• Tên Chlorhexidine
  • Loại thuốc Biệt dược
  • Xuất xứ Pháp
  • Loại thuốc Biệt dược
  • Hoạt chất Biệt dược

Chlorhexidine là thuốc gì? Công dụng, cách sử dụng và lưu ý

Chlorhexidine thuộc nhóm thuốc sát trùng và khử khuẩn. Hoạt chất này thường được dùng trong các chế phẩm điều trị tại chỗ như dung dịch súc miệng, băng gạc, dung dịch vô khuẩn, thuốc bôi ngoài da, viên ngậm,… Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng nếu không thận trọng khi dùng, Chlorhexidine có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.

Chlorhexidine
Chlorhexidine là thuốc gì?

Thông tin cơ bản về thuốc Chlorhexidine

  • Tên hoạt chất: Chlorhexidine
  • Biệt dược: Kin, Medoral, Sagopha, Chlorhexidine 0.5%,…
  • Phân loại: Thuốc sát trùng và khử khuẩn
  • Dạng bào chế: Dung dịch súc miệng, dung dịch xà phòng, sữa tắm, thuốc bôi ngoài da, viên ngậm, khí dung, bông gạc tẩm thuốc, sữa tắm,…

Chlorhexidine là thuốc gì?

Chlorhexidine là hoạt chất có tác dụng sát khuẩn, khử trùng tại chỗ và chính thức được sử dụng trong y tế từ năm 1950. Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này có hiệu quả đối với vi khuẩn gram âm, gram dương, nấm men và các loại virus ưa lipid – kể cả HIV. 

Chlorhexidine thường được dùng trong các chế phẩm sát trùng da, niêm mạc và dụng cụ y tế. Ngoài ra, hoạt chất này cũng được sử dụng để làm sạch vết thương, ngăn ngừa nhiễm trùng, điều trị nhiễm nấm men, ức chế vi khuẩn gây sâu răng, hạn chế mảng bám và thông ống tiết niệu. 

Bên cạnh đó, Chlorhexidine còn được sử dụng cho các mục đích khác không được đề cập trong bài viết. Để biết đầy đủ thông tin về loại thuốc này, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Dược.

Công dụng thuốc Chlorhexidine theo từng dạng bào chế

Chlorhexidine chủ yếu được bào chế ở dạng sử dụng tại chỗ. Các dạng bào chế phổ biến, bao gồm:

1. Dung dịch súc miệng Chlorhexidine

Dung dịch súc miệng là một trong dạng bào chế phổ biến nhất của hoạt chất Chlorhexidine. Dạng bào chế này thường được sử dụng nhằm giảm viêm, đau rát và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. 

chlorhexidine súc miệng
Thuốc Chlorhexidine ở dạng súc miệng thường được dùng để trị viêm lợi, loét áp tơ, ngừa sâu răng,…

Dung dịch súc miệng Chlorhexidine thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị viêm lợi và viêm miệng
  • Điều trị loét áp tơ
  • Phòng ngừa cao răng và giảm nguy cơ mắc bệnh sâu răng
  • Sát khuẩn trước và sau phẫu thuật
  • Hỗ trợ liền sẹo
  • Một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở khoang miệng và niêm mạc hầu họng

2. Thuốc Chlorhexidine dạng khí dung

Thuốc Chlorhexidine dạng khí dung thường được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực phẫu thuật nha khoa và khoang miệng do có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm và giảm đau nhức. Ngoài ra, thuốc được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn không đặc hiệu như viêm họng, loét áp tơ và viêm amidan.

Dạng bào chế này được sử dụng bằng cách xịt trực tiếp vào niêm mạc miệng và họng. Thuốc Chlorhexidine dạng khí dung thường được sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như loét áp tơ, viêm họng, viêm amidan,…
  • Sát khuẩn sau khi nhổ răng nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm đau
  • Điều trị viêm lợi

3. Bông gạc tẩm thuốc Chlorhexidine

Bông gạc tẩm thuốc Chlorhexidine được sử dụng trực tiếp tại vết thương và vùng da/ niêm mạc cần khử trùng. Dạng bào chế này thường được sử dụng để phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn trong những trường hợp sau:

  • Loét, chấn thương và vết phẫu thuật do tiểu đường, giãn tĩnh mạch,…
  • Da bị rách, trầy và có vết thương hở do bỏng nhiệt, bỏng nước, côn trùng cắn, ma sát,…
  • Phòng ngừa nhiễm khuẩn trong trường hợp cấy ghép da
  • Cắt bỏ và thay móng chân, móng tay
  • Phẫu thuật cắt bao quy đầu
  • Nhiễm khuẩn da thứ phát đối với bệnh chàm, zona thần kinh và các dạng viêm da khác
  • Vùng da trích rạch áp xe, viền móng
  • Mở thông khí quản, hồi tràng và đại tràng

4. Dung dịch rửa Chlorhexidine

Dung dịch rửa (xà phòng, sữa tắm, dầu gội) là một trong những dạng bào chế phổ biến của hoạt chất Chlorhexidine. Dạng bào chế này thường được dùng để sát khuẩn ngoài da, dụng cụ y tế trong trường hợp phẫu thuật, phòng ngừa và điều trị viêm nhiễm phụ khoa.

chlorhexidine là gì
Dung dịch rửa Chlorhexidine thường được dùng để vô khuẩn tay và dụng cụ y tế trước khi phẫu thuật

Dung dịch rửa được dùng bằng cách thoa trực tiếp lên phạm vi da cần sát trùng và khử khuẩn. Thuốc Chlorhexidine dạng dung dịch rửa thường được dùng trong những trường hợp sau:

  • Khử khuẩn và làm sạch vết thương
  • Vô khuẩn tay trước khi phẫu thuật hoặc vệ sinh vết thương
  • Vô khuẩn dụng cụ và thiết bị y tế

Hầu hết các dung dịch rửa Chlorhexidine đều được nhà sản xuất pha loãng với nồng độ thích hợp. Tuy nhiên đối với các chế phẩm chứa nồng độ thuốc cao, phải pha với nước muối sinh lý vô khuẩn hoặc nước cất trước khi sử dụng.

5. Thuốc bôi dùng ngoài

Chlorhexidine ở dạng thuốc bôi dùng ngoài thường được dùng làm thuốc sát khuẩn, phòng ngừa – điều trị nhiễm trùng da và làm trơn trong thực hành sản phụ khoa.

6. Viên ngậm Chlorhexidine

Viên ngậm Chlorhexidine thường được dùng để sát khuẩn và giảm đau niêm mạc họng. Dạng bào chế này được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm họng, viêm amidan và một số dạng nhiễm khuẩn thường gặp ở khoang miệng. Đối với dạng viên ngậm, Chlorhexidine thường được phối hợp với các hoạt chất kháng sinh và thành phần gây tê tại chỗ như Lidocaine.

Chống chỉ định thuốc Chlorhexidine

Thuốc Chlorhexidine chống chỉ định với những đối tượng sau:

  • Quá mẫn với Chlorhexidine và các thành phần trong thuốc
  • Không sử dụng cho tai, màng não và não

Liều lượng & Cách sử dụng thuốc Chlorhexidine

Liều lượng sử dụng thuốc Chlorhexidine phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ nhiễm trùng và mục đích sử dụng. Để biết liều dùng phù hợp, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì hoặc trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.

Dưới đây là thông tin về liều lượng thuốc Chlorhexidine trong các trường hợp phổ biến:

– Chlorhexidine viên ngậm:

  • Người lớn: Ngậm 1 viên/ lần, ngày ngậm 3 – 4 lần. Khoảng cách giữa 2 lần ngậm ít nhất 2 giờ đồng hồ.
  • Trẻ em: Ngậm 1 viên/ lần, ngày ngậm từ 2 – 3 lần. Khoảng cách giữa 2 lần ngậm phải ít nhất 4 giờ.
  • Cách dùng: Ngậm trực tiếp đến khi viên thuốc tan hoàn toàn

– Thuốc Chlorhexidine dạng khí dung:

  • Cách dùng: Xịt trực tiếp vào khoang miệng và cổ họng
  • Liều dùng: Khoảng 3 – 5 lần/ ngày

– Thuốc Chlorhexidine dung dịch súc miệng:

  • Thường sử dụng Chlorhexidine với nồng độ 0.02 – 0.05%
  • Người lớn: Dùng từ 1 – 6 lần/ ngày trong điều trị viêm hầu – miệng, sử dụng 3 – 6 lần trong điều trị nhiễm khuẩn và dùng 1 – 2 lần để vệ sinh răng miệng
  • Trẻ em: Súc miệng từ 1 – 3 lần/ ngày trong điều trị viêm hầu – miệng. Khoảng cách giữa 2 lần sử dụng phải cách nhau ít nhất 4 giờ đồng hồ

– Chlorhexidine dạng bông gạc tẩm thuốc:

  • Dùng khi cần thiết, đối với nhiễm trùng da thứ phát sử dụng từ 2 – 3 lần/ ngày
  • Vệ sinh da, sau đó đắp gạc lên và thay băng gạc sau khoảng vài giờ

– Chlorhexidine dạng dung dịch rửa:

  • Sử dụng để vệ sinh tay, vết thương,…
  • Vệ sinh vùng kín sau đó rửa lại với nước sạch. Sử dụng theo liều lượng và tần suất được bác sĩ chỉ định.

– Chlorhexidine dạng thuốc bôi ngoài:

  • Thoa trực tiếp lên vùng da/ niêm mạc cần điều trị
  • Liều lượng tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn và chỉ định của bác sĩ

Lưu ý: Liều dùng trong bài viết chỉ phù hợp với những trường hợp phổ biến. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc, bạn nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng.

Thận trọng khi dùng thuốc Chlorhexidine

Chlorhexidine là thuốc sát trùng và khử khuẩn phổ biến. Tuy nhiên trước khi sử dụng, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:

chlorhexidine nước súc miệng
Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc
  • Không sử dụng thuốc trong điều trị các bệnh ở tai vì Chlorhexidine có thể gây điếc ở trẻ nhỏ.
  • Tránh để thuốc dây vào mũi và mắt. Nếu thuốc dính vào mắt và mũi, nên rửa lại với nước sạch hoặc có thể tìm gặp bác sĩ trong trường hợp phát sinh các triệu chứng bất thường.
  • Dùng Chlorhexidine trong thời gian dài có thể gây đổi màu răng (kể cả răng giả). Tuy nhiên tình trạng này có thể được cải thiện sau khi ngưng sử dụng.
  • Ngưng dùng thuốc nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 5 ngày. Trong trường hợp này, nên thông báo với bác sĩ để được đánh giá lại chẩn đoán và thay thế biện pháp điều trị.
  • Không nhận thấy ảnh hưởng nghiêm trọng khi sử dụng Chlorhexidine ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng.
  • Một lượng thuốc Chlorhexidine nhỏ có thể đi vào tuần hoàn máu khi dùng ở dạng vệ sinh âm đạo. Tuy nhiên, nồng độ thuốc khá thấp và không có ý nghĩa lâm sàng. Do đó, phụ nữ cho con bú có thể dùng chế phẩm chứa Chlorhexidine.

Tương tác thuốc Chlorhexidine

Hiệu lực của thuốc Chlorhexidine có thể bị thay đổi nếu sử dụng đồng thời với một số thuốc có khả năng tương tác. Vì vậy, bạn nên thông báo với bác sĩ toàn bộ các loại thuốc (kể cả dung dịch dùng ngoài) để dự phòng hiện tượng này.

Hạn chế dùng Chlorhexidine với các chế phẩm và loại thuốc sau:

  • Xà phòng: Xà phòng và Chlorhexidine đều có khả năng sát khuẩn nên cần tránh sử dụng đồng thời. Dùng cùng lúc có thể gây khô, bong tróc và kích ứng da mạnh.
  • Thuốc sát khuẩn khác: Sử dụng Chlorhexidine với các thuốc sát khuẩn khác có thể làm mất tác dụng và giảm hiệu khử khuẩn, sát trùng.
  • Vải vóc tiếp xúc với Chlorhexidine có thể chuyển sang màu nâu đen. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc nhằm hạn chế thuốc dây vào quần áo và mắt mũi. 

Chlorhexidine tương hợp với các chất gây tê như Lidocaine và Tetracaine. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn các chế phẩm phối hợp để sát trùng, khử khuẩn và giảm đau tại chỗ.

Tác dụng phụ khi sử dụng Chlorhexidine

Chlorhexidine ít khi hấp thu vào tuần hoàn máu khi dùng ở dạng điều trị tại chỗ. Tuy nhiên thuốc có thể gây dị ứng và kích ứng da/ niêm mạc tại vị trí sử dụng.

nước súc miệng chlorhexidine giá bao nhiêu
Chlorhexidine có thể gây kích ứng da, tê lưỡi, nóng rát ở lưỡi và giảm khứu giác tạm thời

Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc Chlorhexidine:

  • Kích ứng da
  • Đổi màu răng và lưỡi (có hồi phục)
  • Gây tê lưỡi
  • Có cảm giác nóng rát ở lưỡi trong thời gian đầu mới sử dụng
  • Rối loạn vị giác tạm thời
  • Giảm khứu giác tạm thời
  • Sưng tuyến mang tai
  • Bong niêm mạc miệng (trong trường hợp này phải pha loãng với nước)
  • Chóng mặt
  • Nhịp tim nhanh
  • Khô miệng

Ngoài ra, thuốc Chlorhexidine còn có thể gây ra một số tác dụng phụ ít gặp như:

Hầu hết các tác dụng ngoại ý của thuốc đều có mức độ nhẹ và hồi phục sau khi ngưng thuốc. Tuy nhiên nếu có phản ứng dị ứng (khó thở, sưng lưỡi, cổ họng,…), cần cấp cứu sớm để tránh các trường hợp đáng tiếc.

Nhận biết quá liều thuốc Chlorhexidine

Sử dụng Chlorhexidine quá liều có thể làm tăng mức độ hấp thu qua niêm mạc âm đạo và niêm mạc miệng. Nồng độ thuốc Chlorhexidine được hấp thu quá cao thường gây hại đối với hệ tim mạch và thần kinh.

Trong trường hợp uống phải Chlorhexidine, có thể gây ra hiện tượng tan máu. Nếu kịp thời cấp cứu, bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày kết hợp với điều trị triệu chứng. Tuy nhiên trong trường hợp đã xảy ra tan máu, cần cân nhắc truyền máu nếu cần thiết.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thuốc Chlorhexidine sát trùng và khử khuẩn. Tuy nhiên thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy trước khi sử dụng, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì và tham vấn y khoa để dự phòng rủi ro và tác dụng ngoại ý.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *