Thống Phong Là Bệnh Gì? Triệu Chứng Nhận Biết Và Điều Trị

Bệnh thống phong còn gọi là bệnh gout. Đây là căn bệnh xảy ra do những rối loạn chuyển hóa, tinh thể acid uric lắng đọng quá tải tại các khớp. Theo y học cổ truyền, “Thống phong” là căn bệnh xảy ra khi khí trệ huyết ứ và đàm trọc ách trở sinh bệnh.

Thống phong là bệnh gì? Triệu chứng nhận biết và điều trị
Thống phong là căn bệnh gây đau nhức khớp do lắng đọng axit uric

Thống phong là bệnh gì? Triệu chứng nhận biết

Thống phong là bệnh gì?

Bệnh Thống phong (bệnh gout) là dạng viêm khớp đột ngột gây sưng đỏ và đau nhức ở các khớp. Đặc trưng của bệnh là sự tích tục các axit uric trong máu gây ra tình trạng viêm ở khớp. Đây không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng nó có thể gây khó chịu, mệt mỏi do mất ngủ trong thời gian dài. Nếu không điều trị sớm, thống phong có thể tiến triển thành bệnh mãn tính và tái phát dễ dàng.

Thống phong là tình trạng các khớp hình thành vùng sưng, đau, nổi u cục… Nhiều người bệnh nhầm lẫn thống phong với chứng thấp khớp trong thời gian đầu. Tuy nhiên có thể phân biệt thống phong bằng tình trạng đau đột ngột giữa đêm gây sưng tấy ở khớp, thường xảy ra ở khớp ngón chân và ngón tay cái.  Vùng bị thống phong có thể chỉ khu trú ở tại một điểm nhưng cũng có thể lan rộng ra các khớp khác. Triệu chứng đa số gặp ở bàn chân và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay).

Theo Đông y, thống phong là căn bệnh thuộc thể phong thấp nhiệt. Trong đó nguyên nhân chính được ghi nhận là do khí huyết suy yếu, máu kém lưu thông. Trì trệ khí huyết gây nghẽn tắc kinh lạc, sưng tấy, người bệnh vận động và di chuyển khó khăn.

Trong quan điểm của Tây y, thống phong là tình trạng tăng axit uric trong máu và tạo kết tủa thành tinh thể urat. Tình trạng này xảy ra khi nồng độ axit này lớn trên 420 μmol/L ở nam giới và trên 380 μmol/L đối với nữ. Kết tủa urat thường tập trung tại các vùng mô dưới da, chủ yếu là khớp, do hình dạng kết tủa sắc nhọn nên chúng sẽ đau nhức dữ dội.

Các giai đoạn của thống phong

Thống phong là bệnh gì? Triệu chứng nhận biết và điều trị
Thống phong ở giai đoạn cấp hình thành các cục u trên khớp ngón tay hoặc ngón chân

Thống phong được chia làm 3 giai đoạn chính là giai đoạn khởi phát, giai đoạn tiến triển và giai đoạn nặng. Việc phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu sẽ giúp công tác điều trị bệnh đạt kết quả tích cực. Để biết tình trạng thống phong đang ở giai đoạn nào, người bệnh cần được chẩn đoán hoặc dựa vào những biểu hiện sau:

  • Giai đoạn khởi phát: Nồng độ axit uric trong máu đã tăng vượt ngưỡng an toàn và chưa gây ra những triệu chứng cụ thể tại các khớp. Ở giai đoạn này, nếu điều trị tốt có thể kiểm soát bệnh không tái phát trong ít nhất vài năm hoặc kiểm soát tái phát triệt để.

  • Giai đoạn tiến triển: Trong giai đoạn này, nồng độ axit uric ở mức rất cao, còn gọi là các cơn đau gout cấp. Lúc này tại vùng bị đau nhức đã hình thành các tinh thể hình mũi kim tồn tại ở các khớp ngón chân. Tình trạng đau nhức không diễn ra nghiêm trọng nhưng thường tái đi tái lại thường xuyên. Một thời gian sau đó, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác như sưng khớp hoặc đỏ khớp, cơn đau có chiều hướng gia tăng.

  • Giai đoạn nặng: Ở giai đoạn này, những đợt gout cấp xuất hiện dày đặc hơn. Axit uric tăng cao và hình thành số lượng tinh thể đáng kể tấn công vào nhiều khớp. Người bệnh có thể nhận thấy sự xuất hiện các u cục nổi dưới da. Diễn biến kéo dài dễ dẫn đến gout mạn tính và gây đau nghiêm trọng, dễ gây phá hủy sụn.

Nguyên nhân gây bệnh thống phong

Như đã đề cập, thống phong là bệnh do rối loạn chuyển hóa axit uric khi chúng không được loại bỏ khỏi thận. Axit uric là một hợp chất vô hại khi chúng được đào thải qua nước tiểu và phân. Tuy nhiên khi hoạt động này đình trệ, nồng độ axit uric tăng quá cao sẽ hình thánh vô số tinh thể. Chính các tinh thể này tồn tại ở khớp và gây viêm, sưng, tấy đỏ cho bệnh nhân.

Nguyên nhân chính gây tăng axit uric thường là do chính bản thân người bệnh lơ là trong ăn uống và sinh hoạt. Nếu cơ thể liên tục tiêu thụ những thực phẩm chứa purine như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,.. sẽ làm tăng tiết axit uric. Có thể khẳng định mối liên hệ giữa axit uric và purin tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh gout. Bạn càng ăn nhiều purine, nguy cơ mắc bệnh gout càng cao, thời gian điều trị càng kéo dài.

Thống phong là bệnh gì
Người uống bia rượu thường xuyên có nguy cơ thống phong cao hơn bình thường

Ngoài ra gout còn là căn bệnh mang tính di truyền, trong đó có liên kết gen gián tiếp hình thành gout. Nếu trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh thì khả năng mắc bệnh của thế hệ con cháu hoàn toàn có thể xảy ra. Những đợt gout cấp cũng có thể bùng phát khi người bệnh bị thương, mắc bệnh cấp tính ở gan hoặc thận, biến chứng phẫu thuật,…

Bên cạnh nguyên nhân chính gây ra bệnh gout đến từ ăn uống và di truyền thì còn rất nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy hình thành căn bệnh này. Những yếu tố làm tăng nguy cơ thống phong gồm có:

  • Tuổi tác và giới tính, thông thường bệnh thường xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi

  • Uống nhiều bia trong thời gian dài.

  • Béo phì, tăng cân quá mức.

  • Mới bị chấn thương hoặc mới phẫu thuật.

  • Tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận

  • Tiền sử mắc một số bệnh nhu tiểu đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim.

  • Người bị xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, mắc bệnh truyền nhiễm hoặc huyết áp cao.

  • Tình trạng mất nước và thiếu nước sẽ khiến cơ thể không có đủ vật chất để phục vụ đào thải axit uric qua nước tiểu. Từ đó làm tăng lượng axit uric trong cơ thể, khí huyết kém lưu thông gây bệnh thống phong.

Việc lạm dụng một số loại thuốc nhất định cũng là nguyên nhân làm tích tụ axit uric trong thể, chẳng hạn như: Aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị liệu và các loại thuốc có thể làm giảm hệ miễn dịch như cyclosporine.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo, một số triệu chứng không được liệt kê cụ thể. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Triệu chứng của bệnh thống phong

Thống phong có điểm đặc trưng là những cơn đau nhức xuất hiện đột ngột vào ban đêm. Thông thường, triệu chứng hay xảy ra ở khớp ngón chân cái. Những biểu hiện của khớp thường không rõ rệt trong thời gian đầu,  sau đó từ giai đoạn gout cấp, khớp có dấu hiệu sưng to, đỏ, phù nề, vùng da quanh khớp căng bóng, đau dữ dội và mức độ đau ngày càng tăng, chỉ việc chạm nhẹ cũng khiến người bệnh cảm thấy rất đau. 

Triệu chứng nhận biết thống phong
Thống phong có triệu chứng đặc trưng là các cơn đau nhức khớp tái phát từng đợt

Người bệnh cần phân biệt dấu hiệu thống phong với những căn bệnh đau nhức xương khớp thông thường. Khác biệt ở chỗ bệnh thống phong chỉ xảy ra bên trong các khớp xương ngón chân và bàn chân, khớp gối hoặc ngón tay, bàn tay. Vùng da trên bề mặt bị  đỏ, ngứa và bong tróc, trông như nhiễm trùng. Khi cơn đau thuyên giảm, bạn sẽ thấy các vùng da đó bị ngứa và bong tróc. Ban đầu cơn đau chỉ xảy ra ở một khớp, sau đó vùng khớp bị đau có thể lan rộng khắp khu vực khớp cổ chân, đầu gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay… Cơn đau không thường gặp ở khớp háng, vai, cột sống.

Thời gian đau thường kéo dài khoảng 2-3 ngày, những cơn đau cấp tính có thể kéo dài hơn một tuần. Trong mỗi đợt bùng phát, vùng khớp bị viêm sưng giảm dần và sau đó trở lại hoàn toàn bình thường, không có tổn thương bề mặt. Đôi khi thống phong có thể khiến người bệnh bị sốt vừa hoặc nhẹ, cơ thể uể oải, mệt mỏi, đi tiểu ít, nước tiểu có màu sẫm. Trong mỗi đợt tái phát, triệu chứng gout có thể nghiêm trọng hơn và tiến triển dần thành bệnh mạn tính.

Cơn đau khớp dữ dội về đêm: Một triệu chứng bệnh gút điển hình khác là bạn sẽ có những cơn đau khớp dữ dội về đêm. Đồng thời tái phát theo đợt, các đợt đau gút có thể cách nhau từ vài tháng tới vài năm tùy thuộc vào hiệu quả kiểm soát bệnh.

Nếu như cơn đau xuất hiện liên tục từ 6 – 12 tháng với cường độ khác nhau phản ánh mức độ ảnh hưởng của bệnh đang khá nặng. Hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị tốt nhất.

Biến chứng của bệnh thống phong

Gout hay thống phong cần được điều trị sớm và kịp thời để tránh để xảy ra những biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể những nguy cơ của bệnh gồm có:

  • Sinh hoạt bị ảnh hưởng: Thống phong khiến người bệnh phải chịu những cơn đua nhức nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, bệnh nhân suy sụp tinh thần mà còn ảnh hưởng đến vận động và các hoạt động hàng ngày của người bệnh.

  • Hủy hoại xương khớp: Khi bước sang giai đoạn mạn tính, bệnh thống phong sẽ hình thành các hạt tophi dưới da. Các hạt này là nguyên nhân khiến khớp biến dạng, gây lở loét. Nguy hiểm nhất là khi các hạt này chèn ép lên dây thần kinh có thể dẫn đến tàn phế.

Thống phong có triệu chứng gì
Ở giai đoạn thống phong mạn tính có thể gây biến dạng khớp xương và đau nhức nghiêm trọng
  • Tổn thương thận: Khi nồng độ axit uric trong máu ngày một tăng cao, cặn bã không được đào thải qua đường nước tiểu sẽ tạo ra các muối urat lắng đọng tại thận và gây nên sỏi thận, suy thận. Trong Đông y ghi nhận, bệnh thống phong là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chứng suy thận.

  • Nguy cơ đột quỵ và tai biến: Bệnh nhân bị thống phong có nguy cơ bị đột quỵ hoặc tai biến cao hơn người bình thường. Do sự liên kết giữa thống phong và cao huyết áp, nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, thậm chí là nguy cơ tử vong sớm do đột quỵ.

Thống phong là một căn bệnh mạn tính có thể phát sinh thành nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị sớm.  Vì thế để tìm ra cách điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân cần thăm khám sớm để kiểm soát bệnh ngay từ ban đầu.

Phương pháp điều trị bệnh thống phong

Đông Y và Tây Y ghi nhận thống phong  (gout) là căn bệnh có thể kiểm soát chủ động nếu bệnh nhân có ý thức trong đối phó với bệnh. Các phương pháp chữa bệnh thống phong phổ biến hiện nay gồm:

Thay đổi lối sống lành mạnh

  • Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh tình trạng căng thẳng quá mức sẽ gây tăng sản sinh các axit uric trong máu và tích trữ ở thận.

  • Thường xuyên tập thể dục thể thao và bổ sung các thực phẩm lành mạnh để hạn chế cơn đau tái phát.

  • Hạn chế dùng nhiều chất đạm, chất béo, trung bình mỗi ngày không dùng quá 100g các loại thực phẩm chứa nhiều purin như: thịt bò, thịt dê, gan động vật, nội tạng, cá biển, hải sản, nấm, đậu Hà Lan,..

  • Hạn chế nhóm thức uống có cồn, đồ uống có ga làm tăng mức độ nghiêm trọng của các đợt gout cấp, bổ sung nhiều nước lọc, nước trái cây đào thải axit uric.

  • Ngâm chân trong nước muối ấm và gừng để giải cơn thống phong, đối với giai đoạn cấp không nên ngâm chân lâu hơn 30 phút và không dùng nước quá nóng.

  • Tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C và chất xơ để giúp nâng cao sức đề kháng, giảm viêm sưng hiệu quả.

  • Dùng tinh bột để bù đắp năng lượng, ưu tiên tinh bột không qua tinh chế như cơm, ngũ cốc, yến mạch, các loại hạt lanh giàu omega 3….

điều trị thống phong
Người bệnh nên hạn chế dùng thịt đỏ để kiểm soát axit uric máu

Thuốc Tây y trị bệnh thống phong

Sử dụng thuốc Tây  Y điều trị thống phong giúp làm giảm nhanh các triệu chứng viêm, sưng và giảm axit uric trong máu. Thông thường nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) sẽ được chỉ định sử dụng chủ yếu. Bao gồm Indomethacin và Naproxen giúp giảm đau.

Nhóm thuốc Corticosteroids được sử dụng cho một số trường hợp đặc biệt như viêm da tại vùng viêm khớp, viêm nhiều khớp do gút, không đáp ứng hoặc chống chỉ định với nhóm NSAIDs. Một số loại thuốc colchicine được chỉ định nếu bệnh nhân không dung nạp được NSAIDs và Corticosteroids.

Các loại thuốc giúp hạ axit uric trong máu như nhóm thuốc ức chế tổng hợp axit uric như allopurinol, thiopurinol, thuốc ức chế men xanthin oxydase. Nhóm thuốc làm tăng phân huỷ axit uric là uricozym cũng được áp dụng điều trị nếu bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc với các nhóm kể trên.

Thuốc tây y điều trị thống phong được dùng với mục đích chính là ức chế tổng hợp axit uric và hỗ trợ giảm đau. Nếu được sử dụng thích hợp, thuốc tân dược sẽ đẩy lùi các cơn đau nghiêm trọng, giảm viêm sưng và giảm axit uric nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng không thể điều trị dứt điểm bệnh và có thể gây tiêu chảy, đau dạ dày, nôn mửa.

điều trị bệnh thống phong
Dùng thuốc Tây Y giúp giảm cơn đau nhức ở bệnh Thống phong hiệu quả

Thuốc Đông y trị bệnh Thống phong

Các bài thuốc Đông y chữa bệnh Thống phong là sự phối hợp của những thành phần có nguồn gốc từ thiên nhiên có tác dụng điều khí,  bổ Can, Thận và Tỳ. Các bài thuốc được thực hiện cụ thể như sau:

Thể phong thấp nhiệt

Người bệnh Thống phong có biểu hiện cơn đau đột ngột, thường vào lúc nửa đêm, có khi phát sốt. Vùng khớp bị thống phong sưng nóng đỏ đau. Kèm theo tình trạng lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, mạch huyền sác. 

Chuẩn bị nhẫn đông đằng 30g, thổ phục linh 24g, hoàng bá 15g, ý dĩ 24g, huyền sâm 16g, đương quy 12g, một dược 10g, phòng kỷ 12g, tần giao 12g, ngưu tất 12g, thất diệp 24g. Sắc uống mỗi ngày một thang, mỗi thang uống 3 lần sau bữa ăn.

Thể khí trệ trọc ứ

Bệnh nhân bị sưng và đau khớp, đi lại khó khăn, bệnh hay tái phát và kéo dài dai dẳng, người mệt mỏi, ngực sườn đầy tức. Vùng khớp xương có biểu hiện xơ cứng và biến dạng, lưỡi tối, rêu lưỡi trắng dày, mạch huyền hoạt sát.

Chuẩn bị hoàng kỳ 30g, ý dĩ 24g, tỳ giải 24g, thương truật 15g, mao đông thanh 24g, xuyên sơn giáp 10g,  xích thược 15g, đương quy 12g, ngưu tất 15g, uy linh tiên 15g, trần bì 6g, xuyên khung 8g. Sắc uống mỗi ngày 3 lần để hành khí hoạt huyết, thông lạc trừ ứ.

Thể tỳ hư trọc ứ

Khớp đau ê ẩm, cử động chậm chạp, kém linh hoạt, tay chân tê bì, u cục nổi rõ, người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, vô lực, buồn nôn, khí đoản, chất lưỡi hồng nhạt có dấu răng, rêu lưỡi phủ trắng nhạt; mạch trầm hoãn tế sáp.

Chuẩn bị hoàng kỳ 24g, ý dĩ 24g, phòng kỷ 12g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, tỳ giải 24g, thổ phục linh 24g, tàm sa 12g, xích thược 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, giúp tiện tỳ tiết trọc, trừ ứ thông lạc.

Thể thận hư trọc ứ

Đau nhức kéo dài lâu ngày không khỏi, vùng khớp biến dạng nổi u cục, tiểu tiện ít, tâm quý, có dấu hiệu phù thũng; lưỡi đỏ, rêu ít, biến chứng thận suy, mạch trầm huyền sáp.

  • Bài 1: Chuẩn bị thục địa 24g, sơn thù 12g, phục linh 15g, trạch tả 10g, sơn dược 12g, đan bì 10g, ích mẫu thảo 24g, xa tiền thảo 24g, đỗ trọng 12g, hoàng kỳ 24g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

  • Bài 2: Chuẩn bị sinh địa 24g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, đào nhân 12g,  xích thược 12g, hồng hoa 12g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang liên tục 2 – 3 tuần.

Bệnh thống phong (gout) là căn bệnh “xu hướng” trong xã hội hiện đại. Khi được chẩn đoán mắc bệnh, ban đầu bệnh nhân sẽ được bác sĩ khuyên về việc thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt để điều trị bảo tồn tại nhà. Việc sử dụng thuốc sẽ được chỉ định khi tình trạng bệnh có tiến triển phức tạp. Mục đích điều trị thống phong chủ yếu để ngăn ngừa tái phát đợt gút cấp.

Thống phong là bệnh gì? Triệu chứng nhận biết và điều trị
Thăm khám và chẩn đoán sớm các triệu chứng sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng xảy ra

Khi nghi ngờ bản thân bị gút, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được kê toa và tư vấn cụ thể. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Chúng tôi không đưa ra chẩn đoán, lời khuyên, chỉ định phương pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên y tế.

Bài viết liên quan: Top 5 cách trị bệnh gút dân gian chọn lọc giúp cải thiện bệnh

GỢI Ý XEM THÊM

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *