Cà Gai Leo - Tác Dụng Và Cách Dùng Dược Liệu Chữa Bệnh

Cà gai leo còn có tên gọi khác là Cà quánh, cà quính, Blou xít (Lào), Cà gai dây, trap khả (Campuchia), Cà quýnh… Dược liệu thuộc họ Cà (danh pháp khoa học: Solanaceae). Nhờ đặc tính và nhiều dưỡng chất có lợi, dược liệu thường được dùng trong điều trị đau nhức răng, phong thấp, chảy máu chân răng, say rượu. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng chống viêm gan, ức chế sự phát triển của bệnh xơ gan…

Cà gai leo - Tác dụng và cách dùng dược liệu chữa bệnh
Tìm hiểu Cà gai leo, tác dụng, tính vị, cách dùng, chống chỉ định và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu

 Mô tả Cà gai leo

  • Tên khác: Cà quánh, cà quính, Blou xít (Lào), Cà gai dây, trap khả (Campuchia), Cà quýnh, Cà vạch, Cà bò, Cà lù, Cà quạnh, Cà Hải Nam, Gai cườm, Quánh
  • Tên khoa học: Solanum procumbens Lour. (Solanum hainanense Hance)
  • Thuộc họ: Cà (danh pháp khoa học: Solanaceae)

Nhận dạng Cà gai leo

Cà gai leo được đánh giá là một cây thuốc Nam quý. Dược liệu xuất hiện với chiều dài từ 0,6 – 1m hoặc hơn. Trên thân có rất nhiều gai, cành xòe rộng. Trên cành phủ lông hình sao.

Lá dược liệu thuôn hoặc có hình trứng, phía gốc lá hơi tròn hoặc có hình rìu. Mép hơi lượn hoặc mép nguyên và khía thùy. Mặt dưới của lá được bao phủ bởi một lớp lông nhạt, mặt trên có lông nhưng ít hơn. Phiến lá có chiều dài từ 3 – 4cm, có chiều rộng từ 12 – 20mm, có gai và có cuống dài khoảng 4 – 5mm.

Dược liệu có hoa màu trắng, nhị hoa màu vàng, gộp thành sim từ 2  -5 hoa. Quả xuất hiện với hình cầu, khi chín có màu vàng, bên ngoài bóng nhẵn. Quả xuất hiện với đường kính 57mm. Bên trong quả có hạt. Hạt màu vàng hình thận, có mạng rộng 2mm, dài 4mm.

Tháng 4, tháng 5 là mùa hoa. Tháng 7 đến tháng 9 là mùa quả.

Phân bố

Cà gai leo là một dược liệu quen thuộc phân bố ở rất nhiều nơi. Dược liệu được tìm thấy tại Lào, Trung Quốc, Campuchia. Ở nước ta, dược liệu dược trồng ở nhiều tỉnh thành như Nghệ An, Thái Bình, Thanh hóa.

Bộ phận dùng

Cành lá và rễ – Radix et Ramulus Solani.

Tính vị

Cà gai leo mang tính ấm, vị hơi the, hơi có độc, có tác dụng tiêu đờm, tiêu độc, tán phong thấp, giảm đau, trừ ho, cầm máu.

Tính vị của Cà gai leo
Vị thuốc Cà gai leo mang tính ấm, vị hơi the, hơi có độc

Thu hái và chế biến

Thu hái

Quanh năm.

Chế biến

Sau khi thu hái, mang dược liệu rửa sạch, cắt thành từng khúc nhỏ. Sau đó mang dược liệu sấy khô hoặc phơi khô nhiều nắng.

Bảo quản

Sau khi Cà gai leo được sấy hoặc phơi khô, đựng dược liệu trong một hộp kín. Để dược liệu ở những nơi thoáng mát, khô ráo, tránh những nơi có độ ẩm cao.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Người bị viêm gan, xơ gan
  • Những người muốn phòng bệnh gan, ung thư gan
  • Điều trị rắn cắn
  • Người bị phong thấp, nhức mỏi, đau lưng, ho gà, do khan, ho có đờm
  • Giải rượu.

Chống chỉ định

  • Không sử dụng Cà gai leo cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bởi ở độ tuổi này sức khỏe của trẻ còn yếu, gan vẫn chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch chưa phát triển đủ.
  • Phụ nữ đang mang thai cần thận trọng khi sử dụng dược liệu.
  • Phụ nữ đang cho con bú không nên dùng.

Thành phần hóa học

Thành phần Ancaloit xuất hiện ở toàn cây nhưng nhiều nhất là ở rễ. Ngoài ra, trong rễ dược liệu còn chứa những thành phần hóa học quan trọng sau:

  • Flavonozit solasodin
  • Solasodinon
  • Tinh bột
  • Saponozit…
Thành phần hóa học của Cà gai leo
Dược liệu Cà gai leo mang nhiều thành phần hóa học quan trọng giúp phòng chống và điều trị bệnh

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Dược liệu Cà gai leo mang những tác dụng và lợi ích sau:

Tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan virus, nhất là viêm gan virus B

Dược chất mang tên Glycoalcaloid được tìm thấy trong dược liệu Cà gai leo có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị viêm gan virus, nhất là viêm gan virus B.

Kết quả nghiên cứu cho thấy dược liệu có khả năng làm giảm những triệu chứng của bệnh sau 2 tháng sử dụng. Cụ thể như: Vàng da, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, men gan trở về mức bình thường. Nồng độ virus trong máu suy giảm rõ rệt sau 3 tháng sử dụng. Ngoài ra, một số trường hợp khác còn được ghi nhận là âm tính virus (theo đề tài luận án của bác sĩ Trịnh Thị Xuân Hòa, năm 1999).

Tác dụng ức chế virus và làm chậm sự phát triển của bệnh xơ gan

Dược chất Glycoalcaloid và những hoạt chất được tìm thấy trong Cà gai leo có khả năng làm giảm mức độ xơ gan giai đoạn sớm. Đồng thời làm chậm sự tiến triển của xơ. Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng ngăn chặn xơ gan (theo công trình nghiên cứu của Viện dược liệu Trung ương, 1987 – 2000).

Tác dụng điều trị bệnh gan trong giải độc gan, hạ men gan

Những hoạt chất được tìm thấy trong dịch tiết Cà gai leo có khả năng điều trị tốt bệnh gan. Bên cạnh đó, những hoạt chất này còn có tác dụng bảo vệ gan khỏi những tác nhân gây hại. Đồng thời giúp hạ men gan và hạn chế sự hủy hoại tế bào gan.

Tác dụng chống oxy hóa, ngăn chặn và ức chế hoạt động của một số dòng ung thư

Các nhà nghiên cứu học đã tìm thấy trong dịch tiết toàn phần của cây Cà gai leo chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Những chất này có khả năng bảo vệ gan, chống viêm và làm giảm những tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thu và cộng sự đã thực hiện một cuộc nghiên cứu xoay quanh tác dụng của Cà gai leo. Kết quả cho thấy Glycoalcaloid và lượng dịch tiết toàn phần từ dược liệu đều có khả năng chống oxy hóa, mang ý nghĩa tương ứng là 38,1% và 47,5%.

Lượng dịch tiết từ dược liệu cũng đã được chứng minh là có khả năng tác động và ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư do virus. Bao gồm: Ung thư cổ tử cung, ung thư gan (Hep 3B, PLC/PRF)… Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng ức chế loại gen gây ung thư do virus, chống viêm mạnh, thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào gan, giải độc và giúp hạ men gan.

Theo Y học cổ truyền

  • Điều trị phong thấp
  • Điều trị đau nhức răng, chảy máu chân răng
  • Chữa say rượu, rắn cắn
  • Chữa bệnh lậu
  • Cầm máu, giảm đau
  • Trừ ho, tiêu đờm
  • Tiên độc.
Tác dụng và lợi ích của dược liệu Cà gai leo
Tác dụng và lợi ích của dược liệu Cà gai leo theo Y học cổ truyền và theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Cách sử dụng và liều dùng

Cách sử dụng

Dùng khô để sắc lấy nước uống, nấu thành cao hoặc tán nhuyễn để làm hoàn. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng cây tươi rửa sạch, giã nát để chắt lấy nước uống.

Liều dùng

  • Dùng trong: Dùng 16 – 20 gram/ngày.
  • Dùng ngoài: Liều lượng tùy chỉnh.

Tác dụng phụ

Hầu như không có tác dụng phụ và rất ít độc tính.

Bài thuốc chữa bệnh

Dược liệu Cà gai leo góp mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh gồm:

Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị rắn cắn

Ngày đầu

Nguyên liệu:

  • 30 – 50 gram rễ Cà gai leo tươi.

Cách thực hiện: 

  • Mang dược liệu rửa sạch
  • Cho dược liệu vào cối và giã nhỏ
  • Hòa thuốc cùng với 200ml nước đun sôi để nguội
  • Chiết lấy phần nước thuốc để uống 2 lần/ngày. Lưu ý, lần đầu cần uống ngay sau khi bị rắn cắn.

Ngày hôm sau

Nguyên liệu:

  • 15 – 30 gram rễ Cà gai leo khô.

Cách thực hiện:

  • Cho dược liệu vào chảo và tiến hành sao vàng
  • Tiếp tục sắc thuốc cùng với 300ml nước lọc
  • Uống ngay khi còn ấm
  • Sử dụng bài thuốc 2 lần/ngày. Sau 3 – 5 ngày người bệnh sẽ nhận thấy bệnh tình khỏi hẳn.
Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị rắn cắn
Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị rắn cắn

Bài thuốc điều trị phong thấp từ dược liệu Cà gai leo

Nguyên liệu:

  • 20 gram rễ Cà gai leo
  • 20 gram rễ Cỏ xước
  • 20 gram vỏ Chân chim
  • 20 gram Dây đau xương
  • 20 gram rễ Tầm xuân
  • 20 gram Dây mấu.

Cách thực hiện:

  • Mang các vị thuốc rửa sạch
  • Cho các vị thuốc cùng với 1 lít nước lọc vào nồi 
  • Sắc thuốc để chắt lấy nước uống mỗi ngày
  • Sử dụng mỗi ngày 1 thang cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

Bài thuốc điều trị ho gà, ho bằng dược liệu Cà gai leo

Nguyên liệu:

  • 10 gram rễ Cà gai leo
  • 30 gram lá chanh.

Cách thực hiện: 

  • Mang các vị thuốc rửa sạch
  • Cho các vị thuốc vào nồi, rót thêm 500ml nước lọc
  • Sắc thuốc trong 20 phút
  • Chắt lấy nước thuốc và chia thành 2 lần uống mỗi ngày
  • Sử dụng mỗi ngày 1 thang cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc điều trị ho gà, ho bằng dược liệu Cà gai leo
Bài thuốc điều trị ho gà, ho bằng dược liệu Cà gai leo

Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị sưng mộng răng (theo Bách Gia Trân Tàng)

Nguyên liệu:

  • 4 gram hạt Cà gai leo
  • Sáp ong.

Cách thực hiện:

  • Tán nhỏ lượng hạt Cà gai leo đã chuẩn bị
  • Cho thuốc bột cùng với một ít sáp ong vào trong cái đồ đồng
  • Đốt hỗn hợp này để lấy khói xông vào chân răng
  • Thực hiện từ 2 – 3 lần/ngày.

Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị xơ gan, viêm gan, hỗ trợ chống tế bào gây ung thư 

Nguyên liệu:

  • 30 gram thân, rễ và lá Cà gai leo
  • 10 gram cây dừa cạn
  • 10 gram Diệp hạ châu.

Cách thực hiện:

  • Cho tất cả dược liệu vào chảo và thực hiện sao vàng
  • Tiếp tục sắc thuốc cùng với 500ml nước lọc
  • Chắt lấy nước để uống và uống ngay khi còn ấm. Có thể chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
  • Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị đau lưng, nhức mỏi, tê thấp

Nguyên liệu:

  • 10 gram Cà gai leo
  • 10 gram Dây Gấm
  • 10 gram Thổ phục linh
  • 10 gram Kê huyết đằng
  • 10 gram Lá lốt.

Cách thực hiện:

  • Cho tất cả vị thuốc vào chảo, sao vàng
  • Sắc thuốc cùng với 1 lít nước lọc trong 30 phút
  • Chắt lấy nước để uống và uống ngay khi còn ấm
  • Chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày
  • Uống 1 thang/ngày. Sử dụng liên tục từ 10 – 30 thang để bệnh tình có thể thuyên giảm.
Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị đau lưng, nhức mỏi, tê thấp
Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị đau lưng, nhức mỏi, tê thấp

Bài thuốc giúp giải rượu, điều trị ngộ độc rượu, bảo vệ tế bào gan từ vị thuốc Cà gai leo 

Nguyên liệu:

  • Cà gai leo.

Thực hiện cách 1:

  • Sau khi rửa sạch, cho 100 gram dược liệu vào nồi và sắc thuốc cùng với 400ml nước lọc
  • Tắt bếp và chắt lấy nước thuốc khi lượng nước trong nồi chỉ còn 150ml
  • Uống ngay khi còn ấm
  • Uống 1 thang/ngày.

Thực hiện cách 2:

  • Sau khi rửa sạch, cho 50 gram Cà gai leo khô vào ly lớn
  • Rót 500ml nước sôi vào tách và thực hiện hãm dược liệu trong 20 phút
  • Uống thay nước.

Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, giải độc gan, hạ men gan

Nguyên liệu:

  • 35 gram thân lá hoặc rễ Cà gai leo.

Cách thực hiện:

  • Sau khi rửa sạch, cho dược liệu vào nồi và sắc thuốc cùng với 1 lít nước lọc
  • Tắt bếp và chắt lấy nước thuốc khi lượng nước trong nồi còn 300ml
  • Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Làm ấm thuốc ở mỗi lần uống
  • Uống 1 thang/ngày.

Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị bệnh lậu

Nguyên liệu:

  • 16 – 20 gram rễ Cà gai leo.

Cách thực hiện:

  • Mang vị thuốc rửa sạch
  • Sắc thuốc cùng với 400ml nước lọc
  • Chắt lấy nước thuốc
  • Uống thuốc ngay khi còn ấm
  • Kiên trì sử dụng thuốc mỗi ngày.
Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị bệnh lậu
Bài thuốc từ dược liệu Cà gai leo điều trị bệnh lậu

Bài viết là những thông tin xoay quanh dược liệu Cà gai leo, tác dụng, tính vị, cách dùng, chống chỉ định và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu. Tuy nhiên đây là một loại thảo dược nên hiệu quả phòng chống và điều trị bệnh của nó còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh, yếu tố cơ địa và thời gian sử dụng thuốc của người bệnh. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nếu có ý định sử dụng dược liệu và những bài thuốc.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *