Cách chữa sưng nướu răng giúp giảm đau nhanh chóng

Để giảm đau do sưng nướu răng, bạn có thể chườm nóng/ lạnh, súc miệng với nước muối ấm, dùng gel nha đam hoặc sử dụng thuốc. Bên cạnh các biện pháp tạm thời, nên chủ động vệ sinh răng miệng đúng cách và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm giảm mức độ triệu chứng và hạn chế tình trạng tái phát.

Sưng nướu răng
Sưng nướu răng có thể xảy ra do các bệnh nha khoa hoặc do một số nguyên nhân khác

Nguyên nhân gây sưng nướu răng

Sưng nướu răng là tình trạng mô nướu (lợi) bị sưng viêm, đỏ và gây đau nhức. Triệu chứng này là biểu hiện thường gặp của các bệnh nha khoa hoặc có thể bắt nguồn do một số nguyên nhân khác.

Sưng nướu răng
Sâu răng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nướu răng bị sưng và đau nhức

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp có thể gây ra tình trạng sưng nướu răng:

  • Viêm nướu: Viêm nướu/ viêm lợi là tình trạng mô nướu bị viêm nhiễm do thói quen vệ sinh răng miệng kém, suy giảm hệ miễn dịch và nội tiết tố. Các nguyên nhân này tạo điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn bùng phát mạnh, gây nhiễm trùng và sưng nướu răng.
  • Sâu răng: Sâu răng là bệnh lý nha khoa phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn có hại trong răng miệng kết hợp với các thành phần trong thực phẩm gây hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Ban đầu, sâu răng không gây đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên theo thời gian, vi khuẩn có thể gây hư hại chân răng, kích thích mô nướu và gây sưng đau.
  • Viêm nha chu: Viêm nha chu là một dạng viêm trùng nghiêm trọng, xảy ra ở tổ chức bảo vệ và nâng đỡ chân răng. Bệnh lý này có thể khiến mô nướu sưng đau, tụ mủ, hôi miệng, ê buốt khi ăn uống và giao tiếp.
  • Mang thai: Trong thời gian mang thai, nội tiết tố thường có xu hướng thay đổi đột ngột. Yếu tố này làm tăng nguy cơ chảy máu chân răng, sưng đỏ nướu,… Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách, sản phụ thường có nguy cơ cao bị viêm nướu, sâu răng và viêm nha chu.
  • Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, sưng nướu răng có thể là hệ quả do sử dụng thuốc, đánh răng mạnh, ăn thực phẩm khô cứng, nhổ răng khôn, gắn răng giả hoặc niềng răng cọ xát gây đỏ nướu,…

Cách chữa sưng nướu răng giảm cơn đau nhanh

Sưng nướu răng có thể gây đau nhức, khó chịu và ê buốt khi ăn uống và giao tiếp. Để giảm nhanh cơn đau và các triệu chứng khó chịu, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

1. Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng hoặc chườm lạnh là biện pháp giảm đau tại chỗ được áp dụng phổ biến. Ngoài tác dụng giảm đau nhức, biện pháp này còn cải thiện tình trạng sưng nướu và cảm giác khó chịu khi ăn uống.

Cách chườm nóng chữa sưng nướu răng:

  • Sử dụng khăn sạch thấm nước ấm và vắt bớt nước
  • Chườm ở phần hàm bị sưng và đau nhức trong khoảng 10 – 15 phút
  • Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày giúp giảm triệu chứng rõ rệt

Hướng dẫn chườm lạnh trị sưng nướu răng:

  • Sử dụng viên đá lạnh chườm trực tiếp lên mô nướu và chân răng bị sưng đau
  • Nên chườm từ 2 – 5 phút
  • Nếu bị ê buốt khi thực hiện, bạn có thể dùng túi chườm lạnh đắp bên ngoài

Để tăng tác dụng giảm đau, bạn có thể áp dụng đồng thời cả biện pháp chườm nóng và chườm lạnh.

2. Súc miệng với nước muối ấm

Nước muối ấm có thể làm dịu hiện tượng sưng viêm, đau nhức và ê buốt ở các mô nướu. Bên cạnh đó muối còn có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng và hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại.

Sưng nướu răng
Nên súc miệng với nước muối ấm để giảm sưng viêm, cải thiện cơn đau và ức chế hại khuẩn

Cách thực hiện:

  • Hòa ½ thìa muối với 300ml nước ấm
  • Súc miệng từ 2 – 3 lần để giảm đau và sưng viêm
  • Có thể ngậm nước muối ấm trong 5 phút nhằm làm giảm vùng nướu bị tổn thương

Lưu ý: Nên tránh cho quá nhiều muối vào nước ấm. Nồng độ muối quá cao có thể kích thích, gây đau nhức và xót ở mô nướu.

3. Dùng gel nha đam giảm sưng nướu răng

Nha đam không chỉ được sử dụng để dưỡng ẩm, làm dịu da và trị mụn trứng cá mà còn có tác dụng giảm sưng nướu răng. Thảo dược này chứa lượng nước, axit amin và các hợp chất thực vật dồi dào có tác dụng làm dịu niêm mạc sưng nóng, giảm viêm đau và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Bên cạnh đó, một số chất chống oxy hóa trong thảo dược này còn có tác dụng tăng tốc độ hồi phục của mô nướu và giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Rửa sạch 1 khúc nha đam tươi
  • Cắt bỏ vỏ và rửa sạch mủ
  • Dùng gel nha đam thoa trực tiếp lên mô nướu bị sưng
  • Để trong khoảng 5 phút và súc miệng với nước sạch
  • Nên áp dụng mẹo chữa này 2 – 3 lần/ ngày

4. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Ngoài các biện pháp giảm đau tạm thời, bạn có thể ngăn ngừa sưng nướu răng tái phát bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách.

Sưng nướu răng
Giữ vệ sinh răng miệng giúp giảm sưng đau ở mô nướu và phòng ngừa các bệnh nha khoa
  • Nên chải răng 2 lần/ ngày và cần đánh răng nhẹ nhàng để tránh gây chảy máu, xây xước mô nướu.
  • Súc miệng với nước muối hoặc các dung dịch súc miệng chứa thành phần diệt khuẩn.
  • Dùng chỉ nha khoa và nhai kẹo gum không đường sau bữa ăn để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa và hạn chế tình trạng vi khuẩn có hại bùng phát mạnh.
  • Thay bàn chải 3 tháng/ lần để tránh vi khuẩn tích tụ và gây viêm nhiễm nướu.

5. Dùng giấm táo pha loãng

Ngoài biện pháp súc miệng với nước muối, bạn cũng có thể súc miệng với giấm táo pha loãng để giảm đau nhức mô nướu và hỗ trợ điều trị các bệnh lý nha khoa.

Giấm táo chứa axit acetic có tác dụng ức chế nấm và vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn giúp giảm sưng viêm, đau nhức ở chân răng và mô nướu.

Cách thực hiện:

  • Cho 1 thìa cà phê giấm táo với 300ml nước ấm
  • Súc miệng từ 2 – 3 lần để giảm đau và sưng nướu răng
  • Áp dụng mẹo chữa này thường xuyên còn giúp phòng ngừa viêm nha chu, viêm lợi và sâu răng.

Lưu ý: Axit trong giấm táo có thể gây mòn men răng. Vì vậy bạn cần pha loãng giấm táo trước khi sử dụng.

6. Nhai hành tây giúp giảm sưng nướu răng

Nhai hành tây có thể gây khó chịu và hôi miệng. Tuy nhiên biện pháp này được ưa chuộng và áp dụng phổ biến do có tác dụng giảm đau sưng nướu răng và phòng ngừa các bệnh nha khoa.

Sưng nướu răng
Hành tây có đặc tính chống viêm, giảm đau và ức chế vi khuẩn có hại trong khoang miệng

Hành tây chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn mạnh. Vì vậy áp dụng mẹo chữa này có thể giảm đau, cải thiện sưng nướu răng và hỗ trợ ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung hành tây vào chế độ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ bảo vệ sức khỏe răng miệng.

7. Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học

Để cải thiện mức độ cơn đau và phòng ngừa sưng nướu răng tái phát, bạn nên thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học như sau:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, đậu, trái cây và nấm. Chất xơ không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn hỗ trợ làm sạch mảng bám sinh học và làm dịu mô nướu bị sưng viêm.
  • Tăng cường uống nước giúp duy trì một lượng nước bọt nhất định trong khoang miệng. Nước bọt chứa enzyme và một số lợi khuẩn giúp kìm hãm hoạt động của các vi khuẩn có hại, làm mềm thức ăn và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
  • Có thể dùng một số loại thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn, khử mùi và giảm viêm như bạc hà, thìa là, gừng, nghệ và tỏi.
  • Tránh uống nước ngọt gas, rượu bia, thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường. Bên cạnh đó cần hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp và chứa nhiều muối.

8. Chữa sưng nướu răng bằng sữa chua

Sữa chua không chỉ cung cấp đạm, khoáng chất, vitamin D mà còn chứa axit lactic và probiotic. Axit lactic có tác dụng làm sạch mảng bám ở chân răng, giảm viêm nhẹ và sưng đau. Trong khi đó, probiotic (lợi khuẩn) giúp kiểm soát và ức chế số lượng vi khuẩn có hại trong khoang miệng.

Sưng nướu răng
Probiotic trong sữa chua giúp giảm viêm lợi và cân bằng hệ sinh sinh trong khoang miệng

Ngoài ra sữa chua thường được bảo quản ở nhiệt độ mát. Vì vậy, bổ sung thực phẩm này có thể làm dịu hiện tượng sưng nóng và viêm ở các mô nướu.

9. Dùng thuốc giảm đau

Trong trường hợp sưng nướu răng xảy ra sau khi nhổ răng khôn hoặc thay răng giả, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng khó chịu.

Một số loại thuốc giảm đau được sử dụng để chữa sưng nướu răng, bao gồm:

  • Paracetamol: Paracetamol là loại thuốc giảm đau thông dụng, có thể sử dụng cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Thuốc có tác dụng giảm đau và hạ thân nhiệt nhanh chóng. Tuy nhiên cần tránh sử dụng loại thuốc này cho người bị suy gan, suy thận, thiếu hụt men G6PD và có tiền sử nghiện rượu.
  • NSAID: NSAID là thuốc chống viêm không steroid. Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt (tác dụng yếu). Các NSAID được dùng để giảm đau do sưng nướu răng, gồm có Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…

Nếu không chỉ định của bác sĩ, bạn chỉ nên sử dụng các loại thuốc trên trong khoảng 3 – 5 ngày. Bên cạnh đó cần thông báo với dược sĩ tiền sử bệnh lý và dị ứng để được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Sưng nướu răng – Khi nào cần gặp nha sĩ?

Sưng nướu răng có thể là biểu hiện của bệnh viêm lợi, sâu răng và viêm nha chu. Các bệnh lý nha khoa này có thể tiến triển nghiêm trọng, gây hư hại và làm tăng nguy cơ mất răng. 

Sưng nướu răng
Nên tìm gặp nha sĩ khi triệu chứng sưng nướu răng kéo dài hơn 5 ngày

Do đó bạn nên tìm gặp nha sĩ khi nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Sưng nướu răng kéo dài hơn 5 ngày
  • Răng lung lay và khó khăn khi ăn uống
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Nướu có dấu hiệu tụ mủ/ dịch
  • Chân răng chảy máu thường xuyên
  • Nướu chuyển sang màu đỏ tím

Sưng nướu răng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy nếu triệu chứng không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm: 11 Cách chữa bệnh nha chu tại nhà từ thảo dược

Ngày Cập nhật 26/07/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *