Tấm lòng thầy thuốc vùng cao

Trong những ngày “siêu rét” đầu năm 2016, chúng tôi có dịp công tác tại một số Trạm Y tế xã huyện Ngân Sơn, mặc dù nhiệt độ ngoài trời dưới­­ 60c nhưng những câu chuyện và tình cảm của các anh, chị làm chúng tôi ấm lòng hơn.

Xứng đáng là nơi Bác Hồ dừng chân.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là y sĩ Đồng Ngọc Chiến. Anh có thâm niên công tác lâu năm nhất ở Trạm Y tế Cốc Đán. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Cao Bằng, anh may mắn được phân công về xã Cốc Đán, nơi anh sinh ra – cũng là nơi Bác Hồ đã dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào, tháng 5 năm 1945, tại thôn Hoàng Phài.

Những ngày đầu là viên chức Nhà nước với bao vất vả, lương không đủ, lại thường xuyên bị chậm, nhà Trạm chưa có; công việc nhiều vô kể nhưng từ con người đến trang thiết bị cái gì cũng thiếu song với anh vất vả nhất vẫn là nhận thức của bà con. Năng suất lao động thấp, đời sống người dân vô cùng khó khăn, ăn không đủ nên không có điều kiện quan tâm đến sức khỏe. Song khi bị bệnh ít khi đi khám, cúng bái ở nhà; ăn, uống không đúng vệ sinh…nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.

Tấm lòng thầy thuốc vùng cao
Tấm lòng thầy thuốc vùng cao

Tuổi còn trẻ, được đào tạo cơ bản, các công việc khó khăn anh Chiến đều nhận. Anh kể “Nhiều lúc muốn bỏ việc, vì thời đó đói quá, nhưng thấy bà còn khổ, mình chẳng thể”.

 Không khác gì “Trạm Y tế di động” từ tuyên truyền phòng dịch, khám, chữa bệnh, đỡ đẻ, thăm khám ngoại Trạm, đi thôn bản anh chẳng chút nề hà, đâu bà con cần là có mặt anh.

Anh cho biết niềm vui lớn nhất sau gần 30 năm công tác, là tình hình bệnh, tật của người dân ngày càng giảm, ý thức phòng bệnh, đi khám bệnh ngày càng cao. Bà con no ấm hơn. Không như trước nữa, bây giờ, khi người dân bị mắc bệnh, việc đầu tiên là đến Trạm Y tế để được khám, tư vấn. Đến năm 2006, Cốc Đán là một trong những xã đầu tiên của huyện Ngân Sơn đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010.

Điều dưỡng Cương Thị Hiếu cho biết thêm, hiện dân số xã Cốc Đán có hơn 2.700 người sinh sống ở 22 thôn; có 13 thôn chủ yếu là người Dao, Mông; trong đó nhiều thôn cách xa trung tâm xã.

Như thôn Phiêng Soỏng, có 9 hộ dân, 54 nhân khẩu cách đến 12km. Trời nắng có thể đi được xe máy nhưng phụ nữ không dám cầm lái phải nhờ nam giơi đi, lắm hôm trời mưa trơn trượt phải mất 4 tiếng đồng hồ cuốc bộ bở hơi tai mới tới nơi. Nhưng, “Xa cũng phải đi, khó cũng phải làm, có quyết tâm mới thành công” chị Hiếu khẳng định.

Để phục vụ người dân tốt hơn, anh Chiến cho biết mong mỏi của tập thể Trạm Y tế là cấp trên quan tâm sửa chữa khu nhà cũ do được xây dựng từ dự án dân số/kế hoạch hóa gia đình đã xuống cấp không còn sử dụng được.

Công tác y tế ở xã diện tích rộng nhất tỉnh

Đứng chân trên địa bàn rộng gần 160km2, diện tích bằng cả huyện miền xuôi, song với chỉ có 04 người cũng đủ biết cán bộ Trạm Y tế xã Thượng Quan vất vả chừng nào.

Bác sỹ Cao Thị Bạch, Trưởng Trạm cho biết: Xã Thượng Quan có 22 thôn, có nhiều thôn rất xa như Slam Coóc, Khuổi Bin cách trung tâm xã đến 25 km, trời không mưa có thể đi được bằng xe máy nhưng đoạn được, đoạn không, vừa đi, vừa dắt mất cả ngày trời; nếu không thì có thể đi đường tỉnh lộ 279, vòng ra xã Vũ Loan (Na Rì), quãng đường đó cũng dài đến 80km. Không chỉ có vậy, người dân sống lẻ tẻ, thưa thớt, nhà cách nhà hơn km.

 Có chuyến công tác dài cả mấy ngày trời. Vất vả như vậy nhưng các chị vẫn duy trì đến các thôn để tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh, phòng dịch cho người dân, giáo dục sức khỏe về vệ sinh môi trường; đồng thời tổ chức giám sát thăm nắm tình hình dịch bệnh, nếu có ca bệnh truyền nhiễm thực hiện ngay phương án phòng dịch vì vậy trong nhiều qua, trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra.

Ngôn ngữ cũng là một rào cản đối với các chị. Cán bộ Trạm là người Tày, việc giao tiếp với người dân tộc Dao, Mông lúc có phiên dịch của y tế thôn bản không sao, nhưng có lúc các chị phải dùng nhiều động tác chân tay mới chuyển tải được ý nghĩ đến với người dân. Có những trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh phải mất cả tiếng động hồ với vô vàn động tác như vũ công mới “khai thác” được tiền sử bệnh của bệnh nhân.

Vượt trên khó khăn là tấm lòng và trách nhiệm hết mình vì công việc, trong nhiều năm qua cán bộ Trạm Y tế xã Thượng Quan luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2015, 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ và được uống bổ sung vitamin, 100% phụ nữ có thai được quản lý, 52% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác khám, chữa bệnh được duy trì. Trong năm qua, tổ chức khám cho 3.345 lượt người trên tổng dân số 3.288 người.

Bác sĩ Cao Thị Bạch tâm sự: Đời sống của người dân xã Thượng Quan còn nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình chịu khó làm ăn nhưng cái nghèo, cái đói vẫn còn; mình là cán bộ y tế phải có trách nhiệm đem lại sức khỏe cho người dân, vì vậy, dù trong điều kiện nào luôn tận tình vì công việc.

Chia tay, Trạm Y tế xã Thượng Quan trong tiết trời lạnh lẽo nhưng những câu chuyện về các chị, làm chúng tôi ấm áp phần nào. Bởi lẽ, vượt lên bao nỗi vất vả là tấm lòng của các y, bác sĩ đối với sức khỏe người dân.

Bài và ảnh: Đàm Trung

Trung tâm Truyền thông GDSK Bắc Kạn

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *