Viêm Phổi Hít: Cảnh Báo Triệu Chứng Nguy Hiểm và Cách Điều Trị

Viêm phổi hít là một trong những dạng bệnh của viêm phổi, thường gặp ở trẻ sơ sinh và những người mắc vấn đề về tiêu hóa. Vậy viêm phổi hít là gì, bệnh có nguy hiểm không và cách điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng theo dõi ngay trong bài viết dưới đây.

Viêm phổi hít là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Viêm phổi hít (viêm phổi sặc) là tình trạng nhiễm trùng phổi, hình thành do sự xâm nhập của vi khuẩn từ các chất dịch ở miệng hoặc dạ dày đi vào phổi. Chính vì vậy mà bệnh thường xuất hiện ở những người gặp vấn đề về phản xạ nuốt hoặc mất tri giác phải nuôi ăn bằng ống thông. 

Viêm phổi hít dễ gặp ở bệnh nhân phải nuôi ăn bằng ống thông
Viêm phổi hít dễ gặp ở bệnh nhân phải nuôi ăn bằng ống thông

Viêm phổi hít tuy hiếm gặp hơn các dạng viêm phổi khác nhưng cũng là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời:

  • Tràn dịch màng phổi
  • Áp xe phổi
  • Viêm mủ màng phổi 
  • Rò phế quản màng phổi
  • Suy hô hấp

Các biến chứng này có thể làm tăng nguy cơ tử vong từ 18 – 67% nên bệnh nhân cần được chẩn đoán ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Nguyên nhân gây ra bệnh

Cũng giống như các dạng viêm phổi khác, nguyên nhân gây viêm phổi hít là do sự xâm nhập của các vi khuẩn vào trong phổi. Các vi khuẩn này chủ yếu vi khuẩn kỵ khí, có thể đơn độc hay kết hợp với vi khuẩn ái khí. 

Trong quá trình ngủ, người khỏe mạnh cũng có thể hít phải các chất dịch chứa vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng đã được đào thải bởi cơ chế ho, hoạt động của hệ thống lông chuyển cũng như quá trình diệt khuẩn của hệ miễn dịch. Vì vậy, người khỏe mạnh không dễ dàng mắc viêm phổi hít. 

Với người đang có bệnh, cơ chế miễn dịch đã yếu đi đồng thời hít phải một lượng lớn chất dịch chứa vi khuẩn thì khả năng hình thành bệnh rất cao. Các vi sinh vật này đã cư trú sẵn ở mũi, họng và dễ dàng xâm nhập vào phổi nếu bệnh nhân thuộc một trong số những trường hợp sau: 

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi hít
Các loại vi khuẩn kỵ khí gây bệnh dễ dàng đi qua đường ống thông
  • Bị giảm phản xạ nuốt hoặc nuôi ăn qua ống thông
  • Có cấu trúc họng và thực quản bất thường
  • Vừa giải phẫu đường hô hấp hoặc tiêu hóa
  • Cao tuổi và vệ sinh răng miệng kém
  • Bị trào ngược dạ dày
  • Người nghiện uống rượu
  • Bị đột quỵ

Những đối tượng này cũng là nhóm bệnh nhân của viêm phổi hóa chất. Do vậy, rất nhiều người nhầm lẫn viêm phổi hóa chất (Hội chứng Mendelson) là một dạng của viêm phổi hít. Nhưng thực chất đây là hai bệnh lý riêng biệt. Viêm phổi hít đặc trưng bởi chứng nhiễm khuẩn. Còn viêm phổi hóa chất chỉ là tổn thương nhu mô phổi do hít phải các hóa chất vô khuẩn. Sau này có thể phát triển thành tình trạng bội nhiễm.

Triệu chứng của bệnh viêm phổi hít 

Về cơ bản, triệu chứng lâm sàng của viêm phổi hít cũng giống như các dạng viêm phổi khác:

  • Tức ngực, khó thở, thở khò khè
  • Sốt cao, ớn lạnh, ra mồ hôi
  • Ho khan hoặc có đờm (vàng, xanh)
  • Khó nuốt, hôi miệng
  • Da xanh tím tái

Điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ thường nghi ngờ nếu các triệu chứng phát triển sau khi bệnh nhân bị nôn mửa nghiêm trọng, gây mê toàn thân, hút dịch hoặc sử dụng các thiết bị điều trị (đặt nội khí quản). 

Triệu chứng bệnh viêm phổi hít
Người bệnh thường xuyên cảm thấy sốt cao, ớn lạnh

Để chắc chắn rằng bệnh nhân bị viêm phổi hít, bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm:

  • X-quang lồng ngực: Nhận thấy phổi có sự thâm nhiễm 
  • Chụp CT: Nhìn rõ hơn tình trạng hai bên thùy phổi
  • Nuôi cấy đờm hoặc máu: Tìm và xác định vi sinh vật gây bệnh
  • Đo lượng oxy trong máu: Nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh

Các kết quả này cũng góp phần phân biệt viêm phổi hít với các dạng viêm phổi khác có triệu chứng tương tự, bao gồm:

  • Viêm phổi cộng đồng: Thường do các chủng Streptococcus pneumoniae, Haemophilus Enzyme và Staphylococcus aureus gây ra.
  • Viêm phổi bệnh viện: Thường do chủng Staphylococcus aureus gây ra.
  • Viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis: Thường xuất hiện ở người bị HIV
  • Bệnh phù phổi: Các xét nghiệm hình ảnh cho thấy có sự thâm nhiễm đối xứng và không làm tăng bạch cầu.
  • Chứng xẹp phổi: Bạch cầu không tăng, không có dấu hiệu nhiễm trùng và sự thâm nhiễm trên phổi

Điều trị viêm phổi hít như thế nào?

Viêm phổi hít là một căn bệnh nguy hiểm nên cần được điều trị ngay khi có nghi ngờ. Việc nuôi cấy máu hoặc đờm để xác định loại vi khuẩn sẽ thường mất từ 3-5 ngày nên trước đó bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phác đồ kháng sinh theo kinh nghiệm của bác sĩ. 

Các loại kháng sinh ban đầu sẽ là kháng sinh phổ rộng điều trị được nhiều chủng vi khuẩn. Bác sĩ sẽ phân bổ các loại kháng sinh tùy theo từng trường hợp cụ thể:

Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng trên 48 giờ: Người bệnh có thể được chỉ định các loại kháng sinh như Levofloxacin 500 mg/ngày hoặc Ceftriaxone  1-2g/ngày.

Bệnh nhân bị viêm phổi hít nằm viện lâu: Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như Levofloxacin 500mg/ngày hoặc thuốc Ceftriaxone 1 – 2g/mỗi 8h hay thuốc Piperacillin – Tazobactam 3,375g/mỗi 6h.

Bệnh nhân bị tắc ruột non hay dùng thuốc kháng acid hay giảm tiết acid: Người bệnh có thể sử dụng một trong số các loại kháng sinh sau:

  • Levofloxacin 500 mg/ngày
  • Ceftriaxone  1-2g/ngày 
  • Ciprofloxacin 400mg/mỗi 12h
  • Piperacillin-Tazobactam 3,375g/mỗi 6h
  • Ceftazidime 2g/mỗi 8h.

Bệnh nhân bị viêm quanh cuống nặng, đờm mủ thối, nghiện rượu: Người bệnh sử dụng một trong số các loại kháng sinh

  • Piperacillin – Tazobactam 3,375g/mỗi 6h
  • Imipenem 500mg/mỗi 8h đến 1g/mỗi 6h
  • Ciprofloxacin 400mg/mỗi 12h
  • Levofloxacin 500mg/ngày
  • Ceftazidime 2g/mỗi 8h
  • Ceftriaxone 1-2g/ngày kết hợp với thuốc Metronidazol 500mg/h
Thuốc điều trị bệnh viêm phổi hít
Thuốc điều trị bệnh viêm phổi hít

Thời gian sử dụng kháng sinh sẽ được bác sĩ hướng dẫn tùy theo trường hợp cụ thể. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị, không được bỏ lỡ bất kỳ liều kháng sinh nào ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm hẳn. Ngừng điều trị kháng sinh sớm so với quy định sẽ không thể tiêu diệt hết các chủng vi khuẩn gây bệnh. Số loại vi khuẩn sống sót sẽ có khả năng kháng thuốc và việc điều trị nhiễm khuẩn trong tương lai sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ngoài sử dụng thuốc kháng sinh, những bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp sẽ được sử dụng thêm liệu pháp oxy. Nếu xuất hiện chất dịch trong phổi thì cần thực hiện thủ thuật hút dịch màng phổi để tránh biến chứng tràn dịch màng phổi. 

Ở bệnh nhân bị rối loạn ý thức, không có khả năng chăm sóc đường hô hấp sẽ được hút sạch dịch ở hầu họng và đặt nội khí quản. Với những người giảm phản xạ nuốt thì cần điều trị phục hồi chức năng nuốt. 

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?

Viêm phổi hít không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn khiến người bệnh gặp nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, những đối tượng dễ mắc bệnh cần phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh dưới đây:

Phòng ngừa viêm phổi hít
Khi ăn nên ngồi, ăn thức ăn mềm, lỏng và nhai nuốt kỹ càng, chậm rãi.
  • Khi ăn nên ngồi, ăn thức ăn mềm, lỏng và nhai nuốt kỹ càng, chậm rãi.
  • Trước và sau khi ăn uống cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút trước khi vận động hoặc nằm xuống.
  • Không ăn quá no dẫn đến nôn mửa nghiêm trọng
  • Không sử dụng các thực phẩm kích thích dạ dày (chua, cay), thực phẩm chứa chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá…)
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ thường xuyên.
  • Sử dụng các thuốc như motilium, erythromycin để làm sạch dạ dày.
  • Người bệnh khi ăn bị sặc cần gọi ngay cho bác sĩ hỗ trợ cấp cứu.

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi hít chỉ chiếm khoảng 10% trong số các dạng viêm phổi nhưng người bệnh không nên chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở, bạn cần liên hệ với bác sĩ để được thực hiện các biện pháp chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt là ở người già và trẻ sơ sinh.

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *