Viêm Đại Tràng Giả Mạc Là Gì? Chẩn Đoán Và Điều Trị

Viêm đại tràng giả mạc là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở đại tràng. Bệnh có liên quan đến quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh và sự sản sinh, phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C. difficile). Bệnh lý này có thể nhanh chóng tiến triển và gây ra nhiều biến chứng nặng nề như mất nước do tiêu chảy, cơ thể suy kiệt, kali trong máu thấp. Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể bị thủng ruột kết, gây nhiễm khuẩn ổ bụng và tử vong. Vì thế việc sớm điều trị là điều vô cùng cần thiết.

Viêm đại tràng giả mạc
Viêm đại tràng giả mạc là một tình trạng viêm và nhiễm trùng ở đại tràng do sự sản sinh, phát triển quá mức của Clostridium difficile

Viêm đại tràng giả mạc là gì?

Viêm đại tràng giả mạc còn được gọi là viêm đại tràng Clostridium difficile, viêm nhiễm đại tràng có liên quan đến quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đây là một tình trạng viêm và nhiễm trùng ở đại tràng do sự sản sinh, phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có tên Clostridium difficile (C. difficile).

Trong khi đó sự sản sinh quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile có mối liên quan mật thiết đến quá trình nằm viện và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị trước đó. Theo kết quả thống kê, tình trạng nhiễm khuẩn Clostridium difficile thường gặp và có tiến triển mạnh ở những bệnh nhân trên 65 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng giả mạc

Để nhận biết bệnh viêm đại tràng giả mạc, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu đặc trưng sau:

  • Tiêu chảy, phân lỏng với rất nhiều nước
  • Phân có mủ hoặc có nhầy
  • Đau bụng, có cảm giác đau quặn hoặc ấn đau thực thể
  • Buồn nôn
  • Sốt
  • Mất nước.

Những triệu chứng có thể xuất hiện rất sớm ở những bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc. Thông thường những triệu chứng này sẽ xuất hiện sau 1 đến 2 ngày kể từ khi bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh. 

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, các triệu chứng có thể xảy ra chậm trễ, rất lâu sau khi bệnh nhân đã kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp tiêu chảy ở mức độ nặng, kèm đau quặn bụng, có máu hoặc nhầy trong phân, sốt, bệnh nhân cần được sớm thăm khám và điều trị. 

Tiêu chảy, phân lỏng với rất nhiều nước
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng giả mạc gồm tiêu chảy, phân lỏng với rất nhiều nước, phân có mủ hoặc có nhầy, sốt…

Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc

Có rất nhiều loại vi khuẩn bên trong đại tràng của con người. Tuy nhiên có sự cân bằng và chúng tồn tại hòa bình với nhau. Sự mất cân bằng này có thể mất đi khi bệnh nhân sử dụng các loại thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc kháng sinh. 

Bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi vi khuẩn C. difficile (thường gặp nhất) hoặc có loại vi khuẩn nhất định khác phát triển quá nhanh, lấn áp số lượng của những loại vi khuẩn khác. Lúc này số lượng độc tố được tiết ra từ vi khuẩn C. difficile cũng vì sự mất cân bằng này mà tăng cao hơn hẳn, đồng thời khiến đại tràng bị tổn thương.

Mặc dù nhiễm trùng đại tràng giả mạc có thể xảy ra do bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào nhưng thực tế cho thấy một số loại kháng sinh được liệt kê dưới đây có mối liên hệ với bệnh viêm nhiễm đại tràng giả mạc nhiều hơn rất nhiều lần so với những loại kháng sinh còn lại. Bao gồm:

  • Fluoroquinolone: Điển hình như levofloxacin và ciprofloxacin (Cipro).
  • Penicillin: Điển hình như ampicillin và amoxicillin.
  • Clindamycin (Cleocin).
  • Cephalosporin: Điển hình như cefixime (Suprax).

Ngoài thuốc kháng sinh, bệnh viêm đại tràng giả mạc đôi khi cũng xảy ra từ việc sử dụng những loại thuốc điều trị khác. Những loại thuốc được chỉ định trong hóa trị điều trị ung thư cũng có thể tác động và làm mất sự cân bằng vốn có của hệ vi khuẩn trong đại tràng.

Một số bệnh lý nhất định như bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng cũng có thể làm ảnh hưởng đến đại tràng và dẫn đến bệnh viêm đại tràng giả mạc.

Những bào tử của vi khuẩn C. difficile có khả năng kháng và chống trả với nhiều chất diệt khuẩn thông thường. Ngoài ra chúng còn có khả năng lan truyền thông qua bàn tay. Thậm chí viêm nhiễm do vi khuẩn C. difficile cũng được báo cáo ở những đối tượng không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, kể cả những người không sử dụng kháng sinh và không sử dụng dịch vụ y tế trong quá khứ gần. Thông thường những trường hợp này được gọi là nhiễm vi khuẩn C. difficile cộng đồng.

Bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi vi khuẩn C. difficile phát triển quá nhanh
Bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi vi khuẩn C. difficile phát triển quá nhanh, lấn áp số lượng của những loại vi khuẩn khác

Những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm đại tràng giả mạc

Nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể tăng cao bởi những yếu tố sau:

  • Nằm điều trị tại những cơ sở y tế hoặc bệnh viện.
  • Dùng thuốc kháng sinh.
  • Những người có tuổi cao, nhất là người trên 65 tuổi.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu
  • Đã mắc bệnh lý đại tràng, cụ thể như bệnh ung thư đại trực tràng và viêm loét đại tràng.
  • Bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng hóa trị.
  • Những người đã trải qua phẫu thuật tiêu hóa.

Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm đại tràng giả mạc

Thông thường bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc có thể khỏi bệnh sau quá trình điều trị. Tuy nhiên nhiên ngay cả khi kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị thì tình trạng viêm nhiễm này cũng khả năng đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân bằng việc gây ra những biến chứng sau:

  • Mất nước: Mất nước và mất điện giải nặng thường xảy ra khi bệnh nhân bị tiêu chảy ở mức độ nặng. Tình trạng này khiến cho những cơ quan trong cơ thể khó hoạt động bình thường. Ngoài ra mất nước và mất điện giải nặng cũng có thể khiến bệnh nhân bị tụt huyết áp và gây nguy hiểm.
  • Suy thận: Bệnh nhân có thể bị suy thận khi tình trạng mất nước do tiêu chảy nặng kéo dài. Thông thường mất nước do tiêu chảy ở bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc tiến triển rất nhanh. Điều này khiến chức năng thận bị suy giảm trong thời gian ngắn.
  • Phình đại tràng nhiễm độc: Phình đại tràng nhiễm độc là một biến chứng hiếm khi xảy ra, đại tràng hơi xuống dưới và không có nhu động để đẩy phân. Điều này khiến phân ứ lại, kích thích và làm cho đại tràng giãn to dẫn đến phình đại tràng. Trong trường hợp không được điều trị, vỡ đại tràng có thể xảy ra khi đại tràng phình to ở một mức độ nhất định, đồng thời gây nhiễm khuẩn ổ bụng. Những bệnh nhân phình đại tràng và cả trường hợp đã vỡ đại tràng cần được cấp cứu và điều trị y tế ngay lập tức. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bởi biến chứng này có thể gây nguy hiêm và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
  • Thủng đại tràng: Thủng đại tràng là hậu quả của phình đại tràng nhiễm độc hoặc của tổn thương lan rộng trong đại tràng. Tuy nhiên biến chứng này thường hiếm khi xảy ra. Thủng đại tràng sẽ khiến các loại vi khuẩn di chuyển và xâm nhập vào khoang ổ bụng từ đại tràng, cuối cùng gây viêm phúc mạc.
  • Tử vong: Việc không được điều trị viêm giả mạc kịp thời (kể cả nhiễm vi khuẩn C. difficile ở mức độ nhẹ hay nhiễm khuẩn ở mức độ nặng), bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển và làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân.

Ngoài việc gây ra những biến chứng nêu trên, đôi khi bệnh viêm giả mạc có thể tái phát sau nhiều tuần hoặc thậm chí là vài ngày kể từ khi quá trình điều trị nhiễm khuẩn đã thành công.

Suy thận
Suy thận xảy ra khi bệnh viêm đại tràng giả mạc gây tiêu chảy nặng dẫn đến mất nước trong thời gian dài

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc

Để quá trình chẩn đoán biến chứng và chẩn đoán xác định bệnh viêm đại tràng giả mạc diễn ra suôn sẻ, có độ chính xác cao, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật sau:

  • Xét nghiệm phân: Để phát hiện số lượng bất thường của vi khuẩn C. difficile ở đại tràng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định nhiều loại xét nghiệm phân khác nhau. Đối với kỹ thuật xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng một số mẫu phân khác nhau để tìm kiếm sự có mặt và lây nhiễm của vi khuẩn C. difficile trong đại tràng.
  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu cho phép bác sĩ chuyên khoa xác định tình trạng viêm đang xảy ra. Cụ thể kỹ thuật chẩn đoán này có thể giúp bác sĩ xác định những chỉ số cao bất thường của bạch cầu (tế bào máu trắng). Từ đó xác định bệnh nhân có bị viêm nhiễm đại tràng do C. difficile hay không.
  • Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi toàn bộ đại tràng: Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi toàn bộ đại tràng thường được chỉ định để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc. Thông qua kết quả nội soi, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được tình trạng và mức độ viêm của đại tràng từ những tổn thương thực thể, điển hình như vết sưng, những mảng màu vàng (tổn thương) và những dấu hiệu khác của bệnh. Trong cả hai xét nghiệm này, bác sĩ chẩn đoán sẽ sử dụng một ống mềm, trên đầu ống có gắn một máy ảnh thu nhỏ dùng để quan sát, kiểm tra bên trong ruột.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bệnh nhân có thể được yêu cầu chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hoặc chụp X-quang ổ bụng để xác định những biến chứng của bệnh. Điển hình như vỡ ruột hoặc phình đại tràng.
Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm máu cho phép bác sĩ chuyên khoa xác định tình trạng viêm đang xảy ra ở đại tràng

Phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc

Quá trình điều trị viêm đại tràng giả mạc thường gồm: Ngừng hoàn toàn việc dùng kháng sinh ở hiện tại và bắt đầu điều trị với một hoặc nhiều loại kháng sinh hiệu quả đối với vi khuẩn C. difficile. Trong một số trường hợp hiếm gặp, can thiệp bằng phẫu thuật có thể là điều cần thiết. Thông thường những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh có thể cải thiện đáng kể trong vòng vài ngày bắt đầu quá trình điều trị viêm đại tràng giả mạc.

Đối với bệnh viêm đại tràng giả mạc, những phương pháp điều trị bao gồm:

1. Ngưng sử dụng những loại thuốc kháng sinh hiện tại

Quá trình điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc thường bắt đầu bằng việc ngưng dùng những loại thuốc kháng sinh được xác định là nguyên nhân gây viêm nhiễm, các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh. Trong nhiều trường hợp, việc ngưng sử dụng những loại thuốc kháng sinh hiện tại đủ để giải quyết tình trạng viêm nhiễm hoặc ít nhất là cải thiện những triệu chứng và dấu hiệu, điển hình như tiêu chảy.

2. Chuyển sang một loại kháng sinh khác có tác dụng với C. difficile

Trong trường hợp những triệu chứng và dấu hiệu vẫn còn xảy ra sau khi ngưng sử dụng những loại thuốc kháng sinh được xác định là nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chữa bệnh với một loại kháng sinh khác có tác dụng chống lại C. difficile.

Mặc dù nghe có vẻ xa lạ khi sử dụng kháng sinh để chữa chứng rối loạn trong đại tràng gây ra bởi thuốc kháng sinh nhưng việc tiêu diệt vi khuẩn C. difficile bằng một kháng sinh khác là điều cần thiết. Phương pháp điều trị này có thể giúp những vi khuẩn bình thường sinh.

Thông thường những kháng sinh được chỉ định trong điều trị viêm đại tràng giả mạc sẽ được sử dụng bằng đường uống. Tuy nhiên điều này không được áp dụng ở tất cả trường hợp. Tùy thuộc vào tình trạng, mức độ nghiêm trọng của biểu hiện viêm và loại thuốc được dùng, bệnh nhân có thể được chữa bệnh bằng những thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc dùng thuốc thông qua một ống mũi dạ dày.

Chuyển sang một loại kháng sinh khác có tác dụng với C. difficile
Điều trị viêm đại tràng giả mạc bằng cách chuyển sang một loại kháng sinh khác có tác dụng chống lại C. difficile

3. Cấy ghép phân (FMT)

Đối với những trường hợp viêm nghiêm trọng ở đại tràng, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và yêu cầu bệnh nhân cấy ghép các phân được lấy từ một người hiến tặng khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp khôi phục nhanh sự cân bằng của các vi khuẩn tồn tại trong ruột già. Trong quá trình cấy ghép phân hoặc sau cấy ghép, bệnh nhân sẽ được kết hợp chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh.

4. Phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh viêm đại tràng giả mạc khiến bệnh nhân bị phình đại tràng, vỡ đại tràng, suy nội tạng, viêm phúc mạc, người bệnh sẽ được cấp cứu và điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Điều này giúp làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân.

Biện pháp chăm sóc bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc

Bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc cần được chăm sóc tốt trong thời gian điều trị bệnh. Đặc biệt để sớm cải thiện bệnh lý và phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, cụ thể:

  • Uống nhiều nước: Việc uống nhiều nước luôn mang đến lợi ích cho cơ thể. Cụ thể như thải độc gan, thanh lọc cơ thể, tăng cường hoạt động của các cơ quan và làm giảm biến chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý nên uống nước lọc cùng với nước canh hay nước ép trái cây. Không nên uống những loại thức uống có chứa cồn, chứa nhiều chất đường, caffein, điển hình như cola, cà phê. Nguyên nhân là do những thức uống này có thể làm phát sinh và làm nặng hơn những triệu chứng của bệnh.
  • Dùng thức ăn mềm và dễ tiêu hóa: Để giảm nguy cơ phát sinh biến chứng và hỗ trợ quá trình điều trị tổn thương trong đại tràng, bạn cần sử dụng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như chuối, gạo, táo. Người bệnh cần tránh sử dụng một số loại thực phẩm giàu chất xơ như rau quả, các loại hạt, các loại đậu… Trong trường hợp những triệu chứng đã được điều trị và có dấu hiệu cải thiện, bệnh nhân có thể từ từ thêm chất xơ thực phẩm vào thực đơn ăn uống. Bên cạnh đó, thay vì ăn một vài bữa ăn lớn, bạn nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ để làm giảm áp lực ở ruột và tránh tổn thương lan rộng.
  • Tránh sử dụng những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng: Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tránh sử dụng những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng như thực phẩm chiên, món ăn nhiều gia vị, thực phẩm nhiều chất béo và bất kỳ loại thực phẩm, món ăn nào khác có khả năng khiến những triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước giúp tăng cường hoạt động của các cơ quan và làm giảm biến chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc

Bệnh viêm đại tràng giả mạc được phòng ngừa như thế nào?

Có nhiều biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm đại tràng giả mạc hiệu quả. Trong đó các biện pháp chủ yếu được sử dụng để chống nhiễm khuẩn đối với vi khuẩn C. difficile nói riêng và phòng chống nhiễm khuẩn nói chung. Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn cần tuân thủ chặt chẽ những biểu hiện sau:

  • Cách ly bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn C. difficile.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn vào những thời điểm dựa trên khuyến cáo của phòng chống nhiễm khuẩn.
  • Để tiêu diệt bào tử của C. difficile bạn cần thực hiện diệt khuẩn một cách cẩn thận.
  • Tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh. Tốt nhất bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Viêm đại tràng giả mạc là một bệnh lý liên quan đến thuốc kháng sinh và tình trạng nhiễm trùng do số lượng vi khuẩn C. difficile tăng đột biến ở đại tràng. Mặc dù có thể được điều trị bằng một kháng sinh khác nhưng bệnh lý này vẫn có khả năng gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng, kể cả khi điều trị sớm. Do đó ngay khi nhận thấy những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Tin xem thêm

Ngày Cập nhật 26/07/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *