Viêm phổi ở trẻ em – Dấu hiệu nhận biết, cách phòng và điều trị hiệu quả

Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển lạnh. Bệnh thường diễn biến nhanh nhưng triệu chứng lại không rõ ràng gây khó khăn trong việc nhận biết và điều trị sớm. Biến chứng nặng nề dễ gặp nhất khi trẻ bị viêm phổi là suy hô hấp, tử vong. 

Viêm phổi là gì? Viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở một bên hoặc cả hai bên phổi. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn (chủ yếu là phế cầu), virus, nấm, ký sinh trùng hoặc các yếu tố môi trường khác. 

Ở trẻ em, viêm phổi là bệnh lý đường hô hấp có tỷ mắc cao, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong truyền nhiễm hàng đầu ở trẻ em, chiếm từ 15- 21% tổng số ca tử vong của trẻ dưới 5 tuổi. Lý giải tình trạng này, Ths.Bs. Lê Phương – Nguyên PGĐ bệnh viện YHCT Hà Đông cho biết: “Do kích thước đường thở nhỏ, hệ hô hấp chưa hoàn thiện nên khi bị viêm phổi, trẻ dễ bị suy hô hấp. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị tử vong, hoặc để lại những di chứng nặng nề”.

Ngoài ra, khi bị viêm phổi, trẻ còn có thể bị sốt cao, co giật, mê sảng, tiêu chảy mất nước, rối loạn điện giải, bỏ ăn, bỏ bú…. Tình trạng này không được xử lý kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này như: Viêm màng não, nhiễm trùng máu, tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, kháng kháng sinh, còi xương, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ…

Do vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những biểu hiện sớm của viêm phổi và các dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến viện kịp thời.

Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng và tỷ lệ tử vong do viêm phổi ở trẻ nhỏ. Hầu hết các trường hợp viêm phổi đều bắt đầu từ những triệu chứng viêm đường hô hấp trên như cúm, cảm lạnh, sau đó trở nên nghiêm trọng và điển hình hơn.

Những triệu chứng viêm phổi ở trẻ nhỏ thường gặp

Ho là dấu hiệu viêm phổi điển hình ở trẻ em
Ho là dấu hiệu viêm phổi điển hình ở trẻ em

Ở giai đoạn nhẹ, ban đầu trẻ bị viêm phổi thường có các dấu hiệu như: 

  • Ho
  • Sốt: Mức độ tùy từng tình trạng bệnh.
  • Thở nhanh liên tục: Trẻ được coi là thở nhanh nếu nhịp thở trên 60 lần/phút (với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (2 tháng – 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (trên 1 tuổi).
  • Thở gắng sức: Cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
  • Đau ngực
  • Nôn: Trẻ có thể nôn ngay sau khi ho.
  • Tím tái vùng da ở quanh môi, ở mặt và các đầu chi do thiếu oxy
  • Thở rít: Thường xuất hiện trong các trường hợp viêm phổi do virus 
  • Thỉnh thoảng có những cơn ngưng thở. 

Trong các triệu chứng trên, thở nhanh và thở gắng sức là nguy hiểm nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ nhỏ cha mẹ cần cảnh giác.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm phổi, đặc biệt là những trẻ bị sinh non, suy dinh dưỡng, thiếu cân. Tuy nhiên, triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường không rõ ràng nên nhiều trường hợp khi cha mẹ phát hiện và đưa đến cơ sở y tế thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. 

Khó thở, tím tái là những dấu hiệu nhận biết tình trạng nặng của bệnh viêm phổi
Khó thở, tím tái là những dấu hiệu nhận biết tình trạng nặng của bệnh viêm phổi

Những dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng:

  • Thở nhanh trên 60 lần/ phút hoặc khó thở
  • Sốt cao trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt
  • Dấu hiệu mất nước: Mắt trũng, quấy khóc, hoặc li bì, kiệt sức, tiểu ít thậm chí không có nước tiểu, nếp véo dưới da mất chậm.
  • Dấu hiệu thần kinh: Nhầm lẫn, li bì, mê sảng, đáp ứng kém với kích thích…
  • Bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng
  • Khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, sùi bọt cua…
  • Tím tái môi, mặt và các đầu chi…

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ, trong đó thường gặp nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng và hóa chất. Dựa vào độ tuổi, các nguyên nhân gây viêm phổi trẻ có thể gặp bao gồm:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Tác nhân gây bệnh thường là các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu, H.influenzae typ B (Hib). Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra bởi một số vi khuẩn đường ruột do mẹ truyền sang con như E.coli, Proteus…
  • Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: Thường gặp viêm phổi do vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, liên cầu pyogenes…
  • Trẻ trên 5 tuổi: Thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma Pneumoniae, Chlimydia Pneumoniae, phế cầu và các loại siêu vi hô hấp.

Những trẻ nào có nguy cơ cao mắc viêm phổi

Trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non là những đối tượng dễ bị viêm phổi
Trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non là những đối tượng dễ bị viêm phổi

Nếu trẻ có một trong các yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ viêm phổi cao hơn những đứa trẻ khác:

  • Trẻ dưới 1 tuổi
  • Trẻ có khả năng miễn dịch kém như đẻ non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, trẻ không được bú mẹ hoặc mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa phế quản phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải…
  • Trẻ sống trong không gian chật chội, ô nhiễm môi trường 
  • Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá từ người lớn
  • Trẻ em trong độ tuổi đến trường
  • Trẻ sống trong môi trường có điều kiện kinh tế nghèo nàn, vệ sinh, chăm sóc y tế kém.

Trẻ bị viêm phổi khi nào cần đi bệnh viện? Chẩn đoán như thế nào?

Trẻ có thể điều trị viêm phổi tại nhà nếu các triệu chứng đang ở giai đoạn đầu, mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu trẻ có một trong các dấu hiệu dưới đây cần đưa đến bệnh viện ngay:

  • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi có biểu hiện bỏ bú, bú kém, li bì, khó đánh thức, sốt hoặc lạnh, thở khè…
  • Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: Không thể ăn uống được gì, co giật, li bì, khó đánh thức, thở rít, thở rên.
  • Trẻ khó thở, thở gắng sức, rút lõm lồng ngực và hõm ức.
  • Trẻ có biểu hiện viêm phổi chưa nặng nhưng không thể uống đủ thuốc, nôn nhiều, ăn uống kém.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú thất bại: Sau 48 – 72 giờ điều trị tại nhà theo hướng dẫn, trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc thậm chí nặng lên.
  • Trẻ ở xa, khó tiếp cận cơ sở y tế khi cần hỗ trợ nhanh chóng.

Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phổi sau khi khám lâm sàng. Tuy nhiên có trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu chỉ định chụp phổi và các xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán xác định, tìm căn nguyên gây bệnh và đánh giá mức độ tổn thương phổi.

X quang phổi có thể xác định vị trí và mức độ tổn thương phổi ở trẻ em
X quang phổi có thể xác định vị trí và mức độ tổn thương phổi ở trẻ em

Các phương pháp chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em có thể gồm:

  • Khám lâm sàng: Bao gồm các câu hỏi về tiền sử bệnh lý hô hấp, tiền sử dùng thuốc gần nhất và các dấu hiệu lâm sàng như: Ho, sốt, thở nhanh hay thở gắng sức.
  • X quang viêm phổi: Hình ảnh chụp phổi sẽ giúp các bác sĩ xác định vị trí, mức độ tổn thương phổi, và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
  • Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm máu, cấy đờm hoặc cấy dịch tiết đường hô hấp, nội soi ống phế quản, khí máu động mạch…

Điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ

Nguyên tắc điều trị viêm phổi ở trẻ

Trước khi tiến hành điều trị viêm phổi cho trẻ cần đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh, sau đó lựa chọn kháng sinh phù hợp và đánh giá lại sau 48 -72 giờ điều trị.

  • Với trường hợp viêm phổi nhẹ: Có thể điều trị tại nhà, dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Với trường hợp viêm phổi nặng: Cần điều trị tại bệnh viện với các giải pháp: Hỗ trợ hô hấp, kháng sinh, điều trị hỗ trợ khác và điều trị biến chứng.

Trẻ bị viêm phổi uống thuốc gì?

Kháng sinh là lựa chọn bắt buộc khi điều trị viêm phổi tại trẻ em
Kháng sinh là lựa chọn bắt buộc khi điều trị viêm phổi tại trẻ em

Điều trị viêm phổi do vi khuẩn chủ yếu sử dụng kháng sinh, sau đó là các biện pháp hỗ trợ điều trị và cải thiện triệu chứng khác. Tùy thuộc vào lứa tuổi, nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ uống hoặc tiêm kháng sinh và các loại thuốc điều trị hỗ trợ khác.

  • Thuốc kháng sinh: Về nguyên tắc, kháng sinh không có tác dụng với viêm phổi do virus đơn thuần. Tuy nhiên trong thực tế rất khó để phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay virus hoặc có sự kết hợp giữa vi khuẩn và virus kể cả dựa vào lâm sàng, X quang hay các xét nghiệm khác. Vì vậy, WHO khuyến cáo nên dùng kháng sinh để điều trị cho tất cả các trường hợp viêm phổi ở trẻ em. Tùy vào từng tình trạng bệnh bác sĩ có thể kế đơn sử dụng một số loại thuốc như: Các beta lactam (Amoxicillin, Ampicillin, Penicillin…), các caphalosporin (Cephalexin, Cefotaxim, Ceftriaxone, Cefixim…), các macrolid (Azithromycin, Clarithromycin, Ertthromycin..), các aminosid (Gentamycin, Amikacin..), các quinolon (Fluoroquinolon…)…
  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: Parcetamol, Ibuprofen, Aspirin
  • Thuốc ho, long đờm: Dextromethorphan, N –  acetylcystein…
  • Thuốc giãn phế quản: Salbutamol, Theophyllin…

Lưu ý cho bố mẹ khi điều trị viêm phổi cho bé

  • Cha mẹ cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ. Cho bé uống đủ liều lượng, đủ số lần, số ngày, khoảng cách thời gian giữa các đơn. 
  • Không tự ý dùng hoặc thay đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ
  • Các thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol và ibuprofen cần sử dụng đúng liều lượng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không cho trẻ dưới 18 tuổi uống Aspirin và các thuốc chứa Aspirin vì có thể gây ra Hội chứng Reye rất nguy hiểm ở trẻ.
  • Không cho trẻ uống các thuốc ho khi không có sự chỉ định của bác sĩ vì thuốc ít hiệu quả với trẻ nhỏ và gây nhiều tác dụng phụ không tốt.
  • Khám lại sau 2 ngày điều trị nếu bệnh không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng lên.

Cách chăm sóc và phòng tránh trẻ bị viêm phổi

Một số cách chăm sóc hiệu quả mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh là:

  • Hạ sốt cho trẻ: Chườm ấm tích cực nếu trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn.
  • Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm: Khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Vỗ lưng bên trái rồi sang phải, khoảng 3 – 5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống. Phương pháp này sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu, dễ long đờm.
  • Hướng dẫn trẻ ho: Cho trẻ ngồi dậy, ngả đầu về phía trước, hít vào, mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng. Hít vào lần nữa và tiếp tục ho đến khi khạc được đờm ra ngoài.
  • Vệ sinh mũi miệng, tay chân.
  • Vệ sinh nhà cửa và đồ chơi cho trẻ thường xuyên, sạch sẽ
  • Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, dễ nuốt. Vì viêm phổi khiến trẻ dễ nôn trớ, do vậy cần chia nhỏ bữa và tăng số bữa ăn lên, tăng dần theo đáp ứng của trẻ.
  • Sử dụng một số thảo dược như chanh, đường mật ong, hoa hồng, gừng… tạo dung dịch uống nhằm giúp bé cải thiện bệnh.
Vỗ rung có thể giúp trẻ khạc đờm tốt hơn
Vỗ rung có thể giúp trẻ khạc đờm tốt hơn

Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm phổi, bệnh khó điều trị dứt điểm và có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển của bé. Vì vậy, các mẹ cần chủ động phòng tránh viêm phổi ở trẻ nhỏ bằng các phương pháp sau:

  • Đảm bảo trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu và đến 2 tuổi (nếu có thể) để đảm bảo sức khỏe toàn diện và tăng cường sức đề kháng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Tạo môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc lá và các chất ô nhiễm, bụi bẩn khác.
  • Tránh tiếp xúc với đám đông, đặc biệt là những người có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên, cúm, cảm lạnh…
  • Chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, mặc ấm, rửa tay thường xuyên…
  • Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định.

Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng, có nguy cơ biến chứng và tử vong cao, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Cách tốt nhất giúp trẻ tránh xa căn bệnh nguy hiểm này là chủ động phòng ngừa tích cực và tiêm phòng đầy đủ. Khi trẻ có dấu hiệu sức khỏe bất thường cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *