Vẹo cột sống: Nguyên nhân, Cách điều trị và phòng ngừa

Vẹo cột sống là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng phổ biến là trẻ nhỏ và vị thành niên đang trong độ tuổi phát triển. Đây là tình trạng cột sống bị cong vẹo lệch khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể và tác động xấu đến sức khỏe người bệnh. Vậy nguyên nhân gây vẹo cột sống là gì, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong vẹo lệch khỏi vị trí ban đầu
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong vẹo lệch khỏi vị trí ban đầu

Vẹo cột sống là gì?

Cột sống là cơ quan chứa rất nhiều dây thần kinh, có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Đây là trụ cột của cơ thể, chúng đóng vai trò như bộ khung nâng đỡ giúp chúng ta duy trì dáng thẳng đứng, đồng thời bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng bên trong. Cột sống ở trạng thái bình thường sẽ có 3 đường cong tự nhiên ở cổ, lưng trên, lưng dưới và tạo thành dáng hình chữ S, khi nhìn từ phía sau cột sống sẽ nằm trên một đường thẳng.

Vẹo cột sống là tình trạng các đốt sống bị cong bất thường sang một bệnh so với trục xương sống, nếu bạn nhìn từ phía sau thì chúng sẽ bị nghiêng sang một bên. Đây là bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, trẻ vị thành niên và đặc biệt là ở các bé gái, tình trạng này trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn khi trẻ lớn lên. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà bệnh vẹo cột sống được chia thành 3 cấp độ sau đây:

  • Vẹo cột sống độ 1: Cột sống đã bị lệch so với trục xương sống, chưa gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và khó nhận biết bằng mắt thường.
  • Vẹo cột sống độ 2: Cột sống bị cong vẹo có thể nhận biết thông qua mắt thường khi nhìn từ phía sau. Lúc này xương sườn sẽ bị gù và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
  • Vẹo cột sống độ 3: Cột sống người bệnh vẹo hẳn sang một bên, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hô hấp, biến dạng khung chậu,…

Đây là bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở nước ta với số ca mắc bệnh ở trẻ em ngày càng nhiều. Vẹo cột sống là một dị tật ở cột sống rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cơ thể và chiều cao của trẻ. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng lâu dài ảnh hưởng lớn đến các cơ quan xung quanh như rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, biến dạng khung ngực, ảnh hưởng tim phổi,…

Nguyên nhân gây vẹo cột sống

Vẹo cột sống là căn bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể trạng của trẻ em. Đây là bệnh lý xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó số trường hợp trẻ vị thành niên mắc bệnh do nguyên nhân tự phát chiếm đến 85%, độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là 10 – 15 tuổi. Vẹo cột sống được hình thành dựa trên các nguyên nhân cơ bản sau đây:

– Di truyền: Theo nghiên cứu y khoa, những trẻ em có bố mẹ bị mắc chứng bệnh vẹo cột sống sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.

– Dị tật bẩm sinh: Trẻ mắc một số dị tật bẩm sinh như chiều dài hai chân không đều, rối loạn xương sống bẩm sinh, rối loạn thần kinh,… cũng sẽ khiến trẻ có nguy cơ mắc chứng vẹo cột sống rất cao.

– Do lúc mang thai: Vẹo cột sống có thể hình thành ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ do các yếu tố sau đây:

  • Bào thai phát triển quá nhanh khiến cơ thể mẹ không kịp thích ứng, điều này sẽ khiến bào thai phải chịu áp lực đè nén từ cơ thể mẹ dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống.
  • Trong quá trình mang thai mẹ có sử dụng thuốc, hóa chất hoặc các loại thực phẩm chứa chất độc hại ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Ngôi thai không dịch chuyển trong suốt quá trình mang thai hoặc bào thai bị tác động mạnh từ ngoại lực bên ngoài.
  • Khi sinh nở, cổ tử cung của người mẹ quá hẹp, mở không đủ lớn gây chèn ép lên cột sống của trẻ.

– Vẹo cột sống ở trẻ em: Chứng vẹo cột sống ở trẻ em hình thành chủ yếu do thói quen ngồi học không đúng tư thế, ngồi lệch sang một bên, sử dụng bàn ghế có kích thước không phù hợp với lứa tuổi,…

– Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân gây bệnh phổ biến ở trên, vẹo cột sống cũng có thể hình thành do một số yếu tố khác như suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ tập đi đứng quá sớm, gặp các vấn đề về nội tiết tốt, mắc các bệnh viêm xương khớp,…

Trên đây là các nguyên nhân chính gây ra bệnh vẹo cột sống người bệnh cần phải tìm hiểu và nắm rõ, điều này sẽ giúp bạn có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cũng như biện pháp phòng tránh tích cực.

Dấu hiệu nhận biết vẹo cột sống

Các triệu chứng của bệnh vẹo cột sống rất đa dạng, chúng tùy thuộc vào độ lớn của góc vẹo và tình trạng của người bệnh. Tuy nhiên bạn vẫn có thể nhận biết các bất thường của bệnh thông qua các triệu chứng phổ biến sau đây:

Vẹo cột sống khiến một bên xương bả vai gồ lên cao hơn bình thường
Vẹo cột sống khiến một bên xương bả vai gồ lên cao hơn bình thường
  • Khi quan sát bạn sẽ thấy hai bên vai của người bệnh bị chênh lệch bên thấp bên cao rất rõ rệt, xương sống nghiêng về bên nào thì phần bã vai bên đó sẽ thấp hơn.
  • Phần hông của người bệnh sẽ có một bên thấp bên cao,  những vết lằn của xương sườn hằn ra bên ngoài da ở một bên hông.
  • Cột sống không nằm trên một đường thẳng như bình thường mà chúng sẽ có những đường cong bất thường, các đốt sống có thể gồ lên cao hoặc xoáy vặn.
  • Cơ thể bị mất cân đối và nghiêng hẳn sang một bên, ở những trường hợp vẹo cột sống cổ có thể làm cổ bị lệch sang một bên.
  • Ở những trường hợp bệnh nặng người bệnh sẽ có triệu chứng đau bắp thịt bị kéo căng, suy hô hấp mãn tính, chèn ép các cơ quan trong bụng, tim phổi bị xê dịch vị trí,…

Vẹo cột sống ảnh hưởng thế nào đến người bệnh?

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh vẹo cột sống mà bệnh sẽ gây ra những ảnh hưởng khác nhau đến người bệnh. Dưới đây là một số tổn thương do bệnh vẹo cột sống gây ra người bệnh cần phải cảnh giác và không được lơ là trong việc điều trị:

  • Đối với trẻ nhỏ, cong vẹo cột sống sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc đi đứng sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Khi trẻ lớn dần, độ vẹo của xương sống sẽ ngày càng nhiều gây ra các bất thường về ngoại hình, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti và tác động tiêu cực đến tâm lý. Ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, công việc và học tập của trẻ sau này.
  • Vẹo cột sống nếu không được điều trị kịp thời sẽ chèn ép và tác động xấu lên các cơ quan nội tạng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng phổi gây khó thở, dị tật lồng ngực dẫn đến tổn thương tim, tăng nguy cơ mất xương, loãng xương,… Còn đối với nữ giới, khi bị vẹo cột sống sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản sau này.

Các phương pháp điều trị vẹo cột sống

Khi thấy cột sống lưng có bất kỳ triệu chứng bất thường nào hoặc hình dạng lưng có sự thay đổi người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, xác định bệnh trạng để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để xác định độ cong vẹo của xương sống, đồng thời chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp CT, diện chẩn,…

Đa số các trường hợp vẹo cột sống nhẹ sẽ không cần phải tiến hành điều trị, còn những trường hợp bệnh tiến triển nặng thì cần phải can thiệp y khoa để ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn. Quá trình điều trị cong vẹo cột sống diễn ra khá phức tạp, yêu cầu người bệnh cần phải kiên trì thực hiện để có thể mang lại kết quả. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và độ cong vẹo của cột sống mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Mang áo nẹp chỉnh hình

Mang áo nẹp chỉnh hình là phương pháp điều trị thường được chỉ định áp dụng cho những trường hợp trẻ chưa thành niên bị vẹo cột sống, vẹo cột sống tiếp tục tiến triển và có độ lệch từ 25 – 40độ. 

Thanh nẹp lưng sẽ có tác dụng nắn cột sống trở lại đường cong sinh lý bình thường. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định mặc áo nẹp trong thời gian dài khoảng 16 – 23 giờ/ngày cho đến khi bệnh ngừng tiến triển nặng. Ở phương pháp điều trị này người bệnh cần phải tiến hành tái khám 3 tháng 1 lần để kiểm soát tình trạng bệnh. 

Tuy nhiên, nẹp chỉnh hình có thể không mang lại hiệu quả điều trị 100%, ở một số trường hợp phương pháp này chỉ có thể ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng hơn hoặc trì hoãn thời gian tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật chỉnh hình

Phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh cuối cùng, thường được chỉ định điều trị cho những trường hợp bệnh đã quá nặng với góc vẹo hơn 40 độ và gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả chữa vẹo cột sống rất nhanh chóng, tuy nhiên chúng rất ít khi được áp dụng để điều trị bệnh do tiềm ẩn nhiều rủi ro như sốc thuốc, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh gây bại liệt,… Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành lựa chọn điều trị vẹo cột sống bằng phương pháp này.

Đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp
Đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp

Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp bị vẹo cột sống và mang lại hiệu quả tốt nhất ở những ca có độ lệch cột sống dưới 25 độ. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định và hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập để tác động lên cột sống như:

– Bài tập tăng cường cơ vùng lưng

  • Ngồi xuống sàn duỗi thẳng hai chân, tư thế thẳng lưng và để hai tay song song với hai chân.
  • Từ từ đưa hai tay về phía mũi chân để kéo giãn phần lưng, cố gắng chạm càng gần ngón chân càng tốt.
  • Giữ nguyên tư thế đó trong khoảng 10 giây rồi thả lỏng cơ thể, thực hiện lặp lại bài tập này 15 lần trong một hiệp tập.

– Bài tập kéo giãn cột sống

  • Ngồi thẳng người trên ghế, hai tay giơ lên để song song với hai đùi.
  • Tiến hành xoay nhẹ người sang bên trái đồng thời vặn hai tay về cùng phía bên trái, chú ý giữ nguyên lưng để chống lại lực kéo.
  • Sau đó trở lại vị trí ban đầu và thực hiện tương tự với bên còn lại.
  • Thực hiện lặp lại động tác này mỗi bên khoảng 10 lần trong một hiệp tập.

– Bài tập áp tường

  • Đứng úp mặt vào tường sao cho đầu, vai, lưng đều áp vào tường, đồng thời giữ cho thẳng lưng
  • Từ từ nghiêng người qua bên phải nhưng giữ nguyên độ cong cột sóng và đầu vai vẫn áp vào tường.
  • Sau đó trở về vị trí ban đầu rồi thực hiện xoay người với bên còn lại.
  • Thực hiện bài tập này khoảng 20 lần mỗi bên cho một hiệp tập.

Trị liệu thần kinh cột sống

Đây là phương pháp điều trị bệnh xương khớp hiện đại, được chuyên gia đánh giá cao về độ an toàn và hiệu quả mang lại trong việc điều trị các bệnh lý về cột sống. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dụng lực của bàn tay để tác động vào các cấu trúc xương bị sai lệch để nắn chỉnh lại về đúng vị trí tự nhiên ban đầu. Sau đó, kết hợp với vật lý trị liệu để làm mềm mô cơ xung quanh và đeo đai cố định góc nếu người bệnh đang trong độ tuổi phát triển.

Biện pháp phòng ngừa vẹo cột sống

Vẹo cột sống là bệnh lý có thể cải thiện bằng phương pháp vật lý trị liệu, tuy nhiên người bệnh cần phải kiên trì thực hiện điều trị trong thời gian dài và tuyệt đối không được bỏ cuộc. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống hàng ngày cũng là một việc làm hết sức cần thiết để phòng ngừa, hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa vẹo cột sống ngay từ khi còn trẻ, bạn cần phải lưu ý và tuân theo:

  • Trẻ em nên hình thành thói quen ngồi học ngay ngắn và đúng tư thể bằng cách ngồi thẳng lưng, hai chân để song song nhau và đặt xuống sàn, khuỷu tay để thoải mái trên mặt bàn và không được để chéo vở khi viết.
  • Lựa chọn bàn ghế ngồi học phù thuộc với chiều cao của bản thân để giữ thẳng lưng, tránh cong gù xương sống. Không nên cho trẻ mang vác cặp sách quá nặng gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cột sống.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để tăng cường độ chắc khỏe và dẻo dai của xương khớp. Nên ưu tiên các bài tập có tác động tốt đến xương sống như xà đơn, bơi lội,…
  • Hình thành thói quen ăn uống khoa học giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể đặc biệt là vitamin D, canxi, kẽm, Omega-3. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xương khớp như đồ ăn quá mặn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn,…
  • Cha mẹ nên thường xuyên để ý đến cột sống của trẻ và hướng dẫn tư thế ngồi học của trẻ sao cho đúng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường nào về cột sống nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp can thiệp đúng cách.
Tăng cường luyện tập giúp phòng tránh nguy cơ vẹo xương sống
Tăng cường luyện tập giúp phòng tránh nguy cơ vẹo xương sống

Trên đây là các thông tin về bệnh vẹo cột sống chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc sớm phát hiện ra bệnh và có các biện pháp can thiệp đúng cách. Vẹo cột sống là bệnh lý đang có dấu hiệu trẻ hóa xảy ra phổ biến ở trẻ em, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần phải có các biện pháp phòng ngừa bệnh ngay từ nhỏ cho trẻ thông qua lối sống sinh hoạt hàng ngày của bé.

Có thể bạn quan tâm: Lao cột sống: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị

Ngày Cập nhật 06/03/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *