Chảy máu chân răng thường xuyên làm sao hết?

Chảy máu chân răng thường xuyên không chỉ là do thiếu vitamin C và K. Tình trạng này đôi khi còn do bệnh lý. Muốn hết chảy máu răng cần xác định được nguyên nhân. Một số trường hợp sẽ cần dùng đến thuốc, số khác có thể điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, việc điều trị cũng cần cần tuân theo một số nguyên tắc, thực hiện đúng cách thức và biết thêm một vài lưu ý quan trọng mới đạt được hiệu quả như mong đợi.

Chân răng bị chảy máu do bệnh lý thường gây nhiều hệ lụy khôn lường. Điều trị không khó nếu phát hiện sớm.
Chân răng bị chảy máu do bệnh lý thường gây nhiều hệ lụy khôn lường. Điều trị không khó nếu phát hiện sớm.

Nguyên nhân khiến chân răng bị chảy máu thường xuyên

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu chân răng thường xuyên. Về tổng thể, chúng được xếp vào 4 nhóm chính: bệnh lý; thói quen sinh hoạt và ăn uống; chăm sóc răng không đúng cách và một số nguyên nhân khác.

Những bệnh lý khiến chân răng thường xuyên bị chảy máu

Bệnh viêm nướu

Nướu răng của người khỏe mạnh săn chắc và có màu hồng nhạt. Nó làm nhiệm vụ bảo vệ chân răng và không dễ bị chảy máu. Khi bị vi khuẩn tấn công gây viêm, nướu trở nên nhạy cảm và dễ chảy máu. Đồng thời, màu của nó cũng chuyển sang đỏ đậm. Kèm với đó là mùi hôi khi nói chuyện. Viêm nướu răng không được điều trị đúng cách và kịp thời dễ chuyển biến thành viêm nha chu.

Bệnh tiểu đường

Rối loạn chuyển hóa insulin trong máu liên quan đến tình trạng chảy máu răng. Kết luận này được công bố trên báo Express (Anh). Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu nhiều gấp 2 hoặc 3 lần người bình thường. Các kết quả thống kê cho thấy chỉ có khoảng 3% số trường hợp bị tiểu đường không bị viêm nha chu.

Ung thư

Dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư là những vết bầm tím trên da. Bên cạnh đó, chân răng còn rất dễ bị chảy máu. Tuy nhiên, dấu hiệu ở răng thường bị bỏ qua. Mãi đến khi các nhà khoa học của Thụy Điển đưa ra căn cứ và khẳng định chảy máu chân răng thường xuyên có thể là dấu hiệu của ung thư vú thì nhiều người mới ngỡ ngàng.

Bệnh về gan, thận

Đây là những bệnh lý mà ít người ngờ đến nhất. Chỉ cần một trong hai bộ phận này có vấn đề thì việc tổng hợp vitamin K sẽ bị gián đoạn hoặc hoạt động không hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng máu khó hoặc không đông và chân răng bị chảy máu thường xuyên.

Bệnh lý gây chảy máu chân răng thường đi kèm với biểu hiện tụt lợi.
Bệnh lý gây chảy máu chân răng thường đi kèm với biểu hiện tụt lợi.

Chăm sóc răng miệng sai cách khiến chân răng chảy máu thường xuyên

Lạm dụng tăm xỉa răng và chỉ nha khoa

Dùng tăm xỉa răng thường xuyên khiến kẽ hở chân răng rộng ra và dễ gây tổn thương đến nướu. Chính vì thế, nhiều chuyên gia khuyên dùng chỉ nha khoa thay vì tăm. Tuy nhiên, dùng chỉ nha khoa không đúng cách hoặc lạm dụng thì răng và nướu vẫn có nguy cơ tổn thương và bị chảy máu.

Dùng bàn chải có thiết kế không phù hợp

Bàn chải quá to và lông quá cứng là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến chân răng bị chảy máu. Bên cạnh đó, trường hợp dùng bàn chải có thiết kế phù hợp nhưng chải răng quá mạnh bạo thì vẫn có nguy cơ dẫn đến tình trạng này.

Lười vệ sinh răng miệng

Những người chỉ vệ sinh răng miệng mỗi ngày 1 lần hoặc không dùng chỉ nha khoa lấy các mảng bám thức ăn rất dễ bị chảy máu chân răng. Ngoài ra, những người này còn còn dễ gặp phải một số bệnh lý về răng miệng. Tiêu biểu là tình trạng viêm nướu hay viêm nha chu.

Chăm sóc răng miệng không đúng cách là nguyên nhân thường gặp gây chảy máu chân răng không do bệnh lý.
Chăm sóc răng miệng không đúng cách là nguyên nhân thường gặp gây chảy máu chân răng không do bệnh lý.

Chân răng thường xuyên chảy máu do sinh hoạt và ăn uống không khoa học

Lạm dụng thuốc lá

Hút thuốc lá tưởng chừng chỉ ảnh hưởng đến phổi. Nếu vẫn nghĩ như thế thì bạn đã lầm to. Thực tế thì các chất độc hại trong thuốc lá đầu độc rất nhiều cơ quan và bộ phận. Trong đó có các vấn đề của răng miệng. Và tiêu biểu là tình trạng chảy máu chân răng.

Căng thẳng quá mức

Rất nhiều những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tình trạng chảy máu chân răng và yếu tố tâm lý có mối quan hệ nhân quả. Cụ thể, một số người nếu bị kích động và căng thẳng liên tục thì chân răng sẽ bị chảy máu. Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng nó có liên quan đến hoạt động của hệ miễn dịch, mạch máu và các mô mềm trong miệng.

Dinh dưỡng thiếu hụt vitamin C và K

Hầu hết các trường hợp bị chảy máu chân răng không do bệnh lý thường bắt nguồn từ việc cơ thể thiếu lượng vitamin C và K cần thiết. Đây là hai loại vitamin vô cùng quan trọng tham gia vào quá trình đông máu tự nhiên. Ngoài ra, trong quá trình chế biến thức ăn hằng ngày cũng có thể kích ứng lợi và gây chảy máu chân răng.

Thiếu vitamin C gây chảy máu chân răng.
Thiếu vitamin C gây chảy máu chân răng.

Một số nguyên nhân khác có thể gây chảy máu chân răng thường xuyên

Ảnh hưởng từ một số loại thuốc

Tiêu biểu là thuốc làm loãng máu. Tác dụng phụ của nó có thể khiến nướu răng trở nên nhạy cảm và dễ gây chảy máu chân răng. Ngoài ra, những loại thuốc này còn khiến người dùng dễ bị khô miệng. Lượng nước bọt ít hơn bình thường sẽ khó trung hòa hết lượng axit béo trong miệng cũng như tiêu diệt những vi khuẩn có hại.

Răng mọc bị lệch

Một số trường hợp răng mọc sai cấu trúc cũng có thể khiến chân răng bị chảy máu. Tình trạng này hay xảy ra ở những người đang mọc răng khôn. 

Nội tiết tố thay đổi

Nguyên nhân này thường xuất hiện ở nữ giới. Trong cuộc đời của họ, lượng nội tiết tố trải qua nhiều lần biến đổi lớn (dậy thì, sinh con, sau sinh và mãn kinh). Bên cạnh đó là những thay đổi nhỏ hằng tháng (kinh nguyệt). Vấn đề sinh lý rất bình thường này dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của răng khi kết hợp cùng một số yếu tố khác.

Hoặc nó cũng có thể tác động như một nguyên nhân độc lập khiến chân răng bị chảy máu thường xuyên. Điển hình là giai đoạn đầu của thai kỳ. Lượng progesterone tăng đột biến khiến lượng máu lưu thông đến chân răng nhiều hơn bình thường và dễ gây chảy máu.

Chảy máu chân răng thường xuyên có nguy hiểm không?

Chân răng bị chảy máu thường xuyên có nguy hiểm hay không còn tùy vào nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố tác động chủ yếu là: nguyên nhân; thể trạng; cách chăm sóc răng miệng; thói quen sinh hoạt và ăn uống hằng ngày.

Hầu hết các trường hợp chân răng bị chảy máu do bệnh lý đều có thể gây tác hại khôn lường cho sức khỏe. Đơn cử như tình trạng viêm nướu. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, nó rất dễ chuyển biến thành viêm nha chu

Khi đó, lợi dễ bị tụt và để lộ chân răng. Lâu dần khiến răng rụng, vi khuẩn xâm nhập sâu vào tủy gây viêm hoặc áp-xe tủy. Tiếp đến là tình trạng tiêu xương hàm. Chưa dừng lại ở đó, biến chứng của viêm nha chu còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim mạch, nguy cơ gây đột quỵ.

Trước khi xảy ra những biến chứng nguy hiểm, chảy máu chân răng do bệnh lý thường gây rụng răng.
Trước khi xảy ra những biến chứng nguy hiểm, chảy máu chân răng do bệnh lý thường gây rụng răng.

Ở những trường hợp nhẹ hơn, chảy máu chân răng dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và ăn uống hằng ngày. Nó khiến người bị tình trạng này ăn không ngon, kém tự tin khi giao tiếp. Ngoài ra, nếu đối tượng bị chảy máu chân răng thường xuyên là phụ nữ đang mang thai thì nó dễ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thai nhi.

Nói tóm lại, chân răng thường xuyên bị chảy máu dù là nguyên nhân gì thì đó cũng đều là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp một vài vấn đề nào đó. Chính vì thế, bạn không nên chủ quan. 

Nguyên tắc xử lý khi chân răng bị chảy máu thường xuyên

  • Điều trị càng sớm càng tốt

Để càng lâu thì mức độ tổn thương đến các mô mềm càng nhiều. Khi đó, thời gian điều trị sẽ kéo dài và tốn nhiều chi phí. Đồng thời, nguy cơ xảy ra những rủi ro khác cũng rất lớn.

  • Xác định chính xác nguyên nhân để tìm hướng điều trị thích hợp

Như đã trình bày, có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng chảy máu thường xuyên ở chân răng. Xác định được điều này sẽ giúp bạn có hướng chữa trị thích hợp. Qua đó, thời gian, chi phí và công sức sẽ được tiết kiệm.

Để biết được chính xác nguyên nhân, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra. Dựa vào đó và một số yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, cơ địa của từng người… bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị thích hợp và những lời khuyên bổ ích.

Thăm khám ở cơ sở nha khoa để tìm ra nguyên nhân rất quan trọng khi chân răng bị chảy máu kéo dài nhiều ngày.
Thăm khám ở cơ sở nha khoa để tìm ra nguyên nhân rất quan trọng khi chân răng bị chảy máu kéo dài nhiều ngày.
  • Thận trọng khi điều trị tại nhà

Trong một số trường hợp có thể điều trị tình trạng chân răng chảy máu thường xuyên tại nhà. Tuy nhiên, trước đó bạn vẫn nên đến cơ sở y tế kiểm tra. Đồng thời, khi áp dụng các biện pháp điều trị, bạn cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ.

  • Không tự ý dùng thuốc

Khi chân răng bị chảy máu, nhiều người nghĩ đến các loại thuốc cầm máu hoặc giảm đau. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng thuốc (bao gồm cả những loại không kê đơn) tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ngay cả khi bạn biết công dụng của thuốc thì cũng không được tự ý. Bởi rất có thể nó không phù hợp với thể trạng hoặc có thể gây tương tác với loại thuốc hiện tại bạn đang dùng.

Các loại thuốc tân dược sử dụng khi chân răng thường xuyên chảy máu

Có khá nhiều loại thuốc tân dược điều trị tình trạng chân răng bị chảy máu thường xuyên. Liều lượng và thời điểm sử dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Những người bị chảy máu chân răng do bệnh lý thường cần đến dùng thuốc mới khỏi hoàn toàn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng thuốc kèm theo đơn. Những loại phổ biến là: Amoxicillin, Penicillin, Tetracycline hoặc Metronidazole.

Thông thường, khi đến cơ sở y tế kiểm tra, bác sĩ sẽ lấy cao răng và khôi phục lại nướu trước khi kê đơn thuốc. Ngoài một số loại thuốc cầm máu, người bị chảy máu chân răng có thể được chỉ định dùng thêm thuốc đặc trị bệnh lý liên quan, thuốc chống viêm hoặc nhiễm trùng.

Dùng thuốc tân dược chữa chảy máu chân răng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dùng thuốc tân dược chữa chảy máu chân răng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Mẹo dân gian xử lý tình trạng chân răng chảy máu thường xuyên

Có khá nhiều mẹo chữa chảy máu chân răng lưu truyền trong dân gian. Đa số các cách này hiệu quả cho những trường hợp chăm sóc răng miệng không đúng cách hoặc ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt và ăn uống. Nếu do nguyên nhân từ bệnh lý thì các giải pháp này thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ điều trị.

+ Muối và nước chanh

Hai nguyên liệu này đều có khả năng sát khuẩn mạnh. Kết hợp muối là nước chanh ngoài tác dụng chống viêm còn làm sạch khoang miệng. Thấm hỗn hợp lên chân răng bị chảy máu trong khoảng 5 phút rồi nhổ bỏ nước bọt và súc miệng với nước sạch. Cách này sẽ hơi đau rát nhưng cầm máu và diệt khuẩn khá tốt.

+ Mật ong và trà xanh

Ngoài khả năng sát khuẩn, mật ong và trà xanh còn chống oxy hóa. Hai tác dụng này kết hợp với nhau sẽ giúp răng, nướu chắc khỏe hơn và tránh nhiễm trùng. Cách thực hiện khá đơn giản. Bạn đun sôi một ít lá trà xanh tươi. Chắt lấy nước rồi hòa vào đó một ít mật ong. Dùng nước này súc miệng và ngậm trong khoảng 3 phút rồi nhổ bỏ. Sau đó uống một ít. Không cần súc lại miệng với nước sạch.

+ Trà xanh và tinh dầu đinh hương

Các thành phần trong tinh dầu đinh hương có tác dụng gây tê và sát khuẩn. Kết hợp tinh dầu này với khả năng chống oxy hóa của trà xanh sẽ giúp tình trạng chảy máu chân răng nhanh chóng được khắc phục.

Nước trà xanh sau khi nấu xong thì cho vào ly rồi bỏ thêm một vài giọt tinh dầu đinh hương. Khuấy đều rồi dùng nước này súc miệng. Bạn không nên bôi trực tiếp tinh dầu lên chân răng. Điều này có thể gây viêm loét vì loại tinh dầu này có tính nóng.

Tinh dầu đinh hương dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với nước trà xanh chữa chảy máu chân răng.
Tinh dầu đinh hương dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với nước trà xanh chữa chảy máu chân răng.

+ Hạt tiêu đen và lá húng quế

Tác dụng của hai thành phần này vừa giúp cầm máu vừa giảm đau. Ngoài ra, tiêu đen và lá húng quế kết hợp với nhau còn giúp các tổn thương ở nướu nhanh chóng được hồi phục. Cách thực hiện như sau: Hạt tiêu đen xay nhuyễn. Lá húng quế sau khi rửa sạch thì giã nát cùng hạt tiêu đen. Dùng hỗn hợp này thoa lên răng bị chảy máu. Đợi trong 5 phút rồi súc miệng với nước sạch.

+ Nha đam

Tính mát và một số thành phần của nha đam không những cầm máu tốt mà còn nuôi dưỡng nướu răng và giảm viêm. Bạn dùng một ít nha đam ép lấy nước hoặc cạo gel của nó rồi đắp lên chân răng bị chảy máu. Sau khoảng 5 phút thì nhổ bỏ rồi súc miệng bằng nước bình thường.

Những lưu ý quan trọng khi chân răng thường xuyên chảy máu

Vệ sinh răng miệng đúng cách

  • Đánh răng ngày 2 – 3 lần. Đừng quên vệ sinh răng vào buổi tối trước khi đi ngủ;
  • Chải răng theo chiều dọc thay vì chiều ngang. Nghiên bàn chải một góc 45 độ khi chải răng;
  • Dùng bàn chải lông mềm và thiết kế phù hợp;
  • Thay bàn chải mỗi 3 tháng 1 lần;
  • Đánh răng nhẹ nhàng;
  • Ưu tiên dùng những loại kem đánh răng chứa flour;
  • Nên uống nước tráng miệng sau khi ăn;
  • Dùng nước muối hoặc chỉ nha khoa lấy mảng bám thức ăn ở chân răng ra ngoài. Chỉ nên dùng chỉ nha khoa mỗi ngày 1 lần;
  • Lấy cao răng và kiểm tra hoạt động của răng miệng định kỳ 6 tháng/1 lần. Hoặc thăm khám khi có biểu hiệu bất thường kéo dài hơn 1 tuần.
Dùng chỉ nha khoa đúng cách để bảo vệ răng và nướu.
Dùng chỉ nha khoa đúng cách để bảo vệ răng và nướu.

Bổ sung các chất cần thiết

  • Dinh dưỡng khoa học;
  • Bổ sung vitamin C và K từ các loại rau củ quả tươi như: Cam, chanh, bưởi; chuối và củ cải.
  • Cung cấp thêm canxi và magie để tăng cường sức khỏe cho răng và nướu;
  • Ăn nhiều rau xanh để loại bỏ mảng bám cho răng;
  • Hạn chế những thực phẩm quá cứng, quá dẻo; cay nóng và nhiều dầu mỡ;

Trong sinh hoạt hằng ngày

  • Không hút thuốc lá;
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích; những đồ uống có cồn và gas;
  • Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá mức.

Ngày Cập nhật 14/01/2020

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *