Đại Táo: Công Dụng Của Vị Thuốc Và Cách Dùng Chữa Bệnh

Ngoài công dụng là loại cây ăn quả, đại táo còn là loại thuốc quý, góp mặt khá nhiều bài thuốc chữa bệnh ở người mà dân gian còn được gọi là táo tàu. Trong Đông y cổ truyền, đại táo có vị ngọt, tính ấm và được quy vào kinh Phế, Vị, có tác dụng bổ tỳ vị, can thận, nhuận phế, điều hòa khí huyết, an thần, sinh tân, giải độc dược,…

Đại táo hay còn được gọi là Táo tàu hay Hồng táo với danh pháp khoa học là Zizyphus jujuba Mill, thuộc họ Táo (Rhamnaceae)
Đại táo hay còn được gọi là Táo tàu hay Hồng táo với danh pháp khoa học là Zizyphus jujuba Mill, thuộc họ Táo (Rhamnaceae)

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Táo tàu, Can táo, Mỹ táo, Lương táo, Thích táo, Nam táo, Hắc táo, Ô táo, Giao táo, Táo du, Hồng táo, Bạch bồ táo, Dương cung táo, Nhẫm táo, Tử táo, Quế táo,…
  • Tên khoa học: Zizyphus jujuba Mill
  • Họ: Thuộc họ Táo (Rhamnaceae)

Đặc điểm sinh thái của đại táo

Mô tả cây đại táo

Cây đại táo là loại cây ăn quả và cũng chính là cây thuốc quý. Loại cây này có thể cao lên tới 10 mét. Lá cây đại táo mọc so le, lá kèm nhỏ thường biến thành gai ngọn, cuống lá ngắn, phiến lá hình trứng, mép lá hình răng cưa thô. Trên bề mặt lá cây đại táo có 3 gân chính nổi rõ rệt. Hoa cây đại táo là hoa nhỏ, mọc thành cụm  ở kẽ lá với mỗi kẽ từ 6 – 8 hoa. Hoa thường có màu vàng hoặc xanh nhạt. Quả có dạng hình cầu hoặc hình quả trứng, còn sống màu xanh và chuyển sang màu nâu nhạt khi chín và héo.

Mô tả dược liệu đại táo

Đại táo là phần quả của một loại cây có cùng tên. Quả có hình trứng, khi khô có biểu hiện hình viên chùy và thô. Đôi khi có những quả có vết nhăn nheo rất sâu. Vỏ ngoài có màu nâu hoặc nâu tím, mỏng. Phần nhân thịt bên trong có màu nâu nhạt, có phần dầu dẻo. Hạt có trong quả, dài và nhọt, vỏ hạt cứng và khi đập ra có nhân cứng màu trắng.

Phân bố

Loại nguyên liệu này chủ yếu là nhập từ nước Trung Quốc là chính. Cây đại táo từ mới được di thực vào nước ta cách đây không lâu và đang được trồng ở nhiều tỉnh thành, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc nước ta.

Đại táo là phần quả của một loại cây có cùng tên trồng chủ yếu ở Trung Quốc và được di thực vào nước ta cách đây không lâu
Đại táo là phần quả của một loại cây có cùng tên trồng chủ yếu ở Trung Quốc và được di thực vào nước ta cách đây không lâu

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Sử dụng phần quả chín của cây đại táo để làm thuốc.

Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào những ngày đông. Thu lấy những quả mẩn, hạt nhỏ, màu đỏ và có vị ngọt.

Chế biến: Rửa sạch toàn bộ những phần quả đã được thu hoạch để loại bỏ lớp bụi bẩn rồi đem phơi nắng cho héo hoặc sấy cho khô (đối với hồng táo). Còn hắc táo, khi chín vàng để héo cho vỏ nhăn lại, sau đó đem quay trong thùng có gai để châm lỗ, tiếp đó đem sắc cùng với địa hoàng, thêm một ít đường rồi đem phơi khô cho đến khi không còn cảm giác dính vào tay.

Cách bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, tránh cất trữ ở nơi ẩm ướt, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tốt nhất, bạn nên cất trữ trong lọ kín để sử dụng được lâu dài, tránh sâu bọ, chuột, gián.

Quả táo có vỏ ngoài màu đỏ còn được Đông y gọi là Hồng táo
Quả táo có vỏ ngoài màu đỏ còn được Đông y gọi là Hồng táo

Thành phần hóa học có trong đại táo

Theo sự ghi nhận qua nhiều tài liệu khác nhau, thành phần hóa học có trong đại táo bao gồm các thành phần sau:

  • Vitamin A
  • Vitamin B2
  • vitamin C
  • Calcium
  • Phốt pho
  • Sắt
  • Stepharine
  • N – nornuciferine
  • Asmilobine
  • Betulonic acid
  • Oleanloic acid
  • Maslinic acid
  • Crategolic acid
  • Zizyphus saponin
  • Jujuboside B
  • Rutin
  • Riboflovine
  • Thiamine
  • Nicotinic acid
  • Lysine
  • Aspartic acid
  • Asparagine
  • Proline
  • Valine
  • Leucine
  • Sitosterol
  • Stigmasterol
  • Desmosterol

Tính vị – Quy kinh của dược liệu đại táo

Tính vị:

  • Vị ngọt, tính bình (theo Bản Kinh)
  • Vị ngọt, tính ấm (theo Trung Dược Học)
  • Vị ngọt, tính ấm (theo Trung Dược Đại Từ Điển)
  • Vị ngọt, cay, nóng, không độc (theo Thiên Kim Phương – Thực trị)

Quy kinh:

  • Kinh Tỳ và Vị (theo Trung Quốc Đại Từ Điển)
  • Kinh Tỳ và Thận (theo Bản Thảo Kinh Sơ)
  • Kinh Tỳ và Vị (theo Trung Dược Học)
  • Kinh Tâm và Phế (theo Bản Thảo Hối Ngôn)
  • Kinh Can, Thận và Tỳ (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa)
  • Kinh Tỳ, phần huyết (theo Bản Thảo Cương Mục)

Tác dụng dược lý của dược liệu đại táo

Theo nghiên cứu của giới dược lý hiện đại:

  • Có tác dụng bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại;
  • Tăng lực cơ và thể trọng cơ thể;
  • Có tác dụng chống dị ứng;
  • Có tác dụng ức chế các tế bào gây hại sinh trưởng.

Theo Y học cổ truyền ghi nhận:

  • Dưỡng tỳ, điều hòa vị khí, an trung, thông cửu khiếu, hòa bạch dược (theo Bản Kinh);
  • Bổ huyết, an thần, kiện tỳ (theo Trung Dược Học);
  • Sinh tân, ích khí, điều hòa khí vị, bổ tỳ, giải độc dược (theo Trung Quốc Đại Từ Điển);
  • Ích khí, tăng cường sinh lực, bổ trung, trừ phiền muộn (theo Danh Y Biệt Lục);
  • Giải độc (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú);
  • Bổ can, dưỡng huyết (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

Chủ trị:

  • Kiết lỵ
  • Táo bón
  • Cơ thể bị suy nhược, ngủ không ngon, cơ thể hay phiền muộn
  • Nhiệt miệng
  • Tầu mã nha cam
  • Đau nhói tim đột ngột

Cách dùng và liều lượng sử dụng đại táo

Liều dùng: 3 – 10 quả/ ngày. Liều dùng có thể tự điều chỉnh tùy theo bệnh lý và từng đối tượng.

Cách dùng: Dùng ở dạng sắc hoặc tán thành bột mịn để sử dụng. Có thể sử dụng độc vị đại táo hoặc kết hợp cùng với nhiều loại dược liệu khác tùy vào từng bệnh lý.

Đại táo có vị ngọt, tính ấm và được quy vào kinh Phế, Vị, có tác dụng bổ tỳ vị, can thận, nhuận phế, điều hòa khí huyết, an thần, sinh tân, giải độc dược,...
Đại táo có vị ngọt, tính ấm và được quy vào kinh Phế, Vị, có tác dụng bổ tỳ vị, can thận, nhuận phế, điều hòa khí huyết, an thần, sinh tân, giải độc dược,…

Đại táo và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này

Một số bài thuốc cải thiện sức khỏe từ dược liệu đại táo, bạn đọc có thể tham khảo:

1. Bài thuốc từ đại táo giúp điều hòa vị khí

  • Nguyên liệu: Đại táo.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ đại táo phơi khô và tách bỏ phần hột cứng. Sau đó đem sấy khô rồi tán thành bột mịn. Quyện thêm một ít bột gừng sống. Mỗi lần sử dụng một ít để điều hòa vị khí.

2. Bài thuốc từ đại táo trị chứng khó ngủ, cơ thể bị suy nhược

  • Nguyên liệu: Đại tào, ngưu tất, đỗ trọng và xuyên khung mỗi vị 20 gram cùng với long nhãn, đương quy và mạch môn mỗi vị 40 gram.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ ngâm cùng với rượu trắng ngon. Sau 3 – 4 ngày ngâm là có thể sử dụng. Mỗi ngày chỉ sử dụng 1 lần và mỗi lần sử dụng khoảng 1 ly rượu nhỏ. Dùng trước khi đi ngủ.

3. Bài thuốc từ đại táo trị cơ thể hay buồn bực, khó ngủ

  • Nguyên liệu: 14 quả đại táo cùng với 20 gram long nhãn.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu đã được chuẩn bị nấu chín để sử dụng. Người bệnh nên sử dụng cả phần nước và phần cái.

4. Bài thuốc từ đại táo trị nghẹt mũi, điếc tai, tai hay ù

  • Nguyên liệu: 15 quả đại táo (bỏ phần vỏ và hạt) cùng với 300 hạt tỳ ma tử (bỏ vỏ).
  • Cách thực hiện: Đem những phần nguyên liệu đã được chuẩn bị giã nát rồi gói trong bông. Sau đó nhét vào lỗ mũi và lỗ tai mỗi ngày 1 lần. Lưu ý, nhét vào tai trước khi nhét vào lỗ mũi và không được thực hiện cùng một lúc.

5. Bài thuốc từ đại táo chữa chứng tiêu chảy lâu ngày không khỏi

  • Nguyên liệu: 5 quả đại táo và 60 gram đường đỏ.
  • Cách thực hiện: Nấu đại táo cùng với đường đỏ sao cho chín nhừ. Dùng cả phần nước và phần cái. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên.

6. Bài thuốc từ đại táo trị chứng tiêu chảy lâu ngày không khỏi, kèm theo đó là triệu chứng đầy bụng, hư hàn

  • Nguyên liệu: Đại táo và mộc hương mỗi vị 6 gram cùng với nhục đậu khấu và phá cố chỉ mỗi vị 12 gram.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu tán thành bột mịn, thêm một ít mật để hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 12 gram và dùng mỗi ngày 3 lần vào mỗi buổi sáng, trưa và tối.

7. Bài thuốc từ đại táo trị táo bón

  • Nguyên liệu: 1 quả đại táo (bỏ phần hạt), 2 gram khinh phấn.
  • Cách thực hiện: Lấy khăn giấy ướt gói kinh phấn đã được chuẩn bị rồi đem nướng chín. Sau đó, lấy nước sắc đại táo để uống.

8. Bài thuốc từ đại táo bị nhiệt miệng do bị thương hàn làm khô họng, đau khi nuốt

  • Nguyên liệu: Đại táo và ô mai mỗi vị 10 quả.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị nghiền nát thành bột mịn. Thêm một ít mật để hoàn thành viên có kích thước bằng hạt hạnh nhân. Mỗi lần sử dụng 1 viên để ngậm rồi nuốt trôi từ từ.

9. Bài thuốc từ đại tạo cải thiện tình trạng không ngủ được do bồn chồn

  • Nguyên liệu: 14 quả đại táo và 7 củ hành trắng.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên nấu cùng với 3 chén nước. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 1 chén. Người bệnh nên sử dụng thuốc khi thuốc còn nóng.

10. Bài thuốc từ đại táo trị lở loét lâu ngày không tự lành

  • Nguyên liệu: 10 – 15 quả đại táo.
  • Cách thực hiện: Sắc cùng với một lượng nước vừa đủ rồi dùng phần nước vừa sắc được để rửa vùng da bị lở loét. Thực hiện mỗi ngày 2 lần để đạt được kết quả như mong đợi.

11. Bài thuốc từ đại táo trị chứng ho xốc khí nghịch lên

  • Nguyên liệu: 20 quả đại táo và 120 gram sữa tô.
  • Cách thực hiện: Đun sữa trên bếp trên ngọn lửa nhỏ rồi tiếp tục cho phần đại táo vào. Đợi khi phần đại táo ngấm hết sữa là có thể tắt bếp. Cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng dân. Mỗi lần sử dụng 1 quả đại táo để ngậm.

12. Bài thuốc từ đại táo trị đau nhói tim bất thình lình

  • Nguyên liệu: 2 quả đại táo, 1 quả ô mai và 7 quả hạnh nhân.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị tán nhuyễn thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng một lượng vừa đủ để uống cùng với rượu trắng đối với nam giới và giấm đối với phụ nữ

13. Bài thuốc từ đại táo dự phòng phản ứng truyền máu

  • Nguyên liệu: 15 – 20 quả đại táo cùng với kinh giới (sao) và địa phu tử mỗi vị 10 gram.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị sắc cùng với 500 ml nước lọc và sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 30 – 50ml. Dùng thuốc trước khi truyền máu khoảng 15 – 30 phút.

14. Bài thuốc từ đại táo phòng ngừa tình trạng thân hình không bị mùi xú uế

  • Nguyên liệu: Đại táo, quế tâm. tùng thụ bì và bạch qua nhân với liều lượng bằng nhau.
  • Cách thực hiện: Đem các nguyên liệu trên tán thành bột mịn, sau đó, thêm một ít một để hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 12 gram cùng với cốc nước ấm.

15. Bài thuốc từ đại táo trị ban chẩn không do giảm tiểu cầu

  • Nguyên liệu: 10 quả đại táo.
  • Cách thực hiện: Sắc để lấy nước dùng. Mỗi ngày sử dụng 3 lần để cải thiện bệnh lý.
Đại táo thường dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số loại dược liệu khác tùy vào từng bài thuốc và từng bệnh lý
Đại táo thường dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số loại dược liệu khác tùy vào từng bài thuốc và từng bệnh lý

16. Bài thuốc từ đại táo trị phát ban da do bị dị ứng

  • Nguyên liệu: 500 gram đại táo.
  • Cách thực hiện: Sắc để lấy nước dùng. Mỗi ngày sử dụng 3 lần để cải thiện bệnh lý.

17. Bài thuốc từ đại táo trị xuất huyết dưới da do bị dị ứng

  • Nguyên liệu: 320 gram đại táo cùng với 40 gram cam thảo.
  • Cách thực hiện: Cho hai nguyên liệu đã được chuẩn bị vào trong nồi cùng với 500 ml nước. Tiến hành sắc cho lượng nước cô đặc và chia thành 2 phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày.

18. Bài thuốc từ đại táo trị chứng tiểu cầu giảm

  • Nguyên liệu: 40 gram đại táo cùng với bạc hà diệp 20 gram.
  • Cách thực hiện: Sắc để lấy nước dùng cải thiện sức khỏe.

19. Bài thuốc từ đại táo trị có thai trong bụng ở nữ giới

  • Nguyên liệu: 14 quả đại táo.
  • Cách thực hiện: Đem đại táo đốt cháy rồi tán thành bột mịn, sau đó cần được cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng lâu ngày. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước tiểu em bé.

20. Bài thuốc từ đại táo trị chứng tạng táo ở phụ nữ, bổ tỳ khí

  • Nguyên liệu: 10 quả đại táo, 1 thăng tiểu mạch và 60 gram cam thảo.
  • Cách thực hiện: Sắc để lấy nước dùng cải thiện bệnh tình.

21. Bài thuốc từ đại táo trị tầu mã nha cam (viêm miệng hoại thư)

  • Nguyên liệu: 1 quả đại táo và một lượng hoàng bá.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên đốt cháy đen rồi tán thành bột mịn. Thêm một ít dầu bôi và tỳ sương để bôi lên vùng miệng.

22. Bài thuốc từ đại táo trị phế ứng, nôn mửa ra máu do ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng

  • Nguyên liệu: Đại táo và bạch dược tiễn với liều lượng bằng nhau.
  • Cách thực hiện: Đại táo cần được đem đốt tồn tính. Song song, bách dược tiễn cũng được đốt qua. Sau đó, đem hai nguyên liệu tán thành bột và cất trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước cơm.

23. Bài thuốc từ đại táo chữa bệnh cơ tim

  • Nguyên liệu: 3 – 5 quả đại táo.
  • Cách thực hiện: Khía nát quả đại táo hoặc đập dập rồi cho vào cốc nước nóng để hãm. Dùng nước đại táo khi nước còn nóng và chỉ sử dụng mỗi ngày 1 lần duy nhất

24. Bài thuốc sử dụng đại táo cho trẻ bị cam dãi

  • Nguyên liệu: 5 quả đại táo, 7 gram lá tre và 5 gram trần bì.
  • Cách thực hiện: Đem các nguyên liệu trên sắc cùng với 4 chén nước trên ngọn lửa vừa và nhỏ. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 200 ml. Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để dùng hết trong ngày, dùng mỗi ngày một thang.

25. Bài thuốc sử dụng đại táo chữa chứng thiếu máu ở trẻ nhỏ

  • Nguyên liệu: Đại táo và đậu đen mỗi vị 30 gram cùng với 100 gram gạo nếp.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu nấu cháo. Khi cháo đã nhừ, thêm một ít đường đỏ vừa đủ ăn. Chia phần cháo thành 2 phần nhỏ để trẻ sử dụng hết trong ngày.

26. Bài thuốc từ đại táo chữa khí thống ở tiểu trường

  • Nguyên liệu: 1 quả đại táo, 1 ít tất trừng gia và 1 con ban miêu.
  • Cách thực hiện: Đại táo cần tách bỏ phần hạt cứng. Con ban miêu cần được cắt bỏ phần đầu và cánh rồi nhét đại táo vào bên trong. Lấy giấy bạc bao lại rồi đem nướng chín, sau đó tách bỏ con ban miêu và chỉ lấy phần đại táo để ăn. Còn tất trường gia thì đem sắc để lấy nước dùng với đại táo.

27. Bài thuốc sử dụng đại táo giúp bổ thận, an thai

  • Nguyên liệu: 10 quả đại táo, 16 gram đỗ trọng cùng với 100 gram gạo nếp.
  • Cách thực hiện: Đem đại táo và đỗ trọng nấu lấy phần nước và lọc bỏ phần bã. Cho phần gạo nếp đã được làm sạch vào trong phần nước để nấu nhừ thành cháo. Chia phần cháo đã nấu chín thành 2 phần nhỏ để ăn hết trong ngày, dùng cháo khi bụng đói.

28. Bài thuốc từ đại táo chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ

# Bài thuốc số 1:

  • Nguyên liệu: 3 quả đại táo; 15 gram cát căn; bạch thược, quế chi, đương quy, thương truật, xuyên khung, và mộc qua mỗi vị 9 gram; 6 gram cam thảo; 3 gram tâm thất và 3 lát gừng tươi.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên sắc cùng với 5 chén nước lọc. Tiến hành sắc thuốc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 2 chén. Chia phần nước sắc được thành 3 phần nhỏ và kiên trì sử dụng liên tục trong vòng 10 ngày.

# Bài thuốc số 2:

  • Nguyên liệu: 4 quả đại táo; 18 gram hoàng kỳ; 15 gram kê huyết đằng; xích thược và bạch thược mỗi vị 12 gram; quế chi và cát căn mỗi vị 9 gram cùng với 6 gram sinh khương.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 1 lít nước. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 300 ml nước. Mỗi lần sử dụng 100 ml thuốc sắc và dùng mỗi ngày 3 lần.

29. Bài thuốc từ đại táo trị chứng đau nửa đầu

  • Nguyên liệu: 3 quả đại táo và 30 gram đơn buốt.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên sắc cùng với 750 ml nước lọc trên ngọn lửa nhỏ khoảng 30 – 35 phút. Chắt lọc lấy phần nước và chia thành 2 – 3 phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày, dùng mỗi ngày 1 thang cho đến khi bệnh tình thuyên giảm hoàn toàn.

30. Bài thuốc từ đại táo chữa chứng đau lưng

  • Nguyên liệu: 250 gram quả đại táo, 160 gram đơn buốt, 1 ít rượu trắng và 1 ít đường đỏ.
  • Cách thực hiện: Đem đơn buốt nấu cùng với 750 ml nước lọc, sau đó, chắt lọc bỏ phần bã. Tiếp tục cho đại táo cùng với rượu trắng và đường đỏ, tiến hành đun cho đến khi đại táo chín nhừ. Chia phần nước sắc được thành 3 – 4 phần nhỏ để sử dụng trong vòng 2 ngày. Nên sử dụng khi nước còn nóng, nếu thuốc đã nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.

31. Bài thuốc từ đại táo giúp giảm đau bụng kinh

  • Nguyên liệu: 10 quả đại táo cùng với 30 gram củ gừng tươi và 10 gram hoa tiêu.
  • Cách thực hiện: Quả đại táo cần được thái thành từng lát rồi cho vào nồi cùng với các nguyên liệu còn lại. Thêm 5 chén nước lọc và tiến hành đun sôi trên ngọn lửa nhỏ khoảng 20 – 25 phút cho các tinh chất ra hoàn toàn. Dùng thuốc trước khi có chu kỳ kinh nguyệt khoảng 2 – 3 ngày.

Một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng đại táo

Trong quá trình sử dụng dược liệu đại táo để cải thiện sức khỏe, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Cơ thể bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong đại táo tuyệt đối không nên sử dụng;
  • Không sử dụng đại táo quá nhiều lượng, người bệnh chỉ nên sử dụng ở liều lượng nhất định theo chỉ định từ bác sĩ hoặc lương y;
  • Quả đại táo màu xanh ăn không nên và không được khuyến khích ăn quá nhiều;
  • Không sử dụng đồng thời dược liệu đại táo cùng với dược liệu Nguyên sâm và Bạch vi;
  • Đối tượng có khối u ở vùng dưới ngực, trướng bụng và nôn mửa không được sử dụng;
  • Trẻ nhỏ bị cam tích, trướng bụng, đau răng không được sử dụng;
  • Đau dạ dày do khí bế, bụng to hay đau bụng do giun không được sử dụng;
  • Trẻ nhỏ hay phụ nữ sau khi sinh bị bệnh ôn nhiệt, thử thấp, cam tích, đờm trệ tuyệt đối không được sử dụng;
  • Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn nên tạm ngưng sử dụng một thời gian và chỉ trở lại sử dụng khi cơ thể đã dần ổn định.
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng dược liệu đại táo, đặc biệt là đối tượng trẻ em
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng dược liệu đại táo, đặc biệt là đối tượng trẻ em

Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu đại táo: đặc điểm sinh thái, thành phần, tính vị, công dụng và những bài thuốc cải thiện sức khỏe. Hy vọng những thông tin được chúng tôi cung cấp trong bài viết sẽ giúp bạn đọc biết thêm những thông tin cơ bản về loại dược liệu quen thuộc này. Tuy nhiên, những thông tin vừa được chia sẻ trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định từ giới chuyên môn.

Bạn đọc có thể chưa biết:

Ngày Cập nhật 07/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *