Bệnh Sốt Xuất Huyết: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Chủng virus này lây từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh do bị muỗi vằn cái đốt. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có mức độ nghiêm trọng, có thể gây ra các biến chứng nặng nề (sốc, suy đa tạng, trụy tim mạch, xuất huyết nội tạng,…) hoặc thậm chí là tử vong.

bệnh sốt xuất huyết là gì
Bệnh sốt xuất huyết là gì? Có nguy hiểm không?

Bệnh sốt xuất huyết là gì? Có lây không?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue (tuýp D1, D2, D3, D4) gây ra. Virus có thể lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh do muỗi vằn cái (Aedes aegypti). Loài muỗi này phát triển mạnh vào mùa mưa, khí hậu nóng và ẩm ướt.

Muỗi vằn có màu đen, chân và thân có đốm trắng vằn vện. Muỗi vằn cái chứa virus gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối. Loại muỗi này thường trú đậu tại quần áo, chăn màn, chum, vại, lu, vùng nước tù đọng, ao hồ, hốc cây,…

Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn – đặc biệt là ở những khu vực có mật độ dân số đông, vệ sinh kém và có nhiều ao nước đọng. Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng sốt cao, xuất hiện phát ban, da xung huyết, buồn nôn, ói mửa, đau nhức cơ,…

Hiện nay không có thuốc và vaccine phòng ngừa đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Do đó điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng lâm sàng, nâng đỡ thể trạng và ngăn ngừa biến chứng. Mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng sốt xuất huyết có mức độ nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không kịp thời điều trị.

Triệu chứng nhận biết sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết phát triển theo từng giai đoạn với triệu chứng và biểu hiện có sự khác biệt rõ rệt. Ngoài ra mức độ triệu chứng còn phụ thuộc vào độ tuổi và thể trạng của người mắc bệnh.

bệnh sốt xuất huyết là gì
Da xung huyết, phát ban, sốt cao, chán ăn,… là các triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết

Triệu chứng sốt xuất huyết mới phát (cấp độ I):

  • Sốt cao có thể lên đến 40.5 độ C
  • Đau nhức cơ và khớp
  • Đau đầu
  • Đau hố mắt
  • Ói mửa
  • Buồn nôn
  • Phát ban
  • Da xung huyết
  • Chán ăn
  • Xuất hiện chấm xuất huyết dưới da
  • Chảy máu chân răng
  • Chảy máu cam

Giai đoạn này kéo dài trong khoảng 2 – 7 ngày và có triệu chứng tương tự bệnh viêm họng, viêm mũi họng, tiêu chảy,…

Triệu chứng sốt xuất huyết ở giai đoạn giữa (cấp độ II):

  • Người mệt mỏi
  • Suy kiệt thể trạng rõ rệt
  • Lừ đừ
  • Li bì
  • Đau bụng ở vùng gan (vùng hạ sườn phải)
  • Xuất huyết niêm mạc
  • Tiểu ít
  • Nôn nhiều
  • Da xanh tái

Triệu chứng sốt xuất huyết nặng:

  • Xuất huyết nặng
  • Suy tạng
  • Ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng
  • Hạ huyết áp
  • Huyết tương thoát khỏi mạch máu
  • Chảy máu ồ ạt

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh sốt xuất huyết là do bị muỗi vằn chứa virus Dengue đốt. Một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Không dùng màn khi ngủ
  • Vệ sinh nhà cửa kém khiến ao nước bị tù đọng
  • Sinh sống trong môi trường và nguồn nước ô nhiễm
  • Mật độ dân số đông
  • Thời tiết ẩm, nóng và mưa nhiều

Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp có mức độ nặng nề, dễ phát sinh biến chứng và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các biến chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm:

  • Thoát huyết tương ra ngoài
  • Xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, chảy máu cam)
  • Xuất huyết nội tạng (chảy máu trong cơ, chảy máu phổi, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa)
  • Trụy tim mạch
  • Suy tạng
  • Tử vong

Các biện pháp chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay không có thuốc và vaccine đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn nên tiến hành thăm khám và điều trị trong thời sớm nhất nhằm bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng.

hình ảnh sốt xuất huyết
Chẩn đoán sốt xuất huyết chủ yếu là thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu

Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán qua:

  • Biểu hiện lâm sàng: Sốt cao đột ngột, có biểu hiện xuất huyết, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, đau nhức hố mắt, buồn nôn, chảy máu cam, chảy máu chân răng,…
  • Xét nghiệm máu: Nhận thấy số lượng bạch cầu giảm, tiểu cầu bình thường hoặc giảm, có kháng thể tương ứng với virus Dengue và không có biểu hiện cô đặc máu.

Đối với trường hợp sốt xuất huyết nặng và có dấu hiệu sốc, bác sĩ phải tiến hành các kỹ thuật các chẩn đoán chuyên sâu như xét nghiệm chức gan, thận, chụp X-Quang, xét nghiệm PCR và phân lập virus.

Các phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết

Như đã đề cập, hiện nay không có thuốc đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng, bù nước và cân bằng điện giải.

1. Điều trị tại nhà

Đối với các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, có thể điều trị tại nhà với các biện pháp sau:

triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ
Nên dùng thuốc hạ sốt, chườm khăn mát, uống nhiều nước,… để điều hòa thân nhiệt
  • Sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt, giảm đau đầu, đau nhức cơ,… Đồng thời mặc quần áo rộng, chất liệu thoáng và chườm khăn mát để hạ thân nhiệt. Với bệnh nhân thường xuyên nôn ói, nên sử dụng Paracetamol dạng đặt trực tràng.
  • Bổ sung dịch bằng thuốc bột Oresol, uống nhiều nước, ăn cháo/ súp và dùng nước ép trái cây để bù nước, cân bằng điện giải, điều hòa thân nhiệt và ngăn ngừa tình trạng hôn mê do sốt quá cao.
  • Nghỉ ngơi tại nhà trong ít nhất 5 ngày. Nên dùng quạt và điều hòa để giữ không gian sống mát mẻ, đồng thời nên vệ sinh thường xuyên và ngủ màn để hạn chế muỗi đốt.

Lưu ý: Không sử dụng Aspirin và các loại thuốc chống viêm không steroid để giảm đau và hạ sốt. Các loại thuốc này có thể làm nghiêm trọng tình trạng xuất huyết và nhiễm toan máu.

2. Điều trị nội trú

Nên đến bệnh viện để được điều trị nội trú khi có các dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo (người lừ đừ, nôn ói nhiều, đau bụng, mất nước, xuất huyết niêm mạc,…)
  • Đau tức vùng gan
  • Men gan tăng >= 400U/l hoặc gan to > 2cm
  • Xuất huyết niêm mạc
  • Tiêu ít
  • Nôn ói >= 3 lần/ giờ hoặc 4 lần/ 6 giờ
  • Tiểu cầu giảm nhanh =< 100.000/mm3

Ngoài ra, có thể cân nhắc điều trị trong một số trường hợp như nhà quá xa không kịp thời đến bệnh viện khi bệnh tiến triển và trở nặng đột ngột, phụ nữ đang mang thai, người mắc các bệnh mãn tính (thiếu máu tan huyết, hen suyễn, suy tim, suy gan, suy thận,…), trẻ nhũ nhi, người suy giảm miễn dịch,…

biến chứng của sốt xuất huyết
Điều trị nội trú được chỉ định đối với các trường hợp xuất hiệu cảnh báo, phụ nữ mang thai,…

Các biện pháp điều trị nội trú được áp dụng trong điều trị sốt xuất huyết:

  • Truyền dịch không quá 24 – 48 giờ nhằm bù nước, cân bằng điện giải và điều hòa huyết áp. Chỉ truyền dịch khi thoát huyết tương ra mạch máu, tự ý truyền trong giai đoạn đầu có thể khiến người phù nề và tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
  • Chuẩn bị dịch truyền (NaCl 0.9%, Ringer lactate, Ringer acetate, dung dịch Albumin, dung dịch cao phân tử,…) trong trường hợp có hiện tượng sốc.
  • Kết hợp với thở oxy qua gọng mũi 1 – 6 lít/ phút nhằm duy trì chức năng hô hấp.

Khi triệu chứng lâm sàng thuyên giảm, có thể đi tiểu trở lại, huyết áp ổn định, mạch rõ và chân tay ấm, bác sĩ có thể đề nghị ngưng truyền dịch. Ngoài ra, cần ngưng truyền dịch nếu có hiện tượng dọa phù phổi hoặc có dấu hiệu quá tải.

Đối với những trường hợp sốc có đi kèm với hiện tượng xuất huyết, điều trị bao gồm:

  • Truyền dung dịch điện giải nhằm bù dịch và chống sốc.
  • Truyền hồng cầu lắng 5 – 10ml/ kg
  • Với những trường hợp xuất huyết, tiến hành băng ép tại chỗ, nội soi can thiệp,… để cầm máu.
  • Sử dụng vitamin K trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện suy gan nặng.
  • Dùng thuốc ức chế bơm proton nếu bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng hoặc có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.

Trên thực tế, điều trị bệnh sốt xuất huyết rất phức tạp. Các biện pháp được can thiệp phụ thuộc vào mức độ bệnh lý, khả năng đáp ứng và tiến triển của từng trường hợp cụ thể.

Bạn có thể được xuất viện khi có các tiêu chuẩn phục hồi như tỉnh táo, ngưng sốt ít nhất 2 ngày, huyết áp, mạch ổn định, không khó thở và số lượng tiểu cầu phục hồi trở lại.

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có mức độ nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Khác với các bệnh truyền nhiễm do virus khác (tay chân miệng, thủy đậu), sốt xuất huyết vẫn có khả năng tái nhiễm cho các tuýp virus Dengue khác.

Bệnh sốt xuất huyết
Mặc quần áo dài, mang vỡ, ngủ màn, dùng nhang muỗi… giúp hạn chế nguy cơ bị sốt xuất huyết

Do đó sau khi điều trị, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

  • Ngủ màn, mang vớ và mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, làm sạch các vùng nước tù đọng và đậy kín chum nước để hạn chế muỗi vằn, đẻ trứng, sinh sôi và phát triển mạnh.
  • Nên vệ sinh cống rãnh và đường xá ở khu vực sinh sống bởi đây là không gian muỗi trú ngụ và đẻ trứng.
  • Sử dụng nhang muỗi và phun thuốc diệt muỗi thường xuyên – đặc biệt là trong mùa mưa (nhiệt độ và độ ẩm tăng lên đáng kể)
  • Thường xuyên nhổ cỏ và tỉa cây để hạn chế muỗi và các loại côn trùng trú ngụ, phát triển.
  • Nên thả cá vào ao hồ lớn để diệt lăng quăng.
  • Thu gom và tiêu hủy các vật dụng phế thải như lọ, vỏ dừa, chai,… Đồng thời đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước khô sử dụng.
  • Thay nước bình hoa thường xuyên.
  • Có thể trồng một số loại cây có tác dụng đuổi muỗi để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, nên sử dụng các loại kem bôi trị muỗi kết hợp các biện pháp trên để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn gây ra. Bệnh lý này có mức độ nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, cần thăm khám và điều trị sớm để hạn chế các biến chứng và tình huống rủi ro.

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *