Cây Sâm Đất - Phân loại, tác dụng, cách dùng làm thuốc

Có hơn 10 loại sâm đất được sử dụng phổ biến hiện nay. Tổng thể về công dụng, cây sâm đất hỗ trợ hoạt động cho rất nhiều cơ quan và bộ phận. Đặc biệt là tim, gan, phổi, hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có tác dụng hoạt huyết và giải độc. 

Sâm đất có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Đồng thời, nó còn chữa được một số bệnh về gan, phổ và hệ tiêu hóa
Sâm đất có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Đồng thời, nó còn chữa được một số bệnh về gan, phổ và hệ tiêu hóa

+ Tên khoa học: Talinum fruticosum

+ Tên gọi khác: Sâm mồng tơi, đông dương sâm, giả nhân sâm, sâm thổ Cao Ly và sâm thảo…

+ Họ: Portulacaceae (họ rau sam).

I/ Mô tả cây sâm đất

Đặc điểm nhận dạng

Sâm đất thường mọc hoang ở nhiều nơi. Nó được tìm thấy nhiều ở vùng trung du và đồi núi phía bắc. Có nhiều loại sâm đất, mỗi loại có một số đặc điểm và công dụng riêng. Nội dung này sẽ được trình bày trong phần tiếp theo. Về tổng thể thì sâm đất thuộc loại thân thảo và phân nhánh. Nó mọc tỏa ra sát mặt đất. Rễ phát triển thành củ, màu củ thường vàng nhạt.

Lá mọc so le và có hình như trái xoan. Cuốn lá rất ngắn. Chiều dài của lá dao động từ 5 – 7cm và rộng từ 2 – 4cm. Phiến lá dày, mép lượn sóng. Màu hai mặt lá xanh bóng như nhau.

Hoa thường có màu hồng. Nó mọc ra từ ngọn hoặc các nhánh. Quả sâm đất thuộc loại quả mọng, có màu đỏ nâu khi chín. Kích thước quả nhỏ. Bên trong có nhiều hạt rất nhỏ, dẹt và màu đen.

Sâm đất có nhiều loại, điểm chung của chúng ở chỗ đều là thực vật thân thảo và đa số mọc hoang.
Sâm đất có nhiều loại, điểm chung của chúng ở chỗ đều là thực vật thân thảo và đa số mọc hoang.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Toàn thân. Khi sử dụng làm dược liệu, củ của cây được dùng nhiều nhất.

Thu hái: Quanh năm. Nếu dùng phần rễ thì thời điểm tốt nhất là vào mùa thu.

Chế biến: Sử dụng dạng tươi, phơi khô, ngâm rượu hoặc chế biến thành món ăn.

Bảo quản: Trong túi hoặc hũ thủy tinh đậy kín. Để dược liệu ở nơi khô ráo và thoáng mát.

II/ Giá trị dược liệu của sâm đất

Tính vị và thành phần hóa học

Sâm đất có vị ngọt và tính bình. Theo ghi chép của Đông y, loài thực vật này quy kinh (tác dụng đặc biệt) vào tâm (tim) và phế (phổi).

Về thành phần hóa học, những nghiên cứu của y học hiện đại phát hiện ra sâm đất chứa hàm lượng lớn hoạt chất petin. Đặc biệt ở phần rễ (củ) của cây chứa alkaloid cùng một số khoáng chất khác như crom, nitrat kalium và tinh bột.

Công dụng của sâm đất đối với sức khỏe

Từ góc độ tính vị, tài liệu y học cổ truyền ghi nhận tác dụng của cây sâm đất gồm:

  • Hoạt huyết và chống co giật;
  • Giải độc;
  • Nhuận tràng, lợi tiểu;
  • Long đờm, chữa ho;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh gan và phù thũng.

Dựa trên góc độ thành phần, y học hiện đại đã chứng minh được một số công dụng của sâm đất như sau:

  • Kích thích D – amino oxidase và ức chế succinic dehydrogenase tại thận: Giúp đại tiện và tiểu tiện dễ dàng. Ngoài ra, tác dụng này còn đến từ hàm lượng kali trong sâm đất. Đây là khoáng chất làm gia tăng lượng punarnavine;
  • Giảm cholesterol trong máu, albumin niệu và giảm phù;
  • Chống viêm;
  • Điều trị tình trạng thận hư (vẫn đang nghiên cứu về hiệu quả).
Tăng cường sức đề kháng và bồi bổ khí huyết là công dụng chung của các loại sâm đất.
Tăng cường sức đề kháng và bồi bổ khí huyết là công dụng chung của các loại sâm đất.

III/ Bài thuốc chữa bệnh với cây sâm đất

Chữa tiểu đường bằng sâm đất tươi hoặc khô

Nếu dùng dạng tươi thì cần 75g dược liệu. Còn ở dạng khô thì khối lượng này là 25g. Sâm đất sau khi rửa sạch thì mang đi nấu với 1 lít nước. Đun lửa nhỏ trong khoảng 15 phút. Lượng thuốc sắc được uống hết trong ngày. Dùng liên tục trong 1 tháng.

Kết hợp sâm đất và đại táo chữa tiêu chảy

Nếu bị tiêu chảy do hệ tiêu hóa hoạt động kém thì có thể dùng từ 15 – 30g sâm đất với 15g đại táo. Hai vị thuốc sử dụng ở dạng khô. Sau khi rửa sạch thì nấu với 1 lít nước uống hằng ngày. Lưu ý, mỗi ngày chỉ dùng 1 thang thuốc với liều lượng như đã trình bày. Kiên trì trong khoảng 1 tháng, hệ tiêu hóa sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Rễ cây kim anh và sâm đất chữa tiểu tiện nhiều lần

Dùng 60g sâm đất với 50g rễ cây kim anh. Dùng dạng thuốc sắc. Lượng thuốc chia thành 2 lần uống hết trong ngày. Uống liên tục 5 ngày.

Bài thuốc chữa táo bón với lá sâm đất

Kết hợp 30g lá sâm đất với một số vị thuốc Đông y khác. Cụ thể là lá vông non, vừng đen (đã rang nổ), mỗi vị 30g; rễ cây đinh lăng, lá thiên lý non (mỗi loại 20g). Dùng các nguyên liệu này nấu canh ăn hằng ngày cho đến khi tình trạng táo bón được cải thiện và biến mất.

Sâm đất dùng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng một số vị thuốc Đông y khác chữa trị nhiều bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Sâm đất dùng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng một số vị thuốc Đông y khác chữa trị nhiều bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.

Lá sâm đất và cỏ sữa chữa kiết lỵ

Khối lượng hai vị thuốc ngang nhau. Mỗi loại cần 100g cho 1 lần dùng. Nếu đại tiện nhiều lần, có thể dùng thêm 20g cỏ nhọ nồi. Rửa sạch các nguyên liệu rồi nấu với 400ml nước. Để lửa nhỏ, đến khi nước sắc còn khoảng 100ml thì tắt bếp. Lượng thuốc sắc xong chia thành 2 lần uống. Nên dùng khi nước còn ấm.

Sâm đất khô uống hằng ngày chữa cao huyết áp

Nếu bị cao huyết áp hoặc để ổn định hàm lượng cholesterol trong máu, có thể sử dụng 12g sâm đất ở dạng khô (dùng cả phần rễ và thân cây) đun với nước uống hằng ngày. Lưu ý là không để thuốc qua đêm. Ngoài ra, cách dùng này còn chữa tình trạng chóng mặt, mệt mỏi, giúp gan giải độc.

Bài thuốc bồi bổ khí huyết với cây sâm đất

Ngoài nguyên liệu chính là 20g sâm đất, cần thêm một số vị thuốc Đông y khác. Cụ thể là: hoài sơn, ý dĩ, thục địa và liên nhục (mỗi loại 12g); mạch môn, đương quy và bạch truật (mỗi vị 10g); 8g ngưu tất và 6g táo nhân.

Bài thuốc dùng dạng sắc lấy nước uống. Riêng hoài sơn, bạch truật, táo nhân và mạch môn thì sao nóng trước khi cho vào nồi nấu cùng các nguyên liệu khác. Thuốc sắc xong uống hết trong ngày, có thể chia thành nhiều lần. Dùng liên tục cho đến khi khí huyết lưu thông bình thường.

Trị sỏi thận với bột sâm đất

Dùng sâm đất dạng khô. Tán nhỏ vị thuốc này thành bột mịn rồi bảo quản trong hũ thủy tinh. Mỗi ngày dùng lấy 10g hòa với 1 lít nước sôi để uống. Dùng liên tục sẽ giúp tiêu sỏi từ từ.

Ngoài tác dụng bồi bổ khí huyết, sâm đất sắc lấy nước uống còn chữa sỏi thận.
Ngoài tác dụng bồi bổ khí huyết, sâm đất sắc lấy nước uống còn chữa sỏi thận.

Dùng sâm đất tươi và khô trị viêm đường tiết niệu

Kết hợp 75g sâm đất tươi và 20g ở dạng khô để chữa viêm đường tiết niệu. Sâm đất tươi nấu với 250ml. Loại khô tán thành bột mịn. Dùng nước thuốc sắc ở dạng tươi hòa với bột mịn ở dạng khô để uống. Mỗi ngày dùng 1 lần vào buổi sáng.

Tắm nước từ lá và rễ cây sâm đất chữa ghẻ

Dùng ngoài da nên liều lượng không quá quan trọng. Lá và rễ sâm đất cần mỗi thứ 1 nắm tay ở dạng tươi. Nguyên liệu sau khi rửa sạch thì đun với 2 lít nước. Dùng nước này tắm hoặc rửa vùng da bị ghẻ sẽ giúp các tổn thương nhanh chóng được hồi phục và chống viêm nhiễm.

Rượu sâm đất giảm đau nhức xương khớp

Chuẩn bị: 700g củ sâm đất dạng tươi; 5 lít rượu trắng (loại dùng để uống, khoảng 40 độ, nên chọn loại lên men truyền thống); hũ thủy tinh.

Thực hiện: Rửa sạch củ sâm bằng nước muối loãng. Chờ ráo nước thì cho vào bình. Đổ rượu ngập sâm rồi đậy kín nắp. Để ở nơi khô ráo, thoáng mát trong 6 tháng. Mỗi ngày uống 2 lần. Mỗi lần bằng hoặc ít hơn 25ml.

Bài thuốc từ món ăn với sâm đất trị đổ mồ hôi trộm

Dùng 60g sâm đất ở dạng tươi nấu canh với bao tử lợn có thể chữa được chứng đổ mồ hôi trộm. Bao tử lợn cần được rửa kỹ với chanh và nước muối trước khi nấu. Đồng thời, nên hầm lâu để nó mềm và giúp tiêu hóa tốt hơn.

Món ăn với sâm đất giúp hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật

Cần 300g sườn lợn; hai vị thuốc Đông y gồm: sâm đất và hoàng kỳ (mỗi loại 200g). Hoàng kỳ sắc lấy nước. Dùng nước này nấu sườn sau đó cho sâm đất vào. Đun với lửa nhỏ trong 10 phút. Nêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Nên ăn món này từ 2 – 3 lần/1 tuần.

Bài thuốc dùng sâm đất chữa ho lâu ngày

Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: sâm đất, hà thủ ô trắng, thông thảo (mỗi vị thuốc cần 20g) và 1 con gà nhỏ (khoảng nửa ký). Hầm gà với các loại dược liệu. Đến khi gà mềm thì bỏ phần mỡ nổi lên trên bề mặt rồi ăn.

Món ăn từ sâm đất chữa ho lâu ngày, chứng đổ mồ hôi trộm và giúp sức khỏe mau hồi phục sau khi phẫu thuật.
Món ăn từ sâm đất chữa ho lâu ngày, chứng đổ mồ hôi trộm và giúp sức khỏe mau hồi phục sau khi phẫu thuật.

IV/ Lưu ý khi dùng cây sâm đất làm dược liệu

Liều lượng các cách sử dụng sâm đất để bồi bổ sức khỏe hoặc chữa bệnh cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Bởi tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ có cách dùng khác nhau.

Bên cạnh đó, sâm đất có thể gây độc trong một số trường hợp. Biểu hiện thường thấy là ra nhiều mồ hôi, buồn nôn và nôn. Nếu thấy có các dấu hiệu này thì ngừng sử dụng. Trường hợp nặng cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.

Về đối tượng sử dụng, chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác động của sâm đất với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh. Một số tài liệu cho rằng nó có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của hai nhóm đối tượng này. Vì thế, tốt nhất là không nên dùng.

Sâm đất là một vị thuốc Đông y, việc sử dụng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Sâm đất là một vị thuốc Đông y, việc sử dụng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

V/ Các loại sâm đất

Số lượng các loại sâm đất vẫn chưa có thống kê chính thức. Có tài liệu cho rằng loài thực vật này có đến 30 loại hoặc nhiều hơn. Dưới đây là 11 loại sâm đất khá phổ biến hiện nay.

1/ Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis)

Loại sâm đất này sống ở độ cao hơn 1.200m trên núi Ngọc Linh (thuộc dãy Hoàng Liên Sơn). Điểm đặc biệt ở chỗ nó chỉ được tìm thấy ở Việt Nam. Giá trị của sâm Ngọc Linh được nhiều người đánh giá không kém linh chi (Hàn Quốc). Ngoài tác dụng tăng cường sức đề kháng, sâm Ngọc Linh đang được nghiên cứu về khả năng chữa bệnh ung thư.

2/ Sâm cau (Curculigo Orchioides)

Tương tự như sâm Ngọc Linh, sâm cau cũng là một vị thuốc có giá trị dược liệu và kinh tế cao. Nó rất quý hiếm. Loại sâm này có ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Papua New Guinea (quốc gia ở Thái Bình Dương) và các nước ở bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia). Công dụng chủ của sâm cau là tăng cường sức khỏe cho người ốm vừa khỏi và tăng cường sinh lực cho phái mạnh.

3/ Sâm quy đá (Angelica sinensis)

Tên gọi khác của loại sâm đất này là sâm đá, sâm vân quy… Nếu như sâm cau rừng được xem là “cứu tinh” cho phái mạnh thì sâm quy đá chính là “bùa hộ mệnh” cho sức khỏe của chị em. Cụ thể, nó giúp điều hòa kinh nguyệt và chữa đau bụng kinh. Bên cạnh đó, loại sâm này còn bồi bổ sức khỏe cho người ốm vừa khỏi hoặc người có thể trạng gầy gò, xanh xao.

4/ Sâm đương quy (Angelica Sinensis)

Sâm đương quy là một vị thuốc khá quen thuộc trong Đông y. Nó gần như luôn có trong các bài thuốc giúp tăng cường sức đề kháng và an thần. Bên cạnh đó, loại sâm này còn chữa tình trạng yếu sinh lý cho nam giới và rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

Đương quy là loại sâm có tính hàn. Để an toàn cho sức khỏe và bảo quản được lâu, người ra thường mang loại sâm này đi ngâm rượu hoặc sấy khô. Trong đó, đương quy sấy khô còn gọi là hồng sâm. Loại này dễ sử dụng hơn vì vừa có giá trị dược liệu cao vừa an toàn.

Đương quy là một trong những loại sâm đất được dùng phổ biến trong nhiều bài thuốc Đông y.
Đương quy là một trong những loại sâm đất được dùng phổ biến trong nhiều bài thuốc Đông y.

5/ Thổ hào sâm (Abelmoschus sagittifolius)

Tên gọi khác của thổ hào sâm là sâm bố chính. Loại sâm này thích khí hậu mát mẻ và được trồng nhiều nơi nên giá thành không quá cao. Công dụng của thổ hào sâm là khắc phục tình trạng suy nhược cơ thể, hoa mắt, đau lưng và giúp điều hòa kinh nguyệt. Bên cạnh đó, đây còn là một vị thuốc chữa một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có hen suyễn.

6/ Đinh Lăng (Polyscias fruticosa)

Cây đinh lăng có nhiều loại. Trong đó, loại được xếp cùng nhóm với sâm đất là đinh lăng lá nếp. Dân gian hay gọi đây là nhân sâm cho người nghèo. Nguyên nhân là giá trị dược liệu có trong loại cây này khá giống với nhân sâm nhưng giá thành không quá cao và được trồng phổ biến.

Tương tự như các loại cùng nhóm sâm đất, đinh lăng lá nếp nổi bật với công dụng tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, loài cây này còn giảm đau nhức xương khớp, giúp vết thương mau lành, chống viêm nhiễm, giúp hạ sốt và nhiều công dụng khác.

7/ Đẳng sâm (Campanumoea javanica Blume)

Trong một số bài thuốc Đông y, người ta thường dùng đẳng sâm để thay thế nhân sâm. Loại sâm đất này có giá trị dược liệu khá giống nhân sâm tuy nhiên giá thành thấp hơn và cũng dễ tìm mua hơn.

Ngoài tác dụng tăng cường sức đề kháng, đẳng sâm còn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa; giúp máu lưu thông tốt hơn (qua đó giảm được tình trạng ốm vặt); chữa cao huyết áp…

8/ Tam thất bắc (Panax pseudoginseng)

Từng có giai đoạn tam thất bắc là một vị thuốc quý hiếm. Nó được dùng như một lễ vật và chỉ dành cho vua chúa. Ngày nay, tam thất bắc được trồng phổ biến nên không còn quý hiếm nữa và giá thành cũng rẻ hơn. Dù vậy, loại mọc tự nhiên vẫn được đánh giá tốt hơn loại được trồng đại trà hiện nay. 

Tác dụng của tam thất bắc chủ yếu liên quan đến hoạt động của tim và huyết áp. Cụ thể, nó được dùng để chống loạn nhịp tim, giảm huyết áp và tiêu ứ. Ngoài ra, loại sâm đất này còn giảm viêm, giảm đau, cầm máu và hạn chế quá trình oxy hóa.

Tam thất bắc từng là vị thuốc quý với giá thành đắc đỏ.
Tam thất bắc từng là vị thuốc quý với giá thành đắt đỏ.

9/ Tục đoạn (Dipsacus asper Wall)

Loại sâm đất này quy kinh vào can (gan) và thận. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ khí huyết lưu thông tốt hơn, cầm máu và giảm đau. Đặc biệt, tục đoạn có tác dụng nối liền gân cốt nên thể dùng cho các trường hợp bị gãy xương, bong gân. Ngoài ra, tục đoạn còn được sử dụng để an thai, khắc phục tình trạng dọa sảy thai và chữa băng lậu đới hạ (bệnh liên quan đến kinh nguyệt của phụ nữ).

10/ Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bge)

Tác dụng dược lý của đan sâm là làm giãn động mạch vành. Do đó, nó được ứng dụng để tăng cường tuần hoàn máu, hạ huyết áp, cải thiện hoạt động của tim và chống đông máu. Ngoài ra, loại sâm đất này còn có tác dụng kháng khuẩn (thường dùng để chữa bệnh phụ khoa) và giúp an thần. Thêm vào đó, một số nghiên cứu về loại sâm này trên chuột cho thấy khả năng ức chế tế bào ung thư.

11/ Sa sâm (Launaea pinnatifida)

Chưa có nghiên cứu của y học hiện đại về công dụng của cây sa sâm. Tuy nhiên, theo ghi chép của Đông y thì loại sâm này chủ yếu được dùng để điều trị tình trạng liên quan đến hoạt động của hệ hô hấp (ho khan và viêm phế quản). Bên cạnh đó, nó còn được dùng để chữa khô miệng, chảy máu chân răng, sốt, thiếu máu, vàng da và lở loét.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *