Viêm VA Mãn Tính Và Các Biến Chứng Nguy Hiểm Cần Biết

Viêm AV mãn tính là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm VA cấp tính không được điều trị hoặc tái diễn nhiều lần. Bệnh thường gặp ở những trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi, ít gặp ở người lớn. Viêm nhiễm mãn tính xuất hiện thường kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn phát triển khối xương mặt, trẻ chậm phát triển… Bên cạnh đó nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp, bệnh nhân sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận và sức khỏe tổng thể.

Viêm AV mãn tính
Viêm AV mãn tính là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm VA cấp tính không được điều trị hoặc tái diễn nhiều lần

Viêm VA mãn tính là gì?

VA là những tế bào bạch cầu có nhận diện và chống lại vi khuẩn khi có sự xâm nhập nhờ khả năng tạo ra kháng thể. Tổ chức VA nằm ở phía sau vòm, không thể xác định và nhìn thấy bằng mắt thường. Bên cạnh đó cơ quan này có xu hướng teo dần ở những người có độ tuổi trưởng thành, chỉ hoạt động vào những năm đầu của trẻ nhỏ.

Mặc dù VA có chức năng tạo ra kháng thể loại bỏ vi khuẩn nhưng cơ quan này vẫn có khả năng bị viêm nhiễm khi hệ hô hấp tiếp xúc nhiều với vi khuẩn khiến VA phải tăng cường hoạt động dẫn đến suy yếu và viêm. Khi bị viêm, vòm họng thường có dấu hiệu đỏ ửng, sưng và kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.

Viêm VA mãn tính là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm VA cấp tính không được điều trị hoặc tái diễn nhiều lần. Ngoài ra bệnh lý này còn là hệ quả của tình trạng viêm nhiễm cạnh xoang mũi, viêm nhiễm ở tai… nhưng không được điều trị dứt điểm. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm VA mãn tính

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm VA mãn tính của trẻ nhỏ và người lớn thường không giống nhau, cụ thể:

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm VA mãn tính ở trẻ nhỏ

Trong giai đoạn mãn tính, bệnh VA ở trẻ nhỏ thường chỉ đi kèm với hai triệu chứng, bao gồm: Chảy nước mũi kéo dài và nghẹt mũi mãn tính.

  • Trẻ thường xuyên bị chảy dịch nhầy, có màu vàng hoặc xanh (chảy nước mũi mủ xảy ra ở trường hợp bội nhiễm) hoặc chảy nước mũi trong. Triệu chứng này xuất hiện với triệu chứng dày đặc và kéo dài dai dẳng.
  • Triệu chứng nghẹt mũi xảy ra với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên trẻ thường bị nghẹt mũi về đêm hoặc nghẹt mũi hoàn toàn (cả ngày) nếu nước mũi nhiều. Khi đó trẻ có xu hướng thở bằng miệng và có giọng nói hoặc khóc bằng giọng mũi.

Trong trường hợp nhiễm trùng mãn tính kéo dài, không có biện pháp điều trị thích hợp, trẻ dễ mắc chứng thiếu oxy não. Đối với trường hợp này những triệu chứng nghiêm trọng khác sẽ xuất hiện, bao gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ: Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình, đái dầm, ngưng thở lúc ngủ ở trường hợp nặng.
  • Trẻ chậm phát triển: Trẻ chậm chạp, kém hoạt bát, chậm phát triển về thể chất và tinh thần.
  • Rối loạn phát triển khối xương mặt: Thở bằng miệng do nghẹt mũi kéo dài khiến chóp mũi nhỏ hơn, trán dô, mũi tẹt. Ngoài ra hàm dưới có xu hướng hẹp, hàm trên vẩu, răng hàm mọc lởm chởm, mặt dài, luôn hở miệng, nét mặt thay đổi khiến vẻ mặt kém nhanh nhẹn. Đây là hệ quả của việc thở bằng miệng trong thời gian dài và trong khoảng thời gian khuôn mặt phát triển.

Triệu chứng khác:

  • Sưng các hạch ở cổ
  • Viêm tai giữa có mủ thứ cấp trong thời gian mắc bệnh viêm VA.
Chảy nước mũi kéo dài và nghẹt mũi mãn tính
Chảy nước mũi kéo dài và nghẹt mũi mãn tính là hai triệu chứng thường gặp của bệnh viêm VA mãn tính ở trẻ nhỏ

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm VA mãn tính ở người lớn

Thông thường, tình trạng nhiễm trùng VA mãn tính ở người lớn thường đi kèm với biểu hiện sưng to ở cổ, quá trình lưu thông không khí bị cản trở và phát sinh nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác, gồm:

  • Ngáy to khi ngủ
  • Nghẹt mũi thường xuyên khiến bệnh nhân thở, nói chuyện bằng giọng mũi
  • Khó ngủ, mất ngủ, thường xuyên thức giấc hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ
  • Khô và đau họng, đặc biệt là sau khi ngủ dậy vào mỗi sáng
  • Miệng luôn mở
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Hơi thở có mùi lạ hoặc hôi miệng kéo dài.

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng từ VA có thể lan sang amidan và gây viêm tại cơ quan này. Việc xuất hiện đồng thời tình trạng viêm VA mãn tính và viêm amidan có thể khiến ống dẫn khí bị tắc nghẽn và gây ra nhiều khó khăn cho việc thở.

Nguyên nhân gây viêm amidan mãn tính

Viêm VA xảy ra khi hệ hô hấp bị vi khuẩn xâm nhập quá mức khiến VA hoạt động liên tục, lâu ngày trở nên suy yếu và viêm. Thông thường tình trạng viêm nhiễm ở cơ quan này thường xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn Streptococcus, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A, vi khuẩn Haemophilus Influenzae, tụ cầu vàng… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh có thể xảy ra do sự tác động của virus, thường gặp gồm Rhinovirus, Adenovirus và Myxovirus.

Viêm VA mãn tính xảy ra do sự tái diễn nhiều lần của bệnh viêm VA cấp tính. Ngoài ra viêm nhiễm mãn tính cũng có thể xảy ra khi tình trạng viêm nhiễm cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm.

Ngoài ra những đối tượng được liệt kê dưới đây cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng VA mãn tính, cụ thể: 

  • Nhiễm trùng ở vùng đầu, cổ hoặc cổ họng tái đi tái lại nhiều lần
  • Viêm hoặc nhiễm trùng amidan
  • Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với các loại virus và vi khuẩn trong không khí
  • Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người trưởng thành.
Viêm VA mãn tính xảy ra do sự tái diễn nhiều lần của bệnh viêm VA cấp tính
Viêm VA mãn tính xảy ra do sự tái diễn nhiều lần của bệnh viêm VA cấp tính khi bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập

Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm AV mãn tính

Bệnh viêm VA mãn tính thường làm phát sinh một số biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi không sớm thăm khám và điều trị. Tùy thuộc vào thời gian phát bệnh và độ tuổi mắc bệnh, các biến chứng sẽ khác nhau ở từng đối tượng cụ thể.

Đối với trẻ em

  • Viêm tai giữa: Tình trạng viêm nhiễm mãn tính khiến lỗ thông khí đi vào tai giữa bị tắc, lâu ngày gây ra tình trạng viêm tai giữa cấp tính. Ngoài ra tình trạng này còn gây viêm có mủ, làm ảnh hưởng đến thính lực và tăng nguy cơ thủng màng nhĩ.
  • Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp: Viêm VA lâu ngày ở trẻ nhỏ khiến viêm nhiễm lan rộng dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản và viêm khí quản.
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Những trẻ bị viêm VA thể mãn tính thường xuyên khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình lúc giữa đêm, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ: Trẻ chậm lớn, kém linh hoạt, chậm chạp, nghe kém, học tập không tiến bộ.
  • Rối loạn phát triển khối xương mặt: Thở bằng miệng do nghẹt mũi kéo dài khiến chóp mũi nhỏ hơn, trán dô, mũi tẹt, hàm dưới hẹp, hàm trên vẩu, răng hàm mọc lởm chởm, mặt dài, luôn hở miệng, nét mặt thay đổi khiến vẻ mặt kém nhanh nhẹn.

Đối với người lớn

  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Viêm VA ở người lớn khiến bệnh nhân khó chìm vào giấc ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ. Nếu không có phương pháp điều trị thích hợp, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và cao huyết áp.
  • Nhiễm trùng xoang: Viêm VA thể mãn tính thường gây nhiễm trùng xoang, viêm nhiễm lan rộng đến vùng ngực và thường tạo cảm giác buồn nôn.
  • Nhiễm trùng tai giữa: Viêm VA ở người lớn thường gây nhiễm trùng tai giữa, đồng thời làm suy giảm thính lực.
  • Ho kéo dài: Trong trường hợp không sớm kiểm soát, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan từ VA đến màng nhầy của dây thanh quản và dây âm thanh. Từ đó làm phát sinh những cơn ho kéo dài.
  • Biến chứng xa: Viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp tính….

Bệnh viêm VA mãn tính được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh viêm VA mãn tính được chẩn đoán thông qua tiền sử mắc bệnh, triệu chứng lâm sàng và kết quả từ một số kỹ thuật xét nghiệm. Bao gồm:

  • Lấy mẫu xét nghiệm ở cổ họng: Để tìm kiếm sự có mặt của các chủng vi khuẩn và virus, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng bông y tế và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ở cổ họng. Sau đó đưa mẫu xét nghiệm về phòng thí nghiệm để kiểm tra.
  • Chụp X-quang: Kết quả chụp X-quang vùng đầu cổ cho phép bác sĩ xác định kích thước VA bị viêm và chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu: Một số loại virus và vi khuẩn nguy hiểm có thể nhanh chóng được phát hiện thông qua kết quả xét nghiệm máu.
Chẩn đoán viêm VA mãn tính
Bệnh viêm VA mãn tính được chẩn đoán thông qua tiền sử mắc bệnh, triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm

Phương pháp điều trị viêm VA mãn tính

Bệnh viêm VA mãn tính thường được khắc phục bằng thuốc kháng sinh đối với những trường hợp bị viêm do nhiễm vi khuẩn. Ở những trường hợp bị viêm do virus, người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị với thuốc kháng virus. Ở một số trường hợp không có đáp ứng với thuốc, người bệnh sẽ được tư vấn phương pháp nạo VA để khắc phục bệnh lý.

1. Điều trị nội khoa

Do tình trạng viêm VA mãn tính xảy ra chủ yếu do sự xâm nhập của vi khuẩn nên đa số các trường hợp bị viêm đều được chỉ định điều trị với thuốc kháng sinh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giúp người bệnh nhanh chóng kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và phòng ngừa phát sinh biến chứng. Kết quả thống kê cho thấy có đến 50% trường hợp khỏi bệnh do dùng thuốc kháng sinh mà không cần phẫu thuật nạo VA.

Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm VA mãn tính gồm:

  • Mometasone (Metaspray): Thuốc Mometasone (Metaspray) được bào chế dưới dạng xịt, được dùng để điều trị tại chỗ. Thông thường bệnh nhân cần xịt thuốc 1 lần/ ngày vào vùng hầu họng, dùng liên tục trong 3 tháng để khắc phục tình trạng viêm nhiễm:
  • Syr. Timinic / Solvincold 2,5 ml: Syr. Timinic và Solvincold 2,5 ml là hai loại kháng sinh dạng uống, được sử dụng để điều trị nhiễm trùng toàn thân. Đối với nhiễm trùng VA, bệnh nhân sẽ được yêu cầu dùng thuốc 2 lần/ ngày, liên tục trong 15 ngày.

Lưu ý:

  • Những loại kháng sinh nên trên đều có khả năng gây tác dụng phụ. Do đó việc sử dụng thuốc cần đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngưng dùng thuốc để tránh gây tác dụng hoặc khiến viêm nhiễm lan rộng.

Đối với những trường hợp bị viêm VA do virus, người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị với thuốc kháng virus. Tùy thuộc vào loại virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh, một số loại thuốc kháng virus dưới đây có thể được yêu cầu sử dụng:

  • Acirax
  • Amantadin
  • Rimantadin
  • Oseltamvir
  • Zanamivir…
Bệnh viêm VA mãn tính thường được khắc phục bằng thuốc kháng sinh
Bệnh viêm VA mãn tính thường được khắc phục bằng thuốc kháng sinh (do nhiễm vi khuẩn) hoặc thuốc kháng virus

2. Can thiệp ngoại khoa

Đối với những trường hợp viêm VA mãn tính kéo dài, không có đáp ứng tốt với các loại thuốc hoặc có khả năng gây biến chứng, bệnh nhân có thể được hướng dẫn điều trị bằng phương pháp nạo VA. 

Chỉ định phẫu thuật

Những trường hợp được liệt kê dưới đây sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nạo VA:

  • Viêm VA mãn tính phát sinh do viêm VA cấp tính tái đi tái lại nhiều lần.
  • Viêm VA gây biến chứng viêm mạch, viêm đường hô hấp, viêm tai.
  • Viêm VA làm phát sinh biến chứng xa, đặc biệt là viêm khớp cấp tính và viêm cầu thận cấp tính.
  • Bệnh viêm VA mãn tính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường thở
  • Phẫu thuật nạo VA cho trẻ trên 6 tháng tuổi.

Chống chỉ định phẫu thuật

Những trường hợp dưới đây không được chỉ định điều trị viêm VA bằng phương pháp phẫu thuật:

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Mắc bệnh ưa chảy máu
  • Những người bị rối loạn đông máu.

Chống chỉ định tương đối

  • Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus cấp tính như cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết…
  • Những người bị hen phế quản, hở hàm ếch hoặc có cơ địa dị ứng
  • Những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh lao, bệnh giang mai, bệnh AIDS…
  • Hạn chế phẫu thuật khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Nạo VA là một phương pháp chữa bệnh đơn giản, được sử dụng rộng rãi cho những trường hợp nhiễm trùng VA mãn tính. Phương pháp điều trị này có khả năng loại bỏ hoàn toàn tổ chức VA, làm giảm tối đa nguy cơ tái nhiễm và phòng ngừa phát sinh biến chứng.

Thông thường bệnh nhân sẽ được nạo VA bằng dao Hummer, Plasma, Coblator kết hợp với biện pháp gây tê và nội soi mũi hoặc dùng bàn nạo La Force hay thìa nạo La Moure (gây tê). Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện cắt amidan kết hợp nạo bỏ VA gây mê nội khí quản (thực hiện bằng dao điện, Hummer hoặc Laser).

Nạo VA
Nạo VA cho những trường hợp viêm VA mãn tính kéo dài, không có đáp ứng tốt với các loại thuốc hoặc có khả năng gây biến chứng

Biện pháp phòng ngừa viêm VA mãn tính

Không có khả năng ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng VA mạn tính. Tuy nhiên một số biện pháp được liệt kê dưới đây có thể giúp bạn làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:

  • Điều trị viêm VA khi bệnh mới phát và còn trong giai đoạn mãn tính.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện tình trạng viêm nhiễm và tiến hành điều trị. Bao gồm cả viêm amidan và những tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp không liên quan đến VA. Điều này sẽ giúp phòng ngừa viêm VA hiệu quả.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày. Có thể tăng cường uống nước ép trái cây, nước ép rau củ quả để bổ sung vitamin và khoáng chất, hỗ trợ quá trình chống vi khuẩn, virus và phòng ngừa nhiễm bệnh.
  • Nên tăng cường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt trẻ em trên 6 tháng nên được bổ sung vitamin, protein, omega-3 và khoáng chất có trong các loại thịt, cá, trứng, sữa, trái cây, rau xanh… Những loại thực phẩm này không chỉ hỗ trợ sự phát triển của trẻ mà còn nâng cao khả năng chống bệnh, ổn định sức khỏe và các hoạt động của hệ miễn dịch.
  • Tiêm phòng nhiễm virus, vi khuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tăng cường hoạt động, luyện tập mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng và khả năng chống bệnh của cơ thể.
  • Hạn chế đến những nơi đông người. Đặc biệt là những nơi đang có dịch bệnh.
Tăng cường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Tăng cường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp nâng cao khả năng chống bệnh, ổn định sức khỏe và hoạt động của hệ miễn dịch

Viêm AV mãn tính là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm VA cấp tính không được điều trị hoặc tái diễn nhiều lần. Vì thế người bệnh cần chú trọng hơn trong việc phòng ngừa và điều trị viêm VA cấp tính để tránh nhiễm khuẩn lan rộng, gây viêm mãn tính và làm phát sinh biến chứng. Trong trường hợp bị viêm AV mãn tính, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để tiến hành điều trị chuyên sâu theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *