Hay bị tê chân – Nguyên nhân và cách chữa trị tốt nhất

Tình trạng bị tê chân có thể xảy ra do thói quen đứng hoặc ngồi quá lâu, mang vác nặng, thời tiết lạnh hoặc do tác dụng phụ sử dụng thuốc. Ngoài nguyên nhân sinh lý, triệu chứng này còn có thể là ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn như viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường, đau dây thần kinh tọa,…

bị tê chân là bệnh gì
Hay bị tê chân là dấu hiệu của bệnh gì?

Nhận biết hiện tượng tê chân

Tê chân là hiện tượng bắp chân, cổ chân, bàn chân hoặc ngón chân có cảm giác tê râm ran như kiến bò. Ban đầu triệu chứng này chỉ xuất hiện nhẹ ở các đầu ngón chân hoặc đầu gối, tuy nhiên theo thời gian hiện tượng tê có thể xảy ra ở toàn bộ chân trái hoặc chân phải.

Thực chất, tình trạng này là hệ quả do dây thần kinh cảm giác bị rối loạn hoặc tổn thương. Theo thời gian, tình trạng tê chân có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu khiến chân giảm cảm giác hoặc thậm chí mất cảm giác hoàn toàn.

bệnh tê chân
Tê chân đặc trưng bởi tình trạng tê râm ran như kiến bò ở lòng bàn chân hoặc ngón chân

Dấu hiệu nhận biết hiện tượng tê chân:

  • Tê râm ran ở đầu ngón chân hoặc ở đầu gối, sau đó lan tỏa ra bàn chân hoặc bắp đùi.
  • Theo thời gian, hiện tượng tê có mức độ tăng lên, tê châm chích kèm triệu chứng nóng rát.
  • Mức độ tê thường tăng lên khi đứng quá lâu, mang vác nặng hoặc sau khi thức dậy.
  • Tê bì chân kéo dài làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Một số trường hợp có thể bị tê chân kèm theo hiện tượng chuột rút.

Nguyên nhân gây tê chân

Tê chân là hệ quả do hệ thần kinh cảm giác bị rối loạn hoặc chèn ép. Các nguyên nhân có khả năng gây ra hiện tượng tê chân, bao gồm:

1. Nguyên nhân sinh lý

Tê chân do nguyên nhân sinh lý còn được gọi là tê chân sinh lý. Tình trạng xảy ra do một số thói quen thiếu lành mạnh hoặc do ảnh hưởng từ môi trường và thuốc điều trị.

Phần lớn các trường hợp bị tê chân do nguyên nhân sinh lý đều có mức độ nhẹ và dễ cải thiện. Tuy nhiên nếu để kéo dài, dây thần kinh cảm giác có thể bị tổn thương và dẫn đến các bệnh lý mãn tính.

bệnh tê chân tay
Ngồi quá lâu, lười vận động,… là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng tê chân

Các nguyên nhân sinh lý gây ra chứng tê chân:

  • Do tư thế: Ngồi, đứng quá lâu, mang vác vật nặng, lười vận động, ngủ sai tư thế,… là những thói quen xấu có thể gây chèn ép dây thần kinh ngoại biên và gây ra chứng tê bì chân.
  • Mang giày chật: Thói quen mang giày chật cũng có là nguyên nhân gây tê chân. Thói quen này làm tăng áp lực lên các dây thần kinh ở bàn chân, ngón chân và gây ra cảm giác đau kèm tê bì nhẹ.
  • Thời tiết lạnh: Thời tiết lạnh có thể làm co mạch máu và giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến chi dưới. Tình trạng này khiến chân dễ bị tê bì và ngứa râm ran.
  • Cơ thể mệt mỏi và căng thẳng: Theo thống kê, có khoảng 15% trường hợp tê chân tay xảy ra do cơ thể mệt mỏi và hệ thần kinh bị căng thẳng. Nguyên nhân là do thể trạng suy yếu gây kích thích các tế bào thần kinh ngoại vi, từ đó làm phát sinh cảm giác ngứa, châm chích và tê bì.
  • Tác dụng của một số loại thuốc: Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ tê bì chân tay. Nếu do nguyên nhân này, triệu chứng có thể thuyên giảm sau khi ngưng thuốc.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Ngoài ảnh hưởng của yếu tố môi trường, thuốc và thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, hiện tượng tê chân còn có thể xảy ra do một số bệnh lý như:

hiện tượng tê chân
Ngoài ra, hiện tượng tê chân còn có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp
  • Đau dây thần kinh tọa: Bệnh lý này xảy ra do rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép. Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) bắt đầu từ vùng thắt lưng, chạy dọc xuống hông, đùi và các ngón chân. Vì vậy khi rễ thần kinh bị chèn ép, toàn bộ chân trái/ chân phải sẽ xuất hiện tình trạng tê bì cục bộ.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh viêm khớp mãn tính thường gặp. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trên cơ thể và thường có tính chất đối xứng. Nếu xảy ra ở ngón chân, bệnh không chỉ gây đau, sưng khớp mà khiến chân bị tê bì, mỏi và giảm phạm vi vận động.
  • Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp gối xảy ra khi sụn khớp bị xơ hóa và bào mòn do ảnh hưởng của quá trình lão hóa hoặc một số thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Trong trường hợp thoái hóa khớp đã hình thành gai xương, dây thần kinh có thể bị chèn ép, dẫn đến tình trạng rối loạn cảm giác và tê bì.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường xảy ra khi nồng độ đường huyết tăng cao quá mức. Đây là bệnh lý rối loạn chuyển hóa và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Lượng đường trong máu tăng cao có thể tấn công vào các tế bào thần kinh (thần kinh tiểu đường), gây tê bì và ngứa ran ở lòng bàn chân.
  • Hội chứng ống cổ chân: Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi dây thần kinh ở cổ chân bị chèn ép và đè nén. Nếu tê bì chân do bệnh lý này, triệu chứng thường chỉ khu trú ở mu bàn chân và các ngón chân.
  • Đa xơ cứng: Đa xơ cứng là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào Meyllin – cơ quan bao bọc các tế bào thần kinh. Khi tế bào thần kinh không được bảo vệ, quá trình dẫn truyền thông tin từ não bộ đến các dây thần kinh thường bị rối loạn. Do đó hiện tượng tê bì chân có thể xảy ra do ảnh hưởng của bệnh đa xơ cứng.
  • Chấn thương: Chấn thương do tai nạn khi làm việc, tai nạn giao thông, té ngã,… có thể gây tổn thương dây thần kinh ở chân và làm phát sinh triệu chứng tê bì chân trái hoặc chân phải.

Trên thực tế, triệu chứng tê chân còn có thể xảy ra do nhiều bệnh lý không được đề cập trong bài viết. Nếu triệu chứng này đi kèm với các biểu hiện bất thường, bạn cần tiến hành thăm khám để được xử lý và khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Tê chân kéo dài có sao không?

Tê chân là triệu chứng thường gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bắt nguồn từ các nguyên nhân sinh lý, triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh sau khi thay đổi các thói quen không khoa học.

Tuy nhiên trong trường hợp tê chân kéo dài, bạn nên cân nhắc về các bệnh lý có khả năng xảy ra. Các bệnh lý này hầu hết đều có tiến triển mãn tính và dễ gây biến chứng nếu không được kiểm soát kịp thời. Ngoài ra mức độ tê chân còn tăng lên dần theo thời gian, gây ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động, làm giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán nguyên nhân gây tê chân kéo dài

Trong trường hợp tê chân kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thực hiện các biện pháp chẩn đoán sau:

tê chân kéo dài
Nếu nhận thấy tê chân kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các chẩn đoán cần thiết
  • Xem xét tiền sử bệnh lý: Như đã đề cập, tê bì chân có thể ảnh hưởng của các bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, đau thần kinh tọa,… Vì vậy bác sĩ sẽ đề nghị xem xét tiền sử bệnh lý để dễ dàng chẩn đoán nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ có thể quan sát biểu hiện của các khớp chân và đề nghị bạn thực hiện một số động tác. Thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ khoanh vùng khớp có vấn đề và tiến hành các chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết.
  • Điện cơ: Tê chân thường đi kèm với tình trạng yếu cơ do dây thần kinh bị chèn ép. Vì vậy, điện cơ có thể được thực hiện nhằm đo lường sức mạnh của cơ bắp và khoanh vùng các bệnh lý có thể xảy ra.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Để có thêm dữ liệu, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-Quang, CT hoặc MRI nhằm quan sát biểu hiện của xương khớp và các mô mềm xung quanh.

Trong trường hợp nghi ngờ tê chân do tiểu đường, bệnh đa xơ cứng, bác sĩ sẽ chuyển bạn đến khoa Nội tiết và khoa Thần kinh để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và áp dụng phác đồ điều trị thích hợp.

Cách chữa bệnh tê chân theo từng nguyên nhân cụ thể

Điều trị bệnh tê chân phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Bên cạnh các biện pháp được chỉ định còn bị chi phối bởi cơ địa và khả năng đáp ứng của từng trường hợp. Tê chân là triệu chứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy để làm giảm triệu chứng này, bạn cần phải khắc phục từ nguyên nhân gây bệnh.

1. Nguyên nhân sinh lý

Nếu bắt nguồn từ nguyên nhân sinh lý, bạn có thể làm giảm triệu chứng tê chân với các biện pháp sau:

cách trị tê chân tại nhà
Nếu do nguyên nhân sinh lý, bạn có thể giảm tê chân bằng cách tập thể dục, mang vớ, ngâm nước ấm
  • Thay đổi các tư thế sai lệch, đồng thời hạn chế mang vác nặng, đứng hoặc ngồi quá lâu.
  • Thường xuyên tập thể thao để tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe xương khớp và giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh.
  • Tránh mang giày chật hoặc giày cao gót trong một thời gian dài.
  • Khi thời tiết chuyển lạnh, nên giữ ấm cơ thể và mang vớ dày để làm giảm hiện tượng tê bì chân tay.
  • Có thể ngâm chân với nước ấm để làm giãn mạch máu, tăng lưu lượng máu tuần hoàn và kiểm soát hiện tượng tê bì.
  • Trong trường hợp phải sử dụng thuốc dài hạn, bạn nên thông báo với bác sĩ về tác dụng phụ để được giảm liều lượng hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Nguyên nhân bệnh lý thường có mức độ nghiêm trọng và khó cải thiện hơn các nguyên nhân thông thường, vì vậy bạn cần tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

cách trị tê chân
Trong trường hợp do nguyên nhân bệnh lý, bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Với từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị tương ứng như thuốc hạ đường huyết, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc thấp khớp, thuốc chống trầm cảm,…
  • Cần thăm khám định kỳ để kiểm soát biến chứng và khắc phục kịp thời.
  • Nên dành từ 15 – 20 phút/ ngày tập thể dục nhằm nâng cao thể trạng, cải thiện nồng độ đường huyết, tăng sức khỏe xương khớp và hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính.
  • Bệnh nhân tiểu đường và người mắc bệnh xương khớp nên xây dựng chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt và sinh hoạt điều độ nhằm kiểm soát tiến triển và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh.
  • Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể phối hợp với một số cách trị tê chân tại nhà như xoa bóp, bấm huyệt, chườm nóng, chườm lạnh và nghỉ ngơi điều độ nhằm giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.

Phòng ngừa chứng tê chân bằng cách nào?

Tê chân có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh với các biện pháp sau:

cách chữa bệnh tê chân
Xây dựng chế độ ăn khoa học giúp nâng cao sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ bị tê chân
  • Hạn chế thói quen lười vận động, thay vào đó nên tập thể dục thường xuyên nhằm cải thiện hệ xương khớp, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải tỏa căng thẳng.
  • Tránh mang vác nặng, thức khuya, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.
  • Nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và bổ sung đủ 2 lít nước/ ngày.
  • Lựa chọn loại giày có chất liệu mềm, thông thoáng và kích cỡ phù hợp.
  • Hút thuốc lá có thể gây hư hại mạch máu và tế bào thần kinh. Do đó để giảm nguy cơ tê bì chân tay, bạn nên từ bỏ thói quen này và hạn chế tình trạng hít khói thuốc lá thụ động.
  • Vào mùa đông, nên giữ ấm cơ thể và ngâm chân với nước ấm để tránh tình trạng co mạch máu và tê bì.

Tình trạng hay bị tê chân có thể xảy ra do các nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Trong trường hợp tê chân kéo dài, bạn nên thăm khám để kịp thời phát hiện bệnh lý và điều trị trong thời gian sớm nhất. Tình trạng chủ quan và lơ là trước các biểu hiện bất thường có thể khiến bệnh tình chuyển biến xấu và gây ra những biến chứng nặng nề.

Tham khảo thêm: 

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *