Viêm lợi: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách chữa trị hiệu quả

Viêm lợi xảy ra do sự tích tụ mảng bám ở chân răng với biểu hiện sưng đỏ kèm đau. Điều trị bệnh không khó nếu chủ động ngay từ đầu. Để lâu, tình trạng lợi bị viêm dễ chuyển sang viêm nha chu hoặc dẫn đến hội chứng Alzheimer.

Viêm lợi có thể không nguy hiểm khi điều trị sớm nhưng để lâu dễ chuyển biến thành viêm nha chu.
Viêm lợi có thể không nguy hiểm khi điều trị sớm nhưng để lâu dễ chuyển biến thành viêm nha chu.

Viêm lợi là gì?

Lợi (nướu) là mô mềm bao quanh răng. Nó bám chặt vào khung xương và làm nhiệm vụ giữ kín chân răng. Ngoài ra, lợi còn giảm ma sát của thức ăn. Nướu răng của người bình thường có màu hồng.

Viêm lợi là tình trạng lợi chuyển sang màu đỏ kèm sưng và dễ chảy máu (dù chỉ đánh răng bình thường hoặc dùng tăm xỉa răng). Nói cách khác, đây là bệnh viêm nhiễm nhưng mô chưa bị phá hủy. Mặt khác, tình trạng lợi bị viêm đồng thời cũng là những biểu hiện lâm sàng phản ánh thể trạng và bệnh lý của một người nào đó.

Sự tích tụ những mảng bám ở chân răng là cơ chế dẫn đến tình trạng lợi bị viêm. Chúng có thể được nhìn thấy thông qua quan sát bình thường hoặc phải soi dưới dụng cụ chuyên dụng. Nếu những mảng bám này tích tụ ở chân răng quá 24 giờ đồng hồ, chúng sẽ tạo thành cao răng. Cách vệ sinh răng miệng thông thường không làm sạch được các mảng bám đã thành cao.

Ai cũng có thể bị viêm nướu răng. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tình trạng này nhất. Nguyên nhân là do bé chưa biết cách và chưa chủ động trong vấn đề vệ sinh răng miệng hằng ngày. Cộng với đó là một số thói quen xấu cũng góp phần gia tăng nguy cơ làm cho lợi bị viêm.

Sự tích tụ các mảng bám ở chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và khiến lợi bị viêm.
Sự tích tụ các mảng bám ở chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và khiến lợi bị viêm.

Nguyên nhân khiến lợi bị viêm

Cơ chế dẫn đến tình trạng lợi bị viêm xảy ra khi có sự tác động của một số yếu tố dưới đây:

  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách: chỉ vệ sinh vào buổi sáng, chải răng quá mạnh hoặc không kỹ…
  • Thói quen xỉa răng bằng tăm, cắn móng tay;
  • Thường xuyên ăn những thực phẩm quá cứng, quá ngọt, quá nóng hoặc quá lạnh;
  • Tác động từ quá trình mọc răng.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm ở lợi

Triệu chứng của viêm nướu thường không điển hình. Ở giai đoạn ban đầu, lợi sẽ sưng đỏ và đau khi chạm vào. Việc ăn uống hằng ngày khá khó khăn. Khi tình trạng viêm tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu răng. Kèm với đó là tình trạng hôi miệng.

Những người bình thường bị hôi miệng là do vi khuẩn tích tụ lâu ngày ở răng và lợi. Quá trình phân hủy của chúng tạo thành mùi hôi. Còn với những người bị viêm nướu, hôi miệng là do các túi mủ ở chân răng. Túi này chứa các tế bào chết, bạch cầu và cả vi khuẩn (có thể còn sống hoặc đã chết). Chính vì thế, rất khó để chữa tình trạng này bằng cách vệ sinh miệng thông thường.

Nếu tình trạng viêm ở nướu vẫn chưa được điều trị thì nướu có thể bị tụt xuống. Chân răng lộ ra và ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ. Khi những lỗ hổng càng sâu, răng và xương hàm sẽ bị phá hủy càng nhiều. Một khi răng không còn chỗ bám sẽ bị rụng. 

Màu sắc của lợi người bình thường với người bị viêm.
Màu sắc của lợi người bình thường với người bị viêm.

Viêm lợi có nguy hiểm không?

Viêm lợi gây đau nhức và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, tình trạng này thường không gây nguy hiểm. Đồng thời, nó cũng có thể được điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, nếu kéo dài hoặc điều trị sai cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị lúc này cũng trở nên khó khăn và rủi ro nhiều hơn.

Những biến chứng thường xảy ra khi lợi bị viêm:

  • Viêm nướu dễ dẫn đến viêm quanh răng (viêm nha chu)

Viêm nướu là giai đoạn đầu của viêm quanh răng nhưng không phải tất cả các trường hợp lợi bị viêm đều dẫn đến viêm quanh răng. Nó chỉ phát triển thành bệnh này khi không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Biểu hiện của bệnh viêm nha chu là những dấu hiệu của tình trạng viêm nướu giai đoạn nặng như đã trình bày. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, bệnh này không được điều trị rất dễ gây viêm hạch và viêm xương tủy. Ở quy mô toàn thân, viêm nha chu ảnh hưởng đến tim mạch, thận, các khớp và gây những cơn đau nửa mặt (giống như tình trạng đau dây thần kinh V). Ngoài ra, bệnh này còn gây sốt kéo dài.

Viêm lợi rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm và đúng cách.
Viêm lợi rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm và đúng cách.
  • Vi khuẩn khiến lợi bị viêm có thể gây bệnh Alzheimer

Alzheimer là hội chứng mất trí nhớ và suy giảm khả năng tư duy một cách nghiêm trọng. Trước đây từng có nhiều giả thuyết về mối liên hệ giữa tình trạng lợi bị viêm với hội chứng này. Mãi đến năm 2018, các nhà khoa học mới tìm ra bằng chứng khẳng định hai tình trạng này có liên quan với nhau. Cụ thể, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra P. gingivalis (một loại vi khuẩn phổ biến khiến lợi bị viêm) có khả năng di chuyển từ miệng đến não chuột. Và chúng gây ra những triệu chứng tương tự Alzheimer.

Nguyên tắc điều trị viêm lợi

  • Điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao;
  • Không được tự ý dùng thuốc;
  • Trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng cần thăm khám trước đó để đánh giá chính xác tình trạng bệnh và tham khảo lời khuyên từ bác sĩ;
  • Nếu tình trạng viêm không có dấu hiệu cải thiện hoặc ngày càng nặng thì cần dừng ngay cách điều trị hiện tại và đến cơ sở y tế để kiểm tra;
  • Thận trọng và luôn hỏi ý kiến bác sĩ khi điều trị viêm nướu cho đối tượng và phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ.

Các cách điều trị lợi bị viêm tại nhà

Súc miệng bằng nước muối

Khả năng sát khuẩn và tiêu viêm của muối sẽ cải thiện đáng kể tình trạng lợi bị viêm. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý được bán ở các nhà thuốc tây hoặc tự pha ở nhà. Cách súc miệng bằng nước muối hỗ trợ điều trị viêm nướu nhưng bạn không nên lạm dụng. Nếu súc miệng quá nhiều lần trong ngày hoặc ngậm nước muối quá lâu có thể khiến men răng bị mòn. Tốt nhất chỉ nên dùng nước này súc miệng từ 2 – 3 lần/1 ngày. Nếu ngậm thì không nên quá 5 phút.

Dùng dầu dừa làm nước súc miệng

Nghe có vẻ hơi lạ nhưng đây là cách điều trị viêm nướu đã được khoa học hiện đại chứng minh hiệu quả. Dầu dừa làm nước súc miệng ngoài tác dụng chống viêm và kháng khuẩn còn giảm được tình trạng hôi miệng. Lưu ý là bạn không được nuốt dầu dừa. Nên thận trọng khi dùng cách điều trị này cho trẻ nhỏ bởi bé rất dễ nuốt.

Súc miệng bằng dầu dừa là một cách chữa viêm lợi ở dạng nhẹ.
Súc miệng bằng dầu dừa là một cách chữa viêm lợi ở dạng nhẹ.

Súc miệng với tinh dầu sả

Tương tự như dầu dừa hay nước muối, tinh dầu sả cũng có khả năng kháng khuẩn và tiêu viêm. Có một lưu ý quan trọng là bạn tuyệt đối không dùng tinh dầu này ở nguyên chất để súc miệng. Đặc tính của nó rất mạnh có thể gây phản tác dụng. Thay vào đó hãy pha loãng để vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí. Mỗi ngày chỉ nên dùng 2 – 3 lần. Ngoài ra, bạn cần cân nhắc kỹ khi dùng tinh dầu này cho đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Dùng tinh dầu tràm làm nước súc miệng

Bạn nhỏ 1 giọt tinh dầu tràm lên kem đánh răng. Mỗi ngày dùng từ 2 – 3 lần để cải thiện tình trạng lợi bị viêm. Cách điều trị này khá hiệu quả nhưng với những người có cơ địa nhạy cảm thì không nên sử dụng. Bởi nó có thể gây kích ứng da (phát ban hoặc nóng nhẹ). Ngoài ra, nó còn có thể tương tác không tốt với một số loại thuốc điều trị viêm nướu. Vì thế, khi sử dụng, bạn cần hết sức thận trọng và nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ.

Ngoài cách dùng các nguyên liệu trên để súc miệng, bạn có thể dùng gel nghệ, lô hội, tinh dầu đinh hương, cây xô thơm hoặc từ lá ổi để chữa viêm nướu. Các nguyên liệu này cũng có đặc tính kháng khuẩn và tiêu viêm khá tốt. Đồng thời, nó còn giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng hôi miệng.

Thuốc tân dược điều trị viêm lợi

Đối với trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng nước súc miệng có khả năng sát khuẩn và tiêu viêm. Thành phần của loại nước này thường chứa một số hoạt chất như: hexetidin, zin gluconat hoặc chlorhexidine.

Nếu tình trạng lợi bị viêm đã chuyển nặng hoặc có nguy cơ này, người bệnh có thể được chỉ định dùng kháng sinh. Kết hợp với đó là thuốc giảm đau và kháng viêm (loại thông thường hoặc loại có dược tính mạnh).

Thuốc tân dược được dùng trong những trường hợp lợi bị viêm ở mức độ nặng. Trong đó, thuốc kháng sinh là loại không thể thiếu.
Thuốc tân dược được dùng trong những trường hợp lợi bị viêm ở mức độ nặng. Trong đó, thuốc kháng sinh là loại không thể thiếu.
  • Thuốc kháng sinh: Tiêu biểu những loại thuộc nhóm beta-lactam hoặc macrolid. Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ kết hợp giữa spiramycin (thuộc nhóm macrolid) với metronidazol (đây cũng là một loại thuốc kháng sinh, nó chủ yếu được dùng để tiêu diệt những vi khuẩn kỵ khí). 
  • Thuốc giảm đau: Dùng một số loại thông thường như paracetamol hoặc aspirin. Riêng với aspirin thì không sử dụng cho những trường hợp bị bệnh ưa chảy máu hoặc đang bị sốt xuất huyết.
  • Thuốc kháng viêm thông thường: Là những loại không chứa steroid. Tiêu biểu là ibuprofen, diclofenac hoặc meloxicam. Những loại này cũng có tác dụng giảm đau nhưng công dụng này chỉ là thứ yếu.
  • Thuốc kháng viêm có dược tính mạnh: Là nhóm thuốc corticosteroid. Thường dùng là prednisolon hoặc dexamethasone. Loại này chỉ sử dụng cho trường hợp nặng và phải có chỉ định từ bác sĩ vì thường đi kèm nhiều tác dụng phụ.

Những lưu ý quan trọng nâng cao hiệu quả điều trị viêm lợi

  • Vệ sinh răng miệng hằng ngày bằng nước súc miệng chuyên dụng. Kem đánh răng cũng cần chọn loại phù hợp khi lợi đang bị viêm. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ về những loại phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của mình;
  • Dùng bàn chải đánh răng có lông mềm. Chú ý chải răng nhẹ nhàng;
  • Sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng sau khi ăn;
  • Ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý. Ưu tiên những thức ăn mềm khi bị viêm nướu.
Chăm sóc răng đúng cách để tình trạng viêm ở lợi nhanh khỏi và không biến chuyển theo chiều hướng xấu.
Chăm sóc răng đúng cách để tình trạng viêm ở lợi nhanh khỏi và không biến chuyển theo chiều hướng xấu.

Phòng viêm nướu từ thói quen sinh hoạt và ăn uống hằng ngày

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày;
  • Nên súc miệng bằng nước muối ngày 2 lần: sáng và tối;
  • Dinh dưỡng khoa học;
  • Chỉ dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng 1 lần trong ngày;
  • Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc khi có những dấu hiệu bất thường.

Ngày Cập nhật 30/07/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *