Đau Cứng Cổ Là Do Bệnh Gì? Cách Xử Lý Hiệu Quả

Đau cứng cổ thường xảy ra do chấn thương phần mềm hoặc do căng cơ quá mức. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh tiềm ẩn như hội chứng đau vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống cổ và đau xơ cơ.

Đau cứng cổ
Đau cứng cổ là do bệnh gì?

Đau cứng cổ là dấu hiệu của bệnh gì?

Đau cứng cổ là hiện tượng đốt sống ở cổ bị cứng dẫn đến giảm khả năng cử động, đau nhức, tê bì và ê mỏi. Hiện tượng này có thể khởi phát do một số thói quen sai lệch, chấn thương phần mềm hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn.

Dưới đây là một số khả năng có thể gây đau cứng vùng cổ:

1. Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh xương khớp mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh lý này xảy ra khi đốt sống cổ bị suy yếu do quá trình lão hóa cộng hưởng các yếu tố rủi ro như lao động nặng, sai tư thế, béo phì, lạm dụng rượu bia,…

Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây đau nhức, sưng nóng vùng da bên ngoài kèm theo hiện tượng tê bì và đau cứng cổ. Tình trạng cứng cột sống cổ thường xảy ra sau khi ngủ dậy hoặc khi quay đầu đột ngột.

2. Thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân gây đau và tê cứng cổ. Bệnh lý này xảy ra khi đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách khiến nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài. Nhân nhầy từ đĩa đệm gây chèn ép đốt sống, dây chằng, mô mềm và làm phát sinh cơn đau.

Đau cứng cổ
Đau cứng cổ có thể là dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ

Trên thực tế, triệu chứng của bệnh lý này với thoái hóa cột sống cổ có nhiều điểm tương đồng nên rất khó nhận biết. Vì vậy nếu nhận thấy cơn đau kéo dài và đi kèm với các triệu chứng nặng nề, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.

3. Hẹp ống sống cổ

Hẹp ống sống là tình trạng không gian trong cột sống bị thu hẹp do dị tật bẩm sinh hoặc do hệ quả của các bệnh xương khớp mãn tính. Bệnh lý này thường gặp ở người trên 50 tuổi với tỷ lệ mắc bệnh đồng đều giữa nam và nữ.

Hẹp ống sống cổ thường gây đau cứng cổ, tê bì và yếu cơ. Nếu không kịp thời điều trị, dây thần kinh có thể bị chèn ép và gây liệt tứ chi.

4. Do căng cơ quá mức

Ngoài ra, đau cứng cổ cũng có thể xảy ra do cơ bị căng quá mức. Các hoạt động có thể gây căng cơ và dẫn đến đau cứng cổ bao gồm kê gối quá cao, làm việc với máy tính trong thời gian dài, mang vác vật nặng trên vai, ngủ sai tư thế,…

Thông thường, đau cứng cổ do căng cơ thuyên giảm nhanh chỉ sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tiếp tục duy trì các hoạt động này, đốt sống, dây chằng, đĩa đệm cổ có thể bị tổn thương và tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính.

5. Hội chứng đau xơ cơ

Hội chứng đau xơ cơ hay còn gọi là hội chứng Fibromyalgia/ hội chứng đau nhức toàn thân. Hội chứng này điển hình bởi tình trạng đau mãn tính ở gân, dây chằng, cơ và các mô mềm của cơ thể. Ngoài ra, đau xơ cơ còn đi kèm với một số biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, trầm cảm và mất ngủ.

Trong trường hợp đau cứng cổ nhưng không có tổn thương thực thể ở cơ, xương và khớp, nguyên nhân có thể do hội chứng đau xơ cơ. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hội chứng này. Do đó nếu nghi ngờ mắc hội chứng đau xơ cơ, bạn nên thăm khám sớm để được đề xuất hướng điều trị phù hợp.

6. Chấn thương phần mềm

Đau cứng cổ cũng có thể xảy ra do chấn thương phần mềm trong quá trình sinh hoạt, lao động và tham gia giao thông. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, vùng cổ thường có dấu hiệu viêm, đỏ, sưng nóng và có vết bầm tím.

7. Hội chứng đau vai gáy

Hội chứng đau vai gáy là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng đau cứng cổ. Hội chứng này là một dạng rối loạn cơ – thần kinh xảy ra do tổn thương ở đĩa đệm, đốt sống hoặc do sự co cứng đột ngột của các cơ. Đau vai gáy điển hình bởi triệu chứng tê bì, nhức mỏi, đau cứng ở cổ, vai và gáy.

đau cứng cổ và cách điều trị
Hội chứng đau vai gáy có thể gây ra cơn đau ở vùng cổ, bả vai và lan ra toàn bộ cánh tay

Hội chứng này có thể khởi phát do vận động quá mức, tư thế sai lệch, thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc do ảnh hưởng của các bệnh xương khớp mãn tính như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, vôi hóa cột sống,…

Đau cứng cổ có nguy hiểm không?

Đau cứng cổ là triệu chứng khá phổ biến, thường gặp ở người cao tuổi và người làm công việc văn phòng. Nếu xảy ra do căng cơ quá mức và chấn thương, triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau vài ngày nghỉ ngơi và chăm sóc.

Trong trường hợp đau cứng cổ khởi phát do các bệnh mãn tính, triệu chứng có thể tiến triển trong thời gian dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Trên thực tế, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, hội chứng đau vai gáy,… không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được xử lý và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển theo chiều hướng xấu và gây ra các biến chứng như thiếu máu não, rối loạn thần kinh, hư hại cấu trúc cột sống, tàn phế,…

Vì vậy khi bị đau cứng cổ, bạn nên xác định nguyên nhân cụ thể và tiến hành các biện pháp xử lý trong thời gian sớm nhất. Nếu nghi ngờ triệu chứng khởi phát do các bệnh mãn tính, cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp các phương pháp phù hợp.

Cách xử lý đau cứng cổ tại nhà hiệu quả

Để cải thiện cơn đau cứng cổ và một số triệu chứng đi kèm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

1. Dành thời gian nghỉ ngơi

Thông thường, đau cứng cổ do chấn thương, căng cơ quá mức hoặc do các bệnh mãn tính đều có xu hướng thuyên giảm rõ rệt sau khi nghỉ ngơi. Trong thời gian cơn đau bùng phát mạnh, nên nghỉ ngơi tại nhà từ 1 – 3 ngày. Đồng thời nên phối hợp với giờ giấc sinh hoạt và ăn uống điều độ để nâng cao thể trạng và giảm nhẹ cơn đau.

đau cứng cổ và cách điều trị
Nghỉ ngơi từ 1 – 3 ngày và chăm sóc đúng cách có thể làm giảm triệu chứng đau cứng cổ

Nếu xảy ra do chấn thương phần mềm và căng cơ quá mức, cơn đau có thể biến mất hoàn toàn sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên đối với trường hợp khởi phát do các bệnh mãn tính, nghỉ ngơi chỉ giúp làm giảm mức độ cơn đau. Để cơn đau thuyên giảm hẳn, bạn có thể áp dụng đồng thời với một số biện pháp cải thiện khác.

2. Chườm lạnh/ chườm nóng

Chườm lạnh và chườm nóng là biện pháp giảm đau tương đối an toàn và hiệu quả. Biện pháp này tận dụng nhiệt độ nóng để làm tan máu bầm, giãn mao mạch và nới rộng cấu trúc cột sống hoặc tận dụng nhiệt độ lạnh để làm co mạch máu, giảm viêm và đau nhức.

Trong trường hợp đau cứng cổ xảy ra do chấn thương hoặc căng cơ, bạn nên chườm lạnh để giảm viêm, đau nhức và nóng rát. Ngược lại nếu khởi phát do các bệnh mãn tính, nên chườm nóng để làm giãn cấu trúc cột sống và giảm chèn ép lên dây thần kinh.

3. Sử dụng thuốc không kê toa

Bạn có thể dùng thuốc không kê toa nếu cơn đau kéo dài và không thuyên giảm khi chườm nóng/ chườm lạnh. Một số loại thuốc không kê toa thường được dùng để giảm đau cứng cổ, bao gồm:

đau cứng cổ và cách điều trị
Thuốc Paracetamol và NSAID được sử dụng để giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình
  • Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt không kê toa. Thuốc có tác dụng cải thiện cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Loại thuốc này tương đối an toàn và có thể sử dụng cho cả trẻ em. Tuy nhiên, người có tiền sử nghiện rượu, thiếu men G6PD, quá mẫn với Paracetamol, suy gan thận nặng,… không nên sử dụng loại thuốc này.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng chống viêm và giảm đau. Thuốc được dùng trong trường hợp không có đáp ứng với Paracetamol. Tuy nhiên, NSAID chống chỉ định với người có tiền sử xuất huyết dạ dày, loét dạ dày – tá tràng tiến triển, người mắc bệnh tim mạch, rối loạn chảy máu,…

Các loại thuốc không kê toa chỉ có tác dụng cải thiện cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp cơn đau nặng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc có hiệu lực mạnh hơn như thuốc giảm đau gây nghiện (opioid), thuốc giãn cơ vân, thuốc giảm đau thần kinh (thuốc chống động kinh),…

4. Thay đổi tư thế sai lệch

Đau cứng cổ có thể xảy ra do nằm gối quá cao, ngồi hoặc ngủ sai tư thế. Nếu nghi ngờ triệu chứng xảy ra do những nguyên nhân này, bạn nên thay đổi gối nằm và chỉnh sửa các tư thế sai lệch.

Tư thế sai lệch thường gây áp lực lớn lên đốt sống, đĩa đệm và gây chèn ép dây thần kinh, dây chằng và các mô mềm xung quanh. Trong trường hợp không kịp thời cải thiện, thói quen này có thể thúc đẩy quá trình thoái hóa và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp mãn tính.

5. Tăng cường tập thể dục

Tập thể dục là biện pháp đem lại hiệu quả lâu dài đối với các vấn đề cơ – xương khớp. Hoạt động thể chất đều đặn giúp ổn định cấu trúc xương, giảm chèn ép lên dây thần kinh và điều hòa tuần hoàn máu.

đau cứng cổ và cách điều trị
Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe, giảm đau xương khớp và làm chậm quá trình thoái hóa

Ngoài ra qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy tập thể dục có thể cân bằng lượng dịch trong ổ khớp, duy trì độ đàn hồi của đĩa đệm và làm chậm quá trình thoái hóa. Ngược lại, nhóm đối tượng lười vận động dễ mắc phải các bệnh lý xương khớp như gút, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm,…

Đau cứng cổ – Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau cứng cổ là triệu chứng khá phổ biến. Tuy nhiên trong trường hợp triệu chứng khởi phát do các bệnh lý tiềm ẩn, bạn nên thăm khám và điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ. Can thiệp điều trị kịp thời có thể kiểm soát cơn đau, bảo tồn khả năng vận động và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

đau cứng cổ và cách điều trị
Nên tìm gặp bác sĩ khi đau cứng cổ kéo dài và đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng

Nên tìm gặp bác sĩ khi có các triệu chứng sau:

  • Đau cứng cổ kéo dài và gây khó khăn khi vận động
  • Triệu chứng đi kèm với tình trạng tê bì, mất cảm giác 1 hoặc 2 tay
  • Vùng cổ – bả vai đau nhức nghiêm trọng
  • Thường xuyên choáng đầu, mờ mắt
  • Triệu chứng không thuyên giảm sau 5 – 7 ngày chăm sóc tại nhà

Đau cứng cổ là triệu chứng thường gặp và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nghi ngờ triệu chứng khởi phát do các bệnh mãn tính, bạn nên thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo thêm: Đau xương cổ nguyên nhân do đâu? Cách điều trị

XEM THÊM

Ngày Cập nhật 06/03/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *