Có nên phẫu thuật thoái hóa cột sống? Lời khuyên từ bác sĩ

Khi điều trị thoái hóa cột sống bằng các phương pháp nội khoa thất bại, bác sĩ sẽ dùng đến phẫu thuật. Thông thường bệnh nhân sẽ được cải thiện các triệu chứng của bệnh khi dùng đến cách này. Cũng chính vì thế mà nhiều người cho rằng phẫu thuật là cách điều trị tốt nhất. Thực tế không phải vậy. Có nên phẫu thuật thoái hóa cột sống hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Có nên phẫu thuật thoái hóa cột sống hay không là băn khoăn của nhiều người. Quyết định cuối cùng là ở bác sĩ.
Có nên phẫu thuật thoái hóa cột sống hay không là băn khoăn của nhiều người. Quyết định cuối cùng là ở bác sĩ.

Phẫu thuật thoái hóa cột sống không phải cách tối ưu nhất

Áp dụng phương pháp phẫu thuật trong điều trị thoái hóa cột sống có thể giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên áp dụng cách điều trị này. Các bác sĩ cho biết điều trị nội khoa vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nhận định này đến từ 2 lý do. Thứ nhất, thoái hóa cột sống là căn bệnh mạn tính. Người ta chưa điều chế thuốc đặc trị bệnh. Ngay cả phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cũng không là giải pháp xử lý triệt để bệnh. Các giải pháp hiện nay chỉ có thể kiểm soát cơn đau và làm chậm quá trình thoái hóa.

Thứ hai, cột sống là vị trí tập trung rất nhiều rễ dây thần kinh. Chúng đi từ não đến hai tay và hai chân. Điều đó cũng có nghĩa là chỉ cần thao tác chưa chuẩn ở cột sống, mức độ ảnh hưởng sẽ là toàn thân. Chính vì thế, các biện pháp can thiệp ngoại khoa ở cột sống rất phức tạp và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Xem thêm: Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bằng lá lốt hiệu quả

PGS.TS Kiều Đình Hùng (Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết dù y học đã có nhiều tiến bộ nhưng các biện pháp phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thường gặp nhất là tình trạng nhiễm trùng vết mổ; mất nhiều máu; tổn thương đến các mô mềm hoặc rễ dây thần kinh xung quanh. Cá biệt có trường hợp bị liệt một nửa người hoặc toàn thân.

Phẫu thuật thoái hóa cột sống hay không là còn tùy vào rất nhiều yếu tố. Đồng thời, đây không phải là giải pháp điều trị ưu việt nhất.
Phẫu thuật thoái hóa cột sống hay không là còn tùy vào rất nhiều yếu tố. Đồng thời, đây không phải là giải pháp điều trị ưu việt nhất.

Những trường hợp thoái hóa cột sống cần phẫu thuật

Bất kỳ giải pháp điều trị thoái hóa cột sống nào cũng tồn tại song song 2 mặt: tích cực và tiêu cực. Vấn đề là nếu lựa chọn cách phù hợp với tình trạng bệnh và cơ địa, người ta có thể giảm được thấp nhất các rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị. Phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống cũng tương tự thế.

Các bác sĩ cho biết, điều trị thoái hóa cột sống bằng phương pháp này thường chỉ áp dụng cho các trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ hoặc đã chuyển sang biến chứng. Một số ca bệnh sẽ cân nhắc đến dùng phẫu thuật khi điều trị nội khoa thất bại. Cụ thể là các trường hợp:

  • Bệnh gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa với biểu hiện là chân tay bị yếu và teo cơ;
  • Đĩa đệm chèn ép ống sống và tủy sống;
  • Người bệnh bị hạn chế khả năng vận động;
  • Biến dạng cột sống;
  • Biến chứng viêm cột sống dính khớp hoặc hẹp ống sống…

Để quyết định một trường hợp nào đó có cần dùng đến phẫu thuật hay không, người bệnh phải thực hiện hàng loạt các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ là người cân nhắc các mặt lợi và hại khi tiến hành ca mổ. Sau đó họ sẽ thông báo cho bệnh nhân.

Phẫu thuật là giải pháp sau cùng của những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống.
Phẫu thuật là giải pháp sau cùng của những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống.

Các phương pháp phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống

Phương pháp phẫu thuật nói chung chỉ có 2 dạng: mổ kín (nội soi) và mổ hở. Trong lúc thực hiện một trong hai kỹ thuật này, các bác sĩ có thể dùng thêm các dụng cụ hỗ trợ. Và điều này mang đến những hiệu quả tác động khác nhau. Tùy vào từng trường hợp, các bác sĩ sẽ quyết định dùng kỹ thuật nào và cần thêm thiết bị hỗ trợ ra sao.

Tuy nhiên, nhìn chung thì phương pháp mổ nội soi luôn được đánh giá cao hơn so với mổ hở. Nó không chỉ đơn thuần là về vấn đề thẩm mỹ mà nó còn nằm ở mức độ tác động đến những vùng phụ cận. Và vấn đề này liên quan đến khả năng xảy ra biến chứng sau phẫu thuật. So với mổ hở, kỹ thuật nội soi được đánh giá là tác động chính xác và ít tổn thương các vùng liên quan. Bên cạnh đó, hầu hết những trường hợp mổ nội soi đều nhanh lành hơn so với mổ hở.

Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật mổ nội soi, ngoài trang thiết bị hiện đại, bác sĩ phải có chuyên môn thật tốt. Kéo theo đó là chi phí thực hiện không hề rẻ. Ngoài ra, những ca mổ do robot thực hiện với độ chính xác tuyệt vời sẽ mang đến hiệu quả điều trị tối ưu hơn nữa. Thế nhưng, chi phí của phương pháp này thường lên đến hàng trăm triệu. Không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.

Ngoài cách phân loại kỹ thuật mổ thoái hóa cột sống bằng cách thức tiếp cận vị trí tổn thương, người ta còn phân loại dựa vào cơ chế tác động. Các loại phổ biến: cố định cột sống thắt lưng, bắt vít qua da và thay đĩa đệm nhân tạo.

Chữa thoái hóa cột sống bằng cách cố định cột sống thắt lưng

Tên đầy đủ của phương pháp này là “Cố định cột sống và hàn khớp liên thân cột sống thắt lưng – đường cùng sau qua lỗ liên hợp”. Y khoa viết tắt là TLIF. Tỷ lệ thành công của TLIF có thể lên đến 98%. Bệnh nhân có thể xuất viện sau 1 tuần. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là gây tổn thương tĩnh mạch chậu, nguy cơ tắc ruột, xuất tinh ngược dòng và một số biến chứng khác.

Xương ghép sẽ được lấy từ chính bệnh nhân hoặc nhân tạo. Chúng được nhồi vào những phần rỗng của mảng ghép. Tiếp đó, người ta đem nó nhồi vào khoang liên thân đốt sống giữa hai đốt sống cần hàn xương. Trước đó, toàn bộ đĩa đệm bị thoát vị sẽ được lấy ra ngoài. 

Mô phỏng phương pháp phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống bằng TLIF.
Mô phỏng phương pháp phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống bằng TLIF.

Bắt vít qua da chữa thoái hóa cột sống

Trước đây, người ta bắt vít qua cột sống để chữa tình trạng thoái hóa ở bộ phận này. Tuy nhiên, đây là phương pháp gây mất nhiều máu và rủi ro cao. Với sự tiến bộ của y học, các bác sĩ đã thực hiện thành công cách bắt vít qua da. Phương pháp mới này sẽ giảm được mức độ xâm lấn, nhanh hồi phục và ít biến chứng hơn.

Cách phẫu thuật bằng cách bắt vít qua da kết hợp 3 kỹ thuật phức tạp. Đầu tiên là giải phóng dây thần kinh khỏi yếu tố gây chèn ép. Tiếp đến là ghép xương (áp dụng kỹ thuật TLIF). Cuối cùng là nẹp vít qua da (làm vững cột sống thông qua những đường mổ nhỏ).

Xương mới sẽ được mọc ra trong khoảng thời gian từ 9 tháng đến 1 năm. Trường hợp chậm nhất kéo dài 18 tháng. Trong thời gian này, nơi ghép xương phải được giữ bất động. 

Thay đĩa đệm nhân tạo điều trị thoái hóa cột sống

Đĩa đệm nhân tạo được làm bằng kim loại, nhựa hoặc kết hợp cả hai chất liệu này. Nó được dùng để thay thế phần nhân hoặc toàn bộ đĩa đệm bị thoát vị. Mức độ xâm lấn đến vùng phụ cận của trường hợp thay toàn bộ đĩa đệm sẽ nhiều hơn so với chỉ thay nhân nhầy. Điều này đồng nghĩa với rủi ro cũng sẽ nhiều hơn.

Hiện tại, đây là cách được áp dụng khá phổ biến. Bởi nó giải quyết tốt tình trạng rễ dây thần kinh bị chèn ép. Đồng thời, đĩa đệm nhân tạo sẽ duy trì được cấu trúc ổn định của cột sống. Người bệnh có thể sinh hoạt gần như bình thường. Khả năng xảy ra biến chứng cũng tương đối thấp. Đặc biệt là khi thực hiện kỹ thuật này bằng robot.

Tuy nhiên, đĩa đệm nhân tạo có tuổi thọ nhất định. Thời gian lâu hay mau phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một số tài liệu cho rằng nếu chú ý sinh hoạt và ăn uống khoa học, thời gian này có thể giao động từ 10 – 15 năm. 

Thay đĩa đệm nhân tạo chữa thoái hóa cột sống có chi phí cao và cần kỹ thuật phức tạp.  Tuy nhiên nó vẫn không chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Thay đĩa đệm nhân tạo chữa thoái hóa cột sống có chi phí cao và cần kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên nó vẫn không chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Lưu ý sau khi chữa thoái hóa cột sống bằng phẫu thuật

Thay vì băn khoăn có nên phẫu thuật thoái hóa cột sống hay không, bạn cần quan tâm nhiều đến những lưu ý sau khi thực hiện phương pháp này. Các bác sĩ cho biết chế độ ăn uống và sinh hoạt đúng cách sẽ góp phần rất quan trọng để mau lành vết mổ. Đồng thời, nó còn giúp người bệnh hạn chế thấp nhất những biến chứng sau phẫu thuật.

Trong chế độ ăn uống

Người bệnh chỉ nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa. Nghĩa là cần hạn chế đồ ăn quá nhiều dầu mỡ. Ngoài đảm bảo chế độ dinh dưỡng cần thiết, bạn cần bổ sung các loại vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là vitamin D, K, C và canxi. Bên cạnh đó, bạn nên kiêng một số thực phẩm dễ hình thành sẹo lồi hoặc gây dị ứng. Cụ thể là rau muống, nếp, một số loại hải sản và thực phẩm lên men.

Xem thêm: Các món ăn bài thuốc chữa thoái hóa cột sống bạn nên biết

Trong sinh hoạt hằng ngày

Cần tuân thủ tuyệt đối các dặn dò của bác sĩ. Nhất là những trường hợp cần giữ cột sống cố định. Khi nghỉ ngơi, bạn không được nằm võng hoặc đệm quá mềm. Trong vòng 1 tháng đầu sau mổ, cần hạn chế tác động đến vết thương và chú ý vệ sinh sạch sẽ.

Khoảng thời gian sau đó, khi vết mổ đã lành, bạn có tự mình thực hiện một số sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, cần phải chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn. Hạn chế va chạm, không được nhón chân lấy đồ trên cao hay mang vác nặng. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 3 tháng sau mổ không được quan hệ tình dục.

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn, nhất là mức độ phục hồi chỗ vết thương sau phẫu thuật. Ngay khi có bất kỳ biểu hiện bất thường phải liên hệ ngay với bác sĩ. Nếu muốn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để rút ngắn thời gian lành bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia về thời điểm, cách thực hiện các bài tập cũng như cường độ vận động.

Ngày Cập nhật 16/08/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *