêng đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn
  • Kiêng thuốc lá, bia, rượu, đồ uống có cồn, chất kích thích…

Bên cạnh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh cũng cần chú ý một số điều sau:

  • Ăn đúng giờ, không bỏ bữa: Nếu bạn ăn uống không đều đặn, mật trong túi mật sẽ tích tụ vì không có thức ăn để tiêu hóa, tăng nguy cơ hình thành sỏi.
  • Có chế độ ăn uống cân bằng, tốt nhất trong chế độ ăn của bạn nên có nhiều thực phẩm thực vật.
  • Ăn chín uống sôi, không ăn đồ tái, sống.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày. Người bị sỏi gan nên đi bộ, chạy chậm, tập yoga, tập dưỡng sinh…

Cách điều trị sỏi đường mật trong gan

Việc chữa bệnh sỏi gan không hề dễ dàng bởi sỏi thường nằm sâu hoặc rải rác nhiều trong gan, cấu đường mật gấp khúc. Một số trường hợp bệnh nhân có thể bị hẹp đường mật, gây khó khăn trong việc điều trị và thực hiện thủ thuật.

Mục tiêu của việc điều trị sỏi trong gan đó là làm sạch sỏi, tẩy sỏi, xử lý tình trạng hẹp đường mật và ngăn ngừa sỏi tái phát.

Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến, mọi người có thể tham khảo lựa chọn:

Chữa sỏi gan bằng biện pháp Tây y

Với phương pháp này, tùy theo mức độ bệnh và kích thước sỏi mà các bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng cách chữa khác nhau.

  • Dùng thuốc: Đối với sỏi nhỏ (dưới 5mm), các bác sĩ thường kê cho bệnh nhân uống thuốc tan sỏi (một số trường hợp có thể kèm thuốc giảm đau, kháng viêm…), kết hợp thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng, đồng thời tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là tẩy sỏi không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, thuốc hầu như không có tác dụng với sỏi sắc tố (thành phần Bilirubin), mà chỉ có công dụng với sỏi Cholesterol.
Thuốc tan sỏi chỉ phù hợp với sỏi Cholesterol
Thuốc tan sỏi chỉ phù hợp với sỏi Cholesterol
  • Nội soi mật tụy ngược dòng: Dùng trong trường hợp sỏi nằm trong ống mật và gan, kích thước sỏi lớn hơn 5mm. Các bác sĩ sẽ dùng thủ thuật để kéo sỏi xuống tá tràng. Phương pháp này có ưu điểm nhanh, an toàn, giải quyết ứ trệ dịch mật, ít xâm lấn. Tuy nhiên không sử dụng được trong trường hợp hẹp đường mật, sỏi nằm ở khu vực khó can thiệp.
  • Nội soi lấy sỏi gan mật qua da: Được thực hiện bằng cách tạo 1 đường hầm xuyên qua da đến gan, sau đó đưa ống nội soi vào tán sỏi, bơm rửa hoặc dùng dụng cụ đưa vụn sỏi ra ngoài. Ưu điểm của biện pháp này là tẩy sỏi gan mật, xử lý đường mật bị hẹp, ít cháy máu. Tuy nhiên đây là kỹ thuật khó, thời gian thực hiện nội soi lâu, có thể gây chảy máu đường mật, tràn máu ổ bụng.
  • Mổ sỏi gan (phẫu thuật mổ hở): Áp dụng trong trường hợp có nhiều sỏi, sỏi tạo thành dải dài trong đường dẫn mật. Phương pháp này kết hợp nhiều kỹ thuật hiện đại để lấy sỏi. Lưu ý, cách chữa này không dùng trong trường hợp bệnh nhân sức khỏe yếu, bị rối loạn đông máu hoặc mắc các bệnh tim mạch…
  • Phẫu thuật cắt một phần gan: Tiến hành trong trường hợp sỏi nằm quá sâu trong nhu mô gan hoặc áp dụng các biện pháp trên nhưng không có kết quả. Người bệnh cần xem xét kỹ lưỡng khi thực hiện phương pháp này, bởi khi một phần gan bị cắt đi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng đào thải độc tố và sản xuất dịch mật…
Phẫu thuật cắt gan dễ gây biến chứng, làm giảm chức năng gan
Phẫu thuật cắt gan dễ gây biến chứng, làm giảm chức năng gan

Cách tẩy sỏi trong gan mật tại nhà

Với những trường hợp bệnh nhẹ, sỏi nhỏ, người bệnh có thể áp dụng một số cách chữa tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên như:

  • Tẩy sỏi gan mật bằng chanh và oliu
  • Chữa sỏi gan bằng quả sung
  • Uống trà bồ công anh
  • Bài thuốc từ hoa đu đủ đực
  • Dùng quả đu đủ xanh để chữa sỏi gan mật
  • Nước giấm táo và nước ép táo…

Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, dễ thực hiện, tiết kiệm. Tuy nhiên hiệu quả không cao, không được kiểm chứng khoa học, chỉ phù hợp với bệnh nhẹ, sỏi nhỏ và đơn giản.

Điều trị sỏi đường mật trong gan bằng Đông y

Các bài thuốc Đông y trị bệnh theo cơ chế loại bỏ từ gốc, cường gan lợi mật, để cơ thể tự đào thải sỏi dần. Đây được coi là biện pháp lấy sỏi trong gan mật không cần phải phẫu thuật, an toàn và hiệu quả lâu dài.

Thành phần bài thuốc Đông y gồm nhiều thảo dược tự nhiên quý, có tác dụng bổ gan, lợi mật, tẩy sỏi gan, tăng khả năng vận động đường mật, hạn chế tái phát. Có thể kể đến một số vị thuốc thường gặp trong các bài thuốc Đông y trị sỏi gan mật như: Kim tiền thảo, bồ công anh, diệp hạ châu, kim ngân hoa, nấm linh chi…

Tuy nhiên, các bài thuốc Đông y phát huy công dụng từ từ, do đó người bệnh phải sử dụng trong thời gian dài mới đạt kết quả như mong đợi.

Đối với bệnh sỏi đường mật trong gan, quan trọng nhất là điều trị sớm và đúng cách để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Do đó người bệnh nên thăm khám định kỳ để nắm rõ tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh kịp thời, từ đó có hướng xử lý phù hợp.

Ngày Cập nhật 16/08/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *