Bạch Thược: Vị Thuốc Hay Với Nhiều Công Dụng Trị Bệnh

Bạch thược hay thược dược trắng, mẫu đơn trắng là vị thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc giảm đau, dưỡng huyết, nhuận gan, điều hòa khí huyết, thanh nhiệt giải độc… Mặc dù còn có tên gọi khác là thược dược nhưng không nên nhầm lẫn giữa bạch thược và cây thược dược trồng làm cảnh ở Việt Nam.

Bạch thược còn có tên gọi khác là mẫu đơn trắng
Bạch thược còn có tên gọi khác là mẫu đơn trắng

Tên khác: Thược dược, mẫu đơn trắng, kim thược dược, tiêu bạch thược, hàng bạch thược, toan bạch thược, lê thực, ngưu đỉnh, một cốt hoa, lam vĩ xuân, dư dung, kỳ tích,  cẩm túc căn, cận khách, diễm hữu, hắc tân diêng, mộc bản thảo… 

Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall

Họ: Mao Lương hay còn gọi là họ Hoàng liên (Ranunculaceae)

Mô tả cây bạch thược

Đặc điểm hình thái

Bạch thược là một loài cây thân thảo, sống lâu năm, thân mọc thẳng đứng, không có lông. Chiều cao trung bình thường từ 50 – 80cm, có nhiều rễ to mập,  chiều dài của rễ có thể lên đến 30cm với đường kính 1 – 3cm. Rễ cũng là bộ phận chủ yếu được dùng làm thuốc của bạch thược, vỏ màu nâu, mặt cắt màu hồng nhạt hoặc trắng. 

Bạch thược có nhiều chồi, mọc thành từng khóm với các đặc điểm hình thái dễ nhận biết như sau:

  • Lá: Lá kép, mọc so le, chụm hai hoặc chụm 3, phân chia thành 9 – 12 phần. Các đoạn lá không đều nhau, hình trái xoan nhìn giống ngọn giáo. Mỗi lá có chiều dài thường từ 8 – 12cm và chiều rộng 2 – 4cm, mép nguyên, phần cuống hơi hồng. Lá non rất giòn, dễ gãy, vào mùa thu lá bạch thược chuyển sang màu vàng và rụng. 
  • Hoa: Hoa to, mọc đơn độc, mỗi thân có 1 – 7 hoa,  thuộc loại hoa kép, cánh hoa có màu trắng hoặc hồng. Mùi hoa bạch thược khá giống mùi hoa hồng, thường nở vào tháng 5 – 6. Đài hoa có 6 phiến, cánh hoa xếp lên nhau thành một dãy hoặc hai dãy. Trước khi nở, hoa có màu hồng, sau khi rộ ra thì chuyển sang màu trắng tinh bao lấy bao phấn màu da cam. 
  • Hạt (quả): Thường gồm 3 – 5 lá noãn, mỗi cây có vài chục hạt tuy nhiên đa phần đều là hạt lép.

Phân bố

Cây bạch thược được trồng nơi khí hậu mát, thường ở vùng núi cao, mọc dưới những cây to hoặc cây bụi. Dược liệu này có nguồn gốc từ Trung Quốc và thường mọc tự nhiên ở các tỉnh như Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Sơn Bắc…  Ở Việt Nam, bạch thược đã được di thực vào và trồng nhiều ở Sa Pa. Thế nhưng, nguồn cung vẫn chưa đủ nên vẫn còn phải nhập của Trung Quốc. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng

Như đã đề cập, bộ phận được dùng làm thuốc của cây thược dược là rễ.

Thu hái

Bạch thược thường được thu hái vào thời điểm từ tháng 6 – 10 và chỉ thu những cây có tuổi thọ ít nhất 4 năm. Cụ thể:

  • Ở Triết Giang thu hoạch vào tháng 6, đây cũng là vùng thu hái bạch thược sớm nhất.
  • Tứ Xuyên thu bạch thược vào giữa tháng 7 và có thể kéo dài tới cuối mùa hè
  • An Huy thu vào cuối hè, đầu thu
  • Hồ Nam thu vào lập thu.

Thời điểm thu hoạch là những ngày nắng ráo, khi đất khô. Trước tiên sẽ cắt hết thân lá của cây rồi dùng cuốc tiến hành bới quanh gốc để lấy rễ. Sau khi thu được phần rễ thì giũ sạch đất, cắt hết những rễ con, rễ phụ bằng dao nhỏ và phân loại lớn nhỏ rồi phơi khô. Nếu sau thu hoạch mà thời tiết không tốt, gặp mưa thì vùi lại rễ vào đất cát ẩm. Tuy nhiên, không được để kéo dài quá 2 – 3 ngày mà phải phơi nắng cho khô. 

Bào chế

Bạch thược thường được phơi khô, tẩm giấm hoặc tẩm rượu để sao qua. Có nhiều cách bào chế bạch thược như sau:

1. Cách bào chế của Tứ Xuyên

Người ta bào chế bằng cách cho rễ bạch thược vào một cái nồi hoặc chảo to, đổ nước đã đun sôi cho ngập hết rễ. Tiếp đó, loại rễ to đun từ 10 – 15 phút, không đun quá nhanh hoặc quá lâu vì nếu rễ chưa chín thì sẽ giảm công hiệu, nếu quá lâu sẽ tốn nhiều sức trong việc bỏ vỏ. Có thể xác định rễ đã chín chưa bằng cách dùng móng tay bấm vào. Ngoài ra còn có thể dựa vào mùi thơm, nếu rễ chín sẽ có mùi thơm, bớt đắng, nếu chưa chín sẽ có mùi tanh của đất, vị đắng. 

Sau khi luộc xong thì vớt ra cho ngay vào nước lạnh, dùng thanh tre cật vót để cạo hết lớp vỏ ngoài cho đến khi thấy lớp vỏ trắng. Khi cạo vỏ cần nhẹ tay, gọt bỏ chỗ có sâu bệnh. Cuối cùng bỏ đầu đuôi của rễ, cắt thành khúc dài 10 – 13cm và đem phơi nắng. Phơi rễ bạch thược được chia làm 3 giai đoạn:

  • Phơi nhiều ủ nhiều: Rải bạch thược ra chiếu phơi nắng, cứ 20 phút thì trở một lần. Đến chiều mang vào xếp thành đống, phủ chiếu lên ủ ngày mai lại đem ra phơi. Thực hiện liên tục trong 4 – 5 ngày thì chuyển sang giai đoạn thứ 2.
  • Phơi ít, ủ nhiều: Sau giai đoạn 1, lúc này chúng ta cần đợi đến 9  giờ mới đem bạch thược ra phơi, đến 3 giờ chiều thì mang vào ủ chiếu kín. Trong khi phơi, cứ 30 – 40 phút thì trở một lần, thực hiện liên tục trong 8 – 10 ngày thì chuyển sang giai đoạn thứ 3.
  • Phơi ngắn ủ dài: Ở giai đoạn này, mỗi ngày chỉ ủ 2 – 4 giờ, cứ cách 40 phút thì trở 1 lần. Khi ủ bạch thược, phải ủ 3 – 4 lớp bao tải cho đến khi lớp vỏ ngoài của rễ ướt lại rồi đem phơi đến khi vỏ thật khô. 

2. Cách bào chế bạch thược của Sơn Đông

Trước tiên, dùng dao tre cạo trắng vỏ ngoài, tuyệt đối không rửa dược liệu bằng nước để tránh tình trạng rễ biến thành màu nâu hoặc đen. Sau khi đã cạo vỏ, ngâm rễ bạch thược trong nước giếng nửa ngày rồi mang đi luộc, ngâm ngày nào luộc ngày đó. 

Khi luộc cần đun sôi nước rồi mới cho rễ bạch thược vào, đun trong 15 – 20 phút cho đến khi rễ mềm, vặn cong được thì vớt ra. Mỗi chảo chỉ nên luộc 2 – 3 mẻ rồi thay nước mới. Tiếp đó, tiến hành cắt bỏ đầu đuôi, phân loại to nhỏ, cứt thành khúc và mang đi phơi khô. 

Bạch thược sau khi được luộc thì phơi khô trên chiếu, cách 5 – 10 phút đảo 1 lần. Sau 1 – 2 giờ phơi nắng, lấy chiếu cuộn lại rồi phủ thêm 1 chiếc chiếu lên trên đến khi rễ nguội lại lấy ra phơi nắng. Phơi trong 3 ngày liên tục, buổi trưa nắng gắt thì phủ chiếu lại cho mát, đến khi nào gõ vào rễ nghe tiếng kêu thanh thanh lại đem ủ 2 – 3 ngày. Sau đó phơi tiếp 1 – 2 cho thật khô để dược liệu không chuyển sang màu hồng.

Bảo quản

Đối với dược liệu chưa bào chế, để bảo quản cần phải sấy lưu huỳnh. Với dược liệu bào chế rồi phải để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm thấp.

Vị thuốc bạch thược

Bạch thược thường được cắt lát mỏng sau khi đã bào chế để sử dụng
Bạch thược thường được cắt lát mỏng sau khi đã bào chế để sử dụng

Mô tả dược liệu

Rễ bạch thược có hình trụ tròn, thẳng hoặc uốn cong, chùy dài 15 – 20cm, mặt ngoài hơi trắng hoặc hồng nhạt. Bề mặt nhãn, đôi khi có nếp nhăn dọc chất rắn chắc, khó bẻ gãy, khá nặng, mặt cắt hơi phớt hồng hoặc có màu trắng ngà. 

Thành phần

Trong bạch thược có một số hoạt chất sau đây:

  • Albiflorin, Galloyl Paeoniflorin, Paeoniflorigenone
  • Paeoniflorin, Paeonin, Paeonol, Sitosterol, Triterpenoids
  • Tanin, Nhựa, Tinh bột, chất béo, glucozit thược dược, acid benzoic, paeoniflorin, calci oxalat, một ít tinh dầu.

Tính vị

Có vị đắng, hơi chua, tính hàn

Quy kinh

Quy vào các kinh Can, Tỳ, Thái âm, Kinh thủ

Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại

Trong nghiên cứu của y học hiện đại, bạch thược có những tác dụng dược lý như sau:

  • Glucozit bạch thược có tác dụng an thần, giảm đau do có khả năng ức chế trung khu thần kinh
  • Glucozit bạch thược còn có tác dụng ức chế cơ trơn của tử cung, ruột, dạ dày. Có khả năng chống viêm, hạ nhiệt, chống sự hình thành huyết khối do tăng tiểu cầu, tăng lượng máu đến cơ tim. Ngoài ra, còn giúp bảo vệ gan, làm hạ men Transaminase. 
  • Có thể ức chế trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ thương hàn, trực khuẩn đại trường, liên cầu khuẩn tán huyết, tụ cầu khuẩn vàng, phế cầu khuẩn và một số loại nấm ngoài da. 
  • Chống giãn tích mạch ngoại vi, cầm mồ hôi, lợi tiểu. Có tác dụng chống co thắt cơ trơn của mạch máu nên có khả năng giúp hạ áp nhẹ. 

Theo y học cổ truyền

Theo các tài liệu y học cổ truyền, bạch thược có công dụng chỉ thủy tả, chỉ phúc thống, chỉ thống, tả tỳ nhiệt, trừ huyết tích, dưỡng huyết, điều dưỡng tâm can tỳ kinh huyết, giáng khí…  

Chủ trị: Bụng đau, lưng đau, giữa bụng đau quặn, trúng ác khí, phế có tà khí, hen suyễn, mắt dính, dương duy mạch có hàn nhiệt, đau bụng tiêu chảy, có thai đau bụng liên miên, đau bụng lỵ, bắp thịt co rút đau buốt, hành kinh đau bụng…

Liều dùng

Thường từ 10 – 30g ở dạng nấu, ngâm, sắc, hãm.

Bài thuốc chữa bệnh hay với bạch thược

Như đã nói, bạch thược xuất hiện rất nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Có thể kể đến như:

1. Bài thuốc trị đau bụng kinh, bạch đới

  • Trị đau bụng kinh: 8g bạch thược, 8g hương phụ, 3g sinh địa, 3g thanh bì, 3g xuyên khung, 3g sài hồ, 2g cam thảo sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ. Thấy còn một nửa thì tắt bếp chia làm nhiều lần uống trong ngày. 
  • Trị đau bụng khi hành kinh: Bạch thược, hương phụ, đương quy mỗi vị 8g; thanh bì, xuyên khung, sinh địa, sài hồ mỗi vị 4g sắc uống cùng 3g cam thảo.
  • Trị đau đầu khi hành kinh do huyết hư: Bạch thược, xuyên khung, phòng phong, địa hoàng khô, đương quy, kinh giới, khao bản, sài hồ, mạn kinh tử mỗi vị 6g sắc với nước uống ngày 1 thang. 
  • Trị huyết hư khiến kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng: 20g bạch thược, 12g bạch thược, 12g đương quy, 6g xuyên khung sắc với nước uống.
  • Trị bạch đới: Bạch chỉ, xích thạch chi, sơn dược, long cốt, lộc giác, mẫu lệ, phục linh mỗi thứ 10g; can khương 5g sắc với nước uống ngày 1 thang, liên tục 10 thang 1 liệu trình.
  • Trị khí hư ra dầm dề, người vàng vọt: Bạch thược, can khương, mẫu lệ, long cốt, can ban long, hoàng kỳ, thục địa, quế tâm mỗi vị 8g tán thành bột mịn. Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 8g trước khi ăn, có thể chiêu với nước hoặc hòa với rượu để uống. 

2. Bài thuốc an thai

  • Trị thai động do chấn thương, vấp ngã (bài thuốc 1): 12g bạch thược, 1g tang ký sinh, 12g tục đoạn, 10g rễ cây gai; a giao, đương quy, đỗ trọng mỗi vị 8g sắc với nước uống ngày 1 thang.
  • Trị thai động do chấn thương, vấp ngã (bài thuốc 2): Bạch thược, thục địa, bạch truật, tục đoạn, mẫu lệ, hoàng kỳ mỗi vị 12g; ngải diệp, đỗ trọng, hoàng cầm, đương quy, địa du, hương phụ mỗi vị 8g; 16g đảng sâm, 6g xuyên khung, 4g cam thảo sắc với nước uống mỗi ngày 1 thang.
  • Trị động thai do khí huyết hư có kèm ra máu: Bạch thược, thục địa, đỗ trọng mỗi thứ 12g; 16g đảng sâm, 8g đương quy, 6g trần bì, 4g cam thảo sắc với 1 thăng nước, ngày uống 1 thang. 
  • Trị có thai đau bụng liên miên: 20g bạch thược, 10g trạch tả, 8g bạch linh, 8g bạch truật, 6g đương quy, 6g xuyên khung tán thành bột mịn. Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 8g chiêu bằng nước hoặc hòa với rượu để uống.

3. Bài thuốc trị đau bụng sau sinh

Vị thuốc này còn được dùng nhiều trong các bài thuốc an thai, chữa đau bụng sau sinh
Vị thuốc này còn được dùng nhiều trong các bài thuốc an thai, chữa đau bụng sau sinh
  • Trị băng huyết, rong kinh: Bạch thược, thục địa, mẫu lệ, quế lâm, can khương, mộc giác, hoàng kỳ mỗi vị 8g tán thành bột mịn trộn đều vào nhau. Dùng bột này uống với nước ấm hoặc rượu nóng, ngày 3 lần, mỗi lần dùng 8g.
  • Trị đau bụng sau sinh do huyết hư: 30g bạch thược, 15g gừng tươi, 15g đương quy, 1kg thịt dê cho vào nồi hầm trên lửa nhỏ, nêm nếm gia vị vừa ăn. 

4. Bài thuốc trị các bệnh về xương khớp

  • Chữa viêm khớp dạng thấp: 12g bạch thược, 20g rễ cỏ xước (tẩm rượu sao), 16g tang ký sinh, 16g dây đau xương, đương quy, tục đoạn, thục địa, tần giao, đảng sâm mỗi vị 12g; xuyên khung, quế chi mỗi vị 8g; cam thảo, tế tân mỗi vị 6g. Đem các vị thuốc này sắc với 1 thăng nước, thấy còn 300ml thì tắt bếp chia làm 3 lần uống trong ngày, uống liên tục trong 10 ngày. 
  • Trị bắp thịt co rút đau buốt: 16g bạch thược, 16g cam thảo sắc với nước để uống.
  • Trị đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống: Bạch thược, ngưu tất, phục linh, đương quy, độc hoạt, đảng sâm, thục địa, tang ký sinh, đại táo mỗi vị 12g; cam thảo, đỗ trọng, phòng phong mỗi thứ 8g; tế tân, quế chi mỗi thứ 6g sắc với 1 thăng nước trong 15 phút, mỗi ngày dùng 1 thang chia làm nhiều lần uống.
  • Chữa đau nhức đầu gối, cứng khớp không co duỗi được: 8g bạch thược, 44g cam thảo sắc với 300ml thấy còn 100ml thì tắt bếp chia làm 2 lần uống.
  • Chữa xương tăng sinh: 30 – 60g bạch thược, 15g kê huyết đằng, 15g uy linh tiên, 12g mộc qua, 12g cam thảo sắc với nước để uống, dùng như nước lọc hàng ngày. 

5. Bài thuốc trị đau bụng, tiêu chảy, lỵ

  • Trị đau bụng tiêu chảy: 12g bạch truật (sao hoàng thổ), 8g bạch thược sao, 8g phòng phong, 6g trần bì sắc với nước uống.
  •  Trị đau bụng kiết lỵ: Bạch thược, hoàng cầm mỗi vị 12g sắc cùng 6g cam thảo và 1 thăng nước, thấy còn ½ thăng thì lấy uống khi còn ấm.
  • Trị lỵ ra máu mủ: 40g bạch thược, 40g hoàng cầm, 20g hoàng liên, 20g đương quy, 12g đại hoàng, cam thảo, binh lang, mộc hương mỗi vị 8g, quan quế 6g tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần lấy 20g bột thuốc sắc với 2 bát nước thấy còn 1 bát thì chắt ra uống khi còn ấm. 

6. Bài thuốc chữa táo bón

  • Trị táo bón kinh niên: 24 – 40g bạch thược (tươi), 10 – 15g cam thảo (tươi) sắc với nước uống trong ngày. Dùng từ 2 – 4 thang sẽ khỏi, mỗi tuần chỉ nên dùng 1 thang. 
  • Trị sôi bụng táo bón, sốt mạch sác, rêu lưỡi vàng, đau bụng trên hoặc dưới:  Bạch thược, đại hoàng, hoàng cầm, diên hồ sách, xuyên luyện tử, sài hồ mỗi vị 12g; sinh cam thảo, chỉ thực, mộc hương mỗi vị 8g; 20g bồ công anh sắc với nước uống ngày 1 thang. 
  • Trị đi ngoài ra máu mủ lẫn lộn, mót nhưng không đi được: 20g bạch thược, 10g đương quy, 8g hoàng liên, 8g đại hoàng, 8g hoàng cầm; mộc hương, binh lang, cam thảo mỗi vị 6g; 2g quan quế sắc uống.
  • Nhuận trường cho bệnh nhân táo bón thể can khí uất kết (đặc biệt là phụ nữ từ 40 – 50 tuổi): Bạch thược, bạch truật, đương quy, sài hồ, phục linh mỗi vị 12g; cam thảo, đơn bì, chi tử mỗi vị 8g; 4g bạc hà, 4g sinh khương sắc uống.

7. Bài thuốc cho người mắc bệnh gan

  • Hoạt huyết hóa ứ, giải độc rượu, chữa bệnh gan do rượu ở thể can uất tỳ hư: 12g bạch thược, 30g đảng sâm, 30g sơn tra, 24g miết giáp, 15g bạch linh; trúc nhự, sài hồ, xích thược, trần bì, đào nhân mỗi vị 12g; hoàng liên, tích tương thực, bán hạ chế mỗi vị 10g sắc với nước để uống.
  • Giải rượu hóa trùng, sơ can than nhiệt, trị gan nhiễm mỡ do lạm dụng rượu: 10g bạch thược, 30g sơn tra sao, 20g uất kim; trư linh, trạch tả, tích tương tử, sài hồ, kê nội kim mỗi thứ 15g; chi tử sao, hoàng cầm, thần khúc, sa nhân mỗi vị 10g, 5g sinh địa sắc với nước. 

8. Bài thuốc bổ huyết, trị suy dinh dưỡng

  • Chữa thiếu máu: 10g bạch thược, 15g sinh địa, 8g xuyên khung, 1 con gà ác. Gà hầm nhừ, các vị thuốc đem thái nhỏ ngâm 10 phút trong rượu rồi cho vào nồi gà tiếp tục hầm, ăn khi còn nóng.
  • Bổ huyết nhuận táo: Bạch thược, kỷ tử, hạnh nhân, bá tử nhân, quy đầu mỗi vị 12g; 20g thực địa, 16g ma nhân, 8g xuyên khung, 8g ban long, 10g đào nhân, 4g táo nhân sắc uống.
  • Chữa huyết hư mất dinh dưỡng: Bạch thược, thục địa, hoàng kỳ, đảng sâm, bạch truật, phục linh mỗi vị 12g; cẩu khởi, câu đằng, khương táo, diên hồ mỗi vị 9g; thiên ma, cam thảo, xuyên khung, đương quy mỗi vị 6g sắc với 1 thăng nước, uống phân nửa.
  • Trị suy dinh dưỡng thể khô: Bạch thược, bạch truật, thục địa, xuyên khung, đương quy, mỗi vị 8g cùng 6g phục linh, 4g cam thảo sắc uống. 

9. Bài thuốc chữa đau đầu, hoa mắt

  • Chữa đau đầu do can dương vượng thượng: Bạch thược, bối mẫu, phục thần, câu đằng, trúc nhự, sinh địa, cúc hoa, tang diệp mỗi vị 12g cùng 4g linh dương giác, 4g cam thảo sắc với nửa thăng nước trong 15 phút.
  • Chữa hoa mắt, ù tai, tay chân tê mỏi: 20g bạch thược, 20g toan táo nhân, 1g đương quy, 16g thục địa, 12g mạch môn, 8g xuyên khung, 8g mộc qua, 4g cam thảo sắc uống.
  • Trị nhức đầu hoa mắt: Bạch thược, bạch truật, đại táo, phục linh, quế chi, sinh khương mỗi vị 6g cùng 4g cam thảo sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ. Thấy còn 200ml thì tắt bếp chia làm 3 lần uống trong ngày. 

10. Chữa yếu sinh lý, hiếm muộn

 Nguyên liệu: Bạch dược, tục đoạn, bạch truật mỗi vị 40g; đại táo, cao sơn dương, dâm dương hoắc, lộc giác cao, thục địa, long nhãn mỗi vị 100g; 60g nhân sâm, 60g đương quy, 30g đỗ trọng, 30g kỷ tử, 30g ngưu tất cùng 5 lít rượu.

 Cách thực hiện:

  • Đem các vị thuốc đã chuẩn bị rửa qua với nước ấm, cho vào bình
  • Đổ thêm 3 lít rượu vào bình cho ngập thuốc
  • Sau 2 ngày thì đổ thêm 2 lít còn lại vào
  • Đợi khi rượu ngấm vào thuốc thì lấy uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 30ml trước bữa ăn. 

11. Bài thuốc trị ho, hen suyễn

  • Chữa ho gà: 15g bạch thược, 3g cam thảo sắc với nước uống. Nếu ho có đờm thì cho thêm địa long, đình lịch, ngô công.
  • Chữa hen suyễn: Bạch thược, cam thảo chuẩn bị theo tỷ lệ 2:1 tán thành bột mịn, trộn đều với nhau. Mỗi ngày lấy 30g đun sôi với 120ml nước trong 3 – 5 phút, đợi cặn lắng thì lọc lấy nước uống.

12. Bài thuốc chữa sỏi thận

 Nguyên liệu: 10g bạch thược, 30g kim tiền thảo, 18g hải kim sa đằng, 12g sinh địa, 6g kê nội kim, 5g quảng mộc hương, 5g cam thảo, 3g hổ phách mạt,

Cách thực hiện:

  • Lấy các vị thuốc đã chuẩn bị sắc với nửa thăng nước 
  • Thấy còn 200ml thì cho hổ phách mạt vào khuấy đều
  • Chia nước thuốc thành 2 phần uống trong ngày.

13. Bài thuốc chữa viêm viêm loét dạ dày

 Nguyên liệu: 15 – 20g bạch thược, 12 – 15g cam thảo

Cách thực hiện:

  • Sắc với nước để uống
  • Mỗi ngày dùng 1 thang
  • Thích hợp với cả người có huyết ứ, cơ thể khí trệ

14. Trị cơ co giật

Nguyên liệu: 30g bạch thược, 15g quế chi, 15g cam thảo, 10g mộc qua

Cách thực hiện:

  • Sắc với nước để uống
  • Mỗi ngày dùng 1 thang
  • Sau 3 – 5 thang sẽ thấy hiệu quả
  • Với trường hợp nhẹ vẫn có kết quả.

15. Trị tiểu đường

Nguyên liệu: 40g bạch thược, 8g cam thảo

Cách thực hiện:

  • Đem hai vị thuốc này chế thành dạng cao khô
  • Làm thành viên, mỗi viên khoảng 0.165g
  • Dùng 3 lần/ngày, mỗi lần uống 4 – 8 viên, uống với nước ấm.

Những lưu ý khi sử dụng các bài thuốc có chứa bạch thược

Bạch thược rất dễ bị nhầm lẫn với thược dược cảnh
Bạch thược rất dễ bị nhầm lẫn với thược dược cảnh

Mặc dù bạch thược là vị thuốc tốt, đa công dụng, chữa được nhiều bệnh, thích hợp với nhiều đối tượng nhưng khi sử dụng bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây: 

  • Cần phân biệt bạch thược với thược dược trồng làm cảnh. Thược dược cảnh cao khoảng 1m, lá kép không có lông, nở hoa vào mùa đông xuân, cuống lá dài, hoa có màu đỏ hoặc nhiều màu khác.
  • Không dùng bạch thược cho trường hợp trúng hàn gây đau bụng tiêu chảy, đau do trường vị hư lạnh hoặc đầy bụng. 
  • Không dùng cho người tỳ khí hư hàn, sản hậu, hạ lỵ ra toàn máu
  • Kiêng kỵ dùng với thạch hộc, mang tiêu, tiêu thạch, tiểu kế, miết giáp
  • Bạch thược phản Lê lô nên không dùng chung.

Trên đây là một số thông tin về vị thuốc bạch thược và các bài thuốc chữa bệnh hay được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay bạch thược có rất nhiều loại, nếu muốn dùng thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc, bác sĩ có trình độ chuyên môn và lựa chọn đúng loại bạch thược. 

Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *