Tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh và những điều cần biết

Tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thường được thực hiện trong 24 giờ sau khi sinh. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm bổ sung 4 mũi nhằm cung cấp đủ kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Để hiểu rõ hơn về biện pháp này, phụ huynh có thể tham khảo một số thông tin cần thiết trong bài viết sau.

Tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Các thông tin cần biết trước khi tiêm vacxin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh có tác dụng gì?

Viêm gan B là bệnh viêm nhiễm gan do siêu vi B (Hepatitis B virus) gây ra. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan, tăng nguy cơ suy gan, xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan.

Thông thường, Hepatitis B virus lây nhiễm qua đường máu, từ mẹ sang con và lây qua hoạt động tình dục. Do đó trong 24 giờ sau khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ được chích ngừa viêm gan B để tránh nguy cơ lây nhiễm – đặc biệt là đối với những trẻ có mẹ dương tính với Hepatitis B virus. 

Hiện nay, bệnh viêm gan B chưa có thuốc và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên bạn có thể tiêm vacxin để phòng ngừa bệnh lý này. Nếu tiêm đầy đủ, vacxin có thể ngăn ngừa từ 90 – 95% nguy cơ nhiễm Hepatitis B virus.

Có nên tiêm vacxin viêm gan B trong 24 giờ sau khi chào đời?

Hepatitis B virus không lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai mà chỉ lây qua đường máu khi sinh nở. Vì vậy việc tiêm ngừa vacxin trong vòng 24 giờ sau khi chào đời là biện pháp rất cần thiết nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Theo nghiên cứu lâm sàng, 12 giờ sau khi sinh là thời điểm vacxin có hiệu quả cao nhất (khoảng 90%). Hiệu quả phòng ngừa bệnh thường giảm dần theo từng ngày và không có khả năng phòng bệnh nếu tiêm sau 7 ngày.

Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ sơ sinh có thể bị sốc hoặc gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm vacxin quá sớm. Tuy nhiên vacxin viêm gan B đã được kiểm nghiệm về độ an toàn và tính hiệu quả. Do đó việc chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu là biện pháp quan trọng và cần thiết.

Chỉ định – Chống chỉ định tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Hầu hết trẻ sơ sinh đều được khuyến khích tiêm ngừa viêm gan B. Tuy nhiên trên thực tế, biện pháp này chỉ được thực hiện khi trẻ có đủ các điều kiện sức khỏe sau:

tiêm chủng viêm gan b cho trẻ sơ sinh
Bác sĩ chỉ tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan B cho trẻ có đủ điều kiện sức khỏe
  • Nhịp thở đều và ổn định
  • Bú sữa mẹ bình thường
  • Không mắc các bệnh bẩm sinh
  • Cân nặng đủ

Ngược lại, những trẻ sơ sinh gặp phải các vấn đề sau không được tiêm vacxin ngừa viêm gan B:

  • Thể trạng ốm yếu
  • Thân nhiệt cao
  • Dị tật bẩm sinh
  • Sinh non
  • Bị ngạt khi sinh

Đối với những trường hợp này, bác sĩ thường không tiêm mũi vacxin phòng ngừa trong 24 giờ đầu tiên. Tuy nhiên nếu sức khỏe trẻ ổn định dần, có thể tiêm các mũi còn lại để cung cấp kháng thể cho trẻ và hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.

Tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh mấy mũi?

Trẻ sơ sinh sẽ được tiêm 1 mũi vacxin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu tiên. Đối với trẻ có mẹ dương tính với Hepatitis B virus, cần tiêm kết hợp với huyết thanh để tạo miễn dịch kịp thời và giảm tỷ lệ nhiễm bệnh.

Sau đó cần tiến hành bổ sung 4 mũi để đảm bảo trẻ có đủ kháng thể nhằm chống lại virus gây bệnh. Có thể chích ngừa viêm gan B cho trẻ theo phác đồ sau:

tiêm viêm gan b cho trẻ sơ sinh có sốt không
Vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh được tiêm ngay sau khi sinh và tiêm vào tháng thứ 2 – 3 – 4 – 18
  • Mũi sơ sinh (mũi 0): Tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh và có thể tiêm cùng với huyết thanh kháng viêm gan B nếu mẹ dương tính với Hepatitis B virus.
  • Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
  • Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
  • Mũi 3: Tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
  • Mũi 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, nên tiêm thêm 1 mũi bổ sung để trẻ có đủ kháng thể kháng virus viêm gan B.

Sau mũi 0, mẹ có thể cho trẻ tiêm ngừa viêm gan B trong các loại vacxin tổng hợp nhiều bệnh như ho gà – bại liệt – bạch hầu – uốn ván – HIB,…

Kháng thể kháng Hepatitis B virus có hiệu lực trong khoảng 10 – 20 năm tùy vào mức độ miễn dịch và cơ địa của từng trường hợp. Tuy nhiên số lượng kháng thể thường có xu hướng giảm dần theo từng năm. Vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện xét nghiệm viêm gan B 5 năm/ lần để xác định nồng độ kháng thể và tiêm bổ sung nếu cần thiết.

Các loại vacxin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Hiện nay trên thị trường có các loại vacxin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ em như:

Loại vacxin ngừa viêm gan B đơn:

  • Eubax B 0.5ml (Hàn Quốc)
  • Hepavax Gene 0.5ml (Hàn Quốc)
  • Engerix B 0.5ml (Bỉ)
  • Immunohbs 180UI/ ml (Ý)

Loại vacxin ngừa viêm gan B phối hợp:

  • Twinrix (Bỉ) ngừa viêm gan B và viêm gan A
  • Infanrix Hexa 0.5ml (Bỉ) ngừa viêm gan B, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, HIB.
  • Hexaxim 0.5ml (Pháp) ngừa viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, HIB và bại liệt.

Để giảm thiểu tần suất tiêm ngừa, phụ huynh có thể cho trẻ tiêm các mũi vacxin phối hợp. Hiệu quả miễn dịch của vacxin đơn lẻ và vacxin phối hợp là tương tự.

Không tiêm mũi viêm gan B cho trẻ sơ sinh có sao không?

Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch kém hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành. Do đó trẻ có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi B và các bệnh lây nhiễm cao hơn các đối tượng khác.

Trong trường hợp không kịp thời tiêm mũi 0 trong 7 ngày đầu tiên, phụ huynh nên cho trẻ tiêm ngừa viêm gan B và các bệnh lý nguy hiểm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng tiêm vacxin được xem là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất hiện nay (giảm được khoảng 90% nguy cơ mắc bệnh).

Tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh có sốt không?

Sốt là phản ứng thông thường của cơ thể sau khi tiêm vacxin. Đây là hệ quả do hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tương ứng với Hepatitis B virus. Tuy nhiên triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng 3 – 5 ngày.

tiêm viêm gan b cho trẻ sơ sinh có sốt không
Tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh có sốt không?

Ngoài triệu chứng sốt, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác như:

Các tác dụng phụ trên đều có mức độ nhẹ và thuyên giảm chỉ sau vài ngày. Thực tế có một số ít trẻ có thể bị sốc hoặc dị ứng với vacxin. Do đó phụ huynh nên cho trẻ ở lại cơ sở y tế trong khoảng 30 phút để được y tá kiểm tra vết tiêm, thân nhiệt và tình trạng sức khỏe trước khi về nhà. Sau đó, nên tiếp tục theo dõi trẻ trong ít nhất 3 ngày và chủ động đến bệnh viện nếu con trẻ có các triệu chứng bất thường.

Chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin ngừa viêm gan B

Sau khi tiêm vacxin ngừa viêm gan B, phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:

  • Kiểm tra thân nhiệt của trẻ thường xuyên. Nếu trẻ sốt, có thể chườm mát, nới rộng quần áo và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nên tăng cường cho trẻ bú trong thời gian sau khi chích ngừa. Ngoài chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp trẻ khỏe mạnh và giảm nhẹ các triệu chứng nóng sốt, mệt mỏi,…
  • Đối với trẻ hơn 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ uống nước lọc và nước ép để hạ sốt, cải thiện hệ miễn dịch và giảm mệt mỏi sau khi chích ngừa.
  • Quan sát chặt chẽ biểu hiện của trẻ trong 3 ngày sau khi tiêm. Nếu có các triệu chứng bất thường, nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là biện pháp phòng ngừa hiệu quả và cần thiết. Do đó phụ huynh nên cho trẻ tiêm đầy đủ để có đủ kháng thể chống lại virus gây bệnh. Đối với trẻ có thể trạng yếu hoặc mắc các bệnh bẩm sinh, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ khoa Nhi để được tư vấn và đưa ra giải đáp chuyên môn.

Tham khảo thêm: Có nên tiêm phòng viêm gan B khi mang thai?

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *