Áp xe quanh chóp răng – Cách nhận biết và điều trị

Áp xe quanh chóp răng là tình trạng chóp răng hình thành ổ mủ (tổ chức chứa mô hoại tử, bạch cầu và vi khuẩn). Bệnh lý này thường xảy ra do điều trị nội nha thất bại, chấn thương hoặc do sâu răng ăn vào tủy. Áp xe không chỉ gây đau nhức, ê buốt và tăng độ nhạy cảm của răng mà còn gây sốt cao, mệt mỏi và sưng hạch ở cổ.

Áp xe quanh chóp răng
Áp xe quanh chóp răng là gì? Điều trị bằng cách nào?

Áp xe quanh chóp răng là gì?

Áp xe quanh chóp răng là một trong 2 dạng áp xe răng thường gặp. Loại áp xe này chỉ xảy ra khu trú ở chóp răng (còn gọi là chân răng). Áp xe đặc trưng bởi sự xuất hiện của bọc mủ, trong đó gồm có bạch huyết cầu, vi khuẩn và các mô bị hoại tử.

Bệnh lý này hình thành khi vi khuẩn xâm nhập vào mô mềm hoặc tủy răng, gây nhiễm trùng và tạo thành túi mủ. Không giống với các tình trạng nhiễm trùng răng miệng thông thường, áp xe răng có thể khiến răng đau nhức, ê buốt, hôi miệng,… và gây ra một số triệu chứng toàn thân như tăng thân nhiệt, mệt mỏi và chán ăn.

Một số trường hợp áp xe nặng có thể khiến cơn đau lan tỏa đến vùng cổ vai, tai, gây chết tủy, làm tăng nguy cơ mất răng, viêm hạch, viêm xương và làm tiêu xương hàm.

Nhận biết áp xe quanh chóp răng

Áp xe quanh chóp răng gây ra triệu chứng có mức độ nặng nề hơn so với các bệnh lý nha khoa thông thường. Các triệu chứng thường gặp của chứng áp xe quanh chóp răng, bao gồm:

  • Răng đau nhức – nhất là khi ăn uống.
  • Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi ngậm và cắn chặt răng.
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Nhạy cảm với thức ăn có vị quá ngọt/ chua, quá nóng/ quá lạnh
  • Đắng miệng
  • Lợi bị sưng một cục
  • Người mệt mỏi
  • Sưng bạch ở cổ
  • Sốt

Tình trạng nhiễm khuẩn quanh chóp có thể lan tỏa ra nhiều hướng và gây ra các triệu chứng có mức độ nặng nề hơn – đặc biệt là ở những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu.

Nguyên nhân gây áp xe quanh chóp răng

Nguyên nhân trực tiếp gây áp xe quanh chóp răng là thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách, làm tăng sinh mảng bám sinh học và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh.

Áp xe quanh chóp răng
Sâu răng ăn vào tủy khiến nhiễm trùng lan tỏa và hình thành ổ mủ xung quanh chóp răng

Bên cạnh đó, bệnh lý này còn có thể là biến chứng do một số vấn đề sức khỏe sau:

  • Sâu răng ăn vào tủy: Áp xe chóp răng là biến chứng của tình trạng sâu răng ăn vào tủy. Vi khuẩn xâm nhập vào tủy gây viêm nhiễm và hoại tử cơ quan này. Sau đó nhiễm trùng có thể lan vào xương chống đỡ chân răng, gây viêm nhiễm và hình thành ổ áp xe.
  • Điều trị nội nha thất bại: Điều trị nội nha là thủ thuật rút tủy răng, được chỉ định trong điều trị viêm tủy răng. Tuy nhiên nếu mắc sai lầm trong quá trình thực hiện (sót tủy, chưa vô trùng khoang tủy,…), vi khuẩn có khả năng tái phát và gây viêm nhiễm ở chân răng.
  • Chấn thương: Chấn thương răng có thể khiến men răng bị hư tổn, mẻ, nứt, tạo điều kiện cho hại khuẩn xâm nhập vào ngà răng, tủy răng và gây ổ mủ tại chóp răng.

Ngoài các nguyên nhân chính trên, áp xe quanh chóp răng còn có thể khởi phát do một số yếu tố rủi ro như:

  • Ăn quá nhiều đường: Đường làm tăng hình thành mảng bám răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây ra cao răng và sâu răng. Ngoài ra đường còn kích thích hại khuẩn phát triển, thâm nhập vào chóp răng và gây ra ổ mủ.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Thống kê cho thấy, người mắc các bệnh tự miễn, nhiễm HIV hoặc mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị áp xe chân răng và các bệnh lý nha khoa khác.

Áp xe quanh chóp răng có nguy hiểm không?

Áp xe quanh chóp răng là biến chứng của nhiều vấn đề sức khỏe như chấn thương, sâu răng, điều trị nội nha thất bại,… Do đó bệnh lý này thường có mức độ nghiêm trọng và có khả năng phát sinh các biến chứng nguy hiểm.

Áp xe không thể tự thuyên giảm và chỉ được loại bỏ khi có can thiệp. Nếu để kéo dài, ổ mủ có thể bị vỡ gây lây lan nhiễm trùng đến xương hàm và các cơ quan lân cận.

Áp xe quanh chóp răng
Trong một số ít trường hợp, áp xe ở chân răng có thể gây áp xe não và nhiễm trùng huyết

Dưới đây là một số biến chứng thường gặp của áp xe quanh chóp răng:

  • Viêm mô tế bào: Vi khuẩn ở ổ mủ có thể lan tỏa và tấn cống vùng dưới hàm, dưới lưỡi và vùng dưới cằm gây ra viêm mô tế bào. Biến chứng này là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, xảy ra ở tổ chức liên kết của da/ mô mềm.
  • Tắc nghẽn đường hô hấp: Trong trường hợp nặng, vi khuẩn có thể di chuyển xuống cơ quan hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở và dẫn đến tử vong nếu không xử lý kịp thời.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết xảy ra khi ổ mủ bị vỡ khiến vi khuẩn xâm nhập vào các mao mạch và xâm nhập vào tuần hoàn máu. Nhiễm trùng huyết là biến chứng rất nguy hiểm có thể gây sốc, đột quỵ và tử vong.
  • Áp xe não: Các mạch máu ở răng có mối liên hệ mật thiết với hệ thần kinh trung ương. Trong một số ít trường hợp, vi khuẩn có thể thâm nhập vào mạch máu và gây nhiễm trùng não.

Như vậy có thể thấy, áp xe quanh chóp răng là bệnh lý nha khoa có mức độ rất nghiêm trọng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn tác động xấu đến thể trạng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Các biện pháp điều trị áp xe quanh chóp răng

Điều trị áp xe quanh chóp răng tùy thuộc vào vị trí, mức độ thương tổn và nguyên nhân cụ thể. Quá trình điều trị cần theo sát nguyên tắc: Loại bỏ ổ viêm nhiễm – khắc phục nguyên nhân – bảo tồn răng (nếu cần thiết) – giảm thiểu biến chứng.

1. Điều trị cấp

Điều trị cấp đối với bệnh áp xe quanh chóp răng bao gồm các biện pháp sau:

  • Chích rạch ổ mủ: Để tránh tình trạng ổ mủ tự vỡ và gây nhiễm trùng lây lan, nha sĩ sẽ tiến hành chích rạch ổ mủ và làm sạch ổ viêm nhiễm bằng dung dịch sát khuẩn. Trong trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể dùng sóng siêu âm và tia laser để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Áp xe quanh chóp răng
Sau khi dẫn lưu mủ, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh nhằm ức chế vi khuẩn và ngăn ngừa tái phát
  • Dùng kháng sinh: Sau khi chích rạch mủ, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh dạng uống nhằm nâng cao thể trạng, tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát. Nhóm kháng sinh thường được sử dụng là nhóm macrolid và beta-lactam.
  • Thuốc điều trị triệu chứng: Áp xe quanh chóp răng thường gây đau nhức, viêm sưng và sốt cao. Vì vậy bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid Naproxen, Diclofenac,…

Điều trị cấp đối với bệnh áp xe quanh chóp răng là xử lý ổ mủ và ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng. Sau đó, bác sĩ Nha khoa cần tiến hành xác định nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị triệt để.

2. Điều trị tiếp theo

Áp xe quanh chóp răng chủ yếu là hệ quả do sâu răng và viêm tủy răng. Vì vậy sau khi loại bỏ ổ mủ và kiểm soát nhiễm trùng, bạn có thể được chỉ định các biện pháp sau đây:

  • Cạo vôi răng: Vôi răng tích tụ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây ra quá trình hủy khoáng và làm hư hại men răng. Cạo vôi được thực hiện nhằm loại bỏ vi khuẩn, giảm nguy cơ sâu răng và viêm nhiễm nướu.
  • Rút tủy răng: Áp xe quanh chóp răng thường khởi phát do tủy bị viêm nhiễm. Trong trường hợp này, nha sĩ sẽ sử dụng thiết bị rút tủy răng, làm sạch khoang tủy và dùng vật liệu nhân tạo trám lỗ hổng, nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát.
  • Bọc răng: Sau khi điều trị nội nha, răng có xu hướng giòn, dễ vỡ và kém bền, vì vậy bạn có thể bọc răng khi cần thiết. Ngoài chức năng bảo vệ chân răng, biện pháp này còn cải thiện sức nhai và chức năng thẩm mỹ của răng.
  • Nhổ răng: Trong trường hợp ổ mủ có kích thước quá lớn, gây tiêu xương và hư hại răng nghiêm trọng, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ để tránh lây nhiễm chéo với răng và nướu ở vị trí lân cận. Sau khi nhổ răng, bạn có thể trồng răng giả nếu cần thiết.

Phòng ngừa áp xe quanh chóp răng

Áp xe quanh chóp răng có thể tái phát nếu tiếp tục duy trì các yếu tố thuận lợi và nguyên nhân khởi phát bệnh. Tình trạng tái phát thường xuyên gây hư hại cấu trúc răng, làm lệch lạch cung hàm và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Áp xe quanh chóp răng
Cần thăm khám nha khoa và cạo vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm

Để phòng ngừa áp xe quanh chóp răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Chải răng đúng phương pháp với tần suất 2 – 3 lần/ ngày. Kết hợp với việc dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch hại khuẩn và mảng bám.
  • Cạo vôi răng 6 tháng/ lần nhằm hạn chế sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu. Các bệnh lý nha khoa này chính là nguyên nhân gây tổn thương tủy răng và tăng nguy cơ áp xe.
  • Nên súc miệng và nhai kẹo gum sau khi ăn để loại bỏ thức ăn thừa và giảm hình thành mảng bám.
  • Bổ sung vitamin D, canxi, fluoride,… nhằm duy trì độ chắc khỏe của răng.
  • Uống nhiều nước, tăng cường ăn rau xanh và trái cây để kích thích tiết nước bọt và giảm nguy cơ sâu răng. Giảm khối lượng thực phẩm và thức uống gây hại cho răng như nước ngọt có gas, bánh kẹo, đồ ăn nhanh,…
  • Thăm khám nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lý răng miệng và can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất.
  • Thay bàn chải mới sau 2 – 3 tháng sử dụng.

Áp xe quanh chóp răng là bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Vì vậy bạn cần chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, ổ áp xe sẽ được kiểm soát hoàn toàn và gần như không gây ra biến chứng nguy hiểm.

Ngày Cập nhật 11/01/2020

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *