Kê Huyết Đằng -Tác Dụng Và Bài Thuốc Trị Bệnh Từ Dược Liệu

Kê Huyết Đằng là một vị thuốc có tên khoa học Milletia reticulata Benth. Thuộc họ Cánh Bướm (danh pháp khoa học: Fabaceae). Vị thuốc có vị ngọt, đắng, tính ôn, quy vào kinh Tâm và Tỳ. Nhờ đó, vị thuốc có tác dụng điều trị kinh nguyệt không đều, tay chân tê, té ngã tổn thương, lưng đau. Ngoài ra vị thuốc còn được nấu thành cao dùng trong chữa trị khí huyết suy kém, đại bổ khí huyết.

Kê Huyết Đằng -Tác dụng và bài thuốc trị bệnh từ dược liệu
Thông tin cơ bản về thành phần hóa học, đặc tính, tác dụng dược lý và những bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu Kê Huyết Đằng

Mô tả Kê Huyết Đằng

Tên khác: Hoạt huyết đằng, Đại huyệt đằng (Biệt Lục), Huyết phong đằng (Trung Dược Chí), Hồng đằng (Bản Thảo Cương Mục), Tử ngạnh đằng, Mã nhung đằng (Vân Nam Tư Mao Trung Thảo Dược Tuyển), Cửu tằng phong, Trư huyết phong (Quảng Tây Dược Vật Danh Lục), Dây máu người, Huyết Đắng (Dược Liệu Việt Nam), Hoạt huyết đằng, Hồng đằng (Vân Nam Dược Dụng Thực Vật Danh Lục), Quá chương long, Ngũ tằng huyết, Huyết long đằng (Quảng Tây Dược Chí), Huyết phong, Đại huyết đằng (Quảng Đông Dược Chí)

Tên khoa học: Milletia reticulata Benth.

Thuộc họ: Cánh Bướm (danh pháp khoa học: Fabaceae)

Nhận dạng cây Kê Huyết Đằng

Cây Kê Huyết Đằng là một cây thuốc quý. Loại cây này xuất hiện dưới dạng thân leo. Lá kép gồm 5 đến 7 hay 9 lá chét. Cây có hoa mọc thành từng cụm. Cụm hoa hình chùy ở ngọn có chiều dài từ 15 – 20cm. Hoa xuất hiện với màu đỏ, có chiều dài khoảng 15mm, chúng xếp rất gần nhau.

Cây có quả xuất hiện với màu đỏ nâu, có chiều dài 12cm. Bên trong loại quả này có 36 hạt. Khi chặt cây, bên trong cây sẽ tiết ra nhựa màu đỏ trông như máu.

Bộ phận dùng 

Phần dây của cây Kê Huyết Đằng là bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Dây vỏ mịn vàng. Khi khô, tiết diện xuất hiện nhiều vòng đen do nhựa của cây khô lại. Khi tươi, cắt ngang sẽ nhận thấy nhựa cây màu đỏ chảy ra như máu.

Phần dây của cây Kê Huyết Đằng là bộ phận được sử dụng để làm thuốc
Phần dây của cây Kê Huyết Đằng là bộ phận được sử dụng để làm thuốc

Tính vị

Tính ôn, vị đắng, ngọt (theo Trung Dược Học).

Tính ôn, vị đắng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tính bình, vị hơi đắng, ngọt, sáp (theo Quảng Tây Bản Thảo Tuyển Biên).

Quy kinh

Quy vào kinh Tâm và Tỳ (theo Bản Thảo Tái Tân).

Quy vào kinh Tâm và Tỳ (theo Trung Dược Học).

Quy vào kinh Can và Thận (theo Trung Dược Học Thiết Yếu).

Thu hái và chế biến

Thu hái

Thu hái quanh năm. Tuy nhiên vào tháng 8 đến tháng 10 là thời điểm thu hái tốt nhất. Sau khi thu hái, mang cây về cắt bỏ phần cành và lá. Chọn những thứ chắc và to để sử dụng.

Chế biến

Rửa sạch. Sau đó mang thái phiến và dùng sống (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Lựa ra thứ dây bé và lớn để riêng. Ngâm thứ lớn trong 3 ngày cho mềm. Mang thứ bé ngâm trong 1 – 2 giờ để mềm. Dùng dao thái vị thuốc dày 2 ly. Tiếp tục mang phơi khô.

Bảo quản

Kê Huyết Đằng dễ mốc. Chính vì thế, bạn cần để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Nên mang dược liệu phơi và sấy thường xuyên khi vào mùa mưa.

Kê Huyết Đằng dễ mốc nên cần để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát
Vì vị thuốc Kê Huyết Đằng dễ mốc nên người dùng cần để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Những người tê bại, đau nhức gân xương, co quắp, viêm khớp dạng thấp, đau dây thần kinh tọa
  • Người bị đau lưng, nhức mỏi, đau vùng tim, tim đập không đều, chóng mặt do huyết hư
  • Bệnh nhân bị thiếu máu và hư lao
  • Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.

Chống chỉ định và lưu ý

  • Người thiên về huyết ứ, khí trệ, huyết không hư không dùng vị thuốc Kê Huyết Đằng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Sử dụng thận trọng ở phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ đang mang thai
  • Người bệnh có thể bị khô họng và táo bón nếu sử dụng vị thuốc trong một thời gian dài.

Thành phần hóa học

Vị thuốc Kê Huyết Đằng chứa những thành phần hóa học quan trọng sau:

Theo Trung Dược Học

  • Milletol.

Theo Dược Liệu Việt Nam

  • Trong rễ và vỏ hạt chứa chất nhựa, Glucozit, Tannin.

Theo Lâm Thành, Trung Thảo Dược 1989, 20 (2): 53

  • Friedelan-3-Alpha-Ol
  • Daucosterol
  • Beta Sitosterol
  • Afrormosin
  • Daidzein
  • 3,7-Dihydroxy-6-methoxy-dihydroflavonol
  • 7-Oxo-Beta-Sitosterol
  • Formononetin
  • Ononin,Prunetin
  • Epicatechin
  • Isoliquiritigenin
  • 2’, 4’, 3, 4-tetrahydroxy chalcone
  • 9-Methoxycoumestrol
  • Cajanin
  • Licochalcone
  • Medicagol
  • Protocatechuic acid.

Theo Fukuyama Y và cộng sự, Planta Med, 1988, 54 (1): 34

  • Phần rễ của vị thuốc chứa 5 Alpha-Stigmastane-3 Beta, 6 Alpha-Diol và Stigmast-5-ene-3 Beta-7 Alpha-Diol.
Thành phần hóa học của vị thuốc Kê huyết đằng
Thành phần hóa học của vị thuốc Kê huyết đằng

Tác dụng dược lý của vị thuốc Kê Huyết Đằng

Theo Nghiên cứu dược lý hiện đại

Dược liệu Kê Huyết Đằng mang những tác dụng và lợi ích sau:

  • Tác dụng lên hệ tim mạch: Nước sắc của vị thuốc có khả năng làm hạ huyết khi sử dụng trên cơ thể của chó và thỏ bị gây tê khi tác động, gây co mạch trong tĩnh mạch ở tai thỏ. Ngoài ra nước sắc dược liệu còn có khả năng ức chế tim ếch.
  • Tác dụng kháng viêm: Cho ra kết quả tốt khi sử dụng cồn thuốc được chiết xuất từ vị thuốc Kê Huyết Đằng trên cơ thể của chuột. Cụ thể là làm giảm tình trạng viêm khớp hình thành bởi Formadehyde.
  • Tác dụng trên sự chuyển hóa Phosphate: Thí nghiệm sử dụng dược liệu trên cơ thể của chuột nhắt đã được thực hiện. Kết quả cho thấy có sự tăng chuyển hóa Phosphate trong tử cung và trong thận (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Khi tiêm thuốc vào màng bụng của chuột, các nhà thí nghiệm nhận thấy có tác dụng an thần và giảm đau.

Theo Y học cổ truyền

  • Bổ trung, táo vị (theo Bản Thảo Tái Tân).
  • Bổ huyết, hòa huyết, thư cân, thông kinh (theo Trung Dược Học).
  • Bổ huyết, Hành huyết, làm mạnh gân xương, thông kinh tạc (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Thông kinh tạc, chỉ thống, hành huyết (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Hoạt lạc, thông kinh, bổ huyết, hoạt huyết (theo Quảng Tây Bản Thảo Tuyển Biên).

Chủ trị

  • Trị lưng đau, té ngã tổn thương, gối đau, kinh nguyệt không đều, tay chân tê (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Đại bổ khí huyết, trị khí huyết kém: Mang dược liệu Kê Huyết Đằng nấu thành cao, hòa cao cùng với rượu để uống. Trong trường hợp không uống được rượu thì hòa một ít cao cùng với nước sôi để uống (theo Kê Huyết Đằng Giao Vân Nam Chí Phương).
Chủ trị
Vị thuốc Kê huyết đằng chủ trị lưng đau, té ngã tổn thương, gối đau, kinh nguyệt không đều, tay chân tê…

Độc tính

Khi tiêm tĩnh mạch Kê Huyết Đằng với lượng tương đương 4,25 gram/kg vào súc vật khiến vật thí nghiệm chết (theo Trung Dược Học).

Cách dùng và liều dùng Kê Huyết Đằng

Cách dùng

Sắc dược liệu để lấy nước uống, nấu thành cao hoặc ngâm rượu.

Liều lượng

Dùng từ 10 – 30 gram/ngày.

Bài thuốc điều trị bệnh từ Kê Huyết Đằng

Nhờ thành phần hóa học, đặc tính có lợi và nhiều tác dụng hữu ích, dược liệu Kê Huyết Đằng thường xuyên góp mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.

Bài thuốc điều trị tay chân đau mỏi, gân xương đau nhức, phong thấp, co quắp, tê bại hoặc sưng nề từ vị thuốc Kê Huyết Đằng

Bài thuốc 1

Nguyên liệu:

  • 20 – 40 gram dược liệu.

Cách thực hiện:

  • Mang vị thuốc sắc với 400ml nước lọc
  • Chắt lấy nước thuốc uống mỗi ngày.

Bài thuốc 2

Nguyên liệu:

  • 20 gram dược liệu
  • 20 gram Tỳ giải
  • 20 gram Ngưu tất
  • 20 gram Cốt toái bổ
  • 20 gram Cẩu tích
  • 4 gram Bạch chỉ
  • 6 gram Thiên niên kiện.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả nguyên liệu rửa sạch
  • Cho nguyên liệu vào nồi bên trong có 1 lít nước
  • Đun sôi thuốc trong 30 phút
  • Chắt thuốc và chia nước thuốc thành nhiều lần uống trong ngày
  • Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc.
Bài thuốc điều trị tay chân đau mỏi, gân xương đau nhức, phong thấp, co quắp, tê bại hoặc sưng nề từ vị thuốc Kê Huyết Đằng
Bài thuốc điều trị tay chân đau mỏi, gân xương đau nhức, phong thấp, co quắp, tê bại hoặc sưng nề từ vị thuốc Kê Huyết Đằng

Bài thuốc dùng Kê Huyết Đằng điều trị huyết hư trên đầu xây xẩm, tim đập không đều nhịp, chóng mặt, các khớp xương đau mỏi, đau nhói ở tim

Nguyên liệu:

  • 20 gram dược liệu
  • 15 gram Hạt muồng sao
  • 15 gram Ngưu tất
  • 15 gram Mạch môn
  • 15 gram Huyền sâm
  • 4 gram Tâm sen.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả nguyên liệu rửa sạch
  • Cho nguyên liệu vào nồi, thêm 800ml nước lọc
  • Đun sôi nguyên liệu để lấy được 300ml nước thuốc
  • Chắt thuốc và chia nước thuốc thành 2 – 3 lần uống trong ngày
  • Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc.

Bài thuốc từ dược liệu Kê Huyết Đằng điều trị đau lưng

Nguyên liệu:

  • 16 gram dược liệu
  • 16 gram Tỳ giải
  • 16 gram Ý dĩ
  • 16 gram rễ Trinh nữ
  • 8 gram rễ Lá lốt
  • 8 gram Thiên niên kiện
  • 8 gram Quế chi
  • 6 gram Trần bì
  • 12 gram Cỏ xước.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch tất cả nguyên liệu 
  • Cho nguyên liệu vào nồi cùng với 800ml nước lọc
  • Đun sôi thuốc
  • Sau 30 phút, tắt bếp
  • Chắt thuốc
  • Chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày
  • Sử dụng 1 thang thuốc mỗi ngày.

Bài thuốc từ Kê Huyết Đằng điều trị đau nhức tứ chi

Nguyên liệu:

  • 12 gram dược liệu
  • 12 gram Ngũ gia bì hương
  • 12 gram Uy linh tiên
  • 12 gram Tang chi
  • 12 gram Độc hoạt.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch và sắc thuốc
  • Chắt lấy 200ml nước thuốc uống trong ngày
  • Uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc từ Kê Huyết Đằng điều trị đau nhức tứ chi
Bài thuốc từ Kê Huyết Đằng điều trị đau nhức tứ chi

Bài thuốc điều trị hư lao và thiếu máu bằng dược liệu Kê Huyết Đằng

Nguyên liệu:

  • 300 gram dược liệu
  • 1 lít rượu trắng.

Cách thực hiện:

  • Mang dược liệu rửa sạch, phơi khô và tán nhỏ
  • Ngâm dược liệu cùng với rượu
  • Sau 10 ngày thì mang ra sử dụng
  • Mỗi lần lấy 25ml thuốc rượu để uống
  • Uống 2 lần/ngày.

Bài thuốc từ dược liệu Kê Huyết Đằng điều trị phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt

Bài thuốc 1

Nguyên liệu:

  • 10 gram dược liệu
  • 5 gram Tô mộc
  • 4 gram Nghệ vàng.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô hoặc sấy khô
  • Mang thuốc sắc với 3 chén nước còn 1 chén
  • Uống thuốc hết trong ngày.

Bài thuốc 2

Nguyên liệu:

  • 16 gram dược liệu
  • 16 gram Ích mẫu
  • 8 gram Nghệ
  • 8 gram Đào nhân
  • 12 gram Sinh địa
  • 12 gram Xuyên khung.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch các vị thuốc
  • Cho thuốc vào nồi đun trong 30 cùng với 600ml nước lọc
  • Chắt nước thuốc và uống ngay khi còn nóng.
Bài thuốc từ dược liệu Kê Huyết Đằng điều trị phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt
Bài thuốc từ dược liệu Kê Huyết Đằng điều trị phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt

Bài viết là thông tin cơ bản về thành phần hóa học, đặc tính, tác dụng dược lý và những bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu Kê Huyết Đằng. Tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc thầy thuốc trước khi sử dụng những bài thuốc từ dược liệu. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn và nâng cao tính hiệu quả.

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *