Chảy mủ chân răng: Bệnh lý nguy hiểm cần điều trị sớm

Tình trạng chân răng bị chảy mủ là dấu hiệu điển hình của các bệnh nha khoa nghiêm trọng như viêm nha chu, viêm tủy răng và áp xe răng. Nếu không can thiệp điều trị, các bệnh lý này có thể diến tiến nặng nề, gây mất răng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến mô nướu và răng ở các vị trí lân cận.

Chảy mủ chân răng
Chảy mủ chân răng là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm cần điều trị sớm

Chảy mủ chân răng – Dấu hiệu của bệnh gì?

Chân răng là phần răng tiếp xúc mô nướu và tổ chức nha chu. Do được nướu bao phủ nên chân răng ít khi bị tổn thương. Trong khi đó mặt răng và mô nướu là những vị trí dễ bị hại khuẩn xâm nhập và gây hư hại.

Chính vì vậy khi chân răng bị đau nhức và tổn thương, tình trạng thường có mức độ nghiêm trọng hơn so với đau nhức xảy ra ở mô nướu và các vị trí khác.

Nếu bị chảy mủ chân răng, bạn có thể cân nhắc về một số khả năng sau:

1. Bệnh viêm nha chu

Nha chu là tổ chức bao xung quanh răng, có chức năng giảm ma sát với thức ăn, nâng đỡ và bảo vệ chân răng. Tuy nhiên nha chu có thể bị viêm do hại khuẩn xâm nhập vào mô nướu, sau đó lây lan sang gai lợi, dây chằng, xương ổ răng,…

Bệnh lý này là hệ quả do viêm nướu răng không được điều trị triệt để. Viêm nha chu không chỉ gây đau nhức, khó chịu, hôi miệng và ê buốt mà còn gây hư hại chân răng khiến chân răng lỏng lẻo, ứ mủ và chảy máu thường xuyên.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh lý này thường có dấu hiệu tụt lợi, để lộ chân răng khiến răng dài hơn bình thường. Nếu bệnh tiếp tục tiến triển, các mô cứng xung quanh răng có thể bị hư hại và hình thành khoảng trống ở giữa các răng.

2. Viêm tủy răng

Tủy răng là cơ quan nằm ở bên trong ngà răng, có chức năng nuôi dưỡng răng và dẫn truyền cảm giác. Do nằm ở vị trí sâu, kín và được bảo vệ bởi men răng và ngà răng nên cơ quan này ít khi tổn thương.

Chảy mủ chân răng
Vi khuẩn gây nhiễm trùng tủy răng có thể xâm nhập xuống chân răng, gây ứ mủ và đau nhức

Tuy nhiên khi răng bị mẻ, sâu hoặc nha chu bị nhiễm trùng, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào tủy răng và gây viêm nhiễm. Tủy răng chứa nhiều dây thần kinh cảm giác nên khi bị nhiễm trùng, bạn có thể nhận thấy cơn đau nhói và có mức độ nghiêm trọng.

Nếu không kịp thời điều trị, hại khuẩn có thể xâm nhập xuống chân răng và gây tụ mủ. Do đó triệu chứng chảy mủ chân răng cũng có thể là dấu hiệu của viêm tủy răng.

3. Áp xe răng

Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng nặng gây tụ mủ (tổ chức này bao gồm các mô hoại tử, bạch cầu và vi khuẩn). Đây là biến chứng thường gặp của bệnh sâu răng và viêm nha chu. Bệnh hình thành khi vi khuẩn tồn tại trong tủy tiết ra độc tố khiến chân răng sưng tấy, tụ mủ và tạo thành ổ áp xe.

Áp xe răng được chia thành 2 loại, bao gồm áp xe chân răng (hệ quả do viêm tủy răng hoặc do điều trị nội nha thất bại) và áp xe quanh răng (biến chứng của bệnh nha chu). Bệnh lý này thường gây chảy mủ chân răng, đau nhức răng dữ dội, hơi thở có mùi hôi, sưng hạch bạch huyết,…

Chảy mủ chân răng có nguy hiểm không?

So với các triệu chứng thường gặp như đau răng, sưng lợi, ê buốt,… chảy mủ chân răng là triệu chứng có mức độ nghiêm trọng đồng thời là dấu hiệu của các bệnh nha khoa như viêm nha chu, áp xe răng và viêm tủy răng.

Chảy mủ chân răng
Chảy mủ chân răng có nguy hiểm không?

Các bệnh lý này không chỉ gây đau nhức mà còn khiến tủy răng, chân răng bị hư hại nghiêm trọng và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn. Nếu không xử lý đúng cách, bệnh không chỉ gây mất răng mà còn làm hư hại các răng lân cận và tăng nguy cơ phát triển các vấn đề nha khoa khác.

Bên cạnh các biến chứng kể trên, chảy mủ chân răng còn ảnh hưởng đến ngoại hình và hoạt động giao tiếp. Hơn nữa, chân răng bị chảy mủ còn gây đau nhức, khó khăn khi ăn uống, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và suy nhược.

Cần làm gì khi bị chảy mủ chân răng?

Chảy mủ chân răng là triệu chứng nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng này, bạn cần:

1. Chủ động thăm khám

Ngay khi nhận thấy chân răng và nướu chảy mủ, bạn nên tìm gặp bác sĩ Nha khoa. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể và xem xét tiền sử bệnh lý (từng mắc bệnh viêm nướu răng, sâu răng,…).

Chảy mủ chân răng
Chẩn đoán chảy mủ chân răng dựa vào thăm khám thực thể, chụp X-Quang, đo độ sâu rãnh nướu,…

Sau đó bạn cần thực hiện một số chẩn đoán như:

  • Chụp X-Quang: Chụp X-Quang được thực hiện nhằm quan sát biểu hiện của chân răng, cung hàm và ổ mủ. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ Nha khoa có thể xác định được mức độ thương tổn của chân răng và kích thước của ổ áp xe.
  • Đo độ sâu giữa rãnh nướu và răng: Viêm nha chu thường gây ra tình trạng tụt lợi khiến cho chiều dài giữa răng và rãnh nướu tăng lên. Nếu kích thước đo được nhiều hơn 3mm, chảy mủ chân răng có thể được xác định là bệnh nha chu.

2. Điều trị cụ thể

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bạn cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị như sau.

Biện pháp điều trị đối với bệnh nha chu gây chảy mủ chân răng:

  • Dùng thuốc: Sử dụng kháng sinh beta-lactam và macrolid để ức chế vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan rộng. Kết hợp với sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm nhằm cải thiện triệu chứng.
  • Cạo vôi răng: Để giảm kích thích lên mô nướu, nha sĩ có thể chỉ định biện pháp cạo vôi răng. Trong quá trình loại bỏ vôi răng tích tụ, nha sĩ sẽ tiến hành loại bỏ ổ mủ ở chân răng. Đồng thời sử dụng laser hoặc sóng siêu âm để làm sạch vi khuẩn.
  • Bọc răng: Với những trường hợp viêm nha chu gây suy yếu chân răng khiến răng lỏng lẻo, biện pháp bọc răng thường được áp dụng nhằm bảo vệ chân răng, phục hồi chức năng nhai và thẩm mỹ.
  • Can thiệp phẫu thuật: Ngoài ra, bạn có thể can thiệp phẫu thuật nạo túi nha chu, ghép xương và ghép mô mềm trong những trường hợp cần thiết.
  • Nhổ răng: Nếu nhiễm trùng gây hư hại chân răng nghiêm trọng và không còn khả năng hồi phục, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng để tránh lây lan nhiễm trùng sang răng và các mô nướu lân cận.

Điều trị áp xe răng gây chảy mủ chân răng:

Chảy mủ chân răng
Nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát, bạn có thể dùng kháng sinh sau khi trích rạch mủ
  • Rạch tháo mủ: Cần tiến hành rạch và dẫn lưu mủ trong thời gian sớm nhất. Nếu không xử lý kịp thời, túi mủ có thể bị vỡ, gây viêm nhiễm lan rộng và tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
  • Nhổ răng: Nhổ răng được thực hiện khi hình ảnh X-Quang cho thấy chân răng bị tổn thương nghiêm trọng và không còn khả năng phục hồi.
  • Dùng thuốc: Sử dụng kháng sinh nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể và giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát.

Các phương pháp điều trị viêm tủy răng:

  • Rút tủy răng: Để tránh viêm nhiễm ở tủy gây nhiễm trùng nha chu và hình thành ổ áp xe, bác sĩ sẽ tiến hành rút tủy. Sau đó trám tủy và ổ sâu răng (nếu có) bằng vật liệu nhân tạo. Răng sau khi rút tủy thường giòn và dễ suy yếu, vì vậy bạn có thể cân nhắc bọc răng khi cần thiết.
  • Nhổ răng: Trong trường hợp viêm tủy gây hư hại chân răng hoàn toàn, bạn buộc phải nhổ bỏ răng để tránh gây hư hại nha chu và răng ở các vị trí lân cận.

Thông tin về phương pháp điều trị các bệnh lý gây chảy mủ chân răng chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn và đề xuất biện pháp điều trị phù hợp, bạn nên trao đổi trực tiếp với nha sĩ.

Các biện pháp ngăn ngừa chảy mủ chân răng tái phát

Các bệnh lý nha khoa gây chảy mủ chân răng như viêm tủy răng, viêm nha chu và áp xe răng đều có nguy cơ tái phát cao – đặc biệt là ở người có chế độ vệ sinh răng miệng kém và hệ miễn dịch suy yếu.

Chảy mủ chân răng
Để phòng ngừa chảy mủ chân răng tái phát, cần vệ sinh răng miệng đúng cách

Do đó bạn nên phòng ngừa tái phát với các biện pháp sau:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày với kem đánh răng chứa canxi và fluoride. Nên sử dụng phối hợp với chỉ nha khoa và nước súc miệng diệt khuẩn để làm sạch mảng bám ở kẽ răng.
  • Chỉ nên dùng bàn chải trong 2 – 3 tháng. Sử dụng bàn chải hơn thời gian quy định có thể khiến vi khuẩn tích tụ và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và nước ngọt có gas.
  • Thường xuyên cạo vôi răng và thăm khám nha khoa để kiểm tra sức khỏe răng miệng và kịp thời phát hiện các vấn đề nha khoa.
  • Không dùng răng cắn bao bì và vật dụng cứng.
  • Tránh hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.
  • Một số loại thuốc có thể làm giảm bài tiết nước bọt và tăng nguy cơ sâu răng. Vì vậy trong thời gian dùng các loại thuốc này, bạn nên uống nhiều nước và vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng.

Chảy mủ chân răng là biểu hiện của các vấn đề nha khoa nghiêm trọng, có thể gây mất răng vĩnh viễn và tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Vì vậy khi phát sinh các dấu hiệu khác thường, cần tránh tình trạng chủ quan và lơ là. Thay vào đó nên chủ động tìm gặp nha sĩ để được xử lý trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm: Chảy máu chân răng là bệnh gì? Cách điều trị hiệu quả

Ngày Cập nhật 14/08/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *