Đau răng sâu và các biện pháp điều trị hiệu quả tận gốc

Răng bị sâu có xu hướng đau nhức, lung lay và ê buốt trong giai đoạn tiến triển. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng nề, gây đau nhức nghiêm trọng, hư hại mô nướu, viêm nhiễm tủy và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn.

Đau răng sâu
Răng sâu có xu hướng đau nhức và ê buốt khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong ngà răng

Vì sao răng sâu gây đau nhức?

Răng sâu (sâu răng) là bệnh nha khoa thường gặp, xảy ra khi hại khuẩn trong cao răng bùng phát mạnh, làm phát sinh quá trình hủy khoáng và gây mất mô cứng của răng. Bệnh lý này là hệ quả do thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách, không cạo vôi răng thường xuyên, thiếu hụt canxi, fluoride, ăn thực phẩm nhiều đường và hút thuốc lá trong thời gian dài.

Khác với các bệnh nha khoa do viêm nhiễm, bệnh sâu răng thường có tiến triển chậm và ít phát sinh triệu chứng trong giai đoạn đầu. Vì vậy nếu không chú ý, bạn có thể bỏ qua các biểu hiện của bệnh khiến quá trình hủy khoáng diễn tiến mạnh, gây mất mô răng và hình thành các lỗ hổng.

Đau răng sâu
Vi khuẩn tấn công vào ngà răng và tủy răng, kích thích triệu chứng đau, khó chịu và ê buốt

Khi bước vào giai đoạn tiến triển, sâu răng thường gây đau nhức và ê buốt – đặc biệt là khi ăn thực phẩm nóng hoặc đồ uống lạnh. Nguyên nhân được lý giải là do hại khuẩn đã xâm nhập vào ngà răng và tủy răng, kích thích dây thần kinh cảm giác, tạo áp lực lên mạch máu và gây bùng phát triệu chứng đau nhức.

Nếu không can thiệp điều trị, đau răng sâu có xu hướng kéo dài và gia tăng về mức độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.

Biện pháp điều trị tận gốc đau răng sâu

Các vi khuẩn gây sâu răng như Lactobacillus, Actinomyces và Streptococcus mutans có thể tiếp tục phát triển, đẩy nhanh quá trình hủy khoáng và gây hư hại mô răng nặng nề. Vì vậy khi răng sâu bị đau nhức, bạn cần áp dụng các biện pháp cải thiện trong thời gian sớm nhất.

1. Tích cực điều trị bệnh sâu răng

Sâu răng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu và ê buốt. Vì vậy để khắc phục triệt để  triệu chứng này, bạn cần tích cực trong quá trình điều trị.

Các biện pháp điều trị bệnh sâu răng, bao gồm:

  • Kháng sinh: Sâu răng là hệ quả do vi khuẩn bùng phát mạnh. Vì vậy bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh dạng bôi tại chỗ hoặc dung dịch súc miệng để hỗ trợ ức chế và kìm hãm hoạt động của hại khuẩn.
  • Bổ sung Fluoride và Canxi: Canxi và fluoride là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của răng. Do đó nha sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa các khoáng chất này để làm chậm quá trình hủy khoáng và hỗ trợ bù lấp các mô răng bị hư hại.
  • Cạo vôi răng: Vôi răng là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám sinh học ở kẽ và mặt răng. Tuy nhiên vôi răng có kết cấu cứng và không thể làm sạch thông qua hoạt động chải răng, súc miệng, dùng chỉ nha khoa,… Vì vậy nha sĩ có thể đề nghị cạo vôi răng để loại bỏ hại khuẩn và ngăn ngừa sâu răng bùng phát ở các vị trí khác.
  • Trám răng: Trám răng là thủ thuật nha khoa khá phổ biến. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm sạch ổ sâu, sau đó dùng nhựa composite trám lên lỗ hỗng nhằm ngăn ngừa sâu răng tái phát và phục hồi hình thể của răng.
  • Bọc răng sứ: Nếu sâu răng gây nứt, mẻ hoặc làm biến dạng răng, bạn có thể phải can thiệp biện pháp bọc răng sứ. Biện pháp này giúp bảo vệ chân răng, giảm nguy cơ sâu răng tái phát và hạn chế tình trạng mất răng vĩnh viễn.
  • Rút tủy răng: Thủ thuật này được thực hiện khi vi khuẩn xâm nhập đến phần tủy răng, gây viêm nhiễm và đau răng sâu nghiêm trọng. Nha sĩ sẽ tiến hành khoan lỗ ở bề mặt, sau đó rút tủy và dùng vật liệu nhân tạo trám vào khoang tủy. Mặc dù biện pháp này giúp bảo tồn chân răng và giảm biến chứng. Tuy nhiên sau khi rút tủy răng có xu hướng giòn, dễ vỡ và giảm sức nhai.
Đau răng sâu
Nhổ răng là lựa chọn cuối cùng nếu sâu răng có mức độ nặng và hư hại nghiêm trọng
  • Nhổ răng: Nhổ răng là lựa chọn cuối cùng nếu sâu răng nặng và không có đáp ứng với các biện pháp bảo tồn. Nha sĩ có thể đề nghị trồng răng giả nếu răng bị nhổ có vai trò quan trọng đối với chức năng nhai và ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ.

Sau khi áp dụng các biện pháp điều trị trên, tình trạng đau nhức ở răng sau sẽ được cải thiện hoàn toàn.

2. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể hỗ trợ điều trị sâu răng và làm giảm mức độ đau nhức. Ngoài ra thói quen này còn giúp tăng tốc độ hồi phục của răng và giảm nguy cơ tái phát.

Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách:

  • Nên súc miệng với nước để loại bỏ bớt thức ăn thừa và mảng bám.
  • Làm sạch bàn chải và sử dụng một lượng kem đánh răng vừa đủ tùy theo độ tuổi.
  • Đưa bàn chải nằm ngang và nghiêng một góc 40 – 45 độ so với viền nướu.
  • Chải răng theo hướng dọc thay vì chải ngang để làm sạch mảng bám ở kẽ răng và tránh gây tổn thương mô nướu.
  • Làm sạch mặt răng ngoài sau đó làm sạch mặt răng trong.
  • Sau đó đặt mặt bàn chải song song với mặt nhai của răng và đưa bàn chải từ trong ra ngoài một cách nhẹ nhàng để loại bỏ mảng bám tích tụ ở mặt răng.
  • Cuối cùng, nhổ bỏ kem đánh răng và súc miệng với nước sạch.
  • Thời gian chải răng kéo dài khoảng 3 phút và cần chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày.
  • Để tăng tác dụng làm sạch, có thể dùng phối hợp với nước súc miệng kháng khuẩn và chỉ nha khoa.

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng, bạn cần thiết lập một số thói quen tốt và thay đổi các thói quen thiếu khoa học như sau:

Đau răng sâu
Uống nhiều nước là thói quen lành mạnh và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng
  • Nên uống từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày nhằm hỗ trợ loại bỏ mảng bám và duy trì một lượng nước bọt nhất định trong khoang miệng.
  • Tăng cường các thực phẩm và thức uống tốt cho răng như sữa bò, sữa chua, trái cây và rau xanh.
  • Tránh hút thuốc lá, uống cà phê, rượu bia, ăn thực phẩm quá nóng/ lạnh, thức ăn chứa nhiều đường và dầu mỡ.
  • Nên tập thói quen nhai kẹo gum không đường sau khi ăn để giảm tích tụ lingering acid (yếu tố gây hư hại men răng) và hỗ trợ loại bỏ thức ăn thừa.
  • Có thể uống nước chè xanh thường xuyên để giảm nguy cơ sâu răng. Chè xanh chứa hàm lượng chất chống oxy hóa mạnh giúp ức chế vi khuẩn có hại và ngăn ngừa bệnh sâu răng. Tuy nhiên chè xanh có thể gây vàng răng, vì vậy bạn cần vệ sinh răng sau khi sử dụng.
  • Tuyệt đối không dùng răng để xé bao bì hoặc cắn vật cứng. Thói quen này có thể gây hư hại men răng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa.
  • Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, bạn nên thăm khám và can thiệp điều trị kịp thời. Tình trạng này kéo dài có thể khiến răng đau nhức và tăng nguy cơ phát triển các vấn đề nha khoa.

3. Áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà

Nếu chưa thể can thiệp điều trị, bạn có thể giảm đau răng sâu với một số biện pháp tại nhà như:

  • Dùng miếng gạc lạnh: Chườm miếng gạc lạnh ở vùng má bên ngoài răng sâu có thể giảm đau và sưng viêm nhanh chóng. Nếu cần thiết, bạn có thể lặp lại biện pháp sau mỗi 3 giờ để ngăn ngừa cơn đau tái phát.
  • Ăn tỏi nướng: Hoạt chất allicin và kẽm trong tỏi có tác dụng sát khuẩn mạnh. Do đó, bạn có thể ăn tỏi nướng để ức chế quá trình hủy khoáng ở mô răng và cải thiện tình trạng đau nhức.
  • Dầu đinh hương: Dầu đinh hương có đặc tính giảm đau, chống viêm và khử trùng do chứa hàm lượng Eugenol cao. Để giảm đau răng sâu, nên dùng bông gòn thấm dầu đinh hương và thoa lên khu vực đau nhức vài lần trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể cho vài giọt dầu vào nước súc miệng để kháng khuẩn và giảm viêm.

Các mẹo giảm đau răng sâu tại nhà chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng tạm thời. Do đó bạn nên sắp xếp thời gian để thăm khám và can thiệp biện pháp y tế trong thời gian sớm nhất nhằm điều trị triệu chứng và bệnh lý triệt để.

Tham khảo thêm: 

Ngày Cập nhật 19/08/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *