Hội chứng chùm đuôi ngựa – Nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng chùm đuôi ngựa không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến liệt hai chân vĩnh viễn. Tuy nhiên, các biểu hiện của nó này lại dễ nhầm lẫn với bệnh thần kinh ngoại biên. Tìm hiểu kỹ thông tin về hội chứng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong điều trị và chăm sóc.

CES là hội chứng thường chỉ gặp ở người trưởng thành.
CES là hội chứng thường chỉ gặp ở người trưởng thành.

Hội chứng chùm đuôi ngựa là gì?

Để hiểu rõ hội chứng chùm đuôi ngựa là gì, cũng như nó nằm ở đâu trong cơ thể, bạn cần biết sơ qua cấu tạo của cột sống.

Cột sống chúng ta có từ 33 – 35 đốt sống. Trong đó có 7 đốt sống cổ (C1 đến C7); 12 đốt sống ngực (T1 đến T12); 5 đốt sống thắt lưng (L1 đến L5); 5 đốt sống cùng (S1 đến S5) và 3 – 5 đốt xương cụt.

Trừ hai đốt sống cổ đầu tiên, xương cùng và xương cụt, các đốt sống còn lại được tạo từ thân đốt sống phía trước và mỏm xương chỉ về sau. Giữa hai đốt sống là đĩa đệm. Cấu tạo này khiến cho chỗ 2 đốt sống tiếp giáp nhau có 2 khoảng trống nhỏ. Dây thần kinh nằm trong ống sống sẽ thoát ra ngoài ở các khoảng trống này.

Các dây thần kinh đi qua các đốt sống thắt lưng bắt đầu phân nhánh. Nói cách khác, sự phân nhánh này bắt đầu ở đầu dưới tủy sống. Chúng có hình dáng giống như đuôi ngựa. Nhiệm vụ của các dây thần kinh này là gửi và nhận tín hiệu từ hai chân. Đồng thời, nó còn giữ chức năng kiểm soát hoạt động của bàng quang và trực tràng. Hội chứng chùm đuôi ngựa (viết tắt là CES) hình thành khi các dây thần kinh dưới đầu tủy sống bị tổn thương hoặc chèn ép.

Các dây thần kinh đuôi ngựa ngoài chi phối hoạt động của hai chân còn kiểm soát hoạt động của bàng quang và trực tràng.
Các dây thần kinh đuôi ngựa ngoài chi phối hoạt động của hai chân còn kiểm soát hoạt động của bàng quang và trực tràng.

Nguyên nhân gây ra CES

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa. Trong đó, phổ biến là các bệnh lý về xương khớp. Tiêu biểu nhất là bệnh thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng. Bên cạnh đó, những trường hợp bị nhiễm trùng cột sống, xuất huyết tủy sống, áp xe hoặc tụ máu ngoài màng cứng cũng rất dễ dẫn đến hội chứng này.

Một số ít trường hợp là do khối u hoặc chấn thương cột sống. Bên cạnh đó, CES còn xuất hiện do hẹp cột sống bẩm sinh hoặc dị dạng động tĩnh mạch cột sống. Ngoài ra, biến chứng sau phẫu thuật cột sống hoặc gây tê tủy sống cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng.

Biểu hiện và biến chứng của CES

Triệu chứng mà tất cả các bệnh nhân bị Hội chứng chùm đuôi ngựa đều gặp phải đó là đau lưng. Cơn đau sẽ lan từ thắt lưng, xuống mông, đùi, bắp chân rồi đến tận bàn chân. Đi kèm với các cơn đau này là tình trạng tê hoặc mất cảm giác cục bộ, đặc biệt là ở vùng xương chậu.

Bên cạnh đó, bàng quang có thể bị rối loạn hoặc mất cảm giác. Nó gây ra tình trạng bí tiểu, khó tiểu hoặc không kiểm soát được việc tiểu tiện. Nhiều trường hợp thậm chí còn bị rối loạn chức năng cơ quan sinh dục, yếu cơ và mất phản xạ ở chân.

Tùy vào mức độ tổn thương hoặc tình trạng chèn ép của các dây thần kinh, các triệu chứng kể trên sẽ xuất hiện một số hoặc đồng loạt. Điểm chung là chúng tiến triển chậm nhưng thay đổi liên tục. Biến chứng nặng nhất của CES là liệt hai chân vĩnh viễn. Nhẹ hơn là tình trạng đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ. Hầu hết các bệnh nhân nhập viện khi bị hội chứng này đều đang trong tình trạng cần phẫu thuật gấp.

Đại tiện hoặc tiểu tiện mất tự chủ là dấu hiệu đồng thời là biến chứng của CES.
Đại tiện hoặc tiểu tiện mất tự chủ là dấu hiệu đồng thời là biến chứng của CES.

Điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa

Từ khi xuất hiện các biểu hiện của CES, bệnh nhân cần phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu được điều trị trong vòng 48h, khả năng chữa khỏi sẽ cao. Những trường hợp đưa tới bệnh viện sau khoảng thời gian này, hiệu quả điều trị sẽ thấp nhưng vẫn tốt hơn là không được phẫu thuật.

Kỹ thuật can thiệp ngoại khoa thường dùng cho các bệnh nhân bị hội chứng chùm đuôi ngựa là cắt bảng sống toàn phần. Các bác sĩ sẽ lấy đi tác nhân gây chèn ép dây thần kinh (thường là địa đệm bị thoát vị hoặc dây chằng bị vôi hóa). Ca phẫu thuật có thể được tiến hành bằng kỹ thuật nội soi hoặc mổ hở. Thông thường khoảng 1 – 2 tuần là bệnh nhân có thể xuất viện.

Sau phẫu thuật, có thể người bệnh cần dùng đến nẹp cố định. Bên cạnh đó, các bác sĩ thường sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm và chống phù nề. Trong trường hợp nguyên nhân gây hội chứng là do khối u, người bệnh có thể cần đến hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật.

Nếu ca mổ thành công, khả năng vận động của hai chân sẽ hồi phục trước. Tiếp đó là chức năng của bàng quang và trực tràng. Toàn bộ thời gian từ lúc kết thúc phẫu thuật đến khi hồi phục hoàn toàn có thể mất nhiều năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng, chăm sóc và sinh hoạt sau mổ.

Những lưu ý sau điều trị CES

Vấn đề ổn định tâm lý cho người bị hội chứng chùm đuôi ngựa rất quan trọng. Bởi biểu hiện của bệnh rất dễ gây khủng hoảng tâm lý. Người bệnh có thể bị trầm cảm hoặc rất khổ sở trong các sinh hoạt hằng ngày của mình. Nếu cảm thấy quá khó khăn để tự giải quyết, bạn nên tham khảo các phương pháp vật lý trị liệu, nhờ chuyên gia tâm lý hoặc tình dục. Họ sẽ cho bạn các lời khuyên hữu ích. Đồng thời cũng sẽ giúp tâm lý vững hơn.

Người bị hội chứng đuôi ngựa cần sự động viên tinh thần rất lớn từ người thân.
Người bị hội chứng đuôi ngựa cần sự động viên tinh thần rất lớn từ người thân.

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một số cách đơn giản dưới đây để chăm sóc người bị CES:

  • Dùng ống thông bàng quang khoảng 3 – 4 lần một ngày;
  • Uống nhiều nước và vệ sinh vùng kín sạch sẽ;
  • Có thể làm sạch ruột với găng đeo tay hoặc glycerin đặt hậu môn;
  • Nên dùng miếng lót để tránh rò rỉ chất thải ra quần áo;
  • Có thể dùng thuốc nhưng phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Cuối cùng, khi hỗ trợ người bệnh trong tiểu tiện hoặc đại tiện, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách thức, tần suất và các dụng cụ hỗ trợ.

Ngày Cập nhật 06/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *