Viêm tủy răng có mủ: Bệnh nguy hiểm chớ xem thường

Viêm tủy răng có mủ xảy ra khi nhiễm trùng khoang tủy không được điều trị kịp thời, dẫn đến tình trạng vi khuẩn phát triển mạnh và hình thành ổ mủ. Bệnh lý này không chỉ làm phát sinh triệu chứng đau nhức, ê buốt dữ dội mà còn gây hoại tử tủy, áp xe quanh chân răng và tăng nguy cơ mất răng.

Viêm tủy răng có mủ
Viêm tủy răng có mủ là gì? Phải làm sao để khắc phục?

Viêm tủy răng có mủ là gì?

Viêm tủy răng có mủ là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm kéo dài, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào các mô bên dưới, gây nhiễm trùng và hình thành ổ mủ. So với giai đoạn mới phát, viêm tủy răng kèm mủ thường có mức độ nặng nề và dễ phát sinh biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Thực tế cho thấy ở giai đoạn đã hình thành ổ mủ, khoang tủy thường bị hư hại nghiêm trọng và không còn khả năng hồi phục. Vì vậy trong giai đoạn này, điều trị chủ yếu là nhổ bỏ răng và can thiệp điều trị nội nha (rút tủy).

Nguyên nhân gây viêm tủy răng có mủ

Viêm tủy răng thường xảy ra do chấn thương, răng sứt mẻ hoặc do sâu răng ăn vào tủy. Tuy nhiên với trường hợp viêm tủy răng kèm mủ, nguyên nhân có thể do:

  • Không điều trị viêm tủy răng kịp thời: Nếu không tiến hành điều trị viêm tủy răng, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể bùng phát mạnh, gây tổn thương khoang tủy, các mô lân cận và hình thành ổ mủ.
  • Điều trị không đúng cách: Thông thường, viêm tủy răng được điều trị bằng cách loại bỏ ngà răng hoại tử và rút tủy. Tuy nhiên nếu áp dụng biện pháp điều trị không phù hợp, bệnh có thể không được điều trị dứt điểm và có xu hướng tiến triển nặng nề.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, viêm tủy răng có mủ cũng còn có thể khởi phát do một số yếu tố rủi ro như:

  • Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng có vai trò quan trọng trong điều trị viêm tủy răng nói riêng và các bệnh lý nha khoa nói chung. Vì vậy nếu không chải răng thường xuyên hoặc chải răng không đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong lỗ sâu và gây viêm nhiễm tủy.
  • Suy giảm miễn dịch: Viêm tủy răng và các vấn đề nha khoa do viêm nhiễm có xu hướng phát triển mạnh ở những đối tượng suy giảm miễn dịch. Ở những đối tượng này, bệnh có tiến triển phức tạp, gây tổn thương sâu và hình thành ổ mủ ở chân răng.

Triệu chứng nhận biết viêm tủy răng có mủ

So với viêm tủy răng thông thường, viêm tủy răng có mủ thường gây triệu chứng có mức độ nặng nề. Một số triệu chứng thường gặp, bao gồm:

Viêm tủy răng có mủ
Viêm tủy răng có mủ thường gây đau nhức và ê buốt răng nghiêm trọng
  • Răng đau nhức và ê buốt nghiêm trọng
  • Cơn đau có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào trong ngày – ngay cả khi không có yếu tố kích thích
  • Mô nướu bao xung quanh răng có xu hướng sưng tấy, chảy máu và đau nhức
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Ấn mạnh vào nướu có thể gây chảy mủ hoặc chảy dịch

Ngoài ra tình trạng bệnh kéo dài còn có thể gây ra một số triệu chứng toàn thân như mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn và suy nhược.

Viêm tủy răng có mủ gây ảnh hưởng như thế nào?

Viêm tủy răng có mủ là giai đoạn tiến triển nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Nếu không xử lý kịp thời, mủ có thể tích tụ âm thầm trong chân răng, chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực và gây ra một số biến chứng như:

  • Áp xe chân răng: Ổ mủ có thể phát triển thành áp xe – một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây tổn thương mô nướu, sưng hạch bạch huyết, sốt cao và đau nhức. Áp xe chân răng có thể bị vỡ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và áp xe não.
  • Hoại tử tủy: Nhiễm trùng ở khoang tủy kéo dài có thể gây hư hại và hoại tử tủy hoàn toàn. Khi tủy bị hoại tử, các triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phải nhổ bỏ răng để giảm nguy cơ hư hại răng và mô nướu ở những vị trí xung quanh.

Ngoài các biến chứng kể trên, bệnh viêm tủy răng có mủ còn ảnh hưởng đến hoạt động nhai, chức năng thẩm mỹ của răng, làm gián đoạn giấc ngủ và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống.

Các biện pháp điều trị viêm tủy răng có mủ

Viêm tủy răng có mủ là tình trạng tủy răng bị tổn thương nghiêm trọng và cần phải can thiệp các biện pháp y tế. Dựa vào mức độ thương tổn và tình trạng sức khỏe ở từng trường hợp, điều trị bệnh có thể bao gồm các biện pháp sau:

1. Điều trị nội nha (rút tủy)

Điều trị nội nha (rút tủy) là biện pháp chính trong quá trình chữa viêm tủy răng có răng có mủ và một số vấn đề nha khoa khác như chấn thương gây vỡ răng nghiêm trọng, sâu răng ăn vào tủy,… Biện pháp này được thực hiện nhằm loại bỏ ổ viêm nhiễm, bảo tồn chân răng, giảm nguy cơ mất răng và dự phòng biến chứng nguy hiểm.

Viêm tủy răng có mủ
Rút tủy được thực hiện nhằm loại bỏ ổ viêm nhiễm, bảo tổn răng và dự phòng biến chứng

Rút tủy răng được thực hiện trình tự như sau:

  • Thăm khám thực thể và chụp X-Quang để xác định tình trạng chân răng, mô tủy và ổ mủ.
  • Tiến hành gây tê nhằm giảm đau trong quá trình thực hiện.
  • Đặt đê cao su bao xung quanh răng cần điều trị để giảm nguy cơ viêm nhiễm trong quá trình thực hiện.
  • Sử dụng mũi khoan chuyên dụng để mở đường vào khoang tủy, sau đó dùng dụng cụ hút dịch tủy bị viêm nhiễm.
  • Tạo hình khoang tủy và trám bít với vật liệu nhân tạo.
  • Với những trường hợp có ổ mủ lớn, bác sĩ sẽ kết hợp điều trị nội nha với dẫn lưu dịch.

Nếu răng có nhiều lỗ sâu lớn, bác sĩ có thể đề nghị phục hồi hình dạng của răng bằng cách bọc răng sứ. Ngoài chức năng thẩm mỹ, bọc răng sứ còn cải thiện hoạt động nhai và bảo vệ chân răng thật.

Điều trị nội nha có thể giải quyết triệt để bệnh viêm tủy răng có mủ. Tuy nhiên sau khi loại bỏ tủy, răng thường có xu hướng hư yếu, giòn và dễ nứt nẻ. Vì vậy sau khi can thiệp biện pháp này, bạn cần chăm sóc răng nghiêm ngặt để giảm nguy cơ nứt, vỡ và mất răng.

2. Nhổ bỏ răng

Nhổ bỏ răng được chỉ định khi viêm tủy răng gây hư hại chân răng hoàn toàn. Biện pháp này được thực hiện nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng lây lan rộng, ảnh hưởng đến cấu trúc cung hàm và các cơ quan lân cận.

Sau khi nhổ răng, nha sĩ có thể đề nghị trồng răng giả để phục hồi chức năng nhai và thẩm mỹ. Tuy nhiên nếu răng bị nhổ không có vai trò quan trọng (chẳng hạn như răng số 8), bạn không cần thiết phải trồng răng giả.

3. Sử dụng thuốc

Trong trường hợp ổ mủ có kích thước lớn, nhiễm trùng có xu hướng lây lan hoặc viêm tủy răng xảy ra ở những trường hợp có hệ miễn dịch suy giảm, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và kháng viêm trong 5 – 7 ngày để giảm tình trạng đau nhức và một số triệu chứng khó chịu.

Viêm tủy răng có mủ
Trong một số trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm tủy răng có mủ:

  • Amoxicillin: Amoxicillin là kháng sinh nhóm beta-lactam, hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp mucopeptid của thành tế bào và gây chết vi khuẩn có hại. Tuy nhiên cần tránh dùng thuốc khi có tiền sử dị ứng với kháng sinh penicillin.
  • Metronidazole: Metronidazole là thuốc kháng sinh và kháng virus. Do có độ an toàn cao nên loại thuốc này được sử dụng cho trẻ nhỏ và người quá mẫn với Amoxicillin.
  • Thuốc kháng viêm: Nếu viêm tủy răng gây sưng tấy mô nướu nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng viêm như Lysozym 90mg, Prednisone 5mg và Dexamethasone 0.5mg. Tuy nhiên nhóm thuốc này có nguy cơ cao nên chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.
  • Paracetamol: Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Thuốc được dùng trong 3 – 5 ngày nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu sau khi nhổ răng và điều trị nội nha.

Biện pháp chăm sóc sau khi điều trị

Sau khi nhổ bỏ răng và rút tủy, bạn cần chăm sóc đúng cách để thúc đẩy tốc độ hồi phục, bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Viêm tủy răng có mủ
Sau khi điều trị, cần chăm sóc răng miệng đúng cách và khoa học

Các biện pháp chăm sóc sau khi điều trị viêm tủy răng có mủ, bao gồm:

  • Đánh răng từ 2 – 3 lần/ ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Nên chải răng nhẹ nhàng, làm sạch mặt răng ngoài, mặt trong và mặt nhai để tránh tích tụ mảng bám và thức ăn thừa.
  • Để làm sạch kẽ răng hoàn toàn, cần sử dụng chỉ nha khoa. Tránh dùng tăm xỉa răng vì thói quen này có thể gây hư hại men răng, mô nướu và tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa.
  • Súc miệng với dung dịch diệt khuẩn để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh sâu răng, bảo vệ sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa viêm nhiễm mô nướu.
  • Thay bàn chải sau 2 – 4 tháng sử dụng hoặc bất cứ khi nào lông chải bị tưa.
  • Bổ sung fluoride và canxi cho răng bằng cách dùng kem đánh răng, dung dịch súc miệng và nước uống chứa các khoáng chất này.
  • Hạn chế nước ngọt có gas, đường và một số thực phẩm có hại cho răng như thực phẩm chứa nhiều axit, rượu bia, tinh bột,…
  • Lấy vôi răng 1 – 2 lần/ năm.
  • Thăm khám nha khoa định kỳ hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Viêm tủy răng có mủ là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh. Nếu không xử lý kịp thời, ổ mủ có thể phát triển thành áp xe, gây hư hại và làm tăng nguy cơ mất răng. Do đó khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và đề xuất biện pháp điều trị tương ứng.

Tham khảo thêm: Viêm tủy răng có chữa được không? Có nguy hiểm không?

Ngày Cập nhật 15/01/2020

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *