Ô Tặc Cốt: Công Dụng Và Cách Dùng Vị Thuốc Chữa Bệnh

Ô tặc cốt hay còn được gọi là mai mực hay nang mực với danh pháp khoa học là Sepiella maindroni, thuộc họ Mực (Sepiidae). Trong Đông y, loại dược liệu này có vị mặn, se, tính hơi ấm, được quy vào kinh Can và Thận, có tác dụng trị lở loét, cầm máu, bổ huyết, hóa ngưng, trị thổ huyết,… Tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm nhiều thông tin khác từ dược liệu này.

Ô tặc cốt hay còn được gọi là mai mực hay nang mực với danh pháp khoa học là Sepiella maindroni thuộc họ Mực (Sepiidae)
Ô tặc cốt hay còn được gọi là mai mực hay nang mực với danh pháp khoa học là Sepiella maindroni thuộc họ Mực (Sepiidae)

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Mai mực, Nhu cốt, Ô ngư, Bạch long, Lãm ngư cốt, Mặc ngư cốt, Hải nhược bạch sự tiểu lại, Hải phiêu tiêu,…
  • Danh pháp khoa học: Sepiella maindroni
  • Tên dược: Os sepiae seu sepiellae
  • Họ: Thuộc họ Mực (Sepiidae)

Đặc điểm sinh thái

Mô tả: Mực là động vật thân mềm, sống thành từng bầy ở các khu vực nước mặn, ở các tầng nước đáy. Thức ăn của chúng chủ yếu là các sinh vật nhỏ như tôm, cá nhỏ,… Mực có thân hình đối xứng với các xúc tua ở đầu và chất mực màu đen bên trong cơ thể. 

Mô tả dược liệu Ô tặc cốt: Ô tặc cốt là phần mai mực của con mực, có hình bầu dục, dẹp, mép mỏng và phần giữa hơi dày. Ô tặc cốt cứng, màu trắng hoặc trắng ngà, hai bên có rìa màu vàng đậm hơn. Mặt bụng có màu trắng, xốp và có những đường vân ngang nhỏ, dày đặc.

Phân bố: Trên thế giới, mực xuất hiện khá nhiều ở các vùng viển châu Úc, châu Mỹ, châu Âu, vùng biển Địa Trung Hải,… Ở nước ta, loại sinh vật này xuất hiện khắp các vùng biển như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh,…

Mực là sinh vật sống thành đàn ở các vùng biển khắp trên cả nước và cả thế giới
Mực là sinh vật sống thành đàn ở các vùng biển khắp trên cả nước và cả thế giới

Bộ phận dùng, thu hoạch, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Sử dụng phần mai mực của con mực để bào chế thành thuốc chữa bệnh.

Thu hoạch: Thời điểm thích hợp nhất để đánh bắt mực là vào khoảng tháng 3 – 9 hàng năm. Bởi đây là thời điểm mực đẻ trứng nên di chuyển gần đến bờ biển.

Chế biến: Chỉ lấy phần mai mực và cắt bỏ phần đầu của con mực. Cạo sạch lớp vỏ và tiến hành ngâm với nước lọc cho hết vị mặn. Cuối cùng đem phơi dưới nắng hoặc đem sấy cho khô.

Cách bảo quản: Bảo quản trong hũ kín có nắp đậy và cất trữ nơi khô ráo, tránh để dược liệu ở nơi ẩm ướt. Sau mỗi lần sử dụng bạn cần đậy kín nắp hũ để tránh mốc meo.

Thành phần hóa học của Ô tặc cốt

Trong Ô tặc cốt có chứa các thành phần hóa học sau:

  • Muối calci carbonat;
  • Calci phosphat;
  • Natri clorid;
  • Chất keo;
  • Chất hữu cơ.

Tính vị – Quy kinh của dược liệu Ô tặc cốt

Tính vị: Ô tặc vị có vị mặn, se và tính hơi ấm.

Quy kinh: Trong Đông y, Ô tặc cốt được quy vào kinh Can và Thận.

Tác dụng của dược liệu Ô tặc cốt

Theo nghiên cứu của giới dược lý hiện đại

  • Kháng acid, giảm đau: Trong xương mực có chữa thành phần canxi cacbonat có tác dụng trung hòa axit dạ dày và có tác dụng làm giảm các triệu chứng ợ nóng. Bên cạnh đó, Ô tặc cốt còn có tác dụng thúc đẩy quá trình giảm đau tại chỗ;
  • Ức chế kháng Cholinergic tiết acid dạ dày;
  • Cầm máu: Trong mai mực có chứa thành phần pectin và một số chất hữu cơ khác đóng vai trò như chất dịch dạ dày giúp bảo vệ thành dạ dày và ngăn chặn xu hướng tụ máu hay đông máu;
  • Thúc đẩy quá trình làm lành xương và đóng vai trò khá quan trọng của sự lão hóa xương;
  • Có tác dụng chống bức xạ;
  • Làm tăng thành phần Serotonin;
  • Không có tác dụng kháng khuẩn nhưng có tác dụng hấp thụ các chất độc và vi khuẩn chảy máu, chất nhầy.

Theo Y học cổ truyền ghi nhận

  • Chỉ huyết, liễm huyết, có tác dụng ức chế chất chua trong dịch vị và thẩm thấp;
  • Cầm máu và làm se;
  • Làm lành các vết loét ngoài da;
  • Cố tinh và trừ khử khí hư;
  • Chống toan hóa;
  • Giảm đau.

Cách dùng và liều dùng Ô tặc cốt

Cách dùng: Dùng Ô tặc cốt ở dạng thuốc bột hoặc thuốc viên.

Liều dùng: 4 – 8 gram/ ngày và có thể tự điều chỉnh liều lượng tùy vào đối tượng và bệnh lý đang mắc phải.

Ô tặc cốt (mai mực) có vị mặn, se, tính hơi ấm, được quy vào kinh Can và Thận, có tác dụng trị lở loét, cầm máu, bổ huyết, hóa ngưng, trị thổ huyết,...
Ô tặc cốt (mai mực) có vị mặn, se, tính hơi ấm, được quy vào kinh Can và Thận, có tác dụng trị lở loét, cầm máu, bổ huyết, hóa ngưng, trị thổ huyết,…

Những bài thuốc cải thiện sức khỏe từ Ô tặc cốt

Một số bài thuốc hay từ Ô tặc cốt được giới Y học cổ truyền lưu trữ lại, bạn đọc có thể tham khảo:

1. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị viêm tai giữa có mủ

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt 2 gram và 0.4 gram Xạ hương.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu đã được chuẩn bị tán nhỏ thành bột mịn. Người bệnh rửa tai bằng dung dịch oxy già, sau đó sử dụng tăm bông để chấm lấy một ít hỗn hợp bột rồi ngoáy vào tai.

2. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị viêm loét âm hộ ở phụ nữ

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt và lòng đỏ trứng gà.
  • Cách thực hiện: Đem Ô tặc cốt đốt tồn tính rồi tán thành bột mịn. Đem phần bột mai mực đã được tán thành bột mịn cùng với lòng đỏ trứng gà sau đó thoa hỗn hợp trực tiếp lên vết loét. Giữ yên khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.

3. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị băng huyết ở phụ nữ lâu ngày không khỏi

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt và Tùng hoa với liều lượng bằng nhau.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên tán thành bột mịn rồi thoa trực tiếp lên vết thương và dùng băng gạc băng cố định lại. 

4. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị da bị viêm loét lâu ngày không khỏi

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt.
  • Cách thực hiện: Tán Ô tặc cốt thành bột mịn rồi thoa trực tiếp lên vị trí bị viêm loét. Nếu có nhiệt độc, người bệnh nên thêm một lượng Hoàng liên và Hoàng bá tán thành bột vừa đủ.

5. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị viêm loét nông trên da

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt.
  • Cách thực hiện: Đem những phần Ô tặc cốt đã được chuẩn bị tán thành bột mịn rồi đắp lên vùng da bị loét. Tiếp đó, bạn cần sử dụng bằng gạc vô trùng để băng cố định lại. Thay lại lớp bột và băng gạc mới sau 2 ngày.

6. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị chứng dạ dày tiết ra nhiều axit

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt 8 phần, Khô phàn 4 phần cùng với Diên hồ 1 phần.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn. Thêm một ít mật rồi hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 10 gram cùng với ly nước ấm và dùng mỗi ngày 3 lần.

7. Bài thuốc từ Ô tặc cốt giúp bổ huyết, chỉ huyết, hóa ngưng, ích tinh

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt 4 phần và Huệ nhự 1 phần.
  • Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn. Thêm 1 phần trứng chim sẻ rồi hoàn thành viên với kích thước bằng hạt đậu. Mỗi lần sử dụng 5 viên cùng với nước sắc bào ngư. Người bệnh nên sử dụng thuốc trước bữa ăn khoảng 20 – 30 phút.

8. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị tình trạng mắt có màng phía ngoài

  • Chuẩn bị: Ô tặc và Băng phiến mỗi vị 4 gram.
  • Cách thực hiện: Đem tán thành bột mịn và chia thành 3 phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày.

9. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị chứng xuất huyết do trĩ, do xuất huyết dạ dày,…

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt 12 gram; Thù nhục, Hoàng kỳ, Mẫu lệ, Bạch thược, Long cốt, Bạch truật mỗi vị 10 gram; Thuyên thảo 6 gram; Ngũ bội tử và Than bẹ móc mỗi vị 5 gram.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn phân nửa thì có thể tắt bếp. Chắt lọc lấy phần nước cốt để dùng, không sử dụng phần bã. Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Người bệnh nên sử dụng thuốc khi thuốc còn nóng.

10. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trị thổ huyết

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt và Bạch cập.
  • Cách thực hiện: Đem Ô tặc cốt tán thành bột mịn rồi sử dụng cùng với nước Bạch cập sắc. Mỗi lần sử dụng khoảng 1 – 2 gram.

11. Bài thuốc từ Ô tặc cốt trì xích bạch đới

Cách số 1:

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt 30 gram, Quán chúng than 25 gram cùng với Tam thất 6 gram.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 10 gram thuốc bột để dùng cải thiện bệnh lý. Dùng thuốc cùng với ly nước ấm.

Cách số 2:

  • Chuẩn bị: Ô tặc cốt và Sơn dược mỗi vị 12 gram cùng với Phục linh, Bạch chỉ, Bạch vị, Lộc giác sương, Mẫu lệ, Bạch truật và Bạch thược mỗi vị 10 gram.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ một thang thuốc trên tán thành bột mịn. Thêm một ít hồ rồi hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 6 gram, dùng thuốc cùng với ly nước ấm. Dùng thuốc mỗi ngày 3 lần.

Sử dụng Ô tặc cốt cần lưu ý đến những vấn đề gì?

Để việc sử dụng Ô tặc cốt không gặp phải vấn đề gì và phát huy hết công dụng vốn có của chúng, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Sử dụng Ô tặc cốt ở dạng bột mịn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn việc sử dụng ở dạng thuốc sắc;
  • Đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong Ô tặc cốt cần hết sức lưu ý khi sử dụng;
  • Đối tượng bị âm hư nhiệt nhiều không được sử dụng các bài thuốc từ Ô tặc cốt;
  • Nếu bạn sử dụng quá nhiều hay sử dụng trong khoảng thời gian quá lâu mà bị táo bón, khi đó, bạn nên sử dụng kèm thuốc nhuận tràng theo sự hướng dẫn của bác sĩ;
  • Tạm ngưng việc sử dụng thuốc từ Ô tặc cốt nếu cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, phát ban da,…
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng dược liệu Ô tắc cốt
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng dược liệu Ô tắc cốt

Trên đây là những thông tin liên quan đến Ô tặc cốt. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế lời khuyên hay phương pháp điều trị từ y khoa. Chính vì vậy, người bệnh không được tự ý sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ hoặc lương y.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm:

Ngày Cập nhật 07/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *