Nấm Móng Tay Có Lây Không? Có Nguy Hiểm Không?

Nấm móng tay không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Bên cạnh đó, bệnh lý này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình, yếu tố tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nấm móng tay có lây không
Nấm móng tay có lây không? Nguy hiểm không?

Nấm móng tay có nguy hiểm không?

Nấm móng tay là tình trạng tổn thương móng do nấm men (chủ yếu là nấm Candida và nấm sợi tơ Dermatophytes). Ban đầu, vi nấm xâm nhập vào vùng da lân cận, sau đó di chuyển vào sâu bên trong móng và gây nhiễm trùng cơ quan này.

Khác với nhiễm trùng do virus và vi khuẩn, nhiễm trùng do nấm thường có mức độ nhẹ và chỉ ảnh hưởng ở lớp thượng bì (lớp trên cùng của da). Nấm móng tay không gây nguy hiểm đến sức khỏe mà chỉ gây ngứa, loạn dưỡng móng, viêm sưng và đau nhức.

Mặc dù không gây biến chứng nghiêm trọng nhưng nấm móng tay có thể tiến triển dai dẳng, làm giảm chất lượng giấc ngủ, hiệu suất học tập – làm việc, ảnh hưởng đến ngoại hình và yếu tố tâm lý. Hơn nữa, nấm móng kéo dài còn gây hư hại móng hoàn toàn và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

nấm móng tay có nguy hiểm không
Nếu không tiến hành điều trị, móng có thể bị hư hại hoàn toàn và dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát

Sau khi điều trị, bạn cần ít nhất 1 – 2 năm để móng mọc lại hoàn toàn. Tuy nhiên trong thời gian đầu, bề mặt móng thường có xu hướng sần sùi, dày cộm và lỗ chỗ.

Như vậy có thể thấy, nấm móng tay là bệnh da liễu có mức độ nhẹ và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có tiến triển dai dẳng, mất nhiều thời gian điều trị (ít nhất là 3 – 6 tháng) và dễ tái phát.

Nấm móng tay có lây không? Cách phòng ngừa

Ngoài thắc mắc “Bệnh nấm móng tay có nguy hiểm không?”, nhiêu bạn đọc còn băn khoăn về vấn đề “Nấm móng tay có lây không?”. Để được giải đáp thắc mắc này và được hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng ngừa, bạn có thể tham khảo thông tin sau:

1. Nấm móng tay có lây không?

Nấm móng tay là một dạng nhiễm trùng do nấm. Do đó bệnh có khả năng lây nhiễm cao (kể cả tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp).

Vi nấm gây bệnh có thể lây nhiễm qua:

  • Tiếp xúc trực tiếp với vùng da và móng của người nhiễm bệnh. Ngoài ra, hiện tượng lây nhiễm cũng có thể xảy ra ở các móng trên cùng 1 bàn tay.
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân (khăn tắm, dụng cụ cắt móng tay, vớ, găng tay,…) với người bị nấm móng.
  • Ngoài ra, vi nấm cũng có thể bám vào các bề mặt như sàn nhà, thảm chùi chân,… và xâm nhập vào da/ móng khi có tiếp xúc.

2. Phòng ngừa nấm móng tay

Nấm móng tay gây ra nhiều phiền toái và trở ngại trong cuộc sống. Vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh lý với các biện pháp đơn giản như:

Nấm móng tay có lây không
Nên cắt tỉa móng tay, móng chân thường xuyên và hạn chế để móng quá dài
  • Khi tắm, nên chú ý vệ sinh tay và chân – đặc biệt là ở móng và kẽ tay/ chân. Đây là những vị trí vi nấm dễ phát triển mạnh do hoạt động bài tiết mồ hôi quá mức và tích tụ nhiều bụi bẩn.
  • Da ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để nấm men và vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiếp xúc với nước và nên sử dụng bao tay khi rửa chén, dọn dẹp nhà cửa,…
  • Cắt tỉa móng tay thường xuyên nhưng cần tránh cắt móng tay quá sát, móc khóe móng và cắt da chết. Các thói quen này có thể khiến móng và vùng da xung quanh bị tổn thương, tạo điều kiện cho nấm men xâm nhập và gây nhiễm trùng.
  • Nên giặt vớ mỗi ngày và ưu tiên sử dụng các loại vớ có chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi,… Hạn chế mang giày bít – đặc biệt là giày da.
  • Không sử dụng vật dụng cắt móng, mài dũa, vớ, giày, khăn tắm,… với người khác. Khi đến các tiệm làm móng, bạn có thể yêu cầu nhân viên sử dụng dụng cụ làm móng riêng để giảm nguy cơ bị nấm móng tay.
  • Nấm móng thường bùng phát mạnh ở người có hệ miễn dịch suy yếu. Vì vậy bạn nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý để cải thiện thể trạng và tăng cường chức năng đề kháng.
  • Với những người đổ nhiều mồ hôi tay, chân, nên sử dụng bột talc hoặc các sản phẩm kháng khuẩn để hạn chế nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm khuẩn.
  • Nên giặt giũ drap giường, khăn tắm, vớ, giày,… thường xuyên, đồng thời nên phơi dưới ánh nắng để hạn chế vi nấm phát triển quá mức.

Cần làm gì khi bị nấm móng tay?

Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh nấm móng tay (móng đổi màu, bề mặt xù xì, có lớp phủ trắng mịn, vùng da xung quanh đỏ và ngứa), bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Tuyệt đối không tự ý xác định bệnh qua triệu chứng lâm sàng vì nấm móng có thể bị nhầm lẫn với chàm móng và vảy nến móng tay. Ngoài ra, tùy tiện sử dụng thuốc còn làm tăng nguy cơ vi nấm kháng thuốc và phải can thiệp các thủ thuật xâm lấn.

Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nấm móng tay là một dạng nhiễm trùng da dai dẳng, mất ít nhất 3 – 6 tháng để điều trị và có nguy cơ tái phát cao. Vì vậy, bạn nên chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bệnh nấm móng tay có lây không? Nguy hiểm không?” và hướng dẫn cách phòng ngừa, xử lý khi mắc bệnh. Nếu có thắc mắc về các biện pháp điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Tham khảo thêm: Cách chữa nấm móng bằng tỏi hiệu quả dễ thực hiện tại nhà

Ngày Cập nhật 14/09/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *