Lệch vách ngăn mũi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Lệch vách ngăn mũi thực chất là một dạng rối loạn thể chất xảy ra ở vùng mũi. Khi đó vách ngăn mũi sẽ có xu hướng phát triển không bình thường và vẹo sang một bên gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh khó chịu và làm phát sinh nhiều bệnh lý ở đường hô hấp. Để điều trị hiệu quả và phòng ngừa những vấn đề liên quan, người bệnh cần sớm nhận biết bệnh lý và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Lệch vách ngăn mũi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Lệch vách ngăn mũi khiến vách ngăn có xu hướng phát triển không bình thường và vẹo sang một bên

Lệch vách ngăn mũi là gì?

Vách ngăn mũi là bộ phận nằm giữa và chia đôi hốc mũi. Cấu tạo của bộ phận này gồm xương và phần sụn, bắt đầu từ tiền đình mũi nối đến vòm họng mũi, tổng chiều dài khoảng 8cm.

Lệch vách ngăn mũi hay còn gọi là vẹo vách ngăn mũi là một bệnh về mũi thường gặp. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng vách ngăn mũi bị cong vẹo sang bên trái hoặc bên phải, từ đó khiến cho một bên khoang mũi có kích thước nhỏ hơn bên còn lại. Đồng thời làm phát sinh những rối loạn khi bệnh nhân hít thở. 

Dựa vào các đặc trưng, vẹo vách ngăn mũi được chia thành nhiều dạng khác nhau, cụ thể:

  • Vẹo vách ngăn mũi đơn thuần: Vách ngăn mũi vẹo thành hình chữ C. Đối với dạng đơn thuần, vách ngăn chỉ vẹo sang một bên (có thể là bên phải hoặc bên trái).
  • Vẹo vách ngăn mũi hình chữ S: Vẹo vách ngăn mũi hình chữ S là một dạng phức tạp. Đối với dạng này, vách ngăn mũi vừa có thể lệch về bên phải, vừa có thể lệch về bên trái.
  • Mào hoặc gai vách ngăn mũi: Mào và gai vách ngăn mũi là tình trạng thường gặp. Tình trạng này xảy ra ở phần tiếp giáp của sụn vách ngăn và xương. Mào hoặc gai vách ngăn mũi có thể tiến triển, chạm đến niêm mạc mũi gây tổn thương, chảy máu và tạo cảm giác đau tức dữ dội cho người bệnh.

Vẹo vách ngăn mũi xảy ra chủ yếu do yếu tố bẩm sinh. Ngoài ra ở một số trường hợp khác, tình trạng cong vẹo có thể xảy ra do gặp tai nạn và chấn thương ở mũi (bị đánh, va chạm mạch, té ngã…).

Dấu hiệu nhận biết lệch vách ngăn mũi

 Để nhận biết lệch vách ngăn mũi, người bệnh có thể dựa vào một số triệu chứng dưới đây:

  • Nghẹt mũi

Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi nhưng không có dấu hiệu bất thường đi kèm. Tuy nhiên ở nhiều trường hợp khác, tình trạng lệch vách ngăn khiến bệnh nhân bị nghẹt mũi thường xuyên. Triệu chứng này có thể xảy ra kéo dài ở một bên hoặc ở cả hai bên mũi khiến bệnh nhân khó thở, khó chịu ngay cả khi không bị viêm mũi.

Triệu chứng nghẹt mũi có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng lệch vách ngăn mũi xuất hiện đồng thời với viêm đường hô hấp. Cụ thể như cảm cúm, cảm thường, dị ứng hoặc bị kích ứng với những tác nhân đường thở…

Nghẹt mũi
Lệch vách ngăn khiến bệnh nhân thường xuyên bị nghẹt mũi ở một bên hoặc ở cả hai bên mũi
  • Chảy máu mũi

Mặc dù là nơi tập trung của nhiều mạch máu nhưng bề mặt vách ngăn mũi rất mỏng. Bên cạnh đó các mạch máu ở vị trí này khá nông nên khi tình trạng lệch vách ngăn xuất hiện, bề mặt vách ngăn sẽ nhanh chóng bị khô và làm tăng nguy cơ chảy máu mũi. 

  • Đau vùng mặt

 Nếu vẹo vách ngăn mũi xảy ra với mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ bị tắc nghẽn một bên mũi. Điều này làm phát sinh tình trạng tức nặng hoặc đau nửa bên mặt, xảy ra đồng thời với chứng nghẹt mũi.

  • Thở ồn ào khi ngủ

Không khí đi qua nơi có ống mũi bị hẹp sẽ gây ra tiếng ồn, nhất là khi đi ngủ. Triệu chứng này xảy ra ở trẻ nhỏ phổ biến hơn so với người lớn.

  • Xu hướng nằm nghiêng khi ngủ

Người bệnh sẽ có xu hướng nằm nghiêng khi ngủ để quá trình thở diễn ra dễ dàng hơn. Nguyên nhân là vì bệnh nhân khó thở do một bên mũi bị hẹp.

  • Chu kỳ mũi

Vẹo vách ngăn mũi làm phát sinh tình trạng tắc nghẽn luân phiên giữa hai bên mũi. Trong thời gian bên mũi này thông thoáng thì bên mũi kia lại bị tắc nghẽn do có máu ứ đọng ở cuống mũi. Thông thường, bệnh nhân rất khó để nhận ra chu kỳ mũi. Tuy nhiên nếu tình trạng này có thể được cảm nhận rõ ràng thì đây chính là một hiện tượng không bình thường.

  • Nhức hốc mắt, nhức một nửa đầu

Người bệnh có thể bị nhức hốc mắt và nhức một nửa đầu bên trái hoặc bên phải tùy theo vách ngăn mũi lệch sang bên nào. Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể bị nhức cả hai bên.

Đối với trường hợp này, bệnh nhân thường bị đau đầu âm ỉ và dai dẳng. Mặc dù không đau dữ dội nhưng vẫn khiến bệnh nhân rất khó chịu. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau nhức đầu sẽ tăng lên khi thời tiết quá lạnh hoặc trời nắng gắt. Hoặc nhức đầu sẽ nghiêm trọng hơn ở nữ giới đang trong chu kỳ kinh nguyệt khiến bệnh nhân thường xuyên cáu gắt và bực bội.

Nhức hốc mắt, nhức một nửa đầu
Bệnh nhân bị nhức hốc mắt và nhức một nửa đầu bên trái hoặc bên phải tùy theo vách ngăn mũi lệch sang bên nào

Nguyên nhân gây lệch vách ngăn mũi

Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng lệch vách ngăn mũi xuất hiện. Trong đó, những nguyên nhân thường gặp gồm:

  • Nguyên nhân bẩm sinh

Trong nhiều trường hợp, tình trạng vẹo vách ngăn mũi xuất hiện trong suốt thời gian bào thai phát triển. Thông thường vẹo vách ngăn do bẩm sinh sẽ dễ dàng được nhận ra sau khi trẻ được sinh ra.

  • Chấn thương vùng mũi

Chấn thương tại vùng mũi có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có tình trạng lệch vách ngăn mũi sang một bên. Đối với trẻ nhỏ, lệch vách ngăn có thể xảy ra từ một sang chấn trong lúc thai phụ chuyển dạ.

Đối với người lớn và những trẻ lớn, lệch vách ngăn mũi có thể xuất hiện do chấn thương, tác động cơ học vào mặt và vùng mũi trong tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc do tình trạng bạo lực… 

Những người lái xe không thắt dây an toàn và những vận động viên chơi thể thao đòi hỏi mức độ tương tác cao rất dễ bị chấn thương dẫn đến vẹo vách ngăn.

  • Quá trình lão hóa

Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể người có khả năng tác động khiến cấu trúc của mũi thay đổi, vách ngăn mũi bị vẹo sang một bên.

  • Viêm mạn tính vùng mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng

Thường xuyên quẹt mũi do ngứa ngáy hoặc do viêm (viêm mạn tính vùng mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng) có thể khiến cấu trúc vách ngăn thay đổi khiến cho vách ngăn mũi vẹo sang một bên.

Viêm mạn tính vùng mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng
Viêm mạn tính vùng mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng là nguyên nhân gây lệch vách ngăn mũi

Lệch vách ngăn mũi có nguy hiểm không?

Lệch vách ngăn mũi có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào dạng và mức độ lệch của vách ngăn. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, tất cả các trường hợp bị lệch vách ngăn đều cần được kiểm tra và điều trị y tế. Trong trường hợp không được điều trị sớm và đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này có khả năng làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Những biến chứng thường gặp khi lệch vách ngăn mũi kéo dài:

  • Giấc ngủ bị xáo trộn, giảm chất lượng giấc ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, khó khăn trong việc lưu thông không khí qua mũi khiến bệnh nhân khó chịu, khó thở, ngủ ngáy, thở bằng miệng.
  • Có cảm giác tức nặng hoặc bị tắc nghẽn trong mũi.
  • Thở bằng miệng mãn tính dẫn đến khô miệng.
  • Áp xe vách ngăn mũi do dịch tiết ra ứ đọng lại và do vi khuẩn xâm nhập.
  • Viêm đường hô hấp có thể xảy ra khi bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi lâu ngày. Nguyên nhân là do dịch được tiết ra tràn xuống mũi gây ứ đọng khiến bệnh nhân khó thở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và gây viêm.

Biện pháp chẩn đoán lệch vách ngăn mũi

Nếu có nghi ngờ bị lệch vách ngăn mũi, người bệnh nên đến chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Thông thường kết quả chẩn đoán lệch vách ngăn sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng, biểu hiện bên ngoài và bên trong mũi, tình trạng sức khỏe và tiền sử của bệnh nhân.

Ngoài ra để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng lệch vách ngăn, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nội soi mũi. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đưa vào lỗ mũi một ống nội soi mềm, nhỏ, có gắn đèn và camera ở phần đầu ống để quan sát bên trong mũi, từ phần ngoài đến tận sâu trong mũi. Nội soi mũi giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện những bất thường của vách ngăn và cả những bộ phận bên trong mũi.

Bên cạnh đó bác sĩ cũng có thể thực hiện nội soi quan sát niêm mạc mũi trước và sau khi rửa mũi bằng thuốc xịt. Kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chính xác hơn về những trường hợp lệch vách ngăn, mức độ nghiêm trọng và hướng điều trị thích hợp.

Biện pháp chẩn đoán lệch vách ngăn mũi
Chẩn đoán lệch vách ngăn dựa vào triệu chứng lâm sàng, biểu hiện bên ngoài/ bên trong mũi, tiền sử và tình trạng sức khỏe

Phương pháp điều trị lệch vách ngăn mũi

Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) cho những trường hợp nhẹ để kiểm soát các triệu chứng và bệnh lý do tình trạng lệch vách ngăn gây ra. Đối với những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc không có hiệu quả khi chữa trị bằng phương pháp nội khoa, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.

1. Điều trị nội khoa

Khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân sẽ được sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát triệu chứng và tạo điều kiện thuận lợi cho những bước điều trị tiếp theo phát huy tác dụng. Thông thường bệnh nhân sẽ được sử dụng những loại thuốc có khả năng loại bỏ tình trạng viêm nhiễm, giảm nghẹt mũi và tạo cảm giác dễ chịu khi thở, cụ thể như:

  • Thuốc thông mũi: Những loại thuốc xịt thông mũi thông thường có tác dụng vệ sinh mũi, giảm sưng tấy và đau rát niêm mạc mũi. Đồng thời giúp giảm viêm và cải thiện tình trạng nghẹt mũi.
  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin phù hợp với những bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi kèm theo cảm giác ngứa ngáy, kích ứng niêm mạc, chảy mũi và khó thở. Thuốc này có tác dụng ức chế quá trình tiết dịch nhầy, giảm kích ứng, cải thiện triệu chứng nghẹt mũi và giúp đường thở được lưu thông.
  • Thuốc corticosteroid dạng xịt mũi: Thuốc corticosteroid dạng xịt mũi được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm niêm mạc mũi do lệch vách ngăn.

Lưu ý an toàn

  • Chỉ sử dụng thuốc khi đã được thăm khám và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Sử dụng thuốc đúng với yêu cầu của bác sĩ (loại thuốc, thời gian dùng, cách dùng, liều lượng…)
  • Không dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc vì có thể gây tác dụng phụ trên niêm mạc mũi hoặc toàn thân.
  • Hãy thông báo với bác sĩ để được đổi thối khi có tiền sử dị ứng thuốc, thuốc không mang đến hiệu quả điều trị hoặc gây tác dụng phụ.
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng xảy ra do vách ngăn mũi bị lệch

Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh nên lưu ý và áp dụng những biện pháp chăm sóc dưới đây để đảm bảo quá trình điều trị bệnh diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.

  • Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân có khả năng gây kích ứng và dị ứng niêm mạc như: Mạt bụi, khói thuốc lá, nấm mốc, nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, phấn hoa, lông chó mèo…
  • Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi mỗi ngày để cải thiện tình trạng viêm mũi, giảm kích ứng, viêm sưng, loại bỏ dị nguyên và hạn chế tình trạng chảy mũi, nghẹt mũi.
  • Giữ ấm mũi khi thời tiết lạnh để giảm đau nhức đầu, đau nhức mũi và hốc mắt.
  • Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, kiểm soát căng thẳng và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để góp phần kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
  • Giảm nguy cơ viêm mũi và ứ đọng dịch mũi bằng cách uống nhiều nước, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C. Ngoài ra người bệnh nên ăn nhiều thịt, cá, rau xanh và trái cây để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.

Tất cả những loại thuốc và các biện pháp chăm sóc nêu trên có tác dụng kiểm soát các triệu chứng của bệnh, giảm phù nề niêm mạc mũi và giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên điều trị nội khoa không có khả năng làm thay đổi cấu trúc vách ngăn mũi. Vì thế đối với những trường hợp có vách ngăn mũi bị lệch làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để chỉnh hình vách ngăn.

2. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa sẽ được áp dụng cho những trường hợp có vách ngăn mũi bị lệch nghiêm trọng, người bệnh thường xuyên bị nghẹt mũi phải thở bằng mũi, dễ chảy máu cam, đau nhức đầu và hốc mắt, viêm tái phát nhiều lần, những phương phát nội khoa không thể ngăn ngừa tái nhiễm hoặc kiểm soát triệu chứng.

Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị ngoại khoa với phương pháp Septoplasty. Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện thông qua lỗ, thường không để lại sẹo hay những dấu hiệu bên ngoài như vết thâm tím cho người bệnh sau quá trình phục hồi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện điều chỉnh vách ngăn mũi hoặc loại bỏ phần vẹo nếu vách ngăn bị lệch quá mức.

Bên cạnh việc chỉnh hình vách ngăn, bệnh nhân sẽ được nâng mũi. Nguyên nhân là do chỉnh hình vách ngăn ở trường hợp nặng có thể khiến hình dạng bên ngoài của mũi bị thay đổi. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị bầm tím và bị sưng. Tuy nhiên những biểu hiện này sẽ nhanh chóng thuyên giảm.

Thông thường bệnh nhân sẽ mất từ 1 đến 2 tiếng cho một lần phẫu thuật. Thời gian phục hồi của bệnh nhân sau khi kết thúc ca phẫu thuật sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe, cách chăm sóc vết thương sau mổ và mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Điều trị ngoại khoa có thể giúp người bệnh cải thiện tốt tình trạng lệch vách ngăn mũi và các triệu chứng. Tuy nhiên phương pháp điều trị này có thể tiềm ẩn một số rủi ro không mong muốn. Do đó người bệnh cần trao đổi kỹ thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa về những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra trước khi tiến hành phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa cho những trường hợp có vách ngăn mũi bị lệch nghiêm trọng hoặc có triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Biện pháp phòng ngừa lệch vách ngăn mũi

Để làm giảm nguy cơ lệch vách ngăn mũi do chấn thương, bệnh lý hoặc do một số yếu tố khác tác động, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Sinh hoạt lành mạnh và khoa học, cần thận trọng trong việc chơi thể thao, tham gia giao thông hoặc làm những công việc nguy hiểm để phòng ngừa mặt, mũi bị tổn thương và khiến vách ngăn mũi bị vẹo.
  • Nếu có nghi ngờ bị lệch vách ngăn mũi bẩm sinh hoặc có những triệu chứng bất thường xuất hiện như viêm nhiễm tái phát nhiều lần, thường xuyên chảy máu cam, nghẹt mũi, đau đầu, đau hốc mắt…), người bệnh nên gặp bác sĩ để được trao đổi thông tin về bệnh và hướng điều trị.
  • Cần đến bệnh và xử lý nhanh khi có dị vật mắc kẹt trong mũi.
  • Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân có khả năng gây kích ứng và dị ứng niêm mạc như: Mạt bụi, khói thuốc lá, nấm mốc, nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, phấn hoa, lông chó mèo… Đồng thời không sử dụng chất kích thích, tránh uống nhiều rượu bia, sử dụng thức ăn quá lạnh/ nóng, thực phẩm nhiều gia vị… để tránh mũi bị kích ứng dẫn đến viêm và tăng nguy cơ lệch vách ngăn.
  • Mang khẩu trang khi ra ngoài. Ngoài ra nên thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa viêm nhiễm và những bệnh lý làm ảnh hưởng đến vách ngăn.
Cần thận trọng trong việc chơi thể thao, tham gia giao thông hoặc làm những công việc nguy hiểm
Cần thận trọng khi chơi thể thao, tham gia giao thông hoặc làm những công việc nguy hiểm để phòng ngừa chấn thương

Lệch vách ngăn mũi là tình trạng nghiêm trọng cần được sớm chẩn đoán và chữa trị. Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc kiểm soát triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đối với những trường hợp nặng, có triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt, người bệnh nên tiến hành phẫu thuật để điều chỉnh vách ngăn, khắc phục triệu chứng và phòng ngừa phát sinh những vấn đề nghiêm trọng khác.

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *