Chàm thể tạng là gì? Biểu hiện và các phương pháp điều trị

Chàm thể tạng là bệnh da liễu xảy ra phổ biến ở nhiều độ tuổi. Khi xuất hiện bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu như bong tróc da, đỏ rát và ngứa ngáy. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh lý. Mục đích của quá trình điều trị bệnh là kiểm soát bệnh, kiểm soát mức độ tiến triển của bệnh và giúp cải thiện các triệu chứng.

Chàm thể tạng là gì? Biểu hiện và các phương pháp điều trị
Tìm hiểu chàm thể tạng là gì? Biểu hiện và các phương pháp điều trị

Bệnh chàm thể tạng là gì?

Bệnh chàm thể tạng còn có tên gọi khác là viêm da cơ địa, viêm da thể tạng. Đây là một bệnh về da xảy ra phổ biến ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên trẻ nhỏ vài tháng tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Trong khi đó, tỉ lệ người lớn mắc bệnh chỉ đạt ở mức từ 1 – 3%. Đa phần bệnh tái phát do bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh lúc nhỏ.

Nguyên nhân gây bệnh chàm thể tạng

Một số nguyên nhân khiến bệnh chàm thể tạng hình thành, gồm:

  • Di truyền: Nếu bạn có ba mẹ hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm mũi dị ứng, bệnh chàm, bệnh hen suyễn… bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người có tiền sử gia đình không mắc bệnh. Trong trường hợp cả người cha lẫn người mẹ đều mắc bệnh, trẻ em sinh ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh lên đến 78%.
  • Giới tính: Bệnh xuất hiện phổ biến và không phân biệt giới tính. Tuy nhiên phụ nữ lại thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hơn so với nam giới.
  • Dị ứng: Quá trình dị ứng khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể bị kích thích và tạo nên những phản ứng thái quá với các tác nhân từ bên ngoài. Đây được đánh giá là thời điểm thích hợp để những tác nhân gây hại bao gồm cả vi khuẩn xâm nhập và hình thành nên các bệnh trên da. Trong đó có chàm thể tạng.
  • Môi trường sống: Môi trường sống ô nhiễm hoặc môi trường sống có nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi khiến bệnh hình thành và phát triển.

Nhìn chung, những nguyên nhân khiến bệnh chàm thể tạng hình thành chỉ mang tính chất tương đối. Bởi các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân trực tiếp tác động và gây ra bệnh lý này. Thông tin về nguyên nhân gây bệnh mà chúng tôi cung cấp có thể thay đổi nếu một hoặc nhiều các nghiên cứu mới được thực hiện và phát hiện ra được nguyên nhân cụ thể.

Những triệu chứng của bệnh sẽ nặng nề hơn khi bạn bị tác động bởi những yếu tố dưới đây:

  • Khí hậu quá lạnh, quá nóng hoặc hanh khô
  • Da khô do không được chăm sóc đúng cách hoặc tắm lâu với nước nóng
  • Sử dụng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng
  • Thay đổi nội tiết
  • Sang chấn tâm lý
  • Tiếp xúc với những chất có khả năng gây kích ứng mạnh như xà bông, bột giặt, thuốc tẩy rửa…
  • Vấn đề nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh chàm thể tạng
Nguyên nhân gây bệnh chàm thể tạng

Biểu hiện của bệnh chàm thể tạng

Bệnh chàm thể tạng khi xuất hiện sẽ gây ra những biểu hiện sau:

  • Bề mặt của da bệnh sần sùi và khô ráp
  • Đỏ da. Đây là dấu hiệu đầu tiên để xác định bệnh lý
  • Tình trạng bong da xuất hiện ở mức độ nhẹ
  • Ở một vài trường hợp da sẽ xuất hiện mụn nước
  • Vùng da bị tổn thương có biểu hiện ngứa rát
  • Những triệu chứng có thể xuất hiện thành các đốm nhỏ sát nhau hoặc thành những mảng lớn.

Triệu chứng của bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực, vùng da nào trên cơ thể. Tuy nhiên triệu chứng sẽ xảy ra nhiều nhất ở tay, chân và da mặt. Khi sử dụng tay gãi hoặc chà xát lên vùng da bệnh, triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Tùy thuộc vào độ tuổi mắc bệnh, bệnh sẽ hình thành thêm một số dấu hiệu khác. Cụ thể như:

  • Đối với trẻ sơ sinh: Bệnh xuất hiện đột ngột ở những trẻ có độ tuổi từ 2 – 3 tháng. Đầu và mặt là vùng da bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bệnh xuất hiện ở độ tuổi này thường gây tróc vảy, khô da, ngứa ngáy, nổi mụn nước chảy dịch. Những triệu chứng của bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng da và làm trẻ khó ngủ.
  • Đối với trẻ em: Bệnh xuất hiện ở trẻ từ 2 tuổi đến dậy thì. Biểu hiện của bệnh thường xảy ra ở những nếp gấp của cơ thể. Cụ thể như chân, khuỷu tay, cổ, mông, mắt cá… Những vị trí này thường bị tróc vảy và ngứa. Lâu ngày, da sẽ dày lên, sần sùi, ngứa nhiều và xuất hiện những nốt sần.
  • Đối với người lớn: Bệnh hiếm khi xuất hiện. Bệnh chủ yếu xảy ra ở những người có tiền sử mắc bệnh từ nhỏ. Có nhiều khác biệt khi bệnh xuất hiện ở người lớn. Cụ thể như bệnh thường xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay, mặt, cổ và gáy. Bệnh khiến da bị tróc vảy nhiều, khô da, ngứa ngáy, da sậm màu hơn, tái phát liên tục. Nhiễm trùng da có thể xảy ra khi gãi.
Biểu hiện của bệnh chàm thể tạng
Biểu hiện của bệnh chàm thể tạng ở người lớn là tróc vảy nhiều, khô da, ngứa ngáy, da sậm màu hơn, tái phát liên tục

Các phương pháp điều trị chàm thể tạng

Trước khi chỉ định phương pháp điều trị chàm thể tạng, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý để xác định mức độ tổn thương và khả năng phát triển bệnh lý. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh. Mục đích của quá trình điều trị bệnh là kiểm soát bệnh lý, kiểm soát mức độ tiến triển của bệnh và giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu.

Dưỡng ẩm và làm mềm da giúp kiểm soát bệnh chàm thể tạng

Trong quá trình điều trị bệnh chàm thể tạng, dưỡng ẩm da là một yếu tố được đánh giá là rất quan trọng. Bởi việc giữ cho da không bị khô, giúp da luôn ở trạng thái tốt nhất sẽ phòng ngừa bệnh phát triển theo chiều hướng xấu. Đồng thời tránh những triệu chứng của bệnh lan rộng.

Ngoài ra việc làm mềm và dưỡng ẩm cho da còn giúp người bệnh cải thiện tốt tình trạng khô và bong tróc da. Điều này sẽ giúp cho một số vấn đề như ngứa ngáy, đỏ da thuyên giảm.

Để làm mềm và dưỡng ẩm da, bạn có thể sử dụng các loại kem bôi ngoài da theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tốt nhất, bạn nên sử dụng kem bôi sau khi đã vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ khoảng 3 phút. Điều này sẽ giúp những dưỡng chất trong kem được hấp thụ nhanh và phát huy tác dụng tốt nhất. Người bệnh cần ngưng sử dụng các loại kem khi bị kích ứng.

Điều trị bệnh chàm thể tạng bằng thuốc Steroids dạng bôi ngoài 

Thuốc Steroids dạng bôi ngoài sẽ được bác sĩ yêu cầu sử dụng khi những sản phẩm giúp làm mềm da và dưỡng ẩm không thể phát huy tác dụng như mong đợi. Để kê đơn thuốc phù hợp, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của bạn.

Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc Steroids. Bởi nếu sử dụng không đúng cách, sử dụng kéo dài hoặc dùng với liều cao, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị bệnh chàm thể tạng bằng thuốc Steroids dạng bôi ngoài 
Điều trị bệnh chàm thể tạng bằng thuốc Steroids dạng bôi ngoài

Dùng các loại thuốc chống dị ứng chữa chàm thể tạng

Đối với những trường hợp nặng hoặc cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng các loại thuốc chống dị ứng để kiểm soát bệnh và khắc phục những triệu chứng khó chịu của bệnh.

Nếu bệnh xuất hiện ở trẻ em, bác sĩ chuyên khoa có thể cho trẻ sử dụng những loại thuốc sau:

  • Chlorpheniramin
  • Atarax
  • Phenergan.

Nếu bệnh xuất hiện ở người lớn, những loại thuốc được đề cập dưới đây sẽ được bác sĩ chỉ định:

  • Semprex
  • Telfast
  • Prima
  • Femstil
  • Zyrtec.

Tất cả những loại thuốc dùng trong quá trình điều trị bệnh chàm thể tạng chỉ được sử dụng khi bác sĩ chuyên khoa yêu cầu. Để tránh những vấn đề, rủi ro có thể xảy ra, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng với liều dùng, cách dùng được ghi đơn thuốc. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc, không tự ý tăng hoặc giảm liều dùng thuốc để tránh gây nguy hiểm. Đặc biệt là ở trẻ em.

Chế độ chăm sóc người bị chàm thể tạng và dự phòng

Để quá trình điều trị bệnh chàm thể tạng được diễn ra suôn sẻ, mang hiệu quả chữa bệnh cao và phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh cần có một chế độ chăm sóc phù hợp. Cụ thể như:

  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ. Bạn cần lưu ý không nên tắm quá lâu. Khoảng từ  5 – 10 phút là thời gian tắm thích hợp. Bên cạnh đó bạn nên tránh tắm với nước nóng. Bởi lớp dầu tự nhiên trên da sẽ bị phá hủy ở nhiệt độ cao. Điều này khiến da bong tróc nhiều hơn và khô hơn.
  • Bạn nên mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, vải có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Người bệnh cần tránh mặc quần áo bó sát vì sẽ gây kích ứng da.
  • Tránh sử dụng tay cọ xát, gãi vào vùng da đang bị bệnh. Bởi hoạt động này có thể khiến da bị tổn thương nghiêm trọng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập. Từ đó tạo ra tình trạng nhiễm trùng gây nguy hiểm.
  • Bạn cần sử dụng chất tẩy rửa hay các loại xà phòng dịu nhẹ, không chứa nhiều hóa chất để tránh da bị kích ứng. Tốt nhất bạn nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để tìm ra cho mình một loại xà phòng phù hợp, có độ pH 5,5.
  • Bổ sung vào khẩu phần ăn những loại thực phẩm giàu omega-3, vitamin và những khoáng chất cần thiết khác. Đồng thời uống nhiều nước để  tăng cường độ ẩm cho da.
  • Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm cay nóng, thức ăn đã qua quá trình chiên xào nhiều dầu mỡ, thức uống có cồn, thực phẩm gây kích ứng da… để tránh bệnh phát triển mạnh và phòng ngừa bệnh tái phát ở người lớn.
Chế độ chăm sóc người bị chàm thể tạng và dự phòng
Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm cay nóng, thức ăn đã qua quá trình chiên xào nhiều dầu mỡ, thức uống có cồn, thực phẩm gây kích ứng da… để tránh bệnh phát triển mạnh

Mặc dù không thể điều trị dứt điểm bệnh chàm thể tạng nhưng nếu bạn thực sự nghiêm túc trong quá trình chữa bệnh, triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát và thuyên giảm. Đồng thời không làm giảm chất lượng cuộc sống và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ngày Cập nhật 23/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *