Điều Trị Bệnh Lao Phổi Sớm Để Ngăn Ngừa Nguy Cơ Tử Vong

Điều trị bệnh lao phổi tương đối phức tạp và khó khăn. Bởi chủng vi khuẩn gây lao có khả năng kháng thuốc rất cao. Cho đến nay, tỷ lệ người tử vong do lao phổi đã giảm xuống qua từng năm nhưng vẫn luôn ở mức cao. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân phải được phát hiện kịp thời và kiên trì thực hiện theo theo phác đồ chữa trị chuyên khoa.

Phác đồ điều trị bệnh lao phổi bằng tây y

Lao phổi là bệnh nhiễm khuẩn chủ yếu xuất phát từ vi khuẩn lao người Mycobacterium tuberculosis. Bệnh nhân khởi phát bệnh lần đầu được gọi là lao nguyên phát. Nếu bệnh nhân đã điều trị thành công mà tiếp tục mắc bệnh do sơ nhiễm cũ hoặc tiếp xúc với ổ dịch mới thì được gọi là lao tái nhiễm. 

Cách chữa lao phổi ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau. Để điều trị bệnh hiệu quả, các phác đồ phải có tác dụng diệt trừ ổ vi khuẩn cư trú trong nhu mô phổi và phục hồi chức năng hô hấp ở người bệnh. Hiệu quả chữa lao phổi phụ thuộc phần lớn vào thời gian phát hiện bệnh và thể trạng đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

Điều trị bệnh lao phổi
Điều trị bệnh lao phổi

Trong tây y, điều trị lao phổi được thực hiện dưới hai dạng là nội khoa và ngoại khoa. Trong đó, trị lao phổi theo nội khoa là biện pháp chính còn thủ thuật ngoại khoa là biện pháp cuối cùng được thực hiện. 

1. Phác đồ điều trị bệnh lao phổi bằng thuốc của Bộ y tế

Thuốc dùng để điều trị lao phổi bao gồm các loại: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S), ethambutol (E). 

Trường hợp lao nguyên phát:

Hiện nay, Bộ y tế đã đưa ra các quy chuẩn về phác đồ điều trị lao phổi cho các trường hợp bệnh nguyên phát, mới được phát hiện như sau:

Phác đồ 2S(E)HRZ/4RH:

  • Giai đoạn tấn công: Bệnh nhân sẽ dùng streptomycin (S) hoặc ethambutol (E) và phối hợp cùng ba loại isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), dùng hàng ngày và kéo dài trong khoảng 2 tháng. 
  • Giai đoạn duy trì: Bệnh nhân chỉ cần duy trì dùng rifampicin (R) và isoniazid (H) trong khoảng 4 tháng, dùng hàng ngày.

Phác đồ 2S(E)HRZ/6HE:

  • Giai đoạn tấn công: Hàng ngày bệnh nhân sẽ dùng streptomycin (S) hoặc ethambutol (E) và phối hợp cùng ba loại isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), kéo dài trong khoảng 2 tháng. 
  • Giai đoạn duy trì: Bệnh nhân chỉ cần duy trì dùng ethambutol (E) và isoniazid (H) trong khoảng 6 tháng, dùng hàng ngày.

Đây là hai phác đồ được chỉ định cho các bệnh nhân không có dấu hiệu kháng thuốc. Nếu vi khuẩn kháng thuốc, bác sĩ sẽ phải xây dựng lại phác đồ trị bệnh mới. Quá trình điều trị cũng trở nên phức tạp và kéo dài hơn rất nhiều, hầu hết phải dùng thuốc trong khoảng 19 đến 24 tháng. 

Điều trị bệnh lao phổi nguyên phát
Điều trị bệnh lao phổi nguyên phát

Bác sĩ sẽ kết hợp một số loại kháng sinh trong phác đồ cũ và thêm vào các loại kháng sinh mới được phát triển như:

  • Thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolones
  • Loại kháng sinh dạng tiêm: Amikacin (Amikin), Capreomycin (Capastat) và Kanamycin
  • Các loại kháng sinh mới nhất: Bedaquiline (Sirturo), ethionamide (Trecator) và axit para-amino salicylic, Pretomanid. Riêng Pretomanid được sử dụng kết hợp với bedaquiline và linezolid để điều trị lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) hoặc bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB). Các loại kháng sinh mới nhất có thể rút ngắn thời gian điều trị xuống còn 9 – 11 tháng.

Trường hợp lao tái nhiễm:

Nếu bệnh nhân bị tái nhiễm bệnh hoặc điều trị thất bại, từng bỏ điều trị thì có thể dùng phác đồ: 2SRHZE/1RHZE/5RHE hoặc 2SRHZE/1RHZE/5R3H3E3. Bệnh nhân dùng thuốc theo 2 giai đoạn

  • Giai đoạn tấn công: 2 tháng đầu tiên dùng 5 loại thuốc chống lao thiết yếu isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S), ethambutol (E), dùng hàng ngày. 1 tháng tiếp theo dùng 4 loại thuốc isoniazid (H), rifampicin (R),  pyrazinamid (Z), ethambutol (E), dùng hàng ngày.
  • Giai đoạn duy trì: Dùng 3 loại thuốc ifampicin (R), isoniazid (H), ethambutol (E) hàng ngày hoặc cách quãng 3 lần/tuần trong khoảng 5 tháng.

Việc điều trị lâu dài với thuốc kháng sinh có thể khiến người bệnh bị suy giảm miễn dịch, gan và thận yếu, xuất huyết, giảm thị lực, hệ tiêu hóa kém, trường hợp nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc:

Cần báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường
  • Sốt liên tục trên 3 ngày
  • Đau ở dưới bụng
  • Ngứa hoặc phát ban
  • Buồn nôn và chán ăn, người suy nhược
  • Da và mắt bị vàng
  • Nước tiểu màu sẫm hoặc nâu đậm
  • Tay chân tê bì, đau nhói
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu

2. Phương pháp điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS)

Phương pháp DOTS (Directly Observed Treatment Short course) là cách điều trị lao phổi ngắn ngày có sự kiểm soát trực tiếp, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Theo phương pháp DOTS thì bệnh nhân sẽ được giám sát điều trị trực tiếp trong khoảng 6-8 tháng, tối thiểu là 2 tháng. 

Hàng ngày, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc trước mặt nhân viên y tế hoặc những người được huấn luyện từ Chương trình Chống lao. Bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị nội trú hoặc ngoại trú.

Điều trị lao phổi có kiểm soát trực tiếp
Điều trị lao phổi có kiểm soát trực tiếp

Phác đồ điều trị lao phổi theo DOTS được tiến hành như sau:

Dùng thuốc điều trị 2SRHZ/6HE:

  • Giai đoạn tấn công: Hàng ngày bệnh nhân sẽ dùng streptomycin (S), isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), kéo dài trong khoảng 2 tháng. 
  • Giai đoạn duy trì: Bệnh nhân chỉ cần duy trì dùng ethambutol (E) và isoniazid (H) trong khoảng 6 tháng, dùng hàng ngày.

Xét nghiệm kiểm soát vi khuẩn lao trong đờm:

  • Lao phổi AFB dương tính: Người bệnh được kiểm soát đờm 3 lần trong suốt quá trình điều trị. Lần thứ nhất sau 2 tháng điều trị, lần thứ 2 sau 5 tháng và lần thứ 3 sau 8 tháng.
  • Lao phổi AFB âm tính: Người bệnh được kiểm soát đờm 2 lần trong suốt quá trình điều trị. Lần thứ nhất sau 2 tháng điều trị, lần thứ 2 sau 5 tháng.

Theo thống kê, có khoảng 95% bệnh nhân lao điều trị thành công khi thực hiện phương pháp này. Đây cũng là phương pháp có chi phí điều trị thấp, phòng ngừa được tình trạng lây nhiễm, kháng thuốc cũng như tăng được tuổi thọ người bị nhiễm HIV.

3. Điều trị bệnh bằng phẫu thuật

Phẫu thuật rất ít khi được dùng trong lao phổi trừ trường hợp:

  • Bệnh nhân không đáp ứng với tất cả phác đồ trị liệu nội khoa
  • Tổn thương khu trú, u lao, hang lao xẹp…

Bệnh nhân có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ổ lao tại phổi, phần lớn trường hợp là cắt thùy trên. Ngoài ra còn có một số các thủ thuật liên quan như dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu hang lao, mở hang lao, phục hồi chức năng phổi…

Các thủ thuật ngoại khoa đều là những cuộc phẫu thuật lớn, chỉ được thực hiện nếu thể trạng bệnh nhân có thể đáp ứng phẫu thuật. Bệnh nhân cũng phải sẵn sàng đối mặt với những rủi ro khi thực hiện các thủ thuật này. Bởi đây là chỉ định cuối cùng sau tất cả phác đồ nội khoa đã thất bại.

Phẫu thuật điều trị bệnh
Phẫu thuật thường là biện pháp cuối cùng được thực hiện để điều trị bệnh

Sau phẫu thuật điều trị, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng:

  • Suy hô hấp
  • Rối loạn tim mạch
  • Sốc thứ phát
  • Xuất huyết
  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu do tan sợi tơ huyết

Cách chữa bệnh lao phổi bằng đông y

Điều trị lao phổi theo y học hiện đại có thể khiến gan, thận và hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu. Để hạn chế những tác dụng phụ này và hỗ trợ điều trị lao phổi hiệu quả hơn, người bệnh có thể tham khảo thêm các bài thuốc y học cổ truyền. 

Theo quan điểm của đông y, lao phổi thuộc loại bệnh truyền nhiễm là chứng phế lao. Bệnh hình thành do âm dương mất cân bằng, chính khí hư, tinh huyết suy tổn nên tà khí xâm phạm vào và gây tổn thương phế. 

Ở giai đoạn nhẹ thì chỉ có phế hư. Nếu bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn thì thận và tỳ sẽ hư theo. Lao phổi trong đông y được chia làm 3 thể bệnh: phế âm hư – phế thận hư – phế tỳ thận hư, mỗi thể sẽ có bài thuốc trị bệnh riêng:

1. Bài thuốc thể phế âm hư

Ở thể phế âm hư, người bệnh sốt về chiều, ho ít đờm có lẫn máu, hai gò má đỏ, miệng họng khô đầu lưỡi đỏ, người mệt mỏi, mạch tế sác. Điều trị bệnh phải dùng phép tu dưỡng phế âm với bài thuốc cổ phương:

  • Bài 1: Sa sâm (12g), Huyền sâm (12g), Thiên môn (8g), Mạch môn (12g), Sinh địa (12g), A giao (8g), Bách bộ (6g). 
  • Bài 2: A giao (12g), Bối mẫu (8g), Ngọc trúc (8g), Bách bộ (10g), Hoài sơn (12g), Phục linh (12g), Bách hợp (8g), Mạch môn (12g), Sinh địa (12g), Thiên môn (12g).
Bài thuốc chữa thể phế hư
Bài thuốc chữa thể phế hư

2. Bài thuốc thể phế thận âm hư

Ở thể phế thận âm hư, người bệnh thường sốt về chiều, nhức trong xương, ra mồ hôi, lòng bàn tay và lòng bàn chân nóng, hay trằn trọc, dễ cáu gắt, đau tức ngực, ngủ ít, giảm cân, di tinh, kinh nguyệt không đều, họng lưỡi khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. 

Muốn điều trị phải dùng bài thuốc theo phép tư âm, giáng hỏa, nhuận phế, chỉ khái với các bài thuốc:

  • Bài 1: Sa sâm (12g), Sinh địa (12g), Mạch môn (12g), Huyền sâm (18g), Địa cốt bì (18g), Bách bộ chế (18g), Xạ can (6g), Hạ khô thảo (16g). 
  • Bài 2: Sa sâm (12g), Mạch môn (12g), Bách hợp (12g), Bách bộ (12g), Huyền sâm (12g), Hoàng cầm (12g), Sinh địa (16g), Hạ khô thảo (16g), Bạch cập (8g). 

3. Bài thuốc thể phế thận tỳ hư

Ở thể phế thận tỳ hư, người bệnh có các triệu chứng như ho thở gấp, ho có đờm loãng, có khi dính máu, nhức trong xương, sốt buổi chiều, tự ra mồ hôi, ăn ít, phân nhão, sắc mặt trắng bệch, hơi phù, chất lưỡi khô, mạch tế sác, vô lực. Giai đoạn này cần điều trị bằng phép ích khí dưỡng âm, dùng các bài thuốc:

  • Bài 1: Đảng sâm (16g), Hoài sơn (16g), Ý dĩ (12g), Bạch truật (16g), Mạch môn (12g), Thiên môn (12g), Quy bản (12g), A giao (8g). 
  • Bài 2: Đảng sâm (16g), Bạch truật (12g), Phục linh (8g), Cam thảo (6g), Cỏ nhọ nồi (12g), Ngũ vị tử (6g), Bách hợp (8g), Tử uyển (12g), Bối mẫu (6g)

Lưu ý về cách dùng: Mỗi ngày người bệnh sắc một thang thuốc cùng 3 bát nước, cạn còn 1 bát để ấm thì đem dùng, sau khi ăn khoảng 60 phút.

Bài thuốc chữa thể phế thận tỳ hư
Bài thuốc chữa thể phế thận tỳ hư

Điều trị lao phổi tại nhà bằng mẹo dân gian

Người bị lao phổi có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh có thể sử dụng thêm cách chữa lao phổi bằng thuốc nam:

1.  Mẹo chữa với cây bát bình

Cây bình bát có chứa nhiều vitamin C, vitamin A và B có tác dụng đẩy nhanh quá trình hồi phục các mô phổi bị tổn thương. Ngoài ra, cây bình bát còn chứa hoạt chất sinh học quý giá là tannin có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư và giảm đau hiệu quả.

Cách dùng: Lấy 1 nắm thân, lá, quả đã được phơi khô của cây bình bát cho vào nấu cùng với 2 lít nước sạch, khi sôi thì nấu thêm 10 phút ở lửa nhỏ rồi tắt bếp. Bệnh nhân dùng thay thế nước lọc hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh. 

Lưu ý: Không dùng cây bình bát tươi vì nhựa của cây có chứa độc và gây kích ứng da.

2. Bài thuốc với cây diệp hạ châu

Theo y học cổ truyền thì diệp hạ châu (cây chó đẻ) có vị đắng hơi ngọt, tính mát, tác dụng chủ yếu là lợi tiểu, tiêu độc, sát khuẩn nên có khả năng hỗ trợ điều trị lao phổi. 

Cách dùng: Lấy 1 nắm diệp hạ châu khô đem đi rửa sạch. Đổ nước sấp mặt lá rồi đun với lửa nhỏ cho đến khi còn ⅓ nước thì bắc ra, để nguội uống, sau mỗi bữa ăn khoảng 1 tiếng. 

3. Chữa bệnh bằng cây sói rừng

Cây sói rừng là vị thuốc thường dùng để chữa các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn do có vị đắng, hơi cay, tính ấm, tác dụng chủ yếu là kháng khuẩn, tiêu viêm. Người bệnh có thể sắc cây sói rừng uống mỗi ngày để hỗ trợ quá trình chữa trị.

Cách dùng: Lấy 1 nắm lá và thân cây sói rừng đem rửa sạch, thái nhỏ, giã nhuyễn rồi đổ nước vào nấu khoảng 30 phút với lửa nhỏ. Sau đó bắc xuống, để nguội, chỉ chắt lấy nước, rồi tiếp tục đun cho đến khi cô đặc thành cao. Bảo quản trong hũ thủy tinh và ở nơi thoáng mát. Khi dùng thì lấy 1-2 thìa cao pha với nước nóng ấm, uống 2-3 lần/ngày.

Điều trị lao phổi bằng thuốc nam
Điều trị lao phổi bằng thuốc nam

Những lưu ý trong điều trị, ngăn ngừa bệnh

Để các biện pháp điều trị viêm phổi mang lại hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ những lưu ý quan trọng sau:

Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị

Người thân phải luôn theo dõi quá trình dùng thuốc điều trị của bệnh nhân, đảm bảo dùng đủ liều, đủ thời gian. Việc ngừng thuốc giữa chừng hay quên uống thuốc có thể khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, cơ thể người bệnh có thể bị kháng thuốc và điều này rất nguy hiểm.

Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Thực tế, người bị lao phổi không cần quá kiêng khem trong chế độ ăn uống, chỉ cần lưu ý không sử dụng những thực phẩm dễ gây dị ứng và kích thích đến đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu người bệnh muốn đẩy nhanh tốc độ hồi phục bệnh thì cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng có sự cân bằng giữa 4 chất: đường – đạm – vitamin và khoáng chất – chất béo đồng thời lưu ý:

  • Kiêng ăn: các thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn có nhiều dầu mỡ và muối, thực phẩm cay nóng, các đồ chứa chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cafe, trà đặc…)
  • Nên ăn: rau xanh và hoa quả, các loại trà giải độc mát gan, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm chứa nhiều kẽm (thịt nạc, trứng gà, nấm, đậu hà lan…)

Thực hiện biện pháp phòng tránh lây nhiễm lao phổi 

Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân bị lao phổi điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa lao. Bởi căn bệnh này có khả năng lây lan rất nhanh và tốt nhất là người bệnh nên được cách ly. Trong trường hợp người bệnh bắt buộc phải điều trị ngoại trú, người thân chăm sóc bệnh nhân cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho chính mình và cộng đồng:

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa lao phổi
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa lao phổi
  • Bệnh nhân cần được ở một không gian riêng, có không khí lưu thông tốt và đón ánh sáng, nắng
  • Không cho bệnh nhân tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ em, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch
  • Không dùng chung bất cứ vật dụng cá nhân nào với bệnh nhân
  • Nếu gia đình có trẻ sơ sinh thì cần được tiêm vắc xin BCG ngay
  • Người bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác
  • Bệnh nhân khạc đờm vào ống nhổ. Đờm, chất thải và các dụng cụ chứa phải được đốt hoặc xử lý bằng hóa chất.  
  • Vệ sinh không gian sống bằng các chất tẩy rửa, sát trùng mỗi ngày
  • Quần áo phải được giặt sạch, chăn màn phải được phơi nắng mỗi ngày.

Điều trị bệnh lao phổi sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn ở giai đoạn mới khởi phát. Nếu bạn đọc nhận thấy những dấu hiệu bất thường tương tự triệu chứng của lao phổi thì hãy đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời.

Ngày Cập nhật 07/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *