Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng tránh ngộ độc do ăn nấm rừng

Những ngày gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy: Tại tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm rừng. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 8/3-17/3/2014), Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 03 vụ ngộ độc nấm rừng với 14 nạn nhân(trong đó 02 vụ ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên; 01 vụ ở Tuyên Quang), đã có 02 nạn nhân bị tử vong, số còn lại đang trong tình trạng rất nguy kịch.

Được biết, trong lúc vào rừng hái nấm, những nạn nhân này có phát hiện những khóm nấm tán trắng mọc dại ở gốc cây. Số nấm này rất tươi tốt, non một cách lạ thường sau mưa. Biết đây là loại nấm lạ, nhưng họ vẫn hái về để ăn vì thấy nó rất giống với những cây nấm vẫn thường ăn, chỉ có phần gốc phình to hơn. Kết quả là xảy ra các vụ ngộ độc, các nạn nhân đều phải chuyển điều trị cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

 Thời tiết nóng ẩm, cuối xuân đầu hạ là điều kiện thuận lợi cho nấm rừng phát triển (trong đó có rất nhiều loại nấm có độc tính gây chết người). Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm vào thời điểm từ tháng ba đến tháng chín dương lịch, do người dân có thói quen dùng nấm rừng, nấm lạ làm thức ăn.

Nhiều người thường đưa ra những cách phân biệt nấm độc bằng việc quan sát: Màu sắc mũ và cây nấm, bao gốc dạng vòng hay dạng gờ, nhưng thật khó có thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc, vì rất nhiều loài nấm độc có vẻ ngoài giống nấm lành. Vì có trường hợp các loại nấm có hình thù mầu sắc giống hệt như những loại nấm lành mà đồng bào ta thường ăn trước đây có thể mọc rải rác quanh năm. Do vậy, việc phân biệt nấm lành và nấm độc không đơn giản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng tránh ngộ độc do ăn nấm rừng
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng tránh ngộ độc do ăn nấm rừng

 Trước những nguy cơ nêu trên, để người dân trong tỉnh (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu,  vùng xa) có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, thay đổi thói quen, hành vi không dùng nấm rừng, nấm lạ làm thức ăn, tránh các vụ ngộ độc và tử vong do độc tính của nấm rừng, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng tránh Ngộ độc nấm rừng.

Như chúng ta đã biết, nấm độc là nấm có độc tố rất nguy hiểm. Có rất nhiều loại nấm chứa độc tố gây chết người, chỉ cần ăn 50g nấm tươi có thể làm chết ngay một thanh niên trẻ, khỏe mạnh mà không có thuốc nào cứu chữa được. Trong tự nhiên có rất nhiều loại nấm độc. Tại tỉnh Bắc Kạn, qua kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về Phòng chống ngộ độc nấm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy có một số loài nấm độc sau: Nấm độc chứa độc tố Amatoxin: Nấm độc trắng hình nón; Nấm độc tán trắng đây là loài nấm gây tử vong cao nhất ở tỉnh ta; Nấm độc chứa độc tố Muscarin: Nấm mũ khía nâu xám gặp ở hầu hết tại các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nấm độc chứa độc tố gây rối loạn tiêu hóa như: nấm ô tán trắng phiến xanh; Ngoài ra một số loài nấm có chứa các chất gây rối loạn tiêu hóa, nấm xốp thối gây nôn, nấm ma, nấm mực, nấm mực nhỏ mọc cụm…  

Người ta thường nói “NẤM ĐỘC LÀ KẺ GIẾT NGƯỜI Ở TRONG RỪNG”. Khi bị ngộ độc thì nguy cơ tử vong là rất cao, nếu có cứu được cũng rất tốn kém về tiền bạc, thời gian và để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe.

Do vậy, Cách phòng tránh ngộ độc tốt nhất là: Chỉ hái nấm khi biết chắc chắn là ăn được; Tuyệt đối không ăn nấm lạ; Không ăn thử nấm; dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không ăn nấm đã già, nấm bị dập nát hoặc ôi thiu; Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi bóp thấy nát vụn ra hoặc khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa….  

Khi phát hiện người nghi là ngộ độc do ăn nấm  phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, hoặc lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng cho bệnh nhân nôn cho đến khi nôn ra nước trong. Cho người bệnh uống than hoạt tính để hấp phụ chất độc trong ống tiêu hoá càng sớm càng tốt. Người lớn cho uống 20 – 30g pha với 100 – 200ml nước sạch quấy đều. Trẻ em tuỳ theo tuổi giảm bớt liều lượng. Nếu không có sẵn than hoạt có thể cho uống các loại nước đậu xanh giã nát, nước ngô non… cũng có tác dụng hút bớt chất độc, sau đó đưa ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất để rửa dạ dày và dùng các thuốc giải độc. Gửi cả các chất nôn của bệnh nhân, hay nấm vừa ăn còn sót lại đến bệnh viện để xét nghiệm tìm chất độc của loại nấm, giúp điều trị đúng hướng vì tuỳ theo loại nấm có chất độc khác nhau, tình trạng ngộ độc và cách điều trị cấp cứu cũng khác nhau./.

Tác giả: BsCK2. Tạc Văn Nam

Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Bắc Kạn

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *