Hướng Dẫn Chăm Sóc Bệnh Nhân Xơ Gan Đúng Cách

Ngoài các phương pháp y tế, biện pháp chăm sóc cũng có tác động tích cực đến tiến triển của bệnh xơ gan. Vì vậy, người nhà nên lập chế độ chăm sóc đúng cách để hỗ trợ làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân ăn uống bình thường, hạn chế sụt cân, có tâm lý thoải mái và tích cực hơn trong quá trình điều trị.

chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Xơ gan là một trong những bệnh lý về gan thường gặp. Đây là bệnh mãn tính, xảy ra khi tế bào gan hư tổn, không có khả năng phục hồi và có xu hướng hình thành các mô sẹo không có chức năng hoạt động. Tổn thương tế bào diễn ra thường xuyên có thể khiến gan suy giảm hoạt động và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, không có biện pháp điều trị hoàn toàn bệnh xơ gan. Điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng lâm sàng, làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

Vì vậy song song với các phương pháp y tế, người nhà cần theo dõi và thiết lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan đúng cách. Thực tế, chăm sóc khoa học có thể giúp bệnh nhân ăn uống bình thường, không sụt cân, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có tâm lý lạc quan, thoải mái và tích cực trong quá trình điều trị.

1. Nguyên tắc chăm sóc

Trước tiên người nhà cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để xác định được mức độ phát triển của bệnh và thiết lập kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Nguyên tắc khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan:

  • Hỗ trợ và tăng cường chức năng gan
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh
  • Làm giảm triệu chứng phù và cổ trướng
  • Phát hiện và theo dõi biến chứng xuất huyết tiêu hóa
  • Đề phòng và thông báo kịp thời khi xuất hiện chứng hôn mê gan
  • Giáo dục sức khỏe giúp người bệnh chủ động xây dựng lối sống lành mạnh

2. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp

Chế độ ăn cho bệnh nhân xơ gan phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, giảm áp lực và tăng cường chức năng gan.

chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Cần đảm bảo chế độ ăn của bệnh nhân suy gan cung cấp từ 2500 – 3000 kcalo/ ngày

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan:

  • Đảm bảo chế độ ăn cung cấp 2500 – 3000 kcalo/ ngày. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng giúp cải thiện thể trạng, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ bệnh nhân ức chế sự tiến triển của bệnh.
  • Cung cấp đủ vitamin, đạm, khoáng chất và chất xơ. Các thành phần này dinh dưỡng này có thể làm giảm áp lực lên gan, ngăn ngừa tích tụ mỡ và cholesterol.
  • Giới hạn lượng đường, muối và dầu mỡ trong chế độ dinh dưỡng. Đồng thời không sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn và hút thuốc lá.
  • Giảm lượng đạm trong trường hợp xơ gan mất bù có nguy cơ hôn mê gan cao. Tuy nhiên với những trường hợp đã xuất hiện dấu hiệu rối loạn chức năng não, cần ngưng cung cấp đạm.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên gan và cơ quan tiêu hóa.
  • Nên động viên người bệnh ăn uống đầy đủ và hạn chế tình trạng bỏ bữa.
  • Vệ sinh miệng và mũi – đặc biệt là khi có chảy máu chân răng và chảy máu cam. Biện pháp này giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và tạo cảm giác ngon miệng khi ăn uống.

3. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Bên cạnh chế độ ăn, người nhà cần cho bệnh nhân dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ:

  • Uống thuốc đúng liều lượng và thời gian
  • Kiểm tra dịch truyền và thông báo với nhân viên y tế khi có biểu hiện bất thường
  • Nếu phát hiện triệu chứng chậm tiêu và biếng ăn, nên trao đổi với bác sĩ để có cách xử lý kịp thời
  • Nên kiểm tra cân nặng của người bệnh thường xuyên

4. Chăm sóc trong trường hợp phù và cổ trướng

Với những trường hợp xuất hiện triệu chứng phù và cổ trướng, nên thực hiện các biện pháp chăm sóc như:

chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Trong trường hợp phù và cổ trướng, nên cho bệnh nhân uống thuốc lợi tiểu theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại chỗ và hạn chế vận động
  • Cắt giảm lượng muối hoặc loại bỏ muối ra khỏi chế độ ăn nếu phù nhiều
  • Có thể đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chọc dịch cổ trướng

5. Phát hiện và xử trí khi có xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân xơ gan. Vì vậy cần trang bị kiến thức nhận biết và cách xử lý khi xuất hiện biến chứng này.

  • Bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng dữ dội, nôn ói ra máu tươi, bã cà phê,…
  • Gọi cấp cứu ngay khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng kể trên
  • Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành truyền máu, truyền dịch, đặt Catether, rửa dạ dày bằng nước lạnh và thụt tháo phân
  • Sau đó nên ngưng cho người bệnh ăn bằng đường miệng, đồng thời cho bệnh nhân nằm nghỉ, kê đầu thấp
  • Trong trường hợp xuất hiện biến chứng, việc chăm sóc bệnh nhân sẽ có sự hỗ trợ từ nhân viên điều dưỡng

6. Theo dõi và dự phòng chứng não gan

Chứng não gan là tình trạng suy giảm chức năng của não do tích tụ độc tố trong máu. Đây là biến chứng do gan suy kiệt, xơ hóa, không thể duy trì các hoạt động thanh thải và chuyển hóa độc tố.

  • Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng như lú lẫn, hay quên, thay đổi tính cách, phán đoán chậm, mất tập trung, khó khăn khi hoạt động, buồn ngủ cực độ, khó khăn khi phát âm, run tay, co giật,…

7. Giáo dục sức khỏe

Ngoài các biện pháp chăm sóc trên, người nhà nên truyền đạt cho bệnh nhân về các biện pháp tự chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Nên hướng dẫn người bệnh một số biện pháp tự chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị
  • Nghỉ ngơi và tránh lao động nặng khi bệnh tiến triển
  • Không dùng rượu bia và thuốc lá
  • Hạn chế bổ sung đạm, mỡ và đường, đồng thời giảm lượng muối hoặc cắt giảm muối hoàn toàn khi có triệu chứng cổ trướng
  • Chủ động thăm khám khi có triệu chứng bất thường hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ

Bài viết đã hướng dẫn cách xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan. Hy vọng qua thông tin trên, người nhà có thể dễ dàng chăm sóc nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm triệu chứng ở bệnh nhân.

Tham khảo thêm: Chế độ ăn uống cụ thể cho người bệnh xơ gan cổ chướng

Ngày Cập nhật 06/03/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *