Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới, hàm trên và cách điều trị

Sưng nướu răng trong cùng ở hàm dưới và hàm trên thường xảy ra khi mọc răng khôn. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng của bệnh sâu răng và viêm nướu. Nếu do mọc răng khôn, triệu chứng có thể giảm nhanh chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên nếu bắt nguồn từ các vấn đề nha khoa, triệu chứng chỉ cải thiện khi can thiệp các biện pháp điều trị và chăm sóc.

Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới
Sưng nướu răng trong cùng ở hàm dưới và hàm trên do đâu?

Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới, hàm trên do đâu?

Nướu răng là mô mềm bao quanh răng, có chức năng chống đỡ và bảo vệ chân răng khỏi các tác nhân gây hại. Tuy nhiên mô nướu có thể bị tổn thương và sưng viêm do ảnh hưởng của một số vấn đề nha khoa.

Tình trạng sưng nướu răng trong cùng ở hàm trên và hàm dưới có thể xảy ra do tổn thương răng số 8 (răng khôn) hoặc răng số 7. Một số nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này, bao gồm:

1. Mọc răng khôn

Răng khôn còn được gọi là răng số 8, là răng cấm thứ 3 và có xu hướng mọc chậm hơn các răng khác (trong giai đoạn 17 – 24 tuổi). Do vị trí nằm ở cuối cùng của hàm và mọc muộn nên răng số 8 thường có xu hướng mọc ngầm dưới lợi, mọc ngang và mọc lệch.

Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới
Mọc răng khôn có thể kích thích mô nướu, gây sưng viêm, khó chịu và đau nhức

Ngoài ra khi mọc răng khôn, mô nướu xung quanh thường bị kích thích và có xu hướng sưng viêm kèm đau nhức. Nếu răng khôn mọc thẳng, triệu chứng có thể giảm nhanh trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên trong trường hợp răng số 8 mọc lệch, mọc ngang hoặc mọc ngầm dưới nướu, triệu chứng sưng đau nướu có thể tiếp diễn trong một thời gian dài.

2. Viêm nướu răng

Viêm nướu/ viêm lợi là bệnh lý nha khoa khá phổ biến. Bệnh xảy ra khi mô lợi bị viêm nhiễm do hại khuẩn có trong khoang miệng. Một trong vị trí dễ bị viêm nhiễm nhất là vùng nướu ở trong cùng của hàm trên và hàm dưới.

Do nằm khuất nên mô nướu và răng ở vị trí này rất khó để làm sạch hoàn toàn. Chính vì vậy vi khuẩn có thể cộng hưởng với thức ăn thừa, hình thành mảng bám và gây viêm nhiễm nướu. Bệnh lý này thường gây sưng nướu răng kèm đau nhức, khó chịu, ê buốt và khiến mô nướu chuyển sang màu đỏ thẫm/ tím.

3. Sâu răng

Tương tự bệnh viêm nướu, sâu răng cũng có xu hướng bùng phát ở răng trong cùng của hàm dưới và hàm trên. Với những trường hợp đã mọc răng khôn, sâu răng có thể bắt nguồn từ răng số 8 sau đó lây lan qua răng số 7.

Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới
Sâu răng số 7 hoặc số 8 có thể gây sưng nướu trong cùng ở hàm dưới hoặc hàm trên

Sâu răng ít gây đau nhức và khó chịu trong giai đoạn mới khởi phát. Tuy nhiên khi vi khuẩn gây hư hại và hình thành lỗ hổng lớn, răng có thể bị đau nhức, lung lay, khó chịu, kích thích mô nướu khiến nướu sưng viêm, chảy máu và gây hôi miệng.

Sưng nướu răng trong cùng có nguy hiểm không?

Sưng nướu răng trong cùng ở hàm trên và hàm dưới là tình trạng khá phổ biến. Theo thống kê, tình trạng này thường gặp ở người trưởng thành – đặc biệt là người đang mọc răng khôn.

Thông thường, sưng nướu do mọc răng khôn có thể thuyên giảm nhanh trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên nếu răng khôn mọc lệch, mọc ngang hoặc sưng nướu do viêm lợi, sâu răng, triệu chứng có xu hướng kéo dài và tiến triển nặng nề hơn theo thời gian.

Nếu chủ quan và không can thiệp điều trị kịp thời, mô nướu và răng có thể bị tổn thương nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm phát sinh các biến chứng như viêm nha chu, sâu răng ăn vào tủy, viêm chân răng, áp xe chân răng và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn.

Cách điều trị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới và hàm trên

Nếu tình trạng sưng nướu răng không thuyên giảm sau khoảng vài ngày, bạn nên gặp nha sĩ để chẩn đoán và can thiệp các biện pháp xử lý trong thời gian sớm nhất. Điều trị kịp thời có thể giảm nhanh triệu chứng đau nhức và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

1. Điều trị nguyên nhân

Với từng nguyên nhân cụ thể, điều trị sưng nướu răng trong cùng có thể bao gồm:

Sưng nướu răng trong cùng hàm trên
Điều trị bệnh lý nguyên nhân bao gồm nhổ răng khôn, trám răng, rút tủy, dùng thuốc,…
  • Nhổ răng khôn: Nếu răng khôn mọc lệch, gây chèn ép các răng lân cận hoặc bị sâu, bác sĩ sẽ đề nghị nhổ bỏ để tránh gây hư hại các răng lân cận. Răng số 8 không có vai trò quan trọng đối với chức năng nhai và thẩm mỹ nên sau khi nhổ, bạn không cần thiết phải trồng răng giả.
  • Sử dụng thuốc: Với những trường hợp sâu răng và viêm nướu nhẹ, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giúp tái khoáng, giảm đau và ức chế hại khuẩn như kem đánh răng chứa fluoride, calci, phosphate, thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh và dung dịch súc miệng chứa hoạt chất sát khuẩn.
  • Trám răng: Nếu sâu răng đã hình thành lỗ hổng, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch ổ sâu và sử dụng vật liệu nhân tạo trám vào bề mặt răng để ngăn ngừa tái phát.
  • Bọc răng sứ: Bọc răng sứ được chỉ định khi sâu răng ăn mòn men răng và khiến chân răng suy yếu. Biện pháp này có tác dụng bảo vệ răng, ngăn ngừa bệnh tái phát và phục hồi hình dạng của răng.
  • Rút tủy răng: Rút tủy răng là thủ thuật nha khoa khá phổ biến. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng khoan để tạo lỗ thông với tủy răng. Sau đó nạo hút phần tủy bị viêm nhiễm và sử dụng vật liệu nhân tạo để bù lấp ống tủy. Phương pháp này được thực hiện trong trường hợp sâu răng ăn sâu vào tủy.
  • Nhổ răng sâu: Với những trường hợp răng sâu nặng, gây hư hại nghiêm trọng và không còn khả năng hồi phục, nha sĩ sẽ đề nghị nhổ răng sâu để loại bỏ ổ nhiễm bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Nếu cần thiết, bạn có thể trồng răng giả để phục hồi hình thể và chức năng nhai của răng.

2. Điều trị triệu chứng

Để làm giảm triệu chứng do hiện tượng sưng nướu răng trong cùng gây ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Dùng túi chườm lên má ngoài để cải thiện nướu sưng đỏ và đau nhức. Ngoài ra biện pháp này còn hỗ trợ cầm máu và giảm tình trạng chảy máu chân răng.
  • Nên súc miệng với nước muối hoặc giấm táo pha loãng nhằm ức chế hại khuẩn, làm sạch khoang miệng và làm dịu mô nướu sưng viêm.
  • Ngậm 1 lát táo được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể giảm sưng mô nướu và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn có hại.
  • Uống trà gừng ấm giúp cải thiện tình trạng sưng nướu răng, hỗ trợ giảm đau nhức và khó chịu. Theo một số nghiên cứu hiện đại, hoạt chất Zingerone và Gingerol trong gừng có thể ức chế prostaglandin – chất trung gian kích thích phản ứng viêm ở mô nướu.

3. Chế độ chăm sóc

Ngoài việc áp dụng biện pháp cải thiện tại nhà và điều trị y tế, bạn nên phối hợp đồng thời với chế độ chăm sóc khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.

Sưng nướu răng trong cùng hàm trên
Trong thời gian điều trị, nên tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin

Chế độ chăm sóc cho người bị sưng nướu răng trong cùng:

  • Nên sử dụng bàn chải có lông mềm để vệ sinh răng miệng. Khi chải răng nên thao tác theo chiều dọc và chải nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương và gây kích thích mô nướu.
  • Chải răng 2 – 3 lần/ ngày và cần dùng nước súc miệng, chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và làm sạch khoang miệng toàn diện.
  • Uống nhiều nước, có thể bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể, làm dịu mô nướu và hỗ trợ loại bỏ mảng bám sinh học.
  • Nên ăn các thực phẩm mềm và lỏng trong thời gian điều trị. Hạn chế thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường, muối, cồn, gia vị cay nóng và chất kích thích.

Phòng ngừa sưng nướu răng trong cùng ở hàm trên và hàm dưới

Để ngăn ngừa tái phát tình trạng sưng nướu răng trong cùng, bạn nên:

Sưng nướu răng trong cùng hàm trên
Vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa
  • Vệ sinh răng miệng đều đặn và đúng cách.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm duy trì sức khỏe và bảo vệ răng miệng.
  • Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần và cạo vôi răng thường xuyên để giảm nguy cơ phát triển các vấn đề nha khoa.
  • Cần thay bàn chải 3 tháng/ lần.
  • Với những người có tiền sử bị sâu răng, nên dùng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluoride và các khoáng chất tốt cho răng như canxi, phosphate,…
  • Nhai kẹo gum không đường sau bữa ăn để hỗ trợ loại bỏ thức ăn thừa và giảm nguy cơ hình thành mảng bám.

Sưng nướu răng trong cùng ở hàm dưới và hàm trên xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng không thuyên giảm sau 2 – 3 ngày, bạn nên thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Trong trường hợp chủ quan và xử lý chậm trễ, bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và gây ra các ảnh hưởng nặng nề.

Tham khảo thêm: Nướu răng bị teo là do đâu? Làm sao khắc phục

Ngày Cập nhật 14/08/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *