Xạ Trị Ung Thư Cổ Tử Cung: Chi Phí Và Những Điều Cần Biết

Ung thư cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp, có mức độ nguy hiểm và khả năng tử vong cao. Bệnh được điều trị bằng ba phương pháp chính gồm phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị. Trong đó xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp được sử dụng với mục đích ức chế sự lan rộng và tiêu diệt những tế bào ung thư, nâng cao khả năng chữa khỏi bệnh. Ngoài ra phương pháp điều trị này còn có tác dụng giảm nhẹ tối đa tác dụng phụ phát sinh từ những phương pháp điều trị.

Xạ trị ung thư cổ tử cung: Chi phí và những điều cần biết
Thông tin cơ bản về chi phí, phương pháp thực hiện, tác dụng phụ và những lưu ý chăm sóc khi xạ trị ung thư cổ tử cung

Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?

Để điều trị ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ được tư vấn điều trị bệnh với ba phương pháp chính gồm: Phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư, xạ trị và hóa trị liệu. Trong đó xạ trị là phương pháp được áp dụng phổ biến.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng (giai đoạn ung thư), kích thước khối u ác tính, khả năng lây lan của những tế bào và đáp ứng của mỗi bệnh nhân, người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung đơn lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật hay hóa trị liệu để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp sử dụng tia X có năng lượng cao và bức xạ ion hóa để ức chế khả năng lây lan và sự phát triển của những tế bào ung thư. Đồng thời phá vỡ những tế bào này để chữa bệnh.

Có hai phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư cổ tử cung gồm:

  • Xạ trị trong ung thư cổ tử cung: Bệnh nhân được cấy xạ và được sử dụng chất phóng xạ đặt vào gần hoặc bên trong cổ tử cung để chữa bệnh.
  • Xạ trị ngoài: Sử dụng tia X và bức xạ ion hóa chiếu xung quanh bên ngoài để tiêu diệt tế bào ung thư.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bệnh có thể lựa chọn một trong hai phương pháp xạ trị hoặc kết hợp cả hai để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu xạ trị khi phương pháp phẫu thuật chữa ung thư cổ tử cung thất bại hoặc ung thư tái phát sau mổ. Trước khi áp dụng phương pháp điều trị này, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm như xét nghiệm máu để kiểm tra nguy cơ hoặc xác định bệnh nhân bị thiếu máu hay không.

Nếu được chẩn đoán thiếu máu, bệnh nhân sẽ được truyền máu cho đến khi lượng máu trong cơ thể đạt mức ổn định. Sau đó tiến hành xạ trị trị ung thư.

Trong toàn bộ quá trình xạ trị chữa ung thư cổ tử cung, bệnh nhân sẽ được chăm sóc và điều trị bởi một nhóm các chuyên gia y tế gồm:

  • Bác sĩ chuyên khoa về xạ trị: Bác sĩ chuyên khoa về xạ trị đều là những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đã trải qua quá trình đào tạo bài bản để sử dụng bức xạ điều trị ung thư. Thông thường bác sĩ chuyên khoa về xạ trị sẽ chịu trách nhiệm chính về việc lên kế hoạch và chịu trách nhiệm về quá trình xạ trị của bệnh nhân.
  • Kỹ sư vật lý học: Kỹ sư vật lý học có nhiệm vụ kiểm tra, đảm bảo chất lượng của những thiết bị dùng trong xạ trị, điều chỉnh liều điều trị từ những máy móc thiết bị xạ trị như phác đồ chữa ung thư mà bác sĩ chuyên khoa xạ trị đưa ra. Đồng thời hỗ trợ bác sĩ xạ trị xây dựng kế hoạch xạ trị và kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị.
  • Kỹ thuật viên xạ trị: Kỹ thuật viên xạ trị là những người có nhiệm vụ vận hành các thiết bị xạ trị, đồng thời giúp bệnh nhân xạ trị hàng ngày.
  • Điều dưỡng xạ trị: Điều dưỡng xạ trị có nhiệm vụ giúp bệnh nhân nắm bắt thông tin về phương pháp xạ trị, đồng thời theo dõi những tác dụng phụ đang diễn ra như đau sau xạ trị, loét sau xạ trị hoặc rụng tóc, buồn nôn ở bệnh nhân.

Ngoài ra bệnh nhân có thể được chăm sóc bởi những kỹ thuật viên vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp sử dụng tia X mang năng lượng cao và bức xạ ion hóa để ức chế và phá hủy tế bào ung thư
Xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp sử dụng tia X có năng lượng cao và bức xạ ion hóa để ức chế và phá hủy tế bào ung thư

Phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung và tác dụng phụ ngắn hạn

Có hai phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung được áp dụng gồm: Xạ trị ngoài và xạ trị trong cổ tử cung.

1. Phương pháp xạ trị ngoài chữa ung thư cổ tử cung

Xạ trị ngoài có thể được hiểu là một phương pháp điều trị gần giống với chụp X-quang. Tuy nhiên phương pháp điều trị này được thực hiện với liều lượng phóng xạ cao hơn. Đối với xạ trị ngoài điều trị ung thư cổ tử cung, mỗi đợt điều trị chỉ kéo dài vài phút, thậm chí thời gian đưa bệnh nhân vào vị trí cần xạ trị còn lâu hơn. Xạ trị ung thư cổ tử cung nói riêng và xạ trị ung thư nói chung không gây đau.

Khi phương pháp xạ trị được lựa chọn làm phương pháp chữa trị chính ở bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ được kết hợp xạ trị ngoài với hóa trị liệu (trường hợp này được gọi là hóa trị liệu đồng thời). Thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ dùng thuốc hoá trị cisplatin hoặc những loại thuốc hóa trị khác nhưng với một liều nhỏ.

Phương pháp xạ trị ngoài điều trị ung thư cổ tử cung thường được thực hiện trong vòng 6 đến 7 tuần, mỗi tuần thực hiện 5 ngày, mỗi ngày 1 lần. Dựa theo lịch điều trị xạ trị, thuốc hóa trị sẽ được tiêm truyền trong suốt đợt điều trị. Lịch tiêm truyền thuốc hóa trị sẽ được sắp xếp dựa vào loại thuốc được chỉ định.

Xạ trị ngoài có thể được xem xét và chỉ định riêng biệt như một phương pháp điều trị chính đối với những bệnh nhân không đủ sức khỏe để tiến hành hóa trị liệu đồng thời hoặc xạ trị riêng biệt để chữa trị cho những khu vực ung thư di căn.

Tác dụng phụ trong thời gian ngắn của phương pháp ngoại xạ trị

Những tác dụng phụ có thể xảy ra từ phương pháp ngoại xạ trị điều trị ung thư cổ tử cung gồm:

  • Đau dạ dày.
  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đi phân lỏng hoặc tiêu chảy khi tiến hành xạ trị vùng bụng hoặc vùng chậu.
  • Phản ứng da: Các tế bào da có thể bị phá hủy khi tia xạ đi qua da để tác động vào tế bào ung thư. Điều này làm phát sinh tình trạng đỏ da, kích ứng nhẹ trong thời gian ngắn hoặc có thể lột da. Ở một số trường hợp da có thể tiết dịch tạo điều kiện cho viêm nhiễm xảy ra và lây lan. Do đó vùng da phơi nhiễm cần được bảo vệ và vệ sinh cẩn thận.
  • Viêm bàng quang xạ trị: Bàng quang có thể bị kích ứng khi tia xạ vào vùng chậu. Điều này khiến bệnh nhân tiểu nhiều lần và tạo ra cảm giác khó chịu.
  • Đau âm đạo: Âm đạo và âm hộ có thể trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với tia xạ. Bên cạnh đó người bệnh còn có cảm giác đau đớn và chảy dịch ở một số trường hợp.
  • Giảm những yếu tố trong máu: Tia xạ có thể gây thiếu máu (giảm hồng cầu) dẫn đến mệt mỏi, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng khi bị thiếu hồng cầu.
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: Tia xạ từ việc thực hiện phương pháp xạ trị có thể làm ảnh hưởng đến buồng trứng, từ đó làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc bệnh nhân mãn kinh sớm.

Khi xạ trị được thực hiện với hóa trị, những yếu tố tồn tại trong máu có xu hướng giảm nhiều hơn. Bên canh đó cảm giác khó chịu, buồn nôn và mệt mỏi cũng tăng. Sau khi ngưng trị liệu khoảng vài tuần những tác dụng phụ này sẽ được cải thiện.

Mặt khác ngoại xạ trị có thể gây ra những tác dụng phụ kéo dài. Những tác dụng phụ này sẽ được liệt kê chi tiết ở phần dưới.

Phương pháp xạ trị ngoài chữa ung thư cổ tử cung
Phương pháp xạ trị ngoài chữa ung thư cổ tử cung được thực hiện trong vòng 6 đến 7 tuần, mỗi tuần thực hiện 5 ngày

2. Phương pháp xạ trị trong chữa ung thư cổ tử cung

Xạ trị trong điều trị bệnh ung thư cổ tử cung là phương pháp sử dụng một nguồn phóng xạ đặt gần hoặc đặt vào trong vị trí của ung thư. Phương pháp này sử dụng tia phóng xạ tác động vào cơ thể trong thời gian ngắn. 

Đối với bệnh ung thư cổ tử cung, phương pháp xạ trị trong thường được sử dụng nhất là xạ trị trong khoang. Phương pháp này sử dụng nguồn phóng xạ lớn đặt vào một thiết bị trong cổ tử cung hoặc trong âm đạo. Thông thường xạ trị trong khoang sẽ được thực hiện đồng thời với xạ trị ngoài, thực hiện tương tự như một phần điều trị chính cho những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung.

Có hai loại xạ trị trong, bao gồm:

  • Xạ trị trong suất liều thấp: Xạ trị trong suất liều thấp cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung được hoàn thành trong vài ngày. Trong suốt thời gian xạ trị, bệnh nhân phải nằm trên giường phòng nội trú đơn, xung quanh được gắn các thiết bị với mục đích giữ vật chất phóng xạ nằm đúng chỗ. Lúc này nhân viên y tế sẽ chăm sóc cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Tuy nhiên cũng dự phòng tối thiểu nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cho chính bản thân họ.
  • Xạ trị trong suất liều cao: Xạ trị trong suất liều cao là một dạng thủ thuật ngoại trú được thực hiện cho bệnh nhân với nhiều đợt khác nhau (khoảng cách giữa hai lần xạ trị ít nhất một tuần). Thông thường ở mỗi lần trị liệu, thiết bị phóng xạ sẽ được đặt vào, sau đó lấy ra trong vòng vài phút. Ưu điểm của phương pháp xạ trị trong suất liều cao là bệnh nhân không cần phải nằm yên một chỗ hoặc không cần phải lưu viện trong một thời gian dài.

Đối với những bệnh nhân đã tiến hành cắt bỏ tử cung do phát hiện ung thư muộn, vật chất phóng xạ sẽ được đặt gọn trong một thiết bị dạng hình ống, sau đó đặt thiết bị này trong âm đạo.

Đối với những bệnh nhân vẫn còn còn tử cung, một thiết bị hình tròn (ovoids) sẽ được đặt gần cổ tử cung. Đồng thời vật chất phóng xạ sẽ được đặt gọn trong một thiết bị dạng hình ống có kích thước nhỏ (tandem) và đưa vào tử cung.

Ngoài ra một cách điều trị khác được gọi là tandem và vòng, bác sĩ sẽ sử dụng một đĩa nắm hình tròn để đặt ngay tại khu vực gần cổ tử cung. Phương pháp xạ trị trong chữa ung thư cổ tử cung sẽ được chọn lựa tùy thuộc vào loại bệnh lý.

Tác dụng phụ trong thời gian ngắn của phương pháp xạ trị trong

Đối với phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư cổ tử cung, thời gian phát chất phóng xạ ngắn hơn so với phương pháp khác nên tác động chính cũng như những tác dụng phụ của phóng xạ sẽ tập trung vào thành âm đạo và cổ tử cung. Trong đó những tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp gồm:

  • Kích ứng âm đạo và âm hộ
  • Âm đạo có dấu hiệu đỏ kèm theo cảm giác đau
  • Có hoặc không có dịch tiết ra
  • Âm hộ đỏ và đau.

Xạ trị trong cũng làm phát sinh một số tác dụng phụ nghiêm trọng tương như xạ trị ngoài, cụ thể:

  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Giảm những yếu tố trong máu
  • Kích thích bàng quang dẫn đến khó chịu và tiểu nhiều lần.

Thông thường phương pháp nội xạ trị sẽ được thực hiện ngay sau khi phương pháp ngoại xạ trị kết thúc và thực hiện trước khi những tác dụng phụ giảm đi, vì thế rất khó để xác định được tác nhân chính gây tác dụng phụ.

Xạ trị trong điều trị bệnh ung thư cổ tử cung
Xạ trị trong điều trị ung thư cổ tử cung là phương pháp dùng một nguồn phóng xạ đặt gần hoặc đặt vào trong vị trí của ung thư

Tác dụng dài hạn của phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung

Những tác dụng dài hạn của phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung gồm:

  • Sưng chân

Tình trạng sưng chân có thể xảy ra ở một chân hoặc ở cả hai chân. Cụ thể những vấn đề thoát dịch ở chân có thể xảy ra khi bệnh nhân áp dụng phương pháp phóng xạ để điều trị những hạch bạch huyết ở vùng chậu. Điều này dẫn đến tình trạng phù bạch huyết. Đây chính là tình trạng sưng nặng ở chân do khu vực này bị tích lũy dịch.

  • Yếu xương

Tình trạng yếu xương có thể xảy ra khi phóng xạ vào vùng chậu, làm tăng nguy cơ gãy xương. Trong đó thường gặp nhất là tình trạng gãy xương hông. Gãy xương có thể xảy ra sau nhiễm xạ khoảng 2 đến 4 năm. Để theo dõi nguy cơ gãy xương, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương.

  • Khô âm đạo

 Đau âm đạo và khô âm đạo khi quan hệ tình dục có thể là một trong những tác dụng phụ lâu dài xảy ra do cả phương pháp ngoại xạ trị và nội xạ trị. Để cải thiện những thay đổi của nội mạc âm đạo và giảm khô âm đạo, nữ giới có thể dùng Estrogen bôi tại chỗ, đặc biệt là mãn kinh sớm do buồng trứng bị phá hủy từ việc phóng xạ tại vùng chậu.

Những biện pháp nội tiết điển hình như dùng gel/ kem bôi trực tiếp vào âm đạo và vùng kín để hấp thụ, sử dụng viên đặt, dùng vòng nội tiết, hơn là đường uống.

  • Hẹp âm dạo

Cả phương pháp ngoại xạ trị và nội xạ trị ung thư cổ tử cung đều có khả năng hình thành sẹo mô âm đạo. Trong khi đó sẹo mô âm đạo chính là nguyên nhân gây hẹp âm đạo, làm âm đạo ngắn hơn hoặc giảm khả năng co giãn. Tình trạng này làm phát sinh cảm giác đau đớn khi bệnh nhân quan hệ tình dục.

Để ngăn ngừa tình trạng này, nữ giới có thể áp dụng biện pháp làm giãn thành âm đạo một tuần nhiều lần, có thể dùng dụng cụ làm giãn âm đạo hoặc quan hệ tình dục. Trong đó dụng cụ làm giãn âm đạo là một ống cao su hoặc một ống nhựa, được đặt phía trong để làm giãn âm đạo.

Cả phương pháp ngoại xạ trị và nội xạ trị ung thư cổ tử cung đều có khả năng hình thành sẹo mô âm đạo
Cả phương pháp ngoại xạ trị và nội xạ trị ung thư cổ tử cung đều có khả năng hình thành sẹo mô âm đạo dẫn đến hẹp âm đạo

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xạ trị ung thư cổ tử cung

Phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung có khả năng gây độc tính và làm phát sinh nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó bệnh nhân cần được áp dụng các biện pháp chăm sóc trước, trong và sau xạ trị ung thư để làm hạn chế phát sinh những vấn đề không mong muốn. Đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

1. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân trước khi xạ trị ung thư cổ tử cung

 Trước khi áp dụng phương pháp xạ trị điều trị ung thư cổ tử cung, người bệnh cần được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, không nên căng thẳng hay sợ hãi. Bên cạnh đó người bệnh cần tăng cường bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, Điều này sẽ giúp cải thiện thể lực, tình hình cục bộ. Đồng thời cứ hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm cục bộ.

2. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân trong khi xạ trị ung thư cổ tử cung

Trong quá trình xạ trị ung thư cổ tử cung, người bệnh cần áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời nếu nhận những biểu hiện bất thường xuất hiện như xuất huyết, kém ăn, đau… Lúc này bác sĩ chuyên khoa sẽ chú ý điều chỉnh liều lượng thuốc và phương pháp điều trị. Đồng thời chỉ định biện pháp bảo vệ những khu vực không cần phải chiếu xạ. Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc an thần và vitamin B.

Người nhà bệnh nhân cần giúp bệnh nhân uống nhiều nước trong thời gian xạ trị để bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Điều này sẽ giúp hạn chế phát sinh những tổn thương cục bộ và giảm những phản ứng trên cơ thể do xạ trị.

3. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cung

Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cung là điều vô cùng cần thiết và quan trọng bởi điều này có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và quá trình hồi phục sức khỏe của bệnh nhân.

Sau khi bị chiếu xạ, phần da tiếp xúc với tia chiếu cần được chăm sóc sạch sẽ. Bên cạnh đó người bệnh cần hạn chế tối đa việc gây ra những kích thích về mặt vật lý hay hóa học ở vùng da này, tránh gãi, tránh cọ sát. Bởi nếu không cẩn thận tình trạng loét sau khi xạ trị sẽ xuất hiện.

Đối với những trường hợp xạ trị cục bộ (điển hình như xạ trị thực quản) thì sau khi kết thúc quá trình xạ trị, bệnh nhân cần uống nhiều nước, ăn những loại thức ăn mềm. Đối với trường hợp xạ trị trực tràng thì cần áp dụng những phương pháp phòng ngừa táo bón.

Bệnh nhân sau xạ trị điều trị ung thư cổ tử cung cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho những đợt xạ trị tiếp theo. Về chế độ ăn uống người bệnh nên ưu tiên nhóm thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, chất béo lành mạnh, tinh bột và khoáng chất.

Ngoài ra sau xạ trị ung thư cổ tử cung, người bệnh cần lưu ý thêm những điều sau đây:

  • Những khu vực tiếp xúc với tia xạ sẽ có làn da thay đổi màu sắc. Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để bôi lên vùng da này khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không nên mặc những trang phục bó sát vào cơ thể, nên để làn da tiếp xúc với không khí nhưng không nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Đi lại và vận động nhẹ nhàng sau những đợt xạ trị ung thư cổ tử cung để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và giúp tinh thần thoải mái.
  • Luôn yêu đời, giữ tinh thần lạc quan, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, tư tưởng thoải mái để ăn uống ngon miệng hơn và thư thái đầu óc.
  • Không nên quan hệ vợ chồng trong vài tháng đầu tiên sau khi quan hệ tình dục để phòng ngừa những tổn thương ở vùng chiếu xạ.
Bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cung cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cung cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ khi xạ trị ung thư cổ tử cung?

Bệnh nhân xạ trị ung thư cổ tử cung cần quan sát, theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng và nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa khi nhận thấy những biểu hiện dưới đây xuất hiện:

  • Triệu chứng đau sau xạ trị không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt là những trường hợp luôn bị đau ở một vị trí
  • Xuất hiện khối u bất thường trong cơ thể
  • Buồn nôn và nôn sau xạ trị, ăn uống kém, tiêu chảy
  • Chảy máu bất thường hoặc da nổi ban
  • Sốt cao liên tục.

Ngoài ra bệnh nhân cần thăm khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ thường xuyên sau khi tiến hành xạ trị ung thư cổ tử cung để đảm bảo sức khỏe an toàn.

Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung là bao nhiêu?

Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người bệnh. Theo các chuyên gia và các bác sĩ chuyên khoa về xạ trị, chi phí cho một lần xạ trị ung thư ở mỗi bệnh nhân không giống nhau cũng như không thể xác định chính xác khoản chi phí cần trả. Bởi chi phí xạ trị còn phụ thuộc bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung: Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị với những phác đồ khác nhau. Điều này khiến chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung bằng phương pháp xạ trị cũng khác nhau. 
  • Tình trạng sức khỏe và thể trạng của mỗi bệnh nhân: Đối với những trường hợp có sức khỏe, thể trạng và sức đề kháng yếu như người lớn tuổi hay mắc bệnh mãn tính trước đó, người bệnh buộc phải tiến hành xạ trị kết hợp với thuốc uống hỗ trợ và những loại dịch vụ khác để tăng cường khả năng tiếp nhận xạ trị của cơ thể. Điều này khiến chi phí điều trị cao hơn so với thông thường.

Sau khi được thăm khám, chẩn đoán ung thư cổ tử cung và xếp giai đoạn, bác sĩ chuyên khoa sẽ hội chẩn chính xác hơn về phác đồ điều trị và đưa ra mức chi phí tương ứng cho mỗi bệnh nhân. Không riêng ung thư cổ tử cung, chi phí điều trị ung thư nào cũng vậy, bệnh nhân phải chi trả một khoản chi phí điều trị khá cao. Chính vì thế bệnh nhân và những người thân của bệnh nhân cần chuẩn bị kinh phí điều trị và tâm lý trước đó.

Chi phí cho một lần xạ trị ung thư cổ tử cung ở mỗi bệnh nhân không giống nhau
Chi phí cho một lần xạ trị ung thư cổ tử cung ở mỗi bệnh nhân không giống nhau do nhiều yếu tố tác động

Trên đây là thông tin cơ bản về chi phí, phương pháp thực hiện, tác dụng phụ và những lưu ý chăm sóc khi xạ trị ung thư cổ tử cung. Nhìn chung xạ trị là một phương pháp cần thiết đối với bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung. Phương pháp điều trị này giúp ức chế và phá hủy tế bào ung thư, đẩy nhanh quá trình chữa trị của bệnh nhân.

Tuy nhiên hóa trị có thể gây độc cho cơ thể và làm phát sinh nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế việc chữa ung thư cổ tử cung với phương pháp này cần hết sức thận trọng. Ngoài ra bệnh nhân cần lưu ý áp dụng tốt biện pháp chăm sóc sau xạ trị để hạn chế những vấn đề không mong muốn.

Bài viết liên quan:

Ngày Cập nhật 07/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *